"Tôi là người ngoại đạo nhưng trong giờ phút thiêng liêng Chúa ra đời, tôi cũng quỳ gối dâng lời cầu nguyện. Tôi cầu xin đất nước yên vui, mọi nhà đoàn tụ, cuộc sống thanh bình…"
GIÁNG SINH TRÊN CAO NGUYÊN
*Lê Văn Phúc
Sau 3 năm thi hành nghĩa vụ quân sự – nói theo điệu lính thú ngày xưa là “trấn thủ lưu đồn” – tôi được giải ngũ vào dịp cuối năm 1967 tại Ban Mê Thuột.
Ở cái thành phố “buồn muôn thuở” này mãi nó cũng nẫu người ra, nên khi giã từ vũ khí, tôi phải tìm đường bay nhẩy.
Hồi đó, gia đình tôi ở ngoài Bắc. còn tôi tuy đã hăm mí cái xuân xanh đang đi trên mái tóc mà vưỡn chưa có em nào “đài gương soi đến dấu bèo“!
Chả phải tôi xí trai đâu! Bằng chứng cụ thể và hùng hồn nhất là tiệm hình lớn trên Dalat đã triển lãm hình tôi trong tủ kính cả nửa năm trời. Hình phóng to như thật, ai coi cũng khen thầm là thông minh nhất nam tử, không biết con cái nhà ai mà bô trai đến thế!
Ấy vậy mà vẫn không có bóng hồng nào thấp thoáng nẻo xa… Tôi vẫn thầm trách người cũng như tự trách mình là đã bỏ mất những dịp may hiếm có!?
Bởi cô đơn, lang thang miền đất lạ, tôi mua vé xe đò lên Kontum tìm đến chơi nhà người bạn.
Kontum với tôi hình như có cái gì quyến luyến dễ thương.
Trong mấy tỉnh miền cao nguyên, tôi vẫn yêu Kontum hơn cả.
Ban Mê Thuột đất đỏ mưa buồn, Pleiku phố xá đìu hiu. Chỉ có Kontum là nên thơ rất mực.
Kontum nằm trên một quả đồi cát trắng, bao quanh là dòng sông hiền hòa uốn khúc.
Tỉnh lỵ tuy nhỏ nhưng êm đềm, xinh xắn. Những con đường cát trắng, những hàng dừa cao lả bóng thướt tha, những suối nước róc rách có tiếng chim hót líu lo trong hoa lá, có tiếng nói tiếng cười hồn nhiên của mấy cô con gái giặt rũ dưới suối.
Đời sống thật là an bình, thơ mộng.
Làm sao mà tôi không yêu mến thành phố quạnh hiu này cho được!
oOo
Ở nhà Vũ được 1 tuần, đã tới mùa lễ Giáng sinh. Đài phát thanh phát đi các bản thánh ca trên làn sóng điện. Ngoài phố, bầy bán các loại đèn Giáng sinh, trang trí, các hang đá, các tượng ảnh… Trong nhà giáo dân, có cây thông giăng đèn hoa lấp lánh, có hang Bêlem nơi Chúa ra đời…
Vũ bàn với tôi:
– Cuối tuần tới là Giáng sinh, tớ đưa cậu lên thăm một làng Thượng theo đạo Công giáo do một linh mục Việt Nam cai quản, dự lễ trên đó luôn. Cậu chịu không?
Thấy bạn đưa ý kiến có vẻ hay hay, tôi nhận lời liền.
Vũ chuẩn bị thật chu đáo. Chiếc xe Jeep cũ được coi lại máy móc, vỏ xe, xăng nhớt! Vũ mua ít muối, đá lửa, thuốc Aspirin, một chai “nước hoa thợ cạo” , một ít bánh ngọt, một ít kẹo, một bao trà sen, vài cục pin, vài tờ báo… Vũ còn đem theo cả cái máy hình và chiếc cassette!
Địa điểm chúng tôi sẽ tới là làng Kon-Đú thuộc quận Dakto. Từ Kontum đi Dakto, nửa đường rẽ tay mặt qua làng Konhoring, xe chạy long xòng xọc lên đồi xuống dốc dăm bẩy đoạn đường.
Đường sơn cước lên đèo đổ vực quanh co, đồi núi chập chùng, mây thấp ngang tầm mắt.
Có lúc chúng tôi đi trong sương, tưởng như hai chàng Lưu Thần, Nguyễn Triệu chối bỏ tình trần đang tìm đường vào chốn thiên thai, nghe thiên hạ đồn rằng có nhiều nàng tiên cánh trắng.
Có khi xe dừng lại bên con suối trong, mọc đầy những cụm hoa rừng mầu tím, mầu vàng, mầu đỏ để Vũ ngắm nghía, loay hoay với chiếc máy hình mong lấy được vài ảnh đẹp.
Có khi chúng tôi nom thấy mấy con gà rừng óng mượt nghểnh cổ canh chừng khi thấy xe Jeep nổ máy chạy qua.
Có đoạn, xe chạy qua cầu mà cũng vất vả. Cầu làm toàn bằng cây xếp thành hàng ngang, buộc bằng giây thừng, giây kẽm. Xe nhà binh cũng qua cầu nên dễ làm hư cây hư giây buộc. Xe nào chạy sau mà không thận trọng là rất dễ lọt bánh.
Vũ đã có thời phục vụ trong binh đoàn ở vùng này nên có nhiều kinh nghiệm và cứng tay lái nên mọi chuyện êm xuôi.
Xe chạy vòng vo một hồi, xa xa ngọn đồi cao ẩn hiện mấy nóc nhà sàn. Vũ nói:
– Đó là làng Kon-Đú! Lát nữa cậu sẽ gặp một linh mục rất dặc biệt…
Khi xe chạy tới chân đồi, Vũ bóp còi xe inh ỏi. Không biết từ đâu, lô nhô mấy chục đứa trẻ hiện ra, reo hò vui vẻ, vẫy tay lia lịa.
Xe lên tới đỉnh đồi, lũ trẻ hớn hở vây quanh, như bắt được vàng!
Tôi hỏi Vũ:
– Chắc cậu lên đây nhiều lần rồi nên quen thuộc với dân làng này lắm thì phải?
Vũ đáp lửng lơ:
– Hình như thế!
Chúng tôi chưa kịp bước ra khỏi xe thì vị linh mục đã từ nhà sàn bước xuống, tươi cười chào đón.
Vũ giới thiệu tôi với linh mục Hoàng Ngọc Minh, người lãnh đạo tinh thần sắc dân Sédang vùng này.
Sau khi Vũ trình Cha là chúng tôi lên đây dự lễ Giáng sinh thì Cha tỏ vẻ vui mừng hết sức.
Trò chuyện một hồi, tôi biết tại sao Vũ là thổ công vùng này. Trước đây, hồi ở trong quân ngũ, Vũ là sĩ quan tại Quận Dakto, đã nhiều lần thăm nom giúp đỡ cha vài việc nho nhỏ nên dần dà thành quen lớn. Và dân làng đối với Vũ cũng chẳng còn xa lạ gì.
Chúng tôi theo Cha Minh lên nhà sàn, nơi cha ở.
Vũ biếu Cha bao trà tầu, mấy cục pin để chạy radio, ít thuốc cảm để Cha cho con chiên, và mấy tờ báo.
Chỗ Cha ở là một căn phòng nhỏ mái lá, kê vừa một cái giường tre, một cái bàn gỗ ọp ẹp, ít sách kinh, một ngọn đèn dầu, một cái radio chạy bằng pin… Giang sơn của Cha chỉ có vậy. Cha đã sống trên vùng này nhiều năm và rất vui vẻ, hăng hái để chu toàn việc thờ phụng Chúa.
Còn mấy hôm nữa là đến ngày lễ. Làng Kon-Đú nhộn nhịp hẳn lên. Dân số đông hơn trăm người đều theo đạo Công giáo. Ngôi nhà sàn rộng lớn kế cận chỗ Cha ở, là nhà nguyện.
Ở đây, người dân sống xa với đô thành nên mọi thứ đều đơn sơ và mộc mạc, cũng như tâm hồn của sắc dân Séđang hồn nhiên, thuần hậu.
Ngày lễ lớn nên nhà nguyện có treo đèn kết lá, có hang Bêlem nơi Chúa ra đời, có con lừa bên máng cỏ, có thiên thần, có âm thanh, có ánh đèn lấp lánh…
Buổi chiều, chúng tôi xuống tắm dưới suối và nghe tiếng cọp gầm bên kia đồi núi âm u…
Bữa cơm tối, có món thịt nai nướng đầy hương vị cao nguyên khiến chúng tôi ăn không biết chán!
Trong lúc ăn, Cha hỏi chúng tôi đủ mọi thứ chuyện.Từ chuyện chính trị, quân sự đến tân nhạc, cải lương, đào kép, qua cả đến lãnh vực thể thao, văn nghệ. Mục nào Cha cũng gợi ý và chú tâm nghe chúng tôi trình bầy. Thỉnh thoảng Cha lại “bỏ nhỏ” vài ý kiến để câu chuyện được đậm đà và khởi sắc.
Nụ cười hiền từ của Cha luôn nở trên môi. Đôi mắt tinh anh và đầy nhân ái. Giọng nói thân mật, nhẹ nhàng. Chúng tôi bầy tỏ lòng cảm phục và ngưỡng mộ Cha đã lên đây dìu dắt đám con chiên trong một hoàn cảnh đặc biệt, sống xa lạ hầu như tách biệt với thế giới bên ngoài. Cha chỉ còn biết gần gũi với con chiên, răn dậy họ những điều lành và lo giáo dục đám trẻ thơ nghèo nàn, khốn khó !
Nhân có tôi, Vũ trình Cha cho phép chúng tôi được đóng góp giúp vui một chương trình đặc biệt mừng Chúa Giáng sinh, tổ chức vào buổi chiều ngày 24.
Cha chấp thuận liền.
oOo
Chiều 24, Cha cho lệnh tập họp bằng một hồi trống. Lũ trẻ con đã đầy đủ quanh khu trình diễn cạnh nhà nguyện từ lâu. Còn người lớn thì tà tà đến sau.
Nơi trình diễn đơn giản, chỉ có 1 cái bàn ọp ẹp, trên để lỉnh kỉnh dăm bẩy chực gói nhỏ, vài chục gói bánh và 1 lọ nước hoa thợ cạo.
Cạnh bàn là 1 cây đàn ghi-ta.
Đồng bào thiểu số hầu hết nói và hiểu tiếng Việt lõm bõm nên Cha phụ trách luôn phần thông dịch qua thổ âm Sédang.
Trước tiên, Vũ nói vài lời cám ơn đồng bào tới dự, mục đích là mừng lễ Giáng sinh và sẽ cho quà…
Vũ cũng cám ơn Cha đã cho phép góp vui ngày hôm nay.
Mỗi khi Vũ nói câu gì mà đồng bào khoan khoái, họ đều phát biểu bằng cách giơ tay và đồng loạt hí lên một tiếng thật dài…
Mở đầu chương trình, ban nhạc Sédang với 5 em cầm 5 chiếc cồng bằng đồng to nhỏ khác nhau, mỗi cồng là một âm điệu. Trên vùng cao nguyên này, làng nào cũng chơi cồng nhưng số cồng khác nhau. Thấp nhất là chơi 3 cồng, cao nhất là xử dụng 6 cồng. Tiếng cồng cũng định mức độ văn minh tân tiến của khu làng đó nữa.
Người Kinh tuy quen mắt với cồng nhưng lại thật lạ tai khi tiếng cồng vang động.
Tiếp đến, Vũ ôm cây đàn cùng tôi đồng ca “Đêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời” bằng tiếng Việt, còn đồng bào miền Thượng ca bằng tiếng Sédang do Cha Minh dậy.
Qua màn hát, chúng tôi xoay sang biểu diễn võ thuật! Vốn là môn đệ của võ sư sáng tổ Nguyễn Lộc từ thập niên 1950, chúng tôi đã dậy Vovinam khi vào quân đội, nay có đấm đá vài đường thì cũng dễ thôi!
Chúng tôi xoay trần ra, biểu diễn mấy đường đấm đá căn bản. Còn Cha Minh thì phải giải thích cho con chiên hiểu tại làm sao mà hai ông bạn đang chơi với nhau thân là thế mà bi giờ lại cởi trần trùng trục, đấm đá nhau tưng bừng hoa lá như hai kẻ cựu thù…
Chúng tôi lần lượt trình bầy các thế ngã, lộn, các đòn tay đòn chân, giao đấu tự do.
Càng về sau, các đòn càng có vẻ nguy hiểm và gay cấn như đánh gậy, đánh dao, các đòn chân quặp cổ vật ngã đối phương khiến bà con say mê, hí lên từng hồi tán thưởng…
Sau màn biểu diễn võ thuật thú vị ấy, một thanh niên Sédang ra giữa săn biểu diễn thổi khèn và một anh khác đánh đàn giây.
Trời đã về chiều nhưng càng lúc càng vui.
Vũ yêu cầu mọi người ngồi yên tại chỗ. Những gói quà lớn nhỏ trên bàn, mầu sắc khác nhau. Gói mầu đỏ, gói mầu xanh, gói mầu vàng. Đàn bà, Vũ tặng gói mầu xanh là gói muối. Trẻ em, Vũ tặng gói mầu vàng trong có mấy cái bánh ngọt. Gói mầu đỏ tặng đàn ông là đá lửa.
Ở miền Thượng thì đá lửa và muối là hai món cần thiết trong đời sống hàng ngày nên đồng bào đón nhận thật trân quý.
Màn chót, Vũ cầm lọ nước hoa thợ cạo, lần lượt xịt vào đầu, vào tay bà con, thơm lừng cả một khung trời.
Ai nấy khoan khoái với niềm vui hiếm hoi mà cũng hiền lành, đạm bạc như tâm hồn người dân bản Thượng.
Cha Minh tươi cười nói:
– Các ông tổ chức lớn quá! Các ông làm thế này, năm sau các ông không lên thì tôi biết ăn nói ra sao với đồng bào ở đây?
Vũ đỡ lời:
– Thưa Cha, chúng con góp vui với Cha và đồng bào ở đây thôi chứ có lớn lao gì đâu! Năm tới, có dịp chúng con sẽ lại lên đây. Ban xiếc lưu động của chúng con mong còn nhiều dịp khác nữa…
oOo
Cơm chiều xong, trời gần tối mịt.
Những hoa đèn được thắp nến sáng lung linh. Trong nhà thờ đã thấy nhiều giáo dân quỳ gối cầu kinh. Ngoài kia, hang Bêlem lấp lánh ánh đèn mầu xinh xắn. Đồng bào vẫn ăn mặc như ngày thường, chỉ khác là nét mặt có vẻ trang trọng hơn mà thôi.
Lũ trẻ con hay nghịch ngợm, tối nay cũng khoanh tay ngồi im lặng.
Gần đến nửa đêm, những bài thánh ca vang lên từ chiếc máy thu thanh. Từng điệu nhạc thiên thần theo lời ca bay bổng.
Dân làng Kon-Đú đọc kinh mừng Chúa ra đời và cầu được bình an cho người dưới thế.
Tôi là người ngoại đạo nhưng trong giờ phút thiêng liêng Chúa ra đời, tôi cũng quỳ gối dâng lời cầu nguyện. Tôi cầu xin đất nước yên vui, mọi nhà đoàn tụ, cuộc sống thanh bình…
Quanh đây, màn đêm đã phủ kín ngôi nhà Kon-Đú nằm yên lặng xa xôi trên miền Dakto heo hút.
oOo
Cuộc đời dâu bể. Chúng tôi cũng phải chia tay mỗi người một ngả, không còn dịp quay lại ngôi làng Kon-Đú nữa.
Lê Văn Phúc (Trích Bóng Thời Gian)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét