"Dạt dào tựa những âm xưa
Thiết tha ngân lên lời xưa" (Hoài Cảm-Cung Tiến)
NHỮNG KÝ ỨC VỀ NGÔI TRƯỜNG TỔNG HỢP THÂN YÊU VÀ
THẦY HIỆU TRƯỞNG CUỐI CÙNG CỦA CHÚNG TA
*Ngọc Thanh
Phần 2: Cảm nhận đầu tiên về phố núi, và ngôi trường trong ký ức.
Sau chuyến bay gần 3 giờ từ Đà nẵng, “transit” ở Qui Nhơn, tôi đã đặt chân xuống phi trường Phụng Dực của thị xã Ban Mê Thuột. So với phi trường Phú Bài hay Đà Nẵng lúc ấy thì phi trường Phụng Dực chỉ là một phi trường nhỏ, với một dãy nhà dài quét vôi màu hồng cánh sen đậm khá lạ mắt với đài kiểm soát không lưu vươn cao ở giữa. Sau này tôi mới biết hầu hết cơ quan công quyền ở Ban Mê Thuột đều quét vôi màu này vì hợp với bụi đỏ của đất bazan. Chiếc xe ca của Air Việt Nam đón chúng tôi bên ngoài gian nhà chờ và chở chúng tôi về thị xã vùng cao. Vừa ra khỏi sân bay, dọc hai bên hàng rào thép gai là những cánh hoa dã quỳ vàng rực chào đón tôi đặt chân lên phố núi. Cơ man nào là hoa vàng rực rỡ trong nắng chiều, nổi bật trên những phiến lá xanh lục chạy dọc tít tắp theo những hàng rào kẻm gai từ phi trường, qua khu rừng giá tỵ, qua tiểu chủng viện rẽ trái sang cổng trại lính của Bộ Tư lệnh Sư đoàn 23, và kéo thêm một đoạn nữa đến gần nhà thờ Phú Long mới hết.
Khi vào đến trung tâm thị xã, hoa dã quỳ vẫn còn lác đác dọc hàng rào sân bay L 19, góc bờ rào đường Phan Bội Châu của khu nghĩa địa công giáo và cả các góc vườn của các khu nhà dân trong nội thị.
Bây giờ việc tìm thấy những đám hoa dã quỳ trong thành phố cao nguyên này ngày càng hiếm hoi, nên hình ảnh về những dãy hoa vàng rực trong buổi chiều tà ấy, cái ấn tượng đầu tiên về phố núi này vẫn còn theo tôi cho đến tận bây giờ đến nỗi đã có lần tôi có ý nghĩ là nên dùng biểu tượng hoa Dã quỳ thay cho biểu tượng cà phê của thị xã vùng cao này.
Cả đêm lạ chỗ, lạ người, tôi thao thức mãi đến gần sáng mới chợp mắt được, nhưng đang mơ màng, tôi đã bị đánh thức bởi tiếng vịt kêu quang quác, tiếng xe ba gác vào ra ồn ào. Tôi vùng dậy, xếp gọn chăn màn, đánh răng rửa mặt, thay đồ tươm tất và xin phép ông bà để lên trường Tổng hợp liên lạc với chị tôi. Sợ tôi đi lạc, cậu H. vẽ cho tôi tấm sơ đồ trên tờ giấy vở, dẫn tôi đến quán cây Gòn (?) ở góc đường Hoàng Diệu ăn sáng và chỉ cho tôi quán cà phê cũng gần đấy, rồi xin phép về để chuẩn bị đi học. Dạo ấy, ở Ban Mê Thuột cũng đã có xe thồ, nhưng tôi muốn khám phá phố núi này xem có giống cái thành phố “đi dăm phút đã về chốn cũ” không nên quyết định đi bộ theo bản đồ cậu H, vẽ. Rời khỏi quán cà phê, tôi định hướng để tìm đường Tôn Thất Thuyết. Thị xã với những con đường ngắn tạo thành ô bàn cờ nên cũng dễ tìm đường. Đến ngã tư Quang Trung – Tôn Thất Thuyết là tôi đã nhìn thấy rạp chiếu bóng Hưng Đạo chếch về phía bên phải và hai cây đa cao trong khuôn viên trường tiểu học Nguyễn Công Trứ đối diện với rạp chiếu bóng. Tôi rẽ trái, đi dọc đường Quang Trung, ngang qua một tiệm sách khá lớn mà tôi tự hứa sẽ dừng lại trên đường về. Tôi hơi bất ngờ vì những dãy nhà phố hai tầng bằng gỗ, nền cao, liền một dãy dài bốn năm căn quanh một ngã tư chiếm gần hết nửa con phố, gần giống như dãy nhà của người Hoa ở khu chợ Lớn. Cuối đường Quang Trung là một ngã ba, đi thẳng vào cổng sau của nhà thờ chính tòa Ban Mê Thuột phía bên kia đường và khách sạn Anh Đào phía đối diện nhà thờ. Hai công trình kiến trúc tạo dấu ấn cho cái ngã sáu Ban Mê mà trung tâm là một ốc đảo nhỏ với cái trụ đèn 3 ngọn trông giống những trụ đèn trên nhà Ga xe lửa Huế. Bên kia là rạp chiếu bóng Thăng Long kiến trúc khá đặc biệt và lớn hơn các rạp chiếu bóng ở Huế. Những tấm bảng quảng cáo phim ở rạp Thăng Long làm tôi thích thú vì những bộ phim này tôi cũng chỉ mới xem ở Huế tuần trước khi vào Ban Mê. Có cả bộ phim tôi mới thấy quảng cáo ở Sài gòn cuối tháng 11 vừa rồi. Tôi thật sự ngạc nhiên khi trong thị xã nhỏ bé này có đến 4 rạp chiếu bóng lớn nhỏ và nhận ra lời nhận xét của anh họ tôi, một giáo sư cũ của trường Tổng Hợp đã chuyển về Huế là hoàn toàn chính xác. “Ban Mê Thuột chỉ là một thị xã nhỏ, nhưng trình độ thưởng thức văn hóa, nghệ thuật thì cũng không thua kém các tỉnh lỵ khác mô, Hải à!”
Tôi định vào trong xem thiết kế bên trong thế nào, nhưng thấy cũng đã gần 9 giờ nên rẽ sang đường Hùng Vương để thẳng lên trường. Khi tôi đến, trường đang vào giữa tiết học. Thú thật là tôi cũng hơi thất vọng vì ngôi trường không thuộc loại kiến trúc Pháp cổ kính như trường Quốc Học hay Đồng Khánh, cũng không phải kiến trúc hiện đại như ngôi trường Kiểu Mẫu hình chữ Y của tôi, hay những ngôi trường hai, ba tầng mới xây ở Huế đầu thập niên 1970 như Nữ Thành Nội hay Gia Hội.
Cổng trường khá đồ sộ bằng đá được chẻ thành hình khối vuông vức với hai trụ cổng chính lớn, vươn cao với dòng chữ “TRUNG HOC TỔNG HỢP BMT” gắn trên một tấm bê tông đúc khá dày nằm ngang trên hai trụ cổng. Hai trụ nhỏ hai bên , thấp bằng nửa trụ lớn tạo thành hai cổng phụ dành cho người đi bộ. Hai cánh cửa làm bằng các thanh gổ, đan nhau thành một hình thoi ở giữa và các nửa hình vuông lớn dần để khi khép lại hai cạnh ngoài của hình thoi tạo thành chữ X và các nửa hình vuông tạo thành 3 hình vuông mà hình vuông lớn nhất có hai cạnh dọc song song là đường nối hai đỉnh của hình thoi. Hai cánh cổng phụ cũng có thiết kế tương tự với hình thoi ở trung tâm và nửa hình vuông. Cả hai cánh cổng lớn và hai cánh cổng phụ đều có chiều cao ngang nhau, tôi không biết chính xác bao nhiêu cũng phải đến 1,7m – 1,8 m vì khi tôi đứng gọi cổng tôi thấp hơn cửa cổng đến gần cái đầu. Bờ tường là một dãy tường thấp, cứ cách chừng 2 mét là một trụ nhỏ, dày chừng một viên gạch và nối hai trụ là hai thanh gổ đặt ngang nhưng nghiêng cạnh nhọn ra ngoài. Khi nhìn dãy hàng rào như thế trong tôi nảy ra một suy nghĩ khá buồn cười là kiểu hàng rào này chắc mấy anh chị học sinh muốn cúp cua thì phóc ra cái một (mà sau này khi ở trong căn nhà kho nhỏ dưới cây trâm, tôi cũng đã không ít lần phóc ra theo hướng ấy để đưa cô học-sinh-mà-không-phải-học-trò về mỗi tối tan lớp học thêm tiếng Anh do tôi giảng dạy).
Phía sau cánh cổng là ba dãy nhà hình chữ U. Dãy ngang ở giữa là khu văn phòng với phòng Hội đồng ở bên trái, cửa mở ra dãy hành lang để đi sang các phòng khác: phòng tổng giám thị, phòng giám thị, phòng kế toán, phòng Giám học và phòng Hiệu trưởng. Giữa các phòng lại có một khoảng không gian lõm vào, đủ rộng để có thể sử dụng làm chổ ngồi cho các thầy cô trong lễ chào cờ mỗi sáng thứ hai và chiều thứ bảy. Cửa phòng kế toán và phòng Hiệu trưởng nhìn thẳng vào nhau. Góc cuối hành lang, cạnh phòng Hiệu trưởng là nơi để trống trường. Có thể thời gian đã khá lâu, ký ức về vị trí các phòng không chính xác, nhưng tôi vẫn nhớ là lúc đó trống trường được treo trên một cây xà gồ gỗ ngang và sau này mới được đặt trên bệ đóng bằng các thanh gỗ.
Để vào khu văn phòng phải đi trên con đường đắp cao, trải đá dăm, với hai hàng thông hai bên. Từ cổng lớn vào khoảng 3/4 đoạn đường là cột cờ, một trụ sắt cao chừng 5-6 mét trên một bệ xi măng ba bậc cấp thấp nằm giữa một bồn cỏ tròn. Qua khỏi cột cờ, vào trong một đoạn ngắn là con đường xi măng hình chữ thập, thân dẫn lên khu văn phòng, và hai cánh ngang kéo dài đến tận hai dãy lớp học. Bên phải là một dãy trệt với 6 phòng học và bên trái là một dãy 8 phòng với 4 phòng phía ngoài đã được lên tầng. Hai bên bậc cấp xi măng ngay trước hai trụ là hai vật dụng khá kỳ cục: 3 thanh sắt hàng rào ấp chiến lược, hàn thành hình chữ U, dài chửng 4-5 tất, cao chừng 3 tất , cắm ngược xuống đất và đóng chặc cứng.
Cảm nhận ban đầu của tôi khi nhìn thấy chúng là nỗi thắc mắc tự hỏi sao lại để “kiến trúc kỳ cục” như thế ngay trước khu văn phòng. Sau này tôi còn phát hiện thêm không chỉ ở khu văn phòng, mà cạnh các bậc cấp lên hành lang ở các dãy phòng học đều có những “kiến trúc kỳ cục” đó. Mãi sau này, khi mùa mưa bắt đầu, tôi mới hiểu hết cái công dụng thần kỳ của chúng: gạt sạch bùn đất đỏ bazan bám vào giày dép.
Khi tôi đang đứng lơ ngơ trước cánh cửa phòng Hiệu trưởng đang đóng thì từ trong phòng Giám học một người đàn ông khuôn mặt khá dữ dằn, râu lởm chởm, bước ra. Thấy tôi, anh ấy nói khá lớn tiếng, giọng Bắc “Này, cậu kia …”. Tôi giật thót cả người. Ngày ra trường, tôi chỉ mới 22 tuổi, trẻ măng lại nhỏ con, nên trông chẳng khác gì một anh học sinh lớp 11, 12. Nhưng khi thấy tôi mặc áo trắng, bỏ váo quần hẳn hoi, lại mang giày da bóng, anh ấy hạ giọng, “Ô, xin lỗi. Anh cần kiếm ai?” Khi nghe tôi thưa muốn gặp Thầy Hiệu trưởng, anh ấy mời tôi vào phòng Giám học ngồi chờ rồi vội vã quay ra, bận rộn với công việc của mình. Sau này khi đã khá thân quen, tôi nhắc lại chuyện này với anh, anh cười hề hề và bảo tôi, “Tánh tớ nó thế, hay ăn to nói lớn. Cậu đừng phiền nhé!”. Người phụ tá giám học ấy đã mãi mãi đi xa và mỗi lần nhớ lại, tôi lại như nghe thấy tiếng nói oang oang của anh lúc đó và nụ cười sảng khoái của anh sau này. Trong phòng có một người đàn ông khác, khuôn mặt sang trọng, điển trai, điềm đạm. Anh bỏ dở công việc, quay sang hỏi han tôi, giọng Bắc nhỏ nhẹ “Thầy Hiệu trưởng đang có khách. Cậu ngồi đây chờ một lát nhé!”. Rồi anh hỏi chuyện tôi, khi nghe tôi cũng xuất thân là học sinh một ngôi trường tổng hợp đầu tiên anh tỏ ý vui mừng, chia sẻ với tôi vài ý nghĩ về mô hình tổng hợp và hỏi thăm các thầy tôi đã từng cùng anh tham gia các khóa huấn luyện giáo sư “hướng dẫn khải đạo”. Đang dở chuyện thì cánh cửa phòng Hiệu trưởng mở ra, vị khách bước ra. Anh đứng lên, đưa tôi sang phòng Hiệu trưởng rồi xin phép ra ngoài. Sau này khi cùng làm việc với nhau, tôi đã học tập được rất nhiều từ tánh cẩn thận, tỉ mỉ, tính sang tạo và nhất là những kinh nghiệm tổ chức, quản lý anh góp nhặt được trong thời kỳ làm Giám học ở ngôi trường lớn nhất tỉnh này.
Thầy Hiệu trưởng trước mặt tôi không giống với những gì tôi hình dung về người anh rể họ của mình. Dáng dong dõng cao, da ngăm ngăm đen, khuôn mặt nghiêm nghị, hơi cứng và lạnh lùng như muốn dấu cảm xúc. “Chắc là khó tính lắm đây!” tôi nghĩ và có hơi lo lắng. Nhưng khi anh cười thì những lo lắng và cảm nhận ban đầu của tôi biến mất. Nụ cười anh dịu dàng, thân thiện và tin cậy. Anh đứng dậy, đẩy ghế ra, đi vòng về phía trước, vỗ vai tôi và ôn tồn bảo: “Chào mừng cậu đến với Ban Mê Thuột! Chị đang ở nhà, để anh đưa cậu xuống gặp chị và mấy cháu.”. Tôi hơi ngớ ra vì cứ nghĩ anh chị ở đâu đó ngoài trung tâm thị xã, nhưng anh vội giải thích, “Anh chị đang ở nhà dành cho Hiệu trưởng trong khuôn viên trường! Cậu đi theo anh.” Chúng tôi chỉ mất có mấy phút là đến căn nhà nhỏ được bao quanh bằng hàng rào chè tàu xanh um, nơi mấy anh chị em tôi đã cùng chia sẻ những ngày gian khó sau biến cố tháng 3/1975 ở Ban Mê Thuột.
Và đó là lần gặp mặt đầu tiên giữa tôi và người Thầy Hiệu trưởng cuối cùng của trường Trung học Tổng Hợp Ban Mê Thuột, thầy Lê Văn Tùng.
NGỌC THANH
* Trích từ Đặc San Thương Hoài Trường Xưa của Lớp 67-74 trường Trung Học Tổng Hợp Ban Mê Thuột (http://nhom-thbmt74.blogspot.com/)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét