"Tội nghiệp thằng bé nhớ thương mãi quê nhà..." Tiếng còi hụ ngày xưa đã xa tít mù khơi... Một thời gian sau 75, tiếng còi vẫn hụ báo tầm, chỉ khác trước là chậm hơn một giờ đồng hồ...
CÒI HỤ TRÊN THÁP NHÀ ĐÈN BAN MÊ
*Trích trong "Mỗi ngày bốn bận còi tầm..." của Hoàng Văn Minh .
Ông Ninh, một nhân viên của Sở Điện lực tỉnh Đắk Lắk dẫn tôi lên xem cái còi tầm với ánh mắt đầy ngạc nhiên: “Hình như chú là người đầu tiên đến đây với yêu cầu rất kỳ quặc là muốn lên xem còi tầm”. Còi được đặt trên sân thượng của một toà nhà kiến trúc Pháp hai tầng được xây dựng từ năm 1933 với tên gọi nguyên thuỷ là “nhà đèn”, có cấu tạo rất đơn giản: 6 cái còi hình loa toả đi sáu hướng, trên có mái che, dưới là một công tơ điện ba pha và giá đỡ 4 chân. Theo ông Ninh thì nguyên lý hoạt động của còi cũng rất đơn giản, kiểu như kèn đồng, nhưng thay vì thổi hơi tạo lực thì bật công tắc, dòng điện tác động lên những lá đồng và phát ra âm thanh...
...
...
May còn có ông Châu chủ quán cà phê. Số là chuyện một hồi quanh cái còi, ông mới mở lòng giới thiệu mình cũng nguyên là cán bộ của Sở Điện lực, nhưng là làm chính thức từ ngày 21.1.1960 (dưới thời Ngô Đình Diệm), sau đó giải phóng lại ở lại làm việc cho đến ngày nghỉ hưu. “Cái còi tầm đó không phải có từ thời Pháp, cùng tuổi với ngôi nhà (1933) như nhiều người nói. Bởi khi tôi vào đó làm việc năm 1960 thì ở bên hông toà nhà có một cái kẻng rất lớn dùng để báo giờ làm và giờ nghỉ..
Sau đó đến năm 1963 hay 1964 gì đó thì cái kẻng kia mới được dẹp đi để thay bằng cái còi như bây giờ chúng ta thấy. Đáng tiếc là tôi không nhớ được cái còi ấy ra đời trong hoàn cảnh nào và ai là người đẻ ra nó”, ông nói. Ông Châu khẳng định: Khác với ngoài Bắc, còi tầm ở Buôn Ma Thuột chỉ có một chức năng báo giờ chứ không có thêm chức năng báo động. Và thời chế độ cũ, việc kéo còi do một người gọi là “ông tuỳ phái” phụ trách. Người “ông tuỳ phái” không giống với bảo vệ như bây giờ mà ngoài việc vệ sinh lau chùi văn phòng, kéo còi, có có thêm việc giữ khuôn dấu cho lãnh đạo.
Lại nhớ hôm đó hỏi ông Nguyễn Văn Thoan, nhân dịp ông khoe đã đi làm việc, giao lưu với hầu hết các sở điện lực trong Nam ngoài Bắc rằng: “Cả nước bây giờ còn nơi nào có còi tầm báo giờ làm việc cho cả thành phố như Buôn Ma Thuột không?”. Ông bóp trán nhớ: “Ngày trước thì nhiều, nhưng hình như bây giờ chỉ ở Cần Thơ có một cái nữa thôi thì phải”. Chợt nhớ “hình như” khác của một nhà văn: “Cũng gần chục năm nay, trên văn đàn Việt Nam hình như không có tác phẩm nào viết về tiếng còi tầm”. Nghe thế tự nhiên lại thấy lo. Cứ nghĩ vẩn vơ một ngày nào đấy, lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk hứng lên, chả thèm quan tâm tới chuyện “biểu tượng” hay “trạng thái” gì đó của thành phố, rồi nói thôi dẹp đi, thời buổi ni cả điện thoại di động cũng có đồng hồ, duy trì cái còi ấy chỉ mỗi việc tốn điện và điếc tai... thì sao nhỉ?
( Trích trong "Mỗi ngày bốn bận còi tầm..." của Hoàng Văn Minh đăng trên báo Lao động cuối tuần, ngày 25/06/2011)
*Báo Tuổi Trẻ (31/1/2015) -Nhà đèn BMT gồm hai dãy nhà kiến trúc kiểu Pháp chạy dọc hai tuyến đường L.D. và N.C.T. Thành phố BMT (Đắk Lắk), được người dân gọi với cái tên quen thuộc “Nhà đèn Ban Mê”, đã được đập bỏ để xây nhà điều hành mới của Công ty Điện lực Đắk Lắk.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét