NHỮNG KÝ ỨC về ngôi trường Tổng Hợp thân yêu và thầy Hiệu Trưởng cuối cùng của chúng ta.
*Tác giả Ngọc Thanh
Phần 1
NHỮNG NGÀY CUỐI Ở QUÊ NHÀ
NHỮNG NGÀY ĐẦU LÊN BAN MÊ
Ham hát hò theo nhóm Du Ca Con Sáo mỗi chủ nhật tập trung sinh hoạt, đi thăm tiền đồn, tập dợt và thực hiện những bài hát du ca trong những quán cà phê. Ham công tác thiện nguyện có khi nằm ở Hải Lăng, Quảng Trị cả tuần, tôi không đủ điều kiện để xét tốt nghiệp lần 1.
Ngày bạn bè xênh xang trong "áo thụng xanh tiến sĩ" hồ hỡi diễu hành từ viện Đại Học Huế quanh các con phố dọc bờ hữu ngạn sông Hương, đi qua trường Luật, trường Y, Khoa Học, Văn Khoa, Sư Phạm, tôi buồn như chấu cắn nhưng không "cuộn mình trong chăn như con sâu làm tổ trong trái vải cô đơn", mà phi thẳng ra Quảng Trị trốn mấy ngày ở khu dành cho công chức cạnh tỉnh đường, dựng tạm trên cồn cát. Ngày đóng băng, đêm âm u không điện đóm, cùng với H. là em trai một bạn cùng khóa vừa tốt nghiệp Quốc Gia Hành Chánh, được bổ nhiệm về vùng hỏa tuyến đau thương này, bàn chuyện ngày mai tham gia xây thêm lớp cho trường ni, chở bàn ghế cho trường nọ, cứ như thử tôi là giáo sư trung học đệ nhị cấp thực thụ của Ty Giáo Dục Quảng Trị. Cho dù lúc ấy giấc mơ chọn nhiệm sở Trung Học Nguyễn Hoàng có nguy cơ tan vỡ, vì trong số bạn tốt nghiệp đợt 1 có H.T. là dân Quảng Trị, lại là cựu học sinh Nguyễn Hoàng.
Bây giờ nghĩ lại, tôi không thấy ân hận vì tội "ham chơi" ấy và ngộ ra rằng, đó là chút duyên lành để tôi đến với Ban Mê dài gấp đôi thời gian tôi sống ở quê nhà.
Mọi chuyện rồi cũng ổn thỏa. Tôi trả nợ xong môn học của thầy Tom M., ông thầy người Mỹ hay đùa nhưng lại rất khó tính trong đám sinh viên. Lúc nghe tin bị cấm thi vì " đi học không chuyên cần" và không được xét tốt nghiệp đợt 1. Tôi giận và ghét thầy vô cùng vì thầy là một trong những người thường khuyến khích chúng tôi tham gia hoạt động từ thiện của thầy David B. giúp đỡ các gia đình người Thượng ở ấp Tà Rầu. Nhưng sau này nghe bạn bè kể lại, khi nghe tin Ban Mê Thuột thất thủ vào tháng 3/ 75, thầy đã khóc, tự trách mình không cho tôi thi kỳ 1 và lo lắng tính mạng của tôi. Tôi cảm động vô cùng!
Khoảng năm 1978 hay 1979, khi một gia đình học sinh của tôi dự phỏng vấn định cư ở Hoa Kỳ, kể chuyện "được một ông Mỹ noái tiếng Việt giọng Huế rất soải, đọc thấy mẹ em tên Gái, là hỏai ngay có phải dân Thừa Thiên không, ông chỉ hỏi sơ sơ mấy câu rồi cho đậu. Trước khi để gia đình ra về, ổng hỏi em có học Thầy không rồi bảo cho ông ấy gởi lời hỏi thăm và xin lỗi Thầy. Răng Thầy quen ông nớ rứa". Tôi ngẩn người và không biết cái ông Mỹ mà em nói đến là ai, và vì sao lại xin lỗi tôi. Mãi đến sau này trong khóa tập huấn do Úc tài trợ cuối thập niên 1980, gặp lại một số bạn đồng khóa Đại Học Sư Phạm, tôi mới biết ông Mỹ đó chính là thầy Tom M. Tôi không ngờ trong cả hàng trăm sinh viên, thầy Tom M. vẫn còn nhớ đến tôi và bao năm vẫn canh cánh chuyện không cho tôi thi môn Thầy lần 1. Chắc Thầy cũng không ngờ rằng, quyết định của Thầy là một cơ duyên để tôi gắn bó suốt quãng đời còn lại của mình, với cao nguyên Ban Mê đầy nắng, đầy gió, rực rỡ vàng hoa dã quỳ và thơm ngát hương cà phê này. Với "cô- học- sinh- mà- không- phải- học- trò", để có một mái ấm gia đình. Với những cô cậu học trò dễ thương dạt dào tình cảm, và những người đồng nghiệp đủ các cấp thân thiện đáng mến.
Cuối tháng 11 năm 1974, tôi cầm sự vụ lệnh của Bộ Giáo Dục và quyết định trình diện nhiệm sở tỉnh Darlac. Hành trang là vali vải (của chị tôi bỏ lại nhà sau khi đã ổn định nhiệm sở ở Đà Nẵng) đựng bộ đồ veston xám may trước khi tốt nghiệp (nay đã chật, nhưng thỉnh thoảng tôi vẫn lấy ra mặc để nhớ thời trai trẻ của mình), cái áo veston đen lỗi mốt nhưng còn mới của anh tôi, chị dâu đưa cho với lời dặn " Là giáo sư rồi, phải ăn mặc cho đàng hoàng" (cái áo này tôi bỏ lại nhà trọ khi chạy loạn sáng tháng Ba, 1975 và bị ai đó lấy mất), cái áo len cánh tay màu lục ngọc Mạ đan cho trước khi lên Ban Mê (bị mất năm 1977, khi trộm viếng phòng ở của chúng tôi tại phòng kho cũ dưới cây trâm góc sân trước trường TH BMT), vài bộ quần áo trong đó có bộ bà ba nâu của Du Ca Con Sáo (đã bị lấm lem rách nát và vứt xó chuồng vịt khi tôi quay lại nhà trọ ở Ban Mê, sau một tuần chạy loạn ở Phước An đúng ngày BMT bị ném bom khu xưởng cưa bên kia đường, góc ngã tư Hoàng Diệu- Lê Văn Duyệt)
Khi nghe tôi chọn nhiệm sở Ban Mê Thuột, mẹ tôi không vui lắm vì "xa quá chắc phải cả năm con mới về thăm Me được". Đến tận bây giờ tôi vẫn không thể nào quên giọng nói bùi ngùi của Me tôi khi nói câu đó. Nhưng thấy tôi đã quyết, Me chỉ thở dài và viết thư gởi gắm tôi ở trọ nhà người họ hàng là em bạn dì với bà ngoại tôi. Đúng ra , tôi phải gọi ông bà chủ nhà là ôn mụ theo cách gọi ông bà ở Huế, và những người con của họ là cậu dì. Nhưng ôn mụ chỉ ngang ngang tuổi ba mẹ tôi nên ôn nói vui, " Thôi, mi cứ kêu tau là dượng cho đỡ tổn thọ, còn ưa kêu bà mi bằng chi thì kêu!". Còn các cậu dì thấy tôi là "giáo sư trung học đệ nhị cấp" nên cứ gọi tôi bằng "anh" xưng "em", mặc cho tôi luôn gọi họ là cậu, mợ, dì. Tôi đã ở không một thời gian gần hai tuần để chờ Ty Tiểu Học ( tôi không hiểu sao lúc đó tỉnh Darlac chưa gọi Ty Giáo Dục, mà vẫn giữ Ty Tiểu Học) gọi lên Tòa Tỉnh chọn nhiệm sở. Lúc ấy, có ba trường Trung Học công lập dạy bậc đệ nhị cấp là trường Tổng Hợp, trường Nông Lâm Súc và trường Kỹ Thuật.
Chiều chủ nhật đầu tiên ở Ban Mê, tôi được cậu H. chở đến công viên trước mặt Biệt Điện Bảo Đại sinh hoạt cùng nhóm du ca Ban Mê Thuột. Qua đó, tôi làm quen với N. đang học lớp 12 Bồ Đề Huệ Năng với cậu H.,với S., Ch., Th.L....sau này là học trò tôi ở cấp 3 Buôn Ma Thuột. Buổi chiều tôi thường phụ với mợ M., vợ cậu Đ.(sau này tôi mới biết là em gái của mấy cô giáo ở trường Trung Học Tổng Hợp), và cậu M. con trai út của ông bà kiểm đếm các lồng vịt chở từ Ninh Hòa lên, tháo lồng cho vịt vào chuồng chăm nuôi phía sau nhà. Thỉnh thoảng, ông lại cho tôi theo xe vào rẫy cà phê của gia đình ở buôn Ko Tam, để phụ trông coi người làm thuê hái cà phê hay phụ ông tưới. Lần đầu tiên, tôi thấy cây cà phê đầy trái chín đỏ nằm chênh vênh giữa khu rẫy rào dậu sơ sài như vậy, chung quanh là những buôn của đồng bào Thượng mà chẳng hề mất trộm mất cắp gì. Tôi vừa ngạc nhiên vừa thán phục tính thật thà của đồng bào dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên.
Khác với Me tôi, khi nghe tôi báo sẽ chọn nhiệm sở Ban Mê Thuột, chị tôi lúc đó đang ở Sài Gòn bỗng à lên một tiếng, rồi nói nhanh " À! Có chị C. con của dì Ba C.dạy trên nớ. Mà hình như chồng chị C.là hiệu trưởng trường Trung Học Tỉnh hay sao ấy! Tý nữa, chị viết thư cho chị C. để em gặp gỡ và nhờ chị C. đùm bọc trong thời gian còn lạ nước lạ cái".
Dì Ba C. là chị em bạn dì với Me tôi, thỉnh thoảng tôi có gặp dì trong những lần giỗ bà ngoại, nhưng chị C. tôi chưa gặp bao giờ, chỉ nghe nói chị là một trong những hoa khôi của trường Đồng Khánh, cùng lứa với chị tôi. "À! Mà em biết không, mấy năm trước anh S. cũng dạy ở Ban Mê đó em. Nghe anh S. khen Ban Mê văn minh lắm chứ không lạc hậu mô"
Sau này, khi lần đầu đi ngang rạp chiếu bóng Thăng Long, nhìn các bảng quảng cáo phim, tôi mới thấy lời khen của anh S. chẳng sai tí nào. Toàn những phim tôi mới xem ở Huế hoặc đang chuẩn bị chiếu vào các tuần kế tiếp sau ngày tôi lên Ban Mê bắt đầu trả duyên cho cái nghiệp giáo của mình.
Và thế là tối hôm đó, chị viết một bức thư khá dài kín cả bốn mặt hai tờ giấy pơ-luya gấp đôi, bỏ vào phong bì kẹp giữa một tập thơ (hình như của chị Hỷ Khương thì phải) biểu tôi nhét vào ba lô cẩn thận, trước khi chị gửi tôi theo chuyến bay cùng nhân viên của cơ quan cứu trợ Hoa Kỳ nơi chị làm việc bay ra Huế vào sáng hôm sau.
Thế đấy! Tôi đã "biết" Thầy Hiệu Trưởng của chúng ta lần đầu tiên, bằng một thông tin khá mơ hồ của chị tôi "Hình như chồng chị C. là hiệu trưởng trường Trung Học Tỉnh hay sao ấy!"
*
* *
(Còn tiếp Phần 2 : Cảm Nhận Đầu Tiên Về Phố Núi & Ngôi Trường Trong Ký Ức)
NGỌC THANH
(Nguồn trích từ trong Đặc San Thương Hoài Trường Xưa của Cựu Học Sinh Trung Học Tổng Hợp BMT, niên khóa 1967-1974)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét