Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Thứ Tư, 25 tháng 10, 2017

Ở huyện Krông Năng, ĐăkLăk... CÓ MỘT PHÚ XUÂN...

Ở huyện Krông Năng, ĐăkLăk...
CÓ MỘT PHÚ XUÂN...
*Tôn Nữ Ngọc Hoa
Chuyện hấp dẫn y như trong trong truyện phiêu lưu với những cánh rừng bất tận đủ các loại cây, với cỏ hoa muông thú đủ sắc màu, cả những hiểm nguy rình rập. Mấy chị em gái phục lăn khi nghe một thư sinh vừa tốt nghiệp lớp 12 ốm o trói gà không chặt kể việc đốn cây dựng nhà, phát rẫy khai nương, chuyện sinh hoạt văn nghệ bên đống lửa đốt giữa rừng già và cả chuyện vất vả nhọc nhằn ốm đau bệnh tật. Thích nhất là cảnh cả tiểu đội hì hụi đào khoai mài, đào mãi đào mãi và cuối cùng “rinh” lên một củ bự chác dài hơn cả mét để lại một hố sâu quá đầu hay cảnh mọi người nhốn nháo vì tiếng cọp gầm vọng lại quên cả mớ sắn vùi trong lửa cháy khét. Cứ như mình là người trong cuộc, các em tôi không ngớt xuýt xoa.
Tôi cũng nhớ như in cảnh thành phố Huế nô nức, bịn rịn tiễn những gia đình vào Đắc Lắc xây dựng vùng kinh tế mới cuối xuân 1977... Từng đoàn xe chật cứng người và đồ đạc. Gương mặt người đi đượm âu lo, người tiễn bùi ngùi, cười đấy mà mắt ngấn nước. Tất cả cố giấu… Biết những ngày tháng tới ra sao… Chỉ sông Hương là bình thản trôi... Rồi đoàn xe lăn bánh sau khi những khẩu hiệu được hô vang rung cả lá cành cổ thụ ven đường.
Cũng từ 1977 tôi bận rộn làm cô giáo, vô tư vượt những ngày “cơm cõng sắn” thuở còn tem phiếu, bươn chải phụ thêm lương những ngày “bù giá” vất vả nuôi con suốt những năm 80, 90. Chuyện về vùng đất hứa xa lắc của em tôi, chuyện tiễn đưa ngày nọ yên ngủ trong ký ức.
Vậy mà duyên nợ.
Năm 1992, gia đình tôi thành cư dân Đắc Lắc. Tôi vẫn là cô giáo, có thêm bạn bè và cảm động vô cùng khi nghe tiếng Huế ríu rít mỗi lúc gặp nhau giữa nắng gió cao nguyên. Ngạc nhiên và càng cảm động hơn khi nghe địa danh nơi họ đang ở: Tam Giang, Phú Lộc. Phú xuân. Quen quá, thân thuộc quá, như đang nói chuyện với nhau trên đất quê nhà. Hỏi ra mới hay đấy là vùng kinh tế mới ngày xưa. Họ chính là thành viên của Huế, Quảng Điền, Phú Lộc lần lượt đi xây quê hương mới trong những năm cuối của thập niên 70 đầy sóng gió.
Biết thì biết vậy nhưng mãi đến tháng 7 – 2004, nhân được chuyến công tác tại Krông Năng, được các đồng nghiệp đưa đi thăm thú tôi mới tỏ tường. Thì ra tên đất tên làng được bà con nâng niu đặt cho quê mới. Đặc biệt nhất là Phú Xuân - tên ban đầu của cố đô yêu dấu, như muốn nhắc nhở nhau luôn nhớ về nguồn cội, sống làm sao xứng với danh thơm đất mẹ. Và kiểu dáng nhà cửa, cách bố trí cổng ngõ, vườn tược, rào giậu đến cả hoa trồng trên sân nhà cũng mang dấu ấn nông thôn, phố thị Huế xưa. Cả giọng nói bao nhiêu năm rồi vẫn không khác đổi. Lòng tôi không thôi bâng khuâng… Lại nhớ đến câu chuyện của cậu em ngày trước, nhớ đến ngày trống giong cờ mở năm nào.
Nếu bây giờ vào đây tìm lại kỷ niệm khai hoang ngày nào chắc chắn cậu em tôi không thể nào thấy được mảy may dấu vết xưa cũ giữa những xóm thôn nhà cửa to đẹp, những rẫy cà phê xanh ngút. Liệu mảnh rừng nhỏ được bảo vệ nghiêm ngặt bên hồ nước ở Xuân Thành với những cây cao vút xanh thắm đang che chở ngôi nhà sàn phục dựng theo kiểu Thái làm nơi sinh hoạt cộng đồng cho xã; khu du lịch sinh thái trong tương lai kia có phải là nơi sinh hoạt văn nghệ của các tiểu đội TNXP mỗi đêm cuối tuần xua mệt nhọc, thỏa nỗi nhớ nhà? Có phải những lô đất mặt tiền bằng phẳng vừa được đấu giá xây nhà văn hóa hay khu đang xây trạm xá chuẩn quốc gia giữa vùng trung tâm là nơi cậu và đồng đội từng dựng lán đêm đêm đốt lửa vừa sưởi ấm, xua côn trùng, thú dữ? Có phải khu chợ khang trang vừa được một “đại gia Phú Xuân thời WTO” chịu trách nhiệm xây dựng, khai thác và quản lý kia là nơi cậu đào củ mài? Những sườn đồi xanh cà phê kia hẳn là nơi chính tay cậu phát cây chặt cành chuẩn bị làm nhà cho dân? Liệu con đường nhựa xuyên xã dài gần 17 km này là đường do tay tiểu đội cậu mở ngày xưa? Tôi biết cậu ta sẽ bí rì, nhăn nhó như ngày nhỏ gặp câu đố khó, nhưng tôi tin cậu ta sẽ hạnh phúc nhường nào khi đóng góp ban đầu của lớp TNXP cách đây ba mươi năm thật có ý nghĩa, những người rời quê ngày đó thật đáng tự hào.
...
...
Krông Năng vừa chịu một cơn lũ lớn. Phú Xuân không thoát hệ lụy này. Ba mươi năm rồi người dân nơi đây mới chứng kiến cảnh khủng khiếp như vậy. Nước như con trăn khổng lồ cuốn phăng mọi thứ trên đường đi hung bạo của mình. Dòng Krông Năng - khởi nguồn từ Dlieyă rồi chia hai một nhánh đổ vào sông Ba thuộc Phú Yên, nhánh còn lại với thác Thủy Tiên thơ mộng tìm Sê Rê Pôk - trở nên quá bé nhỏ yếu ớt để tải lượng nước to lớn trút từ những đám mây đen kịt suốt mấy ngày đêm qua những ngọn đồi, cánh rừng không còn cây như trước đây vốn có. Nhà trôi trong lũ, cây tuôn trong lũ và cả người cũng bị cuốn phăng trong lũ. Mất mát quá nhiều. Tổn thất quá nhiều. Nhà cửa làm lại được, cây cối trồng lại được, nhưng với em Nguyễn Thị Nga thì làm sao tìm lại ba mẹ anh chị nữa. Mùa khai trường này liệu em còn đủ sức vào lớp không! Mong thầy cô và bạn bè luôn dành cho em những gì ưu ái nhất, bù đắp phần nào khoảng trống mông mênh.
...
...
Phú Xuân cũng khiến tôi thích thú bởi một độc đáo khác: Chùa.
Chùa do sư Thích Thiện Đạt trụ trì đang xây dở dang (tự ông thiết kế) nhưng đã hiện dáng dấp của một ngôi chùa có kiến trúc đẹp tọa lạc trên một mảnh đất vuông vắn bằng phẳng. Đối diện cổng chùa, dù tự phát với hai dãy quán cột tre mái lợp giấy dầu tuềnh toàng, chợ cũng có đủ thứ hàng nhu yếu từ thịt cá rau mắm đến quần áo giày dép - cả hàng băng đĩa nhạc nữa - chộn rộn từ 3 đến 6 giờ chiều suốt bao năm nay .
Tôi có quá cả nghĩ không khi đọc thấy triết lý trước đối diện lạ lùng này. Một xô bồ đời thực với một tĩnh lặng tâm linh. Một trần trụi bán mua với một vô ưu hoa cỏ. Hẳn người đi chợ sẽ bớt chút cò kè để giành phúc cho mình, cả cho người bán. Hẳn người bán sẽ thật thà hơn xem như tích góp công đức dành để kiếp sau. Hẳn người viếng chùa sẽ không quên còn một đời khác rất cụ thể; xô bồ để tu tâm dưỡng tính, tránh bon chen trục lợi giả trá điêu ngoa.
Năm 1977, sư Thiện Đạt đã phát nguyện đi kinh tế mới cùng 1530 hộ dân, và đến nay vẫn gắn gó với họ như trước đó đã cùng lăn mình gây dựng cơ ngơi bằng hai bàn tay quen cầm dùi gõ mõ. Ông được tín hữu tin tưởng chọn làm người đỡ đầu tâm linh, được cánh đàn ông có chút máu nghệ sĩ chọn làm tri kỷ. Ở ông đạo và đời là một. Đạo sáng trong đời, đời tươi với đạo. Can cớ chi từ bỏ thú vui đời người hiện tại mà mơ hóa Bồ tát ngày sau.
...
...
Còn nhiều, rất nhiều gương mặt đã đóng góp sức lực trí tuệ cho Phú Xuân nữa. Một số đã thành đạt đang tiếp tục cống hiến, phục vụ ở các cương vị cao hơn, ở các nơi khác nhau trong huyện và tỉnh, phần lớn khác thầm lặng lao động trên ruộng rẫy và không thiếu người đã thành thiên cổ. Tất cả đều đáng phục, đáng trân trọng tự hào. Tôi dám quả quyết rằng cuốn biên niên sử của Phú Xuân đã và sẽ ngày càng dày thêm, đẹp thêm với những trang sáng rỡ thấm đẫm tình người nhưng không kém phần vẻ vang, hào hùng dù còn đó những mảng sáng tối bi hài đan xen, những ngày mò mẫm tìm hướng.
Khi sắp kết thúc những dòng tản mạn này, tôi lại nhớ đến cậu em trai với chuyện kể xa xưa. Bây giờ gặp nhau tôi sẽ là người kể. Có thể cậu sẽ không há miệng như mấy chị em gái tôi thuở nọ, nhưng chắc chắn sẽ phục biết bao những chịu đựng, những cố gắng của các gia đình phải rời quê với hai bàn tay trắng và mặc cảm đầy nặng trong lòng. Cậu ta cũng sẽ như tôi tíu tít, háo hức nói cười...
Tôi như thấy Phú Xuân đang rực thắm cờ hoa trong ngày sinh nhật thứ 30, thấy những thế hệ đồng hương sông Hương núi Ngự đang nâng ly chúc tụng, thấy sắc thổ cẩm độc đáo của các dân tộc anh em khoe màu trong nắng, thấy cả nét rạng ngời trên gương mặt bao người từ khắp nơi trên mảnh đất Việt Nam thân yêu đã tự nguyện thành chim đậu trên đất lành bazan này.
Krông Năng - Buôn Ma Thuột
Tháng 9 / 2007
Tôn Nữ Ngọc Hoa
(nguồn: TCSH số 224 - 10 - 2007)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét