Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Thứ Sáu, 27 tháng 10, 2017

KRÔNG H'NĂNG TRUYỀN THUYẾT & HIỆN THỰC * Quách Thành

Sông nước huyện Krông Năng, ĐăkLăk...
KRÔNG H'NĂNG TRUYỀN THUYẾT & HIỆN THỰC
* Quách Thành
Người Êđê - Krông H'Năng không hết mấy trăm, mấy ngàn con trăng mùa rẫy đi qua, chỉ biết còn đọng lại trong cái đầu một câu chuyện lưu truyền kể bên bếp lửa trong nhà sàn, và bắt đầu hai chữ "ngày xưa".Ngày xưa có một làng Êđê nọ, dân làng đang sống bình yên cần cù làm ăn với cái rẫy, cái nương của mình sau những cánh rừng hoang sơ sâu thẳm.Một sáng kia và cũng bắt đầu từ đó tai hoạ ập đến đe doạ số phận của dân làng. Khác mọi ngày, không phải ông Mặt trời dậy sớm mà là một hang giếng sâu hoắc, to lớn, đỏ chót treo lơ lửng trên trời hung dữ nhìn thẳng vào buôn làng, nhìn vào người già, con trẻ, con gái, con trai, cái nương, cái rẫy bằng hơi nóng dữ dội. Cứ thế, ngày này qua tháng nọ, cái nắng khủng khiếp cứ nung nấu bầu trời, thiêu đốt vạn vật. Cây cháy lá trơ cành. Cỏ bị đốt, đất bày ra chín đỏ ối. Lòng sông, con suối khô cạn cá chết bày xương, chim chóc khô đét trên cành cây rụng đầy gốc. Con heo, con bò trong buôn cùng những con thú trong rừng lần lượt chết sạch: Mọi sự sống đứng trước nguy cơ báo động huỷ diệt. Chỉ có loài bò chét không biết từ đâu sinh sôi nảy nở từng dàn từng lũ có mặt khắp mọi nơi, dưới dất, trong bếp, trên sàn cứ tìm người rúc bám. Trong rừng không có con thú để săn bắt. Rẫy nương không có hạt mưa để trồng trỉa. Lòng sông, con suối cạn khô không có nước uống. Bọ chét gây bệnh dịch hạch cả làng. Người già, con trẻ vì bệnh tật, đói khát đã chết đi nhiều lắm.
Lúc đó, giòng họ Mlô đang làm chủ đất, H'Năng là con gái đầu lòng của chủ đất Y Kheo. Nàng lấy Y Zúk chưa đầy một mùa rẫy thì buôn làng xảy ra tai hoạ. Cha nàng bệnh tật, đói khát đã chết. Trước khi mất, Y Kheo chủ đất gọi con rể, con gái đầu lòng trăn trối.
-Ơ H' Năng! Ơ Y Zúk! Hai con có bổn phận thừa kế vai trò chủ đất của ta và hãy đi xa ba, bảy cái rừng tìm vùng đất mới cho dân làng sinh sống. Không thể ở đây được nữa rồi! Yàng đã tức giận phạt tội chết của buôn làng ta đó.
Nghe lời cha, làm tròn vai trò chủ đất của vợ, Y Zúk cùng già làng, chủ bến nước lên đường đi tìm vùng đất mới họp ý Yàng để chuẩn bị cho buôn làng di cư.
Họ đi suốt mấy mùa trăng không trở lại, đi mãi không về. H'Năng thuỷ chung, đau buồn chờ đợi. Nàng chờ, chờ mãi, chờ mãi… Không thể chịu đựng xót đau trước cảnh đói khát, bệnh tật, chết dần, chết mòn của dân làng và một nỗi quá nhớ thương chồng, H'Năng quyết đình một mình lầm lũi ra đi tìm chồng, tìm đất. Nàng lang thang trong rừng sâu vật vã với cái đói, cái khát. Nàng ngất xỉu khi băng qua một con sông lớn đã khô cạn nước. Và đêm đó, trời bỗng nổi giông đùng đùng sấm chớp, gió to rồi đổ mưa xối xả suốt cả đêm. Sáng hôm sau, tất cả các con sông, con suối đầy ăm ắp nước, tuôn reo khắp làng buôn. Dân làng hân hoan vui sướng. Ai cũng nghĩ: H'Năng chủ đất đã đi gặp Yàng, xin Yàng cho mưa. Cả đoàn người già trẻ, gái trai lũ lượt kéo nhau đi đón H'Năng về mở hội lễ cúng Yàng. Nhưng đoàn người chững lại trước một dòng sông lớn không thể nào qua được, bởi nước ầm ào chảy xiết. Giữa dòng sông có một tảng đá lớn nổi lên, trên tảng đá, họ thấy H'Năng nằm bất động, chung quanh hoa Edam nở trắng một màu, dân làng gọi lớn.
-Ơ H'Năng! H'Năng! Dân làng biết ơn mày lắm! Mày đã đi gặp Yàng cầu mưa và Yàng cho mưa cứu sống buôn làng. Buôn làng đi đón mày về đây. Gọi mãi, gọi mãi …không thấy H'Năng trả lời, mọi người lặng im cúi đầu biết H'Năng đã chết.
Tưởng nhớ người con gái Êđê chung thuỷ với chồng, tình nghĩa, trách nhiệm với buôn làng, họ đặt tên cho dòng sông là " Krông H'Năng".
Tên người con gái Êđê đã thành tên dòng sông. Tên dòng sông đã thành tên làng tên buôn. Đất nước - con người Việt Nam ở đâu cũng nhân nghĩa, ân tình như thế đấy! Truyền thuyết là một loại thể văn học dân gian phản ánh lịch sử xã hội loài người nói chung và tộc người nói riêng thuở bình minh sự sống của họ.
...
...
Những ngày cuối năm, trên các nẻo đường Xuân, ở những chợ Xuân, huyện Krông Năng bên cạnh những chiếc gùi của người Êđê chất đầy hàng hoá Tết, còn có những đôi quang gánh của người Kinh, đồng bào dân tộc các tỉnh miền núi phía bắc họp chợ mua bán. Tan chợ, họ từng đoàn lũ lượt kéo nhau về buôn bản, về làng Kinh tế mới.
Krông H'Năng, bên cạnh làng định cư của đồng bào dân tộc Êđê bản địa Buôn Wiâo, Ea Hồ, D'liêya, còn có làng Kinh tế mới của đồng bào các dân tộc miền núi phía Bắc, đồng bào miền xuôi lên sinh cơ lập nghiệp như: Phú Xuân, Phú Lộc, Tam Giang, Krông Năng, Ea Tam, Ea Tóh… Tình yêu đất, niềm tin cuộc sống, họ đã hoá đất lạ thành quê hương, tạo dựng nên làng, nên xóm, giàu có sầm uất thành nơi chôn rau cắt rốn. Làng Phú Xuân, Krông Năng giàu lên từ cây cà phê xuất khẩu. Tam Giang vững vàng từ cây lúa nước, gỗ rừng, cây mía, cây bông. Phú Lộc phát triển đổi thay bắt đầu từ cuộc sống của người công nhân cao su biết làm thêm kinh tế phụ gia đình bằng mô hình V.A.C thích hợp… Cũng như đồng bào Êđê trước ngày có công cuộc định canh định cư, đồng bào miền xuôi đi xây dựng quê hương mới, họ phải trả một giá rất đắt cả một quãng đời của mình trên dưới mười lăm năm của những ngày đói sắn, thiếu khoai, bệnh tật ở núi rừng Tây Nguyên. Bây giờ, những đổi thay có thể tính từng ngày, từng tháng, từng năm ở từng gia đình, từng thôn, xóm.
...
...
Ơi, Sông Krông H’Năng! Con sông trữ tình chứa đựng trong nó truyền thuyết xa xưa với những bi thương thân phận đời người. Nhưng Sông cũng là nàng H'Năng. Một nhân chứng lịch sử chứng kiến mọi đổi thay trên mảnh đất này. Và hôm nay, Nàng thật sự mỉm cười hân hoan soi bóng niềm vui của thiên nhiên, đất nước, con người Krông H’Năng./.
Quách Thành
(*) Bài đăng ở Tập sách “Đăk Lăk trước ngưỡng cửa năm 2000” do Nhà xuất bản Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh xuất bản năm 2000.
(Trích theo nguồn http://krongnang.daklak.gov.vn/)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét