Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Thứ Hai, 20 tháng 6, 2022

CHO BAY KỶ NIỆM LÊN TRỜI... *Kiều Văn Hùng

 

Kỷ niệm học trò bao giờ cũng ngọt ngào và chua chua như ô mai, xí muội ... Dẫu cho đến bạc đầu, nhớ lại vẫn thấy dễ thương và chẳng bao giờ có thể quên được thiên đường ấy... (Phạm Như Thương Bmt)
CHO BAY KỶ NIỆM LÊN TRỜI...
*Kiều Văn Hùng
CHS Trung Học Banmêthuột 1960-1968
Lẽ ra tôi đã muốn viết những dòng chữ nầy ngay thời điểm thích hợp, nhưng tôi không muốn những tâm tình dàn trải lại có tính thời sự. Hơn nữa tôi cũng muốn một mình gặm nhấm chúng cho bằng thỏa trước khi kể lể nó ra với mọi người.
Ai cũng có những kỷ niệm riêng tây. Đối với phụ nữ, dường như chúng được cất giấu vào những ngăn riêng. Họ vốn được trời ban cho cái tính ngăn nắp mà! Đôi lúc cố ý hay tình cờ họ chợt thấy tấm ảnh của một thời đã qua, quyển lưu bút ngày xanh với những tấm ảnh cùng những dòng chữ ngô nghê thời nhỏ tuổi. Một lọn tóc được giữ lại thời mới biết điệu đàng, một chiếc lá khô có ý nghĩa riêng nào đó, một cánh phượng tàn, một nhánh lá thuộc bài…Hay “cao cấp” hơn là lá thư tình đầu tiên nhận được nếu họ có gan giữ lại…thì họ nhón lấy được ngay kỷ niệm. (nói nhỏ điều nầy: mỗi “Người đi qua đời tôi” của họ lại được sắp xếp vào những ngăn riêng biệt đấy!)
Riêng với bọn đàn ông thì chúng nó lại nằm trật-tự-trong-cái-lộn-xộn! Cuộc sống với những lo toan cơm áo và men rượu đã làm chúng nhạt nhòa dần đi rồi tan biến hồi nào không hay bởi bản tính vốn hời hợt. Bất chợt nếu có ai hỏi họ còn nhớ thằng A thằng B học chung hồi nẫm không thì vò đầu bóp trán một chút rồi nhăn răng cười trừ với cái lắc đầu thú nhận: Thua! Cũng có người đã thành đạt khi được nhắc lại những người bạn học thuở thiếu thời họ chỉ ậm ừ cho qua chuyện.
Tôi thì lại thích sống với kỷ niệm, nhất là ở lứa tuổi học trò và muốn lưu giữ chúng mãi trong tâm hồn. Tôi nâng niu từng chút một để thỉnh thoảng nhớ về và thấy càng ngày chúng càng sáng lóng lánh. Tôi có cái tật không bỏ được là hể có dịp là lôi chúng ra kể lể cùng mọi người với niềm vui sướng thỏa thuê.
Thời mới lớn, với tôi thì cái “sự chơi” nó quan trọng hơn cái “sự học”. Suốt thời gian bao nhiêu năm trời ngồi trên ghế nhà trường, tôi cũng có nhiều bạn học. Nhưng đa số chỉ là bạn chơi, để gọi là bạn thân chắc chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Học trò con trai ngày xưa có rất nhiều trò chơi và với mỗi độ tuổi ngày càng trưởng thành thì những trò chơi cũng thay đổi theo. Cứ thằng nào cùng một trò chơi ở độ tuổi nào đó thì trở thành bạn của tôi hết nên nó cứ thay đổi xoành xoạch. Khi những Giờ-ra-chơi đã hết thì dường như tôi cũng quên dần đi những người bạn ấy. Tuy nhiên, cũng còn một vài người bạn học vẫn tồn tại chói sáng trong tâm tưởng tôi.
Sáng nay, trong tiết trời lành lạnh và ánh sáng đầu ngày còn chưa kịp ửng hồng những đám mây phía đàng đông, tôi ra đường đi đến tiễn đưa một người bạn chơi thân thiết của tôi lên đường về cõi vĩnh hằng. Trên đường đi, chính cái không gian se lạnh trong bóng đêm mịt mù với chút sương mai xui tôi nhớ về một kỷ niệm đáng giá của tôi với Nó.
Khoảng cuối năm 1963 nghĩa là sau khi có cuộc đảo chánh Tổng Thống Ngô Đình Diệm, không biết vị nào trong Ban Giám Hiệu của Trường Trung Học Banmêthuột có cái “tối kiến” bắt lũ nhóc con trai chúng tôi lúc 5:30 sáng phải tập trung ở khoảng đất trống nằm chen giữa sau lưng Trường Sư Phạm Cao Nguyên và sân tennis của Ty Công Chánh Darlac để…tập thể dục. Úi dào! Suốt ngày bọn tôi có để cho chân tay nằm yên ngơi nghỉ được phút nào đâu mà cần phải tập với tành. Chao ôi! Đang tuổi ăn tuổi ngủ mà phải bò dậy từ lúc 4:30 sáng để bỏ bụng chút gì rồi chạy tới trường tập thể dục quả là một cực hình đối với chúng tôi. Đi trong đêm tối mịt mùng với cái lạnh se sắt những ngày giáp tết của xứ Buồn muôn thuở để làm một việc không thực sự cần thiết vào thời khắc đó khiến trong đầu chợt nảy sinh ý nghĩ bọn chúng tôi giống như bị bắt làm khổ sai.
Nhà tôi với nó gần nhau nằm chéo góc một ngã tư nên mỗi sáng sớm thay nhau hú hí rủ rê. Ba nó là một thương gia chuyên bán phụ tùng xe hơi nổi tiếng ở Banmêthuột (lũ học trò “mất dạy” lớp tôi hay gọi tên nó kèm với tên của phụ thân phía sau). Còn Ba tôi là một công chức nên cái sự giàu nghèo chênh nhau hẳn đã rõ ràng. Nhưng với những thằng nhóc chúng tôi thì cái sự ấy nằm ngoài vòng suy nghĩ nên rất thân thiết với nhau. Khi nó dậy sớm hơn qua gọi thì hai đứa cùng ngồi thổi phù phù chén cơm chiên Bà Nội tôi vừa làm sẵn cho mấy đứa cháu ăn sáng đi học, khi tôi dậy sớm hơn qua gọi thì nó kéo hộc tiền nhón vài đồng bạc lẻ để hai đứa chạy lên bến xe đò gần cột đèn ba ngọn để mỗi đứa xơi một tô bún riêu nghi ngút khói cho ấm bụng rồi ôm cặp chạy vù tới trường làm mấy động tác vớ vẩn buổi sớm mai. Một cử chỉ rất cảm động về tình bạn giữa chúng tôi là khi thấy tôi mặc không đủ ấm, nó lận theo một cái áo lạnh cũ của nó để tôi mặc thêm vào. Có bao giờ những hình ảnh đó còn lưu giữ trong tâm tưởng mầy không Dũng ơi! Dường như Trời ban cho nó bản tính thích bảo bọc người khác nên nó vẫn đối đãi với tôi như vậy cho tới…già khi đã chỉ còn có thể ngồi một chỗ. Chẳng biết ai khiến xui, sao nó cứ phải ngắm nghía cuộc sống riêng tư của tôi với tấm lòng trăn trở mãi thế!
Thôi thì biết bao nhiêu trò chơi trẻ con chúng tôi cùng tham dự ngoài sự cho phép của người lớn nên đòn roi ở nhà, bị phạt cấm túc ở trường cứ đều đều rơi xuống đầu những thằng nhóc ngỗ nghịch. Đá banh ngoài sân vận động suốt buổi, leo lên những cây phượng già bao bọc xung quanh bẻ hoa lấy cọng làm bì bắn lộn nhau đau đến tê điếng làm sưng vù. Buổi chiều khi có tiền thì đi tắm piscine, hết tiền thì có suối Bury, Hồ Trung Tâm, Thác Nhà Đèn...Nó là nhân vật đầu têu và năng nổ nhất trong việc đào trộm mấy củ khoai mì của người dân tộc về rồi xé vở nhóm lửa với mấy cành củi khô nhặt nhạnh quanh đó nướng lên ăn để chống cái lạnh và đói sau khi ngâm mình vẫy vùng đã đời dưới suối. Tay chân mồm miệng thằng nào cũng đen thui, nhìn nhau rồi cười khoái trá và quên béng ngay mấy mũi tên vừa bắn theo sàn sạt trên đầu để xua đuổi bọn đạo tặc.
Tôi nhớ có lần bốn năm thằng nhóc tập trung lại trên gác nhà của nó chơi trò đánh nhau. Thôi thì cứ rượt đuổi nhau “lên bờ xuống ruộng” làm sàn gác gỗ cứ ầm ầm. Chỉ vài phút sau đó, gương mặt giận dữ của thân mẫu nó xuất hiện ở đầu cầu thang với cây chổi quét nhà lăm lăm trên tay và la lớn:
- Đi ra ngoài chơi hết! Bọn mi tụ tập ở đây định làm Tạc-giăng hả?
Thế là cả đám nhóc len lén chuồn đi dưới sự giám sát của Bà như lũ cún cụp đuôi. Tập tành đi thọt bi-da khi dựng cây cơ đã muốn cao bằng đầu ở tiệm bi-da nằm trên đường Lý Thường Kiệt gần quán bar Paradise của chủ rạp xi-nê Lodo. Bắn bi ca-rê, bi chảo với đám thằng Minh ở dãy nhà nhân viên Tòa Đại biểu Chính phủ Cao nguyên Trung phần suốt trưa khi vừa tan buổi học sáng quên cả ăn cơm. Rồi đánh đáo tường ăn tiền với bọn con nít bán cà rem dạo trước hãng nước đá Lợi Dân đường Ama Trang Long, mấy cây cột ngoài hàng hiên của dãy lớp nằm cặp phía đường Hùng Vương lỗ chỗ cũng do bọn chúng tôi, cả cái nhà kho của Ty Công Chánh nằm phía sau dãy nhà công chức đối diện cổng trường cũng trở thành nạn nhân. Thảy banh lỗ, đánh đáo lỗ trong sân trường gây ồn ào…Những chuyện đó làm sao qua mắt được Thầy Tổng giám thị Liễn nên…cấm túc là chuyện đương nhiên.
Trong một bài tập vẽ, Thầy Nguyễn Huy Quang cho đề tài vẽ bàn tay tùy chọn. Tôi chọn vẽ bàn tay trái của mình theo kiểu 3D đánh bóng hẳn hoi kẹp một hòn bi giữa ngón tay cái và ngón tay giữa cong xuống, những ngón tay kia xòe ra tạo hình khá đặc biệt. Còn nó thì vẽ cái bàn tay trái đang…kẹp một cây cơ bi-da. Hì…hì…Lúc trả lại bài thì nó lãnh đủ “những lời có cánh” từ Thầy Quang và đương nhiên là được xướng tên đầu tiên!
Cuối năm Đệ Tứ, nó biến đi đâu một thời gian. Khi trở về, nó rủ tôi ngự trên chiếc xe gắn máy hiệu Puch màu đỏ đã có lần tôi nhắc tới rồi xuôi ngược những khu phố bé tẹo buồn thiu, rong chơi trên những con đường lầm bụi đỏ. Một bữa, nó rủ tôi đi đánh bài ăn tiền. Bực mình tôi nói:
- Còn con nít mà bày đặt! Tiền đâu mà đánh?
- Yên chí. Có đây!
Nó rút trong túi ra một bao nylon nhỏ, trong đó đựng ba miếng kim loại màu vàng mềm dịu gồm hai miếng dài một miếng ngắn.
- Một lượng vàng lá đây. Đủ chơi chưa?
Tôi sững sờ kinh ngạc. Một là lần đầu tiên trong đời thấy được một lượng vàng lá, hai là với lứa tuổi mười lăm mười sáu thì nó làm gì có được số vàng đó trong túi?
Tôi lo âu hỏi:
- Chôm của bà già hả?
- Đừng thắc mắc về chuyện đó. Cứ theo tao!
- Thôi! Mầy đi một mình đi, tao không “hảo” chuyện đó.
Bái bai nó rồi, về nhà tôi vẫn cứ băn khoăn. Nhỡ như vô sòng bài số nó đỏ gom được của người ta hết, thì với thằng nhóc một thân một mình số nó lúc đó chắc bị đen thui. Có lẽ nó cũng lường trước chuyện đó nên muốn rủ tôi đi cho có bạn để có gì thì hai thằng…cùng chạy.
Muốn kể cho hết chuyện giữa tôi với nó thì…có mà tới Tết!
Chiến tranh đã xô đẩy chúng tôi mỗi người đi theo một con đường riêng với bao nhiêu cùng cực khổ đau, tan vỡ tương lai của lớp thanh niên thời đó. Mười người bạn học thì còn lại một hai sống với những hệ lụy của kẻ thua trận. Sau hơn hai mươi năm, tình cờ nó liên lạc lại được và đã đến thăm nhà tôi ở vùng ven thành phố nghèo khó.
Với gia thế sẵn có với điều kiện tốt hơn, nó lại muốn bảo bọc cuộc đời tôi bằng cách lôi vào làm việc chung trong Công Ty xây dựng của người anh cả. Rồi chúng tôi lại dong ruổi cùng nhau nhiều năm sau nầy qua các công trình xây dựng cấp Nhà Nước từ Sông Bé, Sàigòn, Ayun-Pa của Gia Lai…Cùng nhau lúc nầy nhưng không phải để chơi đùa mà là kiếm sống. Cuộc sống lán trại dãi dầu mưa nắng lang bạt kỳ hồ suốt mấy năm ròng đằng đẵng cực khổ quá, tôi quay về lại Sàigòn đi làm cho một Công Ty liên doanh. Thế là mối liên lạc lại bị cắt đứt một lần nữa.
Sau nầy tôi có tìm lại nhà nó mấy lần nhưng không gặp. Mãi đến khi nó bị tai biến mạch máu não phải ngồi một chỗ, tránh tiếp xúc với những người bạn cũ, hỏi thăm lần hồi tôi mới gặp lại. Đến thế rồi mà sau khi hỏi thăm cuộc sống hiện tại nó vẫn muốn tiếp tục bảo bọc tôi. Gọi điện thoại liên lạc với con của một người bạn thân lúc còn trong Mike Force Pleiku nhờ tạo điều kiện giúp đỡ tôi. Nhưng thói đời mà! Lúc đương thời thì tiếng nói còn có trọng lượng, khi hết thời thì nó như gió thổi qua tai.
Lần cuối cùng tôi còn thấy mặt nó khi chỉ còn sống được vài ngày. Yếu lắm rồi, nhưng vẫn còn tỉnh táo nhận ra người bạn với thân tình. Tôi trách nó chơi chi cho mút chỉ, không biết dành lại chút sức lực để sống thêm mà ngó chuyện đời chuyện người. Vài ngày sau thì được tin nó mất. Cuộc viếng thăm ấy tôi chẳng mong muốn điều gì trừ cái tình giữa tôi với nó và tôi chắc nó cũng sẽ mang cái tình ấy về trời cùng với khuôn mặt xấu xí của tôi.
Tiễn đưa nó trong buổi sáng sớm mùa đông hơi lạnh nầy, tôi nhìn quanh chẳng thấy ai quen. Toàn những khuôn mặt xa lạ và xem chừng còn ít tuổi hơn chúng tôi, chắc là bà con hay bạn bè của con nó thôi. Bao nhiêu cái tình của nó trao đi cho người, đến giờ phút cuối nhận lại được sao nghe chừng quạnh quẽ thế!
Nhớ lại lúc thân phụ người qua đời vì một viên đạn không biết được bắn ra từ nòng súng nào còn ghi lại dấu vết trên lưng ghế lái của chiếc xe Jeep ca-pôt cao, một đám tang thật trọng thể với rất đông người đi đưa. “Những người bắt tay bằng tay trái” ở xứ Banmêthuột lúc đó tập họp đông đủ khiến tôi ngưỡng mộ vô cùng. Bây giờ những người còn lại trong số đó, tôi chẳng thấy một ai đến đưa tiễn chú sói con ngỗ nghịch ngày nào lên đường về cõi thiên thu. Khi vừa thăm nó lúc sắp qua đời, tôi báo tin liền cho một huynh trưởng hướng đạo học cùng lớp vì sợ không còn kịp trông thấy nhau lần nữa, nhưng anh bận việc riêng không đến được. Mãi sau một hôm khi thân xác nó đã hóa thành tro bụi anh mới tới được nhà do sự thông tin không chính xác ngày giờ. Anh gọi điện thoại hỏi tôi nó được quàn ở đâu mà sao nhà cửa vắng tanh? Tự nhiên tôi phát bực vô lối và cằn nhằn anh:
- Tất cả đã xong! Trễ rồi còn hỏi làm chi nữa?
*****
Có lẽ đây là lần cuối cùng tôi nhắc tới những kỷ niệm nầy và cho bay về phía mặt trời, ở đó có nó bởi nó lấy biệt danh là Dũng Soleil mà (nghe cũng có chút ngạo mạn dzữ!). Thân xác nó đã biến thành tro bụi, anh linh nó chắc được bay về chốn mà nó mong muốn. Thôi thì cứ nhận lấy những tâm tình của một người bạn thân thiết nhớ về mầy khi gõ những con chữ nầy rồi gặm nhấm cho đỡ cô độc nghe.
Chắc là ở đó nó hiểu được tình tôi.
KIỀU VĂN HÙNG
CHS Trung Học Banmêthuột 1960-1968
Có thể là hình ảnh về 4 người, cây và ngoài trời
Hoan Pham, Cúc Hoa Nguyễn Thị và 192 người khác
63 bình luận
2 lượt chia sẻ
Thích
Bình luận
Chia sẻ

63 bình luận

Phù hợp nhất

  • Hoan Pham
    Có một nhà văn đã từng nói kg có cái chết mà chỉ có những kỷ niệm ! Đúng thật những kỷ niệm sẽ kg bao giờ chết cho dù bi thương hay ngọt ngào, cho dù êm đềm hay giông bão.
    Cám ơn anh đã chia sẻ lại một bài viết thật hay, nhiều cảm xúc khiến người đọc bồi hồi da diết.
    3
  • Nguyễn Văn Bộ
    Tuổi học trò chứa nhiều kỷ niệm đẹp nhất...🌹
    2
  • Hung Kieu
    Rất cám ơn Xứ Thượng chia sẻ bài viết đã nhắc lại những kỷ niệm với một người bạn học cũ một thời từng muốn cùng nhau…hái sao trời!
    3
    • Xứ Thượng
      Hung Kieu Dạ, bài viết của anh rất hay mang lại nhiều cảm xúc cho người đọc, bồi hồi nhớ lại một thời Banme xưa.
    • Vo Thi Nguyen
      Đọc câu chuyện anh viết..
      Cảm xúc dâng tràn..… 
      Xem thêm
  • Phu Nguyen
    Tiệm bán phụ tùng xe hơi ngay góc Lý Thường Kiệt và Ama Trang Long là tiệm Lê Đức Viên, gần đó có tiệm bi da Thanh Sơn. Nhắc vầy là anh Hung Kieu nhớ ra tiệm bi da ngay 😀.
    6
    • Hung Kieu
      Anh ở cách đó chừng 100m. Trên đường Lý Thường Kiệt đoạn từ Ama Trang Long đến Quang Trung có đến 3 tiệm bida, bên tả ngạn 2 tiệm, bên hữu ngạn 1 tiệm.
      Khi rảnh rỗi thì cứ hay lê lết tới đó để…học nghệ.… 
      Xem thêm
      5
    • Hoan Pham
      Đúng như anh nói trên đường LTK có 3 tiệm bida ! Từ đường Ama Trang Long đi vô bida Thanh Sơn bên trái, đối diện bida TS là tiệm Bida hình như chủ là người tàu lai, đi tới gã tư LTK và Quang Trung phía bên kia đường cũng phía bên trái luôn l… 
      Xem thêm
      • Thích
      • Phản hồi
      • 6 ngày
      • Đã chỉnh sửa
    • Lê Thị San
      Phu Nguyen.... Và bida Thanh Sơn nhìn xéo qua là bida Thiên Nam anh nhỉ?
      2
    • Vy Xuan
      Phu Nguyen tiệm Bida góc đường LTK và Ama bây giờ tiệm thuốc Hoà bình con gái của ông Trần văn Cung chủ tiệm thuốc tây Độc lập cũ ở góc đường Tôn thất Thuyết và Ama .
      • Thích
      • Phản hồi
      • 3 ngày
      • Đã chỉnh sửa
    • Hung Kieu
      Tiệm bi da của ông chủ người Hoa tên Thiên Nam chỉ có 2 bàn.
      Những tháng trời lạnh, đêm nào ổng cũng để một lò than dưới gầm bàn để sưởi ấm, tránh cho mấy cái băng bàn bằng cao su bị lạnh làm chai cứng đi, đánh không còn ép-phê.
      2
  • Nhãn dán Mugsy Cartoon of Mugsy - a French bull dog - smiling and hugging a giant heart. Small hearts blink above his head.
    2
  • Ngocchau Nguyen
    Tình bạn cảm động,thiêng liêng(Ai cũng có).
    2
  • Hoan Pham
    Bida Thanh Sơn có chị tên Liêm kg biết giờ này ở nơi đâu ! Còn hay đã mất ! Thời điểm khoảng năm 1972,1973 chị ấy có một mối tình rất lâm ly với một người anh thông dịch viên mà em là con chim xanh cho anh chị ấy ! Tiếc là cuối cùng họ kh thành và kg được ở bên nhau như mơ ước.
    3
  • Nguyên Lê
    Thương lắm tình bạn thuở học trò.
    2
  • Minh Vuong Quang
    Tình bạn ngày xưa thật là những kỷ niệm đầy tuyệt vời. Nói về anh Dũng Lê Đức Viên thì mình cũng biết.Anh Dũng sinh ra ở một gia đình khá giả tại Bmt và nói về ăn chơi thôi thì hết ý ! Nhưng rất dễ thương ở thời thanh niên.Sau ngày giải phóng gia đình có nghe nói sang
    Pháp định cư.Và trở về xin
    lại nhà góc đường Amatranglong+ Lý Thường Kiệt và bán cho chủ mới cho thuê bán Pizza Hut.. Mình dân phố nên có lẽ được biết nhiều.
    Giờ anh Dũng đã ra đi và đi thật xa trước anh em mình anh Kiều Hùng ơi .! Chỉ để nhiều kỷ niệm trong anh lớp đàn anh ở thị xã Buồn muôn thuở mãi mãi...
    4
  • Thuan Pham
    đọc mà thương wa,ngày ấy tình bạn thật quý giá,cám ơn anh xứ Thượng
    2
  • Kim Thịnh Dancer
    Câu chuyện hay quá a XT.. lôi cuốn quá...e đọc nghiến ngấu ...hết rùi mà cứ tiếc ngẩn ngơ....thân thương quá !..môt tình bạn gửi bay về Trời...
    3
  • Mai Le
    Tuổi học trò ai cũng nhiều kỷ niệm vui có buồn có mà suy tư cũng có và đúng như tác giả viết có những kỷ niệm được cất vào ngăn kín 😀 bây giờ tới lúc chúng ta cũng cần nhớ lại và tìm lại trong ký ức để tự mĩm cười một mình làm niềm vui cho bớt nhàm chán tuổi già, đọc bài viết cũng là động lực để những ai có kỷ niệm sẽ cùng chia sẽ cho nhau đọc không thôi thời gian của những cụ gần kề rồi đó😀😀😀 ...
    Cám ơn Xứ Thượng đã chia sẽ bài viết hay và cám ơn tác giả có bài viết dí dỏm chân tình lôi cuốn người đọc .
    2
  • Tommy Nguyen
    Cảm ơn tg đã gợi nhớ những kí ức xưa, những trò chơi, những địa điểm.
    Khu chơi chính của mình là sân xi măng trước cửa tiệm gạo Việt Hưng, chạy xe bạc đạn, bắn bi, bắn bì, tạt lon v.v
    Nghèo mà vui 🙂
    3
    • Phu Nguyen
      Tiệm gạo Việt Hưng ở đường Y Jut, giữa Phan Bội Châu và Hoàng Diệu, ông chủ Việt Hưng người Hoa thuê dãy phố này của ông Năm Nam, chính ông chủ Việt Hưng đứng ra quyên góp cộng đồng người Việt gốc Hoa tại BMT, xây lên trường Dục Anh.
      3
  • Quách Bằng
    Đọc kỹ từng câu , tình bạn thân thương , thật cảm động !
    2
  • UyenThu Ta Thi
    Đúng vậy đó chú tuổi hoc trò theo cháu là một kỷ niệm khó quên - rất đẹp
    2
  • Bo Dao
    Hoa Phượng ăn chua dịu … ngày xưa còn bé tụm đùm tụm đám mấy thằng rủ nhau đi hái hoa …. Trái Phượng già khô hạt mầu đen Lạt. Luộc bóc vỏ ăn cũng ngon ngon ….. kỷ niệm thời trẻ thơ. leo trèo phá …..
    3
    • Hung Kieu
      Tụi tui chuyên môn hái hoa phượng lấy cuống làm bì rượt đuổi bắn nhau chơi.
      Còn bày đặt về ngâm nước muối để làm rát vết thương của đối phương nữa chớ!
    • Bo Dao
      Hung Kieu … ừ nhể quên mất cái dụ này … chia phe bắn nhau ..
      Avatar looking confused. They're raising their left eyebrow and scratching their head with their right hand.
  • Lan Quach
    Hay lắm luôn ạ
    2
  • Hien Nguyen
    Cám ơn XT đã chọn một đề tài rất đáng trân trọng, mà lớp chúng tôi không may mắn giữ được tình nghĩa đó vì trải qua cuộc đổi đời thẻ thảm quá đôi khi ghìm lòng quên đi để được có tình cảm gia đình và bạn bè dứt bị sứt mẽ
    3
  • Nguyễn Liêm
    Tôi đã đọc hết bài... thật cảm động.!!! Cảm ơn tác giả
    2
  • Bảy Phạm
    Mạch cảm xúc dạt dào!
    2
  • Nguyễn Thái
    Em cảm ơn anh Xứ thượng và tác giả nhé !
    3
  • Hoài Vân Nguyễn
    Nhắc lại những kỷ niệm thời còn cắp sách , cái tuổi còn vô tư tinh nghịch , thật dễ thương ! Tuy cũng không chính xác là thời hay những kỷ niệm của tôi , nhưng những câu chuyện được lồng trong bối cảnh của Ban Mê , tự nhiên nghe sao thân thương quá !
    Tuy là thời gian tôi học ở trường Trung học BMT rất ngắn , thì đổi về trường Nữ Trung học Bùi Thị Xuân Dalat . Nhưng từ bé tôi đã vẫn thường xuyên mỗi năm lên xuống Ban Mê vào những dịp hè , nên thương và gần gũi Ban Mê lắm luôn ! Như 1 thiên định , giờ lại định cư ở xứ này ! 🌷🍃
    2
    • Yêu thích
    • Phản hồi
    • 5 ngày
    • Đã chỉnh sửa
  • Lê Thị San
    Cảm ơn nhà sưu tầm.Bài viết thật cảm động ...đưa mỗi người chúng ta về miền ký ức tuổi thơ.
    2
    • Haha
    • Phản hồi
    • 5 ngày
    • Đã chỉnh sửa
  • Hbam Mlô Duôn Du
    Yêu lắm ngày xưa ấy
    2
  • Đinh Thị Thơ
    Nhổ trộm củ mì ..rồi nướng..hihi..ngày ở ktx em cũng từng...
    Cảm ơn T G..cảm ơn anh XT..
    3
  • Lê Thị San
    Ngày xưa học ĐHTN bọn mình là trùm "đạo chích"...😀😀😀nào mít,nào ổi,nào cam...😀😀😀bên xưởng cưa...rồi còn ngồi chơi với chủ nhà...chủ nhà còn hỏi : cam có ngọt không???bọn mình nhanh nhẩu: cây phía bên kia ngọt hơn...😀😀😀...tuổi thơ là vậy...😀😀😀
    2
  • Uyen Lan
    Cảm ơn anh Xứ Thượng đã chia sẻ bài viết, cảm ơn tác giả đã cho vé về tuổi thơ với tình bạn thật tuyệt vời !
    2
  • Lindacam Nguyen
    San được cs ưu đãi quá héng! Được học DHTN ???
    • Lê Thị San
      Lindacam Nguyen Học SP tại đây đó C.Nghĩa là học CT để khai trí CM rồi ra trường...hehe...chuyện dài...CM không ưu đãi bọn mình ,sau này phải tự tìm cách hòa nhập cộng đồng và rồi tên nào cũng phải tìm cho được mảnh bằng ĐH để tồn tại thôi C...😀😀😀
      • Haha
      • Phản hồi
      • 3 ngày
      • Đã chỉnh sửa
    • Xứ Thượng
      Lê Thị San Ngày ấy có câu nói xấu cán bộ "Hồng hơn Chuyên", thế mà có ông lại đề cao tính "đỏ" này!
    • Lê Thị San
      Xứ Thượng Hùi hùi...đừng nhắc đến chuyện CT,đau cả đầu...bọn tớ vẫn ám ảnh những buổi học ngày ấy....😭😭😭
  • Vy Xuan
    Em hồi trước trèo cây điệp ra đến ngọn để hái trái đập ăn rất ngon.
    • Hung Kieu
      Một lần buổi trưa anh đi vào sân vận động lúc đó đã vắng ngắt, đu tường leo qua một cây phượng phía sau trại Quân cảnh Tư pháp.
      Bắt chước giống thằng nhóc trong hình, bò ra tận đầu cành hái một chùm hoa phượng trổ sum suê đỏ rực để lấy bì bắn nhau.
      Ai dè cành phượng vốn dòn, chịu không nổi sức nặng của thằng nhóc nên gãy cái rốp! Bị té từ độ cao khoảng 4 mét xuống đất. Vì lúc đó chưa đi lính Nhảy dù nên làm một cái “bịch” bất tỉnh nhân sự luôn.
      Ngọc Hoàng nhắm nhía chắc thằng nhỏ nầy chưa giũ sổ được nên một hơi lai tỉnh rồi lồm cồm tự mình bò dậy về nhà.
      May mà tay chân còn lành lặn, chỉ bị một phen khiếp vía.
      Hú hồn chim én!
      2
    • Vy Xuan
      Hung Kieu hồi đó ở BMT con trai ba trời trèo cây, chọc khỉ là chuyện bình thường mà anh...
    • Tommy Nguyen
      Hung Kieu Tụi em trèo mấy cây me keo ở góc đường Hai bà Trưng, Phan bội Châu, gai ơi là gai, phá là chính chứ ăn có ngon lành gì đâu
  • Hanna Palm
    Mot buc anh tuyet dep 😇😇😇

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét