Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Thứ Hai, 10 tháng 10, 2022

CHỢ XƯA MIỀN THƯỢNG *Nguyễn Hàng Tình

 

 
Đã chia sẻ với Công khai
Công khai
Bản Đôn (DakLak) là vùng đất giao thương đầu tiên, lâu đời và duy nhất trên miền Thượng ở Đông Dương, trước khi người Pháp có mặt và đặt cơ sở hành chính vào cuối thế kỷ 19.
CHỢ XƯA MIỀN THƯỢNG
*Nguyễn Hàng Tình
Vùng đất này trở thành nơi giao thương bởi thời đó đây là địa bàn tập trung việc giao lưu, bán buôn nông-lâm-thổ sản, muối, cá… đặc biệt, đây là nơi mua bán voi duy nhất trên lãnh thổ, với sự tụ hội săn bắt, thuần dưỡng và cộng sinh thuận hòa của người M'nông, Lào, Xiêm (Thái Lan ngày nay), Ê Đê, Jrai, Khơ-me, Chăm…
***
Điền dã thực tế và điều nghiên tư liệu cho thấy, thời đó các sắc dân bộ tộc bán khai ở đây thường giao thương bằng voi và thuyền. Mà đoạn hạ lưu của con sông Sêrêpôk này là vùng sông nước rộng, thuận tiện cho đường thủy và hoạt động rất sôi động. Sông Sêrêpôk là con sông lớn chảy từ nóc nhà Đông Dương (Tây Nguyên), nhưng nó đổ nước ra con sông lớn hơn là Mê Kông ở phía bên kia, địa phận nước Lào, nghĩa là chảy ngược về phía Tây.
Chính vì vậy mà cộng đồng ở đây hình thành nên một đặc trưng riêng, không lẫn vào đâu khác ở Đông Dương chứ đừng nói trên lãnh thổ Việt Nam (ngày nay). Đặc trưng đó thể hiện qua kiến trúc và đọng lại ở kiến trúc cho đến ngày nay. Thứ kiến trúc mang cái tình của sơn nguyên, thảo mộc lồng trong cái tâm hồn, văn hóa bên trong của người Lào, người MNông, người Jrai, người Ê Đê. Giao thoa đến mức người Ê Đê-cộng đồng bản địa đông nhất ở cao nguyên Đak Lak-khi đến đây không còn thấy rõ tinh thần Ê Đê của mình nữa. Nhà vẫn nhà sàn, nhà dài nhưng chiều cao hình khối, hình thái kiến trúc, mái, cửa chính, cửa phụ, đến chiếc cầu thang lên xuống cũng khác ở các làng, bon, buôn Ê Đê, Jrai, Mnông khác. Ngay các hình tượng, hoa văn điểm xuyến trên kiến trúc cũng thể hiện riêng biệt, kết tụ hồn của cả Lào, MNông, Ê Đê. Điều thú vị là bản sắc này hình thành tự nhiên, qua sự chung sống, tương tác của cư dân suốt mấy trăm năm nay chứ không phải từ một chủ trương, định hướng nào cả. Nó là một thứ kiến trúc trao đổi chất, dân gian, truyền thống, mà ta có thể gọi là “Kiến trúc Bản Đôn”. Theo tiếng Lào, “Bản Đôn” (Buôn Đôn) nghĩa là Làng Cù Lao, mà như đã nói nơi đây là hạ lưu sông Sêrêpôk nên dòng sông rộng ra, chảy qua vùng rừng đa dạng sinh cảnh và đã tách thành nhiều nhánh nhỏ cùng chảy, hình thành nên nhiều cù lao nổi giữa dòng sông.
Đặc sắc hơn, khi vùng này chính là trung tâm săn bắt và thuần dưỡng voi rừng lớn nhất Đông Nam Á. Rừng ở vùng này là hệ rừng khộp trên đất cát pha-không gian sinh tồn thích hợp nhất của loài voi. Và kiểu rừng này rất mênh mông, trải dài từ đây qua khu vực Đông Nam của Lào lẫn Tây Bắc Campuchia. Đến mức không chỉ kiến trúc, mà cuộc sống ở đây mọi thứ đều có hơi thở của voi, bóng dáng của voi. Voi thành biểu tượng, vật thiêng của vùng Bản Đôn. Khi Đak Lak và Tây Nguyên chưa xuất hiện dân nhập cư nhiều, xứ sở chưa bị xáo trộn, rừng còn nhiều, không gian sống của loài voi còn bao la, thì nhà nào cũng có voi. Cư dân bản địa coi voi như bạn, thành viên của gia đình và là một thứ tài sản. Gia đình nào cũng có người biết săn voi, cả xứ sở là một trung tâm săn bắt, thuần dưỡng voi. Và cái “chợ” voi lớn nhất Đông Dương từng hình thành ở đây. Các nhà thuộc địa Pháp từng ngạc nhiên trước điều này và viết, chụp ảnh để lại nhiều trong các công trình điền dã, khảo cứu về Tây Nguyên.
Cũng trong quá khứ, vua quan các nước lân cận còn qua tận đây mua voi. Chính voi đã là “sứ giả”, cầu nối cho các mối bang giao giữa các xứ rừng núi trải dài từ trung lưu sông Sêrêpôk đến Thái Lan, Miến Điện (Myanmar ngày nay). Và người chủ săn voi giỏi như huyền thoại, lừng danh xứ sở là Y Thu Knul từng tặng cho Vua Xiêm một con voi trắng-giống voi quý hiếm nhất. Hào danh “Khun Junop” (tiếng Thái là “Chiến sĩ dũng cảm”) của Y Thu Knul vẫn sừng sững cho đến giờ là do Vua Xiêm phong tặng trong quá khứ mù xa đó. Còn Lào trở thành xứ “Vạn tượng” (ngàn voi) cũng có sự tiếp sức quan trọng từ vùng săn voi này, nơi cung cấp nguồn voi đáng kể. Nếu có một thứ “di sản” liên quan đến voi, thể hiện đầy đủ nhất về “Văn hóa voi” thì trên lãnh thổ Việt Nam, thậm chí Đông Nam Á chỉ có thể tìm thấy ở đây. Chỉ có điều Việt Nam ngày nay đã không biết khuếch trương giá trị đó.
Giờ đây, dù rừng đã biến mất nhiều, hoạt động săn bắt voi bị cấm, nhưng Bản Đôn vẫn cứ là nơi còn nhiều voi rừng và voi nhà nhất, tuy không dày đặc và sục sôi như xưa.
***
Nên nhớ, trên cao nguyên Đak Lak, nơi được chọn để đặt trung tâm hành chính đầu tiên không phải là Ban Mê Thuột mà là Ban Đôn (năm 1899). Dĩ nhiên quyết định của Paul Doumer-Toàn quyền Đông Dương-rất hợp lý ở thời điểm đó, bởi chẳng đâu khác ngoài Ban Đôn có sự tụ hội con người sẵn và sôi động như thế giữa một thế giới rừng núi nhiệt đới. Vì tính đậm đặc và nội lực hẳn rất thâm hậu của các bon, bản, buôn, plei (làng)… ở quanh các cánh rừng, ven con sông Sêrêpôk mà hiện nó vẫn còn đậm hình ảnh xưa, thứ không gian sống của người sơn cước miền rừng khộp nhiệt đới và sông suối ban sơ. Bản, buôn, bon, plei trật tự theo các con đường làng; nhà cửa chan hòa dưới bóng cây dầu, me, cà chít, căm xe thuộc hệ rừng khộp, và dưới cái nóng chói chang tàn khốc của thời tiết “miền hạ Lào”. Nhà với nhà cách lưa thưa, để kiến trúc được thở, các “tổ người” được độc lập, được thở, nhưng không ngăn cách, vì hiếm thấy bóng hàng rào. Khoảng cách giữa mặt đất và sàn nhà cũng khá rộng cho thoáng mát, và công năng của nó là có thể trở thành nơi để máy cày, xe công nông, mở quán cà phê, và… treo võng ngủ. Với cư dân tâm trí còn hướng về thiên nhiên để sống, thì từ lời ăn tiếng nói, sinh hoạt, lề lối, ứng xử của họ bao giờ chả bám vào thảo mộc, “tính rừng”, sự đơn giản, an lành và êm ái chứ. Bản sắc đặc quánh “Bản Đôn” đó còn hiển hiện không chỉ qua kiến trúc, mà ngay lề thói, phong tục, văn hóa gốc của sắc tộc MNông, Lào, Ê Đê, Jrai của ngày xa xưa kia vẫn cơ bản còn “sống”. Ngay người Lào, khi nhập cư vào đây đã đặt tên, mang họ theo kiểu người Ê Đê, MNông hết. Và cấu trúc xã hội cũng nghiên về phía mẫu hệ, các lễ hội dân gian xưa, việc sử dụng cồng chiêng làm nhạc cụ chính cho đời sống sinh hoạt, và kể cả cái chết-vẫn làm nhà mồ và điêu khắc tượng gỗ tặng người chết để người chết an vui ở cõi khác. Họ hấp thụ qua lại văn hóa của nhau. Và thú vị hơn, kiểu kiến trúc xứ voi Bản Đôn còn ảnh hưởng đến các làng, bon, buôn, plei ở xa, với nhiều làng cố làm nhà ở cho giống người ở Bản Đôn.
Sự nguyên vẹn còn tương đối của nó cho ta sự ý vị về một kiểu không gian sống mà chúng ta đã từng trải qua (và sau đó miệt mài trong xã hội đô thị, với phân lô, cao tầng, bê tông, tường rào, và chợ búa đồng bằng-không thuộc rừng), hoặc không thể có được.
***
Người bản địa Tây Nguyên chỉ có văn hóa nhẹ nhàng hướng vào thiên nhiên, với ý thức thời gian, vũ trụ, những kỳ nghỉ ngơi, lễ hội theo mùa màng, tiết trời, cỏ cây trên chính xứ sở họ, từ chính mình. Nghĩa là trong họ không có “12 con giáp”, và voi chả phải nằm trong cái gọi là “Thập nhị chi” (12 con giáp) kia. Nhưng con voi với tư cách là động vật quan trọng nhất của miền nhiệt đới, loài to lớn thông minh và tử tế nhất (chỉ ăn thực vật và không bắt nạt loài nào) trên mặt đất thì nó đã bao trùm lên mọi loài, mà xứ Bản Đôn đã chứa trọn vẹn tinh thần của nó rồi.
Nguyễn Hàng Tình
* Trích trên nguồn http://www.baogialai.com.vn/
Có thể là hình ảnh về một hoặc nhiều người, mọi người đang đứng và ngoài trời
Nguyên Lê, Ly Trinh và 133 người khác
19 bình luận
15 lượt chia sẻ
Thích
Bình luận
Chia sẻ

19 bình luận

Phù hợp nhất

  • Ly Trinh
    Cảm ơn tác giả và a. Xứ Thượng nha
  • Có thể là hình ảnh về 1 người và văn bản
    2
  • Tống Mỹ Linh
    Qua bài viết của anh .Em thấy mình sống lại ký ức những năm 80 đã từng vào đây cưa củi đốt than .cưa cây xẻ ván và những buổi tối say trong men rượu cần
  • Mẫn Phong Sơn
    Cám ơn anh đã chia sẻ bài
  • Nguyễn Bước BD
    Thập niên 80 tui đã từng đến (theo đoàn khai thác gỗ) lúc ấy còn kiến trúc ngôi nhà người Lào rất đẹp, ra những khu rừng không xa lắm bạn sẽ ngạc nhiên khi bắt gặp voi nhà sống tự nhiên giữa rừng (theo nhận diện của dân bản địa). Ban đêm nghe nai kêu mễn tác là điều rất bình thường.
    Năm 2016 quay lại không còn nhận ra gì mà ký ức đã thu thập.
  • Uyen Lan
    Cảm ơn anh Xứ Thượng và tác giả bài viết! Rất thích bài viết này!
    2
  • Mai Le
    Có những bài viết hay tìm hiểu thêm kiến thức về một nơi mình đã sống thật hay , cám ơn Xứ Thượng đã đưa bạn bè trở về một thời để nhớ !
    • Xứ Thượng
      Mai Le Dạ, Chị! Một thời của đại ngàn với muôn thú... Giờ rừng đã thu hẹp dần... voi đàn cũng không còn!
  • Đinh Thị Thơ
    Cảm ơn anh X T...bài viết hay quá..
    2
  • Hien Nguyen
    Tôi và cao Bính vào Ea Soup thường ở lại BĐ bài viết thuộc loại nghiên cíu xhcn tuy rất hay nhưng chưa đủ BĐ có mộ vua Lào, 1960 Dân bản đôn hiến tặng Ngô Tỏng Thống con voi trắng lễ rữa chân TT và dâng với trắng diễn ra tại ngã sáu BMT
    3
  • Pham Nguyen
    Đọc bài viết này nhớ quá ngày xưa. Em có lần được đi với bố hồi đó gọi là đi Băng Đôn
  • Trunglap Lê
    Có lên Tây Nguyên mới biết nước chảy về Tây (Tây Trường Sơn)
  • Cánh Chim Tự Do
    Cuối năm 1962 (hay đầu năm 1963?), người Thượng ở Ban mê thuột có bắt được một con voi trắng, sau đó họ đã cùng với chính quyền địa phương tổ chức Lễ dâng Bạch tương lên Tổng thống Ngô đình Diệm, với khán đài được dựng lên ngay tại bùng binh (Ngã sáu ngày nay).
    Con voi trắng coi bộ còn nhỏ tuổi, được giữ trong cái nhà làm bằng những cây tre đốt vàng óng rất đẹp, và trong buổi lễ, có lễ rửa chân cho Tổng thống do một già làng người Thượng làm.
    Những người lớn tuổi, ở BMT lâu năm, chắc còn nhớ sự kiện nầy.
    Không biết sau biết bao nhiêu biến cố, con Bạch tượng năm xưa đã trôi dạt về đâu ?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét