Nghe nhắc đến tên Ban Mê... là nghe thân thuộc thương nhớ làm sao... (Hình ảnh đôi bạn Trâm Anh và Minh Chánh học năm lớp 7)
NGƯỜI BẠN TUỔI THƠ
*Trâm Anh
Mãi đến năm 2018, tình cờ qua facebook tôi gặp lại người bạn học thời thơ ấu - Lê thị Minh Chánh sau 44 năm bặt tin nhau. Bạn ở cách tôi nửa vòng trái đất. Những kỷ niệm rất xa xưa của tuổi học trò lại ùa về trong tâm trí tôi thuở cùng chung lớp, chung trường…
Trong hai năm đầu của bậc trung học, chúng tôi ngồi cạnh nhau. Chánh có mái tóc bum bê ôm gọn khuôn mặt tròn bầu bĩnh, và giọng Huế rất nhẹ nhàng, đó là đặc điểm tôi còn nhớ mãi nơi người bạn học cũ.
Chánh cũng nhút nhát giống tôi, giờ ra chơi chẳng dám đi đâu. Cả hai chỉ đứng trước cửa lớp nhìn các bạn cùng lớp hoặc khác lớp cũng như các anh chị lớp trên tới lui quanh sân trường. Thậm chí chúng tôi cũng chẳng bao giờ ghé đến quán nước ngay góc trái trường để mua nước hay các món ăn vặt. Ngược lại vừa đứng nói chuyện, chúng tôi vừa phải đề phòng vì chỉ cần sơ hở thì các bạn tinh nghịch sẽ cột đuôi áo dài vào nhau. Chuông reo vào lớp mà bước vội thì có mà rách áo. Tôi đã chứng kiến nhiều bạn bị như thế nên rất sợ. Chưa kể là tôi còn nghe nhiều tiếng cười vang hoặc tiếng vỗ tay reo hò từ các bạn khác nữa kìa. Học trò thường hay nghĩ ra trò nghịch ngợm cột áo dài hoặc là dán một mảnh giấy viết gì đó ra sau lưng của bạn mình. Ai đã đặt ra câu ví “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò” sao mà đúng quá vậy nhỉ?
Đã từng đến nhà nhau chơi vào những ngày chủ nhật nên tôi không quên được căn nhà của gia đình Chánh thuở đó. Nằm trong khu đất của trường Cao đẳng Sư Phạm và gần phi trường L19, căn nhà trông có vẻ biệt lập nhưng lại rất êm ả. Ba của Chánh là hiệu trưởng của ngôi trường này. Chánh là con út trong một gia đình có 7 anh em, và một trong những anh trai của Chánh là anh Hưng, bạn học cùng lớp với anh Tuấn-anh họ của tôi. Mùa hè năm 1974, ba của Chánh về hưu và đưa cả gia đình chuyển về Đà Nẵng, rời xa miền cao nguyên đất đỏ Ban Mê Thuột, thế là chúng tôi bặt tin luôn kể từ ngày ấy.
Ngày gặp lại nhau qua trang mạng, Chánh kể tôi nghe: Năm 1979, bạn thi đậu vào trường Đại học Quy Nhơn và theo học ban Văn. 4 năm sau ngày tốt nghiệp Đại học, Chánh lập gia đình với người bạn cùng lớp, cùng ngành. Thoạt đầu bạn nhận nhiệm sở tại quê chồng là một thị trấn nhỏ ở Bình Định. Là con gái út trong gia đình, được cưng chiều từ nhỏ, chuyện bếp núc đã có mẹ lo hết, Chánh không phải đụng tay đến mà chỉ chuyên tâm học hành thôi. Nay về làm dâu tại miền quê bên chồng thì chuyện nấu ăn là một việc phải làm. Cực nhất là nấu cơm bằng rơm rạ chứ không phải bằng than hay củi như ở thành phố, nhất là trong thời bao cấp! Rơm cháy thật nhanh chưa kịp nấu nướng gì thì đã tắt ngúm, đưa tiếp bó rơm khác vào chưa kịp bén lửa thì khói um đầy bếp. Thế là nước mắt, nước mũi tèm lem, mồ hôi mồ kê nhễ nhại, nhọ nồi dính đầy mặt, tay đầy dầu mỡ…Nấu xong một bữa ăn thì quá mệt và chẳng muốn ăn cơm nữa. Chánh kể đến đâu tôi hình dung ra đến đấy: Bởi vì những năm học cấp 3, lứa học sinh chúng tôi cũng đã có nhiều đợt lao động tập trung bắt buộc (có tính điểm như một môn học) kéo dài hơn một tuần tại vùng lau sậy ở Buôn Trấp (Ban Mê Thuột) và phải nhóm bếp nấu cơm bằng lau sậy nên cũng “giàn giụa” nước mắt như thế. Cho đến khi chồng của Chánh được chuyển về dạy tại một trường chuyên của tỉnh thì bạn mới nghỉ dạy và theo chồng về Quy Nhơn sinh sống kể từ ngày đó. Đúng như câu người xưa thường hay ví von: Thuyền theo lái, gái theo chồng. Giai đoạn đó lương giáo viên rất thấp không đủ nuôi con nhưng rồi với tài vun vén khéo léo của Chánh mọi chuyện cũng đâu vào đó. Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm là thế.
Bây giờ hai con trai đã khôn lớn, thành tài và thành nhân, vợ chồng Chánh đã lên chức ông bà nội từ lâu. Mấy năm nay, hai vợ chồng Chánh dành thời gian đi du lịch đó đây, trong cũng như ngoài nước.
Một điều bất ngờ nữa là con trai đầu lòng của Chánh lại lập gia đình và an cư lạc nghiệp ngay tại Ban Mê Thuột. Đó là cơ hội cho Chánh vừa lên thăm con cháu vừa thăm lại chốn xưa dù không tìm thấy sự thanh bình như thời thơ ấu nữa.
Tôi đã giới thiệu với Chánh trang mạng của lớp. Chánh đã nối sợi dây liên lạc với các bạn và lần đầu tiên Chánh có mặt trong buổi họp mặt hằng năm của lớp vào tháng 3/2019 tại Ban Mê Thuột. Ngay sau ngày họp mặt, nhìn những tấm hình và đọc những dòng tin nhắn của Chánh, tôi đã hình dung ra niềm vui của bạn mình như thế nào: 45 năm trôi qua hẳn Chánh không thể ngờ có ngày gặp lại các bạn học cũ ở tuổi về hưu. Chánh nhắc tên những người bạn, ai còn, ai mất, ai có mặt trong ngày hôm đó. Cuộc đời với bao nhiêu thăng trầm thay đổi, mặc dù mỗi người mỗi hoàn cảnh nhưng những suy nghĩ về nhau rất chân tình, chỉ nhớ về những kỷ niệm vui buồn, nghịch ngợm thời thơ ấu…
Chúng tôi đã hứa hẹn sẽ gặp lại nhau trong lần tới tôi về Việt Nam, gặp tại đâu: Sài Gòn? Ban Mê Thuột? Quy Nhơn? chuyện đó sẽ tính sau. Trước mắt, chúng tôi dùng mạng ảo để trò chuyện, cùng ôn lại những kỷ niệm xưa, chia sẻ với nhau những câu chuyện giữa đời thường, gửi cho nhau những hình ảnh đón giao thừa…
Gần đây nhất, Chánh viết cho tôi “Hãy giữ gìn những tình cảm vốn có của chúng mình, thời gian còn lại của một đời người không còn dài vì bọn mình đã bước qua bên kia con dốc của cuộc đời…” Quả đúng như vậy, đoạn đường đời của chúng tôi nói riêng đang dần dần thu ngắn lại. Tôn trọng lẫn nhau luôn là một trong những yếu tố để giữ được tình bạn của chúng tôi tốt đẹp, lâu bền cho đến cuối cuộc đời.
Nguyễn Vũ Trâm-Anh
10/2019
*Trích nguồn http://www.ninh-hoa.com/TramAnh-NguoiBanTuoiTho.htm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét