Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Thứ Bảy, 4 tháng 12, 2021

CÂY XOAN, CÂY SẦU ĐÔNG, CÂY THẦU ĐÂU

 

30 tháng 11 lúc 19:05 
Đã chia sẻ với Công khai
Công khai
Nhớ ngày xưa, mẹ thường sai đi hái lá xoan về nhà dú chuối... Trong thơ Mường Mán thì gọi là lá sầu đông "Tháng Chạp về rồi bé thấy không... Gió thôi làm rớt lá sầu đông"
CÂY XOAN, CÂY SẦU ĐÔNG, CÂY THẦU ĐÂU
SẦU ĐÔNG (Trích)
*Vũ Thị Huệ
Quê tôi miền Bắc, cây sầu đông được trồng khắp các nẻo đường, mỗi nhà đều có một vài cây để dành cho khi xây cất nhà mới mai này. Người miền Bắc hay lo xa, thường tính chuyện đến cả đời con cháu, những nghĩ suy, tính toán trở thành thói quen, một thói quen cẩn thận và nhức đầu. Tôi thích quả xoan hơn là hoa của nó, mùa hè là lúc tôi không phải đến trường cắm đầu vào những bài tập, cũng là lúc những trái xoan xanh, vàng lủng lẳng trên cành. Chúng tôi hò nhau ném cho xoan rụng. Từng chùm, từng chùm rơi xuống mặt đất, cả đám lao vào tranh cướp, cãi nhau chí chóe rồi bắt đầu chơi. Bọn con gái chơi bán hàng, chơi ô ăn quan, còn lũ con trai chúng tôi đem ra làm đạn bắn nhau, tiếng hò hét và tiếng cười đùa vang vọng khắp làng. Cuối cuộc chơi, những nhánh xoan xơ xác, quả xoan nằm lăn lóc khắp nơi, người lớn lại càu nhàu lũ trẻ phá phách, không biết dọn dẹp, nhưng chẳng bao giờ cấm chúng tôi nghịch ngợm, để rồi ngày hôm sau lại vừa càu nhàu vừa quét dọn những đống ngổn ngang...
(Trích trong tản văn của Vũ Thị Huệ)
*** ***
TẢN MẠN NHỮNG NGÀY CUỐI NĂM
*Thái Hà
Mùa đông, đất trời vạn vật dường như say ngủ. Cây sầu đông trơ lá khẳng khiu, những con phố cũng im lìm cuộn mình tránh rét. Từng đợt gió lạnh buốt xương mang theo dư vị của nỗi buồn và sự cô đơn.
Sáng nay thức dậy, trời se se lạnh, chẳng còn cái rét căm căm của gió mùa đông bắc. Văng vẳng từ xa tiếng chim hót líu lo. Mặt trời đã thức dậy sau một giấc ngủ dài, từng tia nắng nhảy múa bên khung cửa sổ. Dõi mắt xuyên qua đám sương mù, chợt thấy cây sầu đông đã bắt đầu hé những nụ hoa trắng muốt, báo hiệu xuân về.
Xuân về, vạn vật như căng tràn nhựa sống. Đàn chim ríu rít chuyền cành, hoa lá đâm chồi nảy lộc và lòng người cũng rộn rã hân hoan. Tất cả như bừng tỉnh trong cảnh sắc rộn ràng và tươi vui của mùa xuân.
Trong khoảnh khắc giao mùa của đất trời, trong thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, lòng ta chợt lắng lại để nghĩ suy về một năm đã trôi qua. Có lẽ phải biết ơn khoảng lặng hiếm hoi và quý báu này đã cho ta đủ không gian và thời gian để thả hồn mình suy tư và ngẫm nghĩ. Khẽ nhắm mắt hoài niệm, chợt thấy cõi lòng phẳng lặng và bình yên. Những ngày cuối năm luôn mang đến cho con người những cảm xúc khó tả và những buồn vui không thể gọi tên.
Buồn vì một năm nữa lại trôi qua, ta lại già thêm một tuổi, chứ không phải lớn thêm một tuổi như lúc còn trẻ con. Thêm tuổi đời, có nghĩa là thêm trách nhiệm, không kể trách nhiệm với gia đình và xã hội, đó còn là trách nhiệm với chính bản thân ta. Vầng trán thêm nhiều nếp nhăn của lo toan và đôi vai cũng bắt đầu những gánh nặng mưu sinh.
...
(Trích trong tản văn của Thái Hà)
*** ***
BỮA ẤY MƯA XUÂN PHƠI PHỚI BAY (Trích)
*Hoàng Thị Thu Thủy
Ở nông thôn bên đường làng, ngõ xóm, thế nào cũng có cây sầu đông đong đưa trước gió. Ở Nam Bộ có món gỏi sầu đâu, vậy là tên gọi sầu đâu không chỉ về loại cây hoa xoan, cây sầu đông, cây thầu đâu như ở Trung Bộ và Bắc Bộ. Mùa xuân, ngày tết người ta không mua hoa xoan về chưng trong nhà, nhưng hình ảnh hoa xoan gắn bó với con người Việt Nam và đi đã vào văn học, làm nên những hiệu ứng khác nhau trong cảm thức xuân của mỗi người.
“Cây sầu đông không biết có phải là một loại cây đặc biệt ở Huế không, tôi nghe người Bắc gọi là cây Xoan, người Huế gọi là cây Sầu đông, thầu đâu hay có khi gọi Sầu đâu. Thân cây cao, có nhiều cành màu đen, khô, lá cây có khứa, nối chùm bằng những cọng nhỏ, hoa nhỏ, có cánh li ti màu tím nhạt, nhuỵ tím thẫm. Ở gốc cây, nếu bị vết sứt thường chảy ra một thứ nhựa màu vàng, có thể dùng để dán được” (Mưa trên cây sầu đông, Nhã Ca). “Tên gọi sầu đâu dễ bị lầm lẫn với tên gọi là thầu đâu, là sầu đông của cây xoan ta. Cây sầu đâu có nhiều ở vùng Thất Sơn, An Giang, Châu Đốc, những tỉnh giáp giới Campuchia. Cây sầu đâu thân gỗ, cao to, vỏ sần sùi, chứ không trơn láng như thân cây xoan ta. Lá xoan ta độc, không ăn được, còn lá non và bông sầu đâu thì ăn được… Bông sầu đâu ra hoa vào mùa xuân, màu trắng, mọc thành từng chùm như hoa nhãn, dùng làm gỏi. Gỏi sầu đâu tương đối dễ làm: Rửa sạch bông và lá non, có thể trụng sơ qua nước sôi. Nướng khô cá sặc rằn, khô cá lóc, xé nhỏ, bỏ vào… Trộn thêm rau thơm, hành tây xắt mỏng, xoài băm sợi… Gỏi sầu đâu có vị đắng nhưng hậu ngọt dai…” “Thấm hoài vị đắng sầu đâu, Thương bông so đũa trắng đầu… má ơi!”
Trong bài báo giải thích hai câu thơ Truyện Kiều, nhà nghiên cứu Đào Thái Tôn đã dẫn từ Đại Từ điển tiếng Việt : Xoan còn gọi là xoan đâu, sầu đâu, thầu đâu… “Nhất đình sơ vũ luyện hoa khai” (Mộ xuân tức sự – Nguyễn Trãi) – Hoa xoan mưa nhẹ nở đầy sân (Cuối xuân tức cảnh). Những giọt mưa xuân ấm áp lất phất rơi đã mở bung những cánh hoa xoan trắng muốt trước sân. Màu trắng thanh tao của những cánh hoa xoan li ti đã làm cho bức tranh mùa xuân thêm hoàn thiện. Ám ảnh từ câu thơ Nguyễn Trãi, mà tìm cho ra tên gọi một loài hoa, thật là thú vị. ...
Hoàng Thị Thu Thủy
---------------------------
THAM KHẢO CỦA THẦY NGUYỄN VIẾT KÌNH
Gọi tên là Xoan, Sầu đâu... dễ bị nhầm lẫn giữa các (6) em này với nhau.
Sáu loài này thuộc 3 họ thực vật khác hẳn nhau
A. Họ Xoan (Meliaceae)
A1. Xoan, Xoan ta, Xoan trắng (Melia azedarach)
Được TRỒNG phổ biến tại VN, nhất là các tỉnh phía Bắc. Mặt trái xoan, Hoa xoan bên thềm cũ là loài này. Thân Xoan thẳng, gỗ màu sáng, nhẹ, thường dùng làm nhà do ít bị mối mọt. Vỏ thân (TRƠN) và vỏ rễ cho vị thuốc Khổ luyện bì (khổ = đắng). Quả (độc) chưa thấy dùng làm thuốc. Lá Xoan trơn láng, không có lông. Lá độc nên KHÔNG ĂN ĐƯỢC; thường được dùng để dú chín trái cây, thuốc trừ sâu bọ...
Tên cây A1 này hay bị GỌI SAI thành Sầu đâu (xem phần A2)
A2. Sầu đâu = Cây Neem, Sầu đâu Ấn Độ (Azadirachta indica)
Cây mọc hoang, hiện cũng được trồng (Bình Thuận trồng khá nhiều). Vỏ thân nhăn nheo, rất nhiều sọc dọc xù xì. Lá có vị đắng nhẫn, sau đó lại có vị hơi ngọt ngọt, KHÔNG ĐỘC và thường được dùng làm gỏi Sầu đâu (dân miền Tây Nam bộ ưa trộn lá Sầu đâu này cùng Thịt heo ba rọi + tôm tươi/khô + khô cá sặc xé + xoài xanh bầm + dưa leo + ớt bầm...). Riêng dân Khmer: dùng kèm mắm prǒ-hǒk / bò-hóc. Tiếng Khmer kêu cây này là X’đơv; có lẽ vì vậy nên mới được Việt-hóa thành “Sầu đâu” rồi lại thành “Sầu đông”...; tương tự như cây X’vai được Việt-hóa thành cây “Xoài”... vậy.
Ngoài ra còn vài cây khác nữa cũng có tên dính tới tên Xoan, Sầu đâu. Các cây này có thể cũng cùng họ Xoan (A) nhưng cũng có thể thuộc một họ khác (B. họ Hoa Hồng và C. họ Thanh Thất):
A3. Xoan quả to = Xoan lông (Melia tomentosa)
Lá Xoan này có nhiều LÔNG MỀM. Vỏ thân và vỏ rễ cũng cho vị thuốc Khổ luyện bì (khổ = đắng); nhưng thường dùng quả cho vị thuốc Xuyên luyện tử (Xuyên = từ nguồn Tứ Xuyên, Trung quốc).
Ở VN, Xoan quả to MỌC HOANG trong rừng, chủ yếu là rừng phía Bắc. Nói chung, ít khi gặp nên ít sợ nhầm lẫn
B. Họ Hoa Hồng (Rosaceae)
B1. Xoan đào (Prunus arborea)
Cây hiện được TRỒNG từ hạt. Thân bự, lõi thân đỏ hồng, thường dùng trong nghề mộc (làm tủ, bàn ghế...)
C. Họ Thanh Thất (Simaroubaceae)
C1. Sầu đâu rừng (Brucea mollis)
C2. Sầu đâu cứt chuột (Brucea javanica). Cũng còn gọi là Xoan rừng, Sầu đâu rừng
Hai cây C1 và C2 này trái nhỏ xíu, khi chín đen khô rụng xuống dòm như cứt chuột (khác xa trái Xoan ta hay Xoan lông). Toàn cây của 2 cây họ Thanh Thất này đều có độc; lá mềm hơn lá Sầu đâu (gỏi), có vị rất đắng và KHÔNG ĂN ĐƯỢC (độc!). May là chỉ gặp C1 & C2 mọc hoang trong rừng (rừng Nha Trang và Darlac cũng có) nên ít sợ nhầm lẫn với cây “A2. Sầu đâu gỏi”
Có thể là hình ảnh về cây và thiên nhiên
San Lê Thị, Bo Dao và 162 người khác
90 bình luận
1 lượt chia sẻ
Thích
Bình luận
Chia sẻ

90 bình luận

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét