Một thời thơ ấu... Khi sinh hoạt đoàn thể rất quen với bài ca Con Cóc vui nhộn này... (https://www.youtube.com/watch?v=Uqo0vy3CLUg)
RA ĐÂY MÀ XEM
*Phạm Hoài Nhân
Ra đây mà xem
Con gì nó ngồi trong hang
Nó đưa cái lưng ra ngoài
Ấy là con cóc
Con cóc nó ngồi trong hóc
Nó đưa cái lưng ra ngoài
Ấy là cóc con!
Hồi đó con nít đứa nào cũng biết bài này, kể cả... tui. Chẳng những thuộc lòng mà còn chế ra lời bậy bạ để hát nữa:
Ra đây mà xem
Con gì nó ngồi nó đái
Nó đưa cái mông ra ngoài
Ấy là con gái
Con gái nó ngồi nó đái
Nó đưa cái mông ra ngoài
Ấy là con gái hư!
Sau này, tui tò mò muốn biết xuất xứ khúc đồng dao vui vẻ này là đâu. Ban đầu, tui nghĩ nó là một bài nhạc Pháp nào đó như "Kìa con bướm vàng, kìa con bướm vàng.. Xòe đôi cánh, xòe đôi cánh..." hay "Ò è Rô-be đánh đu - Tạc-zăng nhảy dù..." Té ra không phải, khúc hát này lấy từ một... bài bản cải lương, mang tên Lạc âm thiều. Như chúng ta nghe trong clip này (https://www.youtube.com/watch?v=Uqo0vy3CLUg)
Như hàng trăm bài bản cải lương khác, được các soạn giả đặt lời và đưa vào những tình huống phù hợp trong vở tuồng, chắc hẳn các bạn cũng như tui đã từng nghe khi coi cải lương (nhứt là cải lương Hồ quảng) mà không để ý rằng cái bài Con cóc cũng xuất phát từ đó mà ra.
Được sử dụng nhiều trong cải lương Hồ quảng, ắt hẳn gốc gác xa hơn nữa của Lạc âm thiều là nhạc Hoa rồi. Thế nhưng ngộ thay, nếu truy tìm sẽ thấy khúc điệu này đã từng được sử dụng khá nhiều, không phải trong tuồng cải lương. Chẳng hạn như từng được đặt lời thành một bài hát giáo dục dành cho thiếu nhi, mang tựa đề Anh hùng xưa.
Anh hùng xưa
Nhớ thời là thời niên thiếu
Dấy binh lấy lau làm cờ
Quên mình là người giúp nước
Hết sức giữ gìn đất nước
Khắp nơi thoát cơn nguy nàn
Nghìn thu lừng danh đất Bắc
Sứ quân khắp nơi kinh hoàng
Tiếng lừng nước Nam
Nếu bài Anh hùng xưa là hát về Đinh Bộ Lĩnh thì lại còn có một lời khác cho khúc ca này, nói về Hai Bà Trưng:
Hai Bà Trưng,
Thấy lòng là lòng đau đớn,
Xót xa nước Nam điêu tàn,
Thù chồng cùng đền nợ nước.
Hết sức giữ gìn đất nước.
Quyết tâm quét tan quân thù,
Chàng Tô là Tô khiếp vía!
Phá tan sáu mươi lăm thành,
Đất trời lưu danh.
Bài Anh hùng xưa cũng đã rất phổ biến ít nhất là từ đầu thập niên 1950. Hồi đó ngoài Bắc có bản chế là Anh hùng rơm như vầy (do một số bác di cư năm 1954 hát lại):
Anh hùng rơm
Nhớ thời là thời bưng điếu
Lỡ tay đánh rơi điếu liền
Không tiền mà đền cái điếu
Nó đánh cái đầu sưng vếu
Nó đánh cái đầu sưng vếu
Ngồi khóc hu hu
Riêng lời ca "Con cóc" ở trên, theo nhiều người, là do ông Hoàng Đạo Thúy (1900 - 1964) - người sáng lập hướng đạo Việt Nam - đặt lời dựa theo điệu Lạc âm thiều để làm nhạc sinh hoạt vui vẻ ở thời buổi ban đầu của hướng đạo Việt Nam, chưa có nhiều nhạc sinh hoạt. Ngoài lời 1 là con cóc, còn có lời 2, lời 3 là con khỉ, con chó... như chúng ta có thể nghe được ở video trên. Có lẽ chính nhờ là nhạc hướng đạo mà bài hát này trở thành quen thuộc với mọi người suốt mấy chục năm qua, khiến người ta không còn biết xuất xứ của nó là đâu nữa.
Tôi không rành về cổ nhạc, nhưng thấy trên web người ta có ký âm bài Lạc âm thiều 9 câu như vầy nên copy và đăng lại cho mọi người coi thử:
Lạc âm thiều
1/ U liu u xáng cồng xề cồng liu u
2/ Ú liu ú liu cộng xề
3/ Cống xê xàng xê cống
4/ Cống xê xàng xê cống
5/ Xê cống xê xang xừ
6/ Xê xang xừ xang cống
7/ Xê cống xê xang xừ
8/ Liu liu u liu cồng liu u
9/Xáng u liu u liu cồng liu u.
PHẠM HOÀI NHÂN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét