Ở thị xã Buôn Hồ, tỉnh ĐăkLăk có một nơi cưu mang những mảnh đời bất hạnh...
TẤM LÒNG VỊ CHỦ TRÌ CHÙA BỬU THẮNG
Chùa Bửu Thắng nằm tọa lạc tại phường Thống Nhất, thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk, được nhiều người biết là nơi che nắng, che mưa của những mảnh đời cùng cực, bất hạnh. Bên trong đó là tấm lòng bác ái của sư cô Thích Nữ Huệ Hướng (SN 1961), trụ trì chùa Bửu Thắng.
Sư cô Thích Nữ Huệ Hướng cho biết, bản thân mình có duyên gắn bó với những mảnh đời bất hạnh là do trước đây sư cô cũng là một đứa trẻ mồ côi, bố mẹ đã rời xa cô vì bom đạn chiến tranh. Một mình còn lại trên cõi đời nên cô thấu hiểu được sự cô đơn, tủi khổ thiếu thốn tình cảm của gia đình. Chính vì vậy, năm 30 tuổi cô xuất gia đi tu và nhận nuôi những hoàn cảnh éo le mà mình gặp được.
Từ ngày đó, sư cô luôn dang rộng vòng tay để chào đón những đứa trẻ bất hạnh, không nơi nương tựa. Như trường hợp của bé Mỹ, sau khi ba mất đi, mẹ bị điên loạn, 5 chị em Mỹ côi cút, không ai chăm sóc nên được chính quyền đưa về chùa Bửu Thắng nương nhờ chốn cửa Phật. Tại đây, sư cô chăm sóc rồi cho các em đi học. Hiện nay, 5 chị em Mỹ đã trưởng thành và có thể tự lo cho cuộc sống của mình.
Theo sư cô Huệ Hướng, có những đứa trẻ lành lặn, kháu khỉnh nhưng vẫn bị những bậc làm cha, làm mẹ ruồng bỏ khi chỉ mới vài ngày tuổi. Rồi nhiều trường hợp các em bị khuyết tật nên gia đình nhẫn tâm bỏ rơi. Như trường hợp của cháu H.T.P không có hai tay nên bị gia đình bỏ lại tại một vườn cà phê. Sau đó, người dân phát hiện được và đưa về chùa nhờ sư cô chăm sóc.
“Lúc mới đưa về, cơ thể cháu rất yếu nên thường xuyên phải vào bệnh viện thăm khám. Nay đã lên 3, cháu đã ổn định về sức khỏe nên rất ngoan và đáng yêu”, sư cô Huệ Hướng tâm sự.
Không được may mắn bằng cháu P., cháu H.P.H sau khi bị người nhà bỏ rơi trước cổng chùa thì mọi người vô cùng xót xa khi hay tin cháu mắc căn bệnh não úng tủy, mù cả hai con mắt.
Đến nay, sau quá trình chữa trị 10 năm, mọi sinh hoạt của H. vẫn diễn ra tại chỗ. Cháu H. không thể nói, thậm chí vẫn phải ăn cơm xay. Gần đây, sư cô còn nhận một trường hợp tương tự cháu H., nhưng đi khắp các bệnh viện, bác sĩ đều lắc đầu trước căn bệnh quái ác. Không chùn chân, sư cô vẫn đưa cháu bé về chùa nuôi dưỡng suốt 2 tháng qua.
Không chỉ nuôi dưỡng những đứa trẻ, sư cô còn chăm sóc những người già neo đơn, không nơi nương tựa. Như trường hợp của cụ Khoai, do đi lạc và không nhớ đường về nên đã bị một người dân mang về làm nương rẫy. Đến khi sức khỏe cụ yếu, người này đưa cụ về chùa rồi bỏ đi. Đồng cảm với nổi cơ cực của cụ, sư cô đã báo chính quyền và đưa cụ về phụng dưỡng như bố mẹ của mình. Bên cạnh đó, những người mắc bệnh tâm thần, bị bại não, tim, đao… cũng được sư cô đón nhận vào chùa.
Tính đến nay, chùa Bửu Thắng đã nhận hơn 210 hoàn cảnh bất hạnh về chăm sóc. Hàng tuần, các bác sĩ đều đến để thăm khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho trẻ em, người già và những người bị bệnh tâm thần. Cùng với đó, để tiện cho các em học chữ, sư cô đã xây dựng các lớp học từ mẫu giáo đến cấp 3 ngay trong chùa.
Chăm sóc những người bình thường đã khó, đối với trẻ em, người già, người bị tâm thần lại càng khó khăn gấp trăm lần. Nhưng với cái tâm, tình yêu thương vô bờ bến đã giúp những sư cô trong chùa Bửu Thắng vững tâm, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ để đưa nhiều em nhỏ đến gần hơn với cánh cửa Đại học, trưởng thành ngoài xã hội và có những gia đình thực sự.
...
...
TRANG ANH
(Theo Đời sống & Pháp lý)
(Theo Đời sống & Pháp lý)
*Tham khảo thêm http://vietnammoi.vn/am-ap-tam-long-nhan-ai-cua-vi-tru-tri-…)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét