Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Chủ Nhật, 12 tháng 6, 2022

CỔ TÍCH Ở “XÓM ĐĨ” DỐC DÙ *Nguyễn Đức Hiển

 

Người tốt vẫn ở xung quanh ta... Bút ký ghi lại đầy tính nhân văn!
CỔ TÍCH Ở “XÓM ĐĨ” DỐC DÙ
*Nguyễn Đức Hiển
Gọi là xóm, kỳ thực đó là những căn chòi lá buông nằm ven quốc lộ, giữa vạt rừng thưa. Phía tây giáp núi và đường xe lửa, phía đông giáp biển. Cả xóm nhìn mặt ra đường để mưu sinh. Con nít bán san hô, thanh niên đào cây cảnh, lên rừng đốt than và hái phong lan còn đàn bà bán dâm cho cánh xe tải dường dài. Cái tên Dốc Dù có từ thời chiến tranh, khi gần đấy có chỗ đóng quân của một tiểu đoàn dù. Sau này, “dù” lại là từ dùng để chỉ lượt đi khách của chị em. Cái tên, vì vậy khi nào cũng đúng nghĩa.
Ban đầu là vài người đàn bà từ các vùng kinh tế mới bỏ về đây vì nghèo cực. Chồng họ hoặc chết trong chiến tranh, hoặc chết sốt rét, hoặc vượt biên trong những ngày hỗn loạn, hoặc nghèo quá nên bỏ con cho vợ rồi lang bạt tìm người khác hay tìm kế sinh nhai cho bản thân. Không nghề, không tiền nhưng phải nuôi con, những người đàn bà ấy dựng tạm mái chòi, sắp ra một cái bàn nhỏ bán kẹo, bán nước, đêm về thêm mấy chai bia và hột vịt lộn. Những ánh đèn dầu leo lét và bóng người đàn bà mệt mỏi ngồi bên đường đã trở thành hình ảnh quen thuộc của khách dọc đường thiên lý. Một vài chiếc xe tải ghé lại chở than hoặc dừng cho tài xế chợp mắt, cũng có khi bác tài làm chai bia hay xị rượu với cái hột vịt. Thoạt đầu chỉ ghé nghỉ ngơi, giăng võng dưới gầm xe, có người thấy tụi nhóc nhỏ tội nghiệp cho khi thì hộp bánh, khi ít gạo, ít tiền.
Vắng chồng, những người đàn bà tưởng khô héo theo từng ngọn gió thổi bốn mùa ấy có khi cũng mềm lòng trước những khách phong trần, những khao khát rất đàn bà trỗi dậy. Những khát khao như than nóng ủ trong đám tro tàn ấy, có khi trước đó chính họ cũng không nhận ra cháy bùng khi gặp gió. Cũng có khi không hẳn là tiền hay là tình, họ muốn có điều gì đó khuấy động cuộc sống vốn quá nghèo khó, nhọc nhằn và đơn điệu. Vì thế sau một đêm vui cho đời bớt nhàm chán, có những đứa trẻ ra đời mà cha nó không hề biết. Vui xong thì đi. Những người đàn bà xóm Dốc Dù cũng không vì vậy mà hờn oán. Vợ chồng còn bỏ được, đây có thề non hẹn biển gì đâu… Họ lại lầm lũi nuôi con và mỗi ngày đêm hướng ra phía mặt đường chờ những ông khách hiếm hoi…
Rồi cái nghèo và sự bế tắc ấy khiến họ thêm nhiều lần tặc lưỡi, thành nghề. Từ vài ba căn lều lá, nó thành xóm. Xe tải ghé tấp nập hơn và những đứa trẻ không cha ra đời ngày một nhiều hơn như những hạt cỏ gió thổi đi gieo nơi này nơi kia. Có nhà ba bốn đứa lít nhít sàn tuổi nhau và không đứa nào có chung cha với đứa nào, như một bầy gà con bên cánh con mẹ xơ xác.
Cư dân Dốc Dù bình đẳng vì đứa con nào cũng không có cha. Những người đàn bà xóm Dốc Dù cũng không mặc cảm với chung quanh, vì ai cũng như mình. Họ bình đẳng bởi cái nghèo, ở xứ không điện, không nước, không nghề, không đất. Và tụi trẻ con thêm một lần bình đẳng là sự thất học. Khi có xe tải ghé đến, tụi nhóc ra khỏi nhà và cái rèm cửa làm bằng vải hồng vải đỏ kéo xuống. Đạo đức là thứ được tạo nên bởi cộng đồng, và đạo đức ở Dốc Dù trở thành thứ yếu khi cơm không đủ ăn.
Xóm toàn chị em làm gái, nhưng không có đánh chửi giành khách, không có ma cô. Mà cũng không đứa nào dám đến đây đòi bảo kê những người đàn bà thừa cay cực nhọc nhằn lẫn khả năng tự vệ. Cuộc tình đổi chác ở đây giá chỉ bằng phần tư ở Phan Rang hay Phan Thiết, đáng gì đâu mà bảo kê. Cái chòi nóng hầm hập với những mảnh trải cáu bẩn, tiếng thở bản năng hòa cùng tiếng gió biển động vào vách núi đã tạo thành thứ âm thanh của cuộc sống lầm lụi và cam chịu.
Rồi những đứa trẻ lớn lên và những người đàn bà già đi. Vẫn không nhà không đất, vẫn căn chòi bên quốc lộ chạy qua rừng thưa và động cát. Những đứa trẻ lặn xuống biển mò san hô bán cho khách qua đường hay lên núi đốt than. Rừng núi đã cằn càng trở nên trọc, người vẫn loanh quanh bế tắc.
Những người đàn bà Dốc Dù một ngày nọ cay đắng khi đứa con gái vừa mới lớn ngồi bán hột vịt lộn thay mẹ, một đêm nọ tắt đèn và lẩn vào vạt rừng sau nhà với một anh tài xế xe tải dường dài. Khóc lóc, mắng mỏ rồi uất hận cuộc đời nhưng sau đó thì bất lực: Má đẻ tui ra má có nuôi được tui hông? Má tốt lành gì hơn tui mà đánh chửi tui! Rồi thêm một thế hệ những đứa trẻ như hạt cỏ hoang lại ra đời. Những thằng trai lớn lên cũng bế tắc rượu chè sau ngày lên rừng, lặn biển. Những chiếc xe chạy ngoài quốc lộ mỗi ngày một sang trọng, hiện đại. Còn những số phận ở Dốc Dù thì đứng yên, cùn đi, héo đi, lem luốc bụi than, bụi cát lẫn bụi đời. Biển vẫn sóng, trời vẫn gió, người vẫn nghèo héo đi như mẹ chúng….
***
Cho đến một ngày của hai mươi năm trước, đầu hè 1995, cuối dốc Dù, gần Bực Lở có một căn chòi mọc lên bên mép biển. Dải đất cằn được vỡ ra. Vợ chồng bà Năm, hai ông bà già hưu trí ở Phan Rang vào đây dựng lên một mái quán nhỏ bán mấy thứ lặt vặt cho khách qua đường, ủ lá cây làm mùn, thuê xe chở phân bò về trộn đất và xây một bể nước to bằng xi măng. Mỗi ngày, sáng và chiều hai ông bà tỉ mẫn trồng những cây dương và chăm tưới. Giữa vùng đất cằn ven biển mấy tháng sau mọc lên một khoảnh rừng dương liễu chắn gió cho căn chòi. Rừng dương vừa cao, bà cất một quán cơm ngay khúc quanh bờ biển. Từ ngày có quán bà, khách du lịch ghé đến. Biển ở đây đẹp tuyệt vời nhưng xưa giờ hông có chỗ trú chân nên khách chỉ dừng chụp ảnh rồi đi. Quán bà Năm nhanh chóng trở thành nơi dừng chân của khách đường xa và dân phượt.
Quán vừa ổn định thì Bà Năm đi đến xóm Dốc Dù, ghé đến từng nhà, hỏi thăm rồi nói với mẹ bọn nhóc: bây coi cho tụi nhỏ đi học chớ để dốt tội nghiệp. Chị em phân bua trường xa quá, mà nhà nghèo không có tiền đóng, cũng thương tụi nhỏ mà không biết phải làm sao. Bà nói thôi để tao tính. Nếu khó quá thì nói tụi nhỏ qua tao, tao dạy cho biết chữ.
Bà đi mua tập vở, bảng và sách rồi về gom được đâu chục đứa con nít, dạy chữ cho chúng. Nhưng bà thầm lo, Dốc Dù có cả trăm đứa trẻ, mình sức đâu mà dạy nổi. Tuổi bảy mươi rồi, không chừng một ngày dạy hai ngày đau ốm thì lại để tụi nó bơ vơ. Cuối tuần đó bà Năm đi Phan Rang, khi quay về, đi theo bà là một cô gái trẻ. Bà nói với tụi nhóc: Đây là cô giáo Oanh, từ nay cô sẽ dạy tụi con!
Oanh trẻ măng, học xong Cao đẳng sư phạm xin mãi chưa có việc làm. Bà Năm nói không chê thì về làm cho bà, bà trả lương ngang lương nhà nước, bao ăn ở sinh hoạt và đóng cả bảo hiểm xã hội cho con. Coi như chỗ lương dành làm vốn. Hông phải phụ quán cơm đâu, nghề của con là cô giáo thì vô làm cho bà cũng là làm cô giáo. Tỉ tê một hồi, Oanh đồng ý về Bực Lở, cuối dốc Dù, ngày ngày chăm nom tụi nhỏ. Có cô giáo, tụi trẻ ngoan hẳn và càng ham học. Chị Bảy, có ba đứa con không cha từ những cuộc tình mua vui bên ngọn đèn bán vịt lộn, kể: “Nhỏ lớn tui chỉ nghe hai đứa nhỏ chửi thề. Cái bữa nó ở nhà bà bà ngoại Năm về, nó vòng tay thưa má con đi học về! tui khóc nguyên ngày đó chú. Nó học dược mấy hột chữ biết thương mẹ hơn, thiệt tui sanh nó ra nhưng không dưỡng được nó nên người. Ơn bà ngoại Năm kể không hết!”
Nhưng rồi tụi nhỏ học hết lớp một, những đứa khác lại xin vào, trong khi đám nhóc bà Năm dạy ngày nào đã lên lớp ba, lớp bốn. Bà Năm lụi cụi đi gặp lãnh đạo xã xin đất dựng trường. Xã nói đất công với đất quốc phòng, hông xây dựng kiên cố được. Bà nói đất để không cho cây bụi mọc hoang, xây cái trường học cho con nít thì ảnh hưởng gì đến quốc phòng. Xã nói khó lắm má Năm, nhưng má đi với tụi con lên huyện.
Huyện mừng còn hơn gì, xưa nay Dốc Dù không có trường, nổi danh Nam Bắc chỉ mỗi đặc sản đi “dù” giá mạt hạng, tụi nhóc để không ai dạy dỗ sẽ hư. Huyện cấp đất bên mép biển, gần quán của của bà. Một phòng học mới ra đởi. Sáng lớp học chia đôi cho lớp một và lớp hai, chiều dạy lớp bốn.
Nhưng lớp ngày càng đông, có mấy đứa nhỏ nói muốn đi học nhưng nhà con ở đầu dốc, nhà bà năm cuối dốc, cách xa bảy tám cây số sao đi nổi? Ờ chuyện đó xưa giờ chưa nghỉ ra. Bà Năm đến hợp tác xã xe khách gặp các chủ xe đò chạy tuyến Phan Rang- Phan Rí. Ai cũng biết bà chủ quán hiền lành tốt bụng nên tất cả gật đầu cái rụp khi bà nói cho tụi nhỏ đi nhờ xe. Bà may cho mỗi đứa hai bộ đồng phục có dấu hiệu riêng, xe chạy ngang thấy tụi nhóc ngoắt tay là dừng lại. Xe chật cỡ nào, tụi nhỏ cũng có một chỗ ngồi. Dân Vĩnh Hảo, Vĩnh Tân xuýt xoa: học miễn phí mà đi học được ngồi ô tô thì chỉ có mấy đứa học trò trường bà ngoại Năm.
Rồi Oanh nghỉ dạy vì hoàn cảnh riêng, bà Năm lại đi kiếm thầy. Bà thuê được một cậu thanh niên chăm vừa đỗ tú tài về dạy cho tụi nhỏ. Rồi bà lên huyện: mấy con giúp cô, tụi nhỏ sắp hết cấp một rồi, giờ hông lẽ để nó dốt, tụi nó còn muốn học nữa. Huyện nói cô Năm yên tâm, tụi con sẽ nói Phòng Giáo dục. Thế là huyện nói với phòng: mấy đứa nhỏ Dốc Dù rõ là không nằm trong chỉ tiêu nào, nhưng sự nghiệp giáo dục là của chung, cô Năm gánh thay phần mình chuyện khó nhất là đưa tụi nhỏ đến trường, bỏ tiền trả lương, xây trường, may đồ và mua sách cho tụi nó. Giờ còn thiếu thủ tục gì thì các anh lo cho tụi nó.
Phòng giáo dục cử người về ra đề thi, tụi con nít học trường bà ngoại Năm đều lên lớp. Lứa học trò đầu tiên vào cấp hai, với xóm đĩ Dốc Dù là một giấc mơ vĩ đại thành hiện thực. Chị Trang, chị Hồng, Chị Dung, Chị Gái, anh Ba hầm than, anh Năm mò ốc biển đã từng nhiều đêm nuốt nước mắt vào trong vì sợ cái dốt đeo đẳng con mình, nay ai nấy đều khóc khi ngày đầu tiên nhìn tụi nhỏ xúng xính đồng phục đến trường. Ngày tụi nhỏ vào lớp 6, bà ngoại Năm cho sách, tập, đóng học phí, cho gạo và còn cho cả tiền. Nói ngay, mấy tháng hè sợ chúng nó lêu lổng sinh hư, bà bắt đến trường ôn bài, cho ăn cơm, rồi phụ bà sắp dọn chén bát và trả lương dàng hoàng, tới cuối hè đem tiền tới cho cha mẹ nó. Cũng hông phải là vừa trả công vừa cho, bà yêu thương nhưng kỷ luật, đứa nào cũng phải siêng năng lễ phép. Nhận đồng tiền do con mình làm ra bằng những ngày hè vừa học vừa làm, những bà mẹ đơn thân xóm Dốc Dù thêm lần nữa khóc.
***
Có vốn, bà Năm bàn với chồng: Dân đây xưa giờ không có nước, đã nghèo mà tiền mua nước mỗi ngày nhiều gần bằng tiền đong gạo. Ông Năm vắt óc nghĩ: đất đây không có mạch ngầm, chỗ có thì trên là đá sỏi, dưới là nước mặn không đào giếng dược. Nghĩ mãi ông nói: Mình à, hồi xưa tui đi kháng chiến, căn cứ đóng bên kia núi, cách cỡ mười cây số, chỗ đó có nước. Bộ đội mình phát hiện ra trên núi ở độ cao 500 mét có một cái hồ nước thiên nhiên cả ngàn khối. Chỗ đó gọi là Sình Bà Bão, tui sẽ đưa nước về.
Nói chuyện này ra, dân đi rừng ai cũng nói ông già điên hay lẩn thẩn. Để tới Sình Bà Bão, thanh niên luồn rừng cũng mất một ngày rưỡi, ông già có khùng hay không đòi dẫn nước từ rừng về biển?
Tuổi bảy mươi, trong 10 năm, ông Năm đã 50 lần luồn rừng tìm đến Sình Bà Bão, ngủ lại và hôm sau tìm đường khác trở về. Cuối cùng 50 lần khảo sát ấy giúp ông mường tượng ra con đường dẫn nước nhờ lợi dụng địa thế và cao độ. Ông Năm nhờ một người bạn kỹ sư thủy lợi giúp mình về kỹ thuật. Họ trải bản đồ, làm sa bàn rồi thiết kế….12 con đập trữ nước thành từng bậc thang xuồng núi, băng rừng. Con đập lớn nhất dài đến hơn 30 mét, vai đập hình thang rộng 6 mét và cao hơn nóc nhà, cỡ gần 5 mét. Tất cả xây bằng đá.
Dẫn được nước về, ở một vùng đất cao gần Vĩnh Hảo - Cà Ná, ông xây một bể chứa dung tích mấy trăm mét khối. Riêng cái bể này, ông bà bỏ ra gần hết gia sản, cỡ mấy trăm cây vàng để xây bể chứa và nhiều cây số đường ống dẫn nước đến từng nhà. Mấy trăm hộ dân mừng khôn tả. Giấc mơ của bao nhiêu đời dân ở đây giờ thành hiện thực bởi một ông gìa. Nếu trước đây ngày ngày họ phải đi nhiều km để chở 40 lít nước bằng đôi thùng bên xe đạp, chỉ đủ để ăn uống còn tắm nhờ nước đọng và nước lợ thì giờ 700 gia đình ở Vĩnh Hảo, Vĩnh Tân (Bình Thuận) và Thương Diêm (Ninh Thuận) có nước ngọt mát lành từ đỉnh núi mà họ chưa từng đặt chân tới, theo đường ống vào tận bếp.
Câu chuyện kéo dài từ 19 năm trước, năm 1996. Lũ trẻ học bà Năm nay nhiều đứa đã ra đời, có nghề nghiệp, việc làm. Sự thất học ở Dốc Dù đã chấm dứt. Chị em người buôn bán nhỏ, người làm công nhân cho công ty muối Vĩnh Hảo, cuộc đời đã thôi nhem nhuốc như xưa. Những cô đĩ bán vịt lộn ngày nào giờ đã có người thành bà ngoại, bà nội ầu ơ ru cháu. Giấc ngủ đã thôi lam lũ, nhọc nhằn. Hàng trăm đứa trẻ, hàng trăm gia đình đã có một diện mạo khác, không phải chỉ để sống lầm lụi với nhau trong tủi nhọc, mà để vươn ra với cuộc đời. Và bây giờ người ta vẫn gọi Dốc Dù, nhưng trước địa danh ấy đã thôi không còn hai chữ Xóm Đĩ.
Nhiều lần tôi ghé quán bà Năm, chắc dễ đến mấy chục lần, bất cứ khi nào về quê hay đi công tác ngang qua, rồi ghé lại xóm Dốc Dù mua lan, mua cây kiểng và nghe chuyện. Tôi đã thấy những đứa trẻ Dốc Dù lớn lên, đã thấy cay đắng tủi nhục trên mặt những người đàn bà Dốc Dù dần phai, dù nét mặt có già theo tuổi tác.
Tết rồi về quê, ghé thăm ông già bạn già của bố tôi ở Phan Rang, chú cháu ngồi lai rai, ông kể chuyện ngày xưa hoạn nạn được vợ chồng bà Năm cứu giúp nên thoát khỏi vụ oan khiên. Bởi Bà Năm khi xưa là Phó Chánh án, còn chồng bà là chủ nhiệm ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy Ninh Thuận. Càng nghe, chắp nối với ký ức 20 năm của dốc Dù, càng thấy đôi vợ chồng già ấy thật…vĩ đại
28 tết , tôi rời quê trở lại Sài Gòn, như mọi khi lại dừng quán bà Năm, nó là quán Biển Vĩnh Hảo nhưng tôi thich gọi quán cô Năm hơn, để ăn sáng. Anh quản lý chạy ra nhận khách quen, hỏi em à cô Năm đang làm gì. Anh nói dạ cô Năm Tốt của con mất hôm kia rồi, sáng nay chôn, quán nghỉ bán.
Bà Năm Tốt đã sống cuộc đời hơn cả cái tên mình. Nếu ở cuộc đời này có cổ tích, thì sự đổi thay của xóm đĩ Dốc Dù chính là cổ tích. Tôi nghĩ thế!
NGUYỄN ĐỨC HIỂN
Có thể là hình ảnh về 3 người, trẻ em, mọi người đang đứng, mọi người đang ngồi và thủy vực
Kim Thịnh Dancer, Nguyen Thai Hai và 98 người khác
18 bình luận
6 lượt chia sẻ
Thích
Bình luận
Chia sẻ

18 bình luận

Phù hợp nhất

  • Đào Duy An
    Tôi, đứa trẻ hoàn toàn là của nền giáo dục sau 1975, là đứa biết chuyện này. Tôi học nhiều từ cái sai cá nhân và cộng đồng. Việt nữ đáng kính!
  • Nguyên Lê
    Bài viết hay quá. Cảm ơn tác giả ,cảm ơn anh Xứ Thượng đã đăng bài.
    Xem thêm 1 phản hồi
  • Trunglap Lê
    Văn như vậy mới là văn! Cảm ơn tác giả, cảm ơn anh XT!
  • Ngô Thuộc
    Hay quá. Câu chuyện đầy nhân văn. Thật đáng trân quý tâm phật của bà Năm.
  • Quang Phung
    Bài viết hay quá-
    Ông bà Năm là “Bồ tát đời thường “ !
  • Lê Thị San
    Cổ tích giữa đời thường.Đáng trân quý.
  • Có thể là hình ảnh về 1 người, đang đứng và văn bản cho biết 'Chấm dứt Chiến Tranh không phải chỉ là việc Mỹ rút quân về là xong! Mà cái giá phải trả cho loại Hoà Bình đấy là ngàn năm tăm tối cho các thế hệ sinh ra tại Việt Nam về sau! Ronald Reagan!'
  • Nguyễn Thị Lê
    Ông bà bụt thân yêu
  • Kim Thịnh Dancer
    Câu chuyện này e đọc mấy lần rồi mà lần nào cũng rất xúc động... ông bà Năm đúng là Thiên Thần.
  • Trần Kim Ngai
    Em đọc vài lần rồi nhưng đọc lại vẫn thấy hay, đâu đó vẫn còn những con người rất đáng kính trọng. Chúc anh buổi tối an lành
  • Hien Nguyen
    Tả thực mà nghe như mơ, tôi vừa đọc tin cảnh sát Đức phá vở đừng giây buôn gái từ VN . Bây giờ nhiều xóm cây dù thành đại công ty xuất khẩu
  • Thành Lưu Thái
    Các quan để làm gì
  • Nhãn dán Manchester United Generic soccer player from the Manchester United team, wearing the team jersey and giving the thumbs up.
  • Bang Nguyen
    Câu chuyện thật cảm động đầy nhân văn. Thật hiếm những con người như thế!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét