Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Thứ Tư, 11 tháng 10, 2017

BÌM BỊP TIẾNG KÊU THƯƠNG *Trần Bảo Định

“ Bìm bịp kêu nước lớn anh ơi
Buôn bán không lời chèo chống mỏi mê ” (ca dao).
BÌM BỊP TIẾNG KÊU THƯƠNG
*Trần Bảo Định
...
...
Tôi nhớ tiếng kêu thương của bìm bịp vì, nó chẳng vô tình bạc nghĩa xứ sở. Nó hoàn toàn đối nghịch với chim cu đất. Bởi, chim cu đất sẵn sàng bỏ ổ, bỏ con, bỏ lãnh địa, một khi nó ngửi mùi bất an đến bản thân!
Hồi nhỏ được ngoại nuông chìu, tôi thường nghịch phá nhất là rình chim bìm bịp tìm ổ để lấy trứng bắt con. Thiệt ra không dễ, bìm bịp tha mồi nuôi con không bao giờ bay thẳng đến ổ. Nó bay lủi vô bụi cây ngụy trang phía trước và nó lặng lẽ bay ngõ sau bụi cây nhằm đánh lừa đối phương. Đôi ba chập bay lủi như vậy, bìm bịp mới về ổ nuôi con.
Bìm bịp màu lông giống nhau ở trống và mái. Màu nâu chấm đen khi còn nhỏ. Lúc đủ lông đủ cánh, rời ổ ra riêng, đôi mắt đỏ au; đầu mỏ, cổ ngực và đuôi có màu đen lợt, thân và đôi cánh lông màu nâu sòng như chiếc áo nhà sư. Có lẽ vì vậy, người đời gọi bìm bịp là chim Thầy Chùa (?). Hình như có một sự tích về màu lông, về thân phận của nó do thiên hạ truyền miệng nhau. Tôi nhớ hoài lời ngoại nói:
- Bìm bịp, một loài chim cam chịu sống bìm, đồng nghĩa với bầm mà, bầm ở quê mình được hiểu ngầm là bầm dập! Dù vậy, nhưng chưa bịp ai, kể cả người bạn đời của nó!
Rồi những trưa hè buồn miệng, ngoại kiến giải:
- Người nhà quê hiểu nôm na, bìm có nghĩa sống “ăn nhờ ở đậu” an phận thủ thường, nhút nhát và không ác với đồng loại, không nham hiểm với láng giềng. Trời cho đôi cánh để bay xa, bay vào trời rộng như muôn loài chim khác, nó ngại ngùng quên sử dụng. Chỉ là, bay ngắn nếu không muốn nói, chuyền cây. Suốt đời sống bụi bờ, làm ổ bằng rơm cỏ trên cao và hỏng mặt đất. Đi đâu cũng có đôi có bạn, không đi lẻ vợ chồng. Nước lớn vợ gọi, chồng kêu!
Con mái lớn hơn trống, đuôi ngắn và lông màu lợt; trống đuôi dài và lông màu đậm. Bàn chân bốn ngón, mỗi ngón có móng và vuốt. Chân cặp ngắn cặp dài và trước sau đối xứng. Dẫu nó thuộc loại bìm bịp lớn hay nhỏ, thảy đều sống thủy chung với bạn tình mà nó đã ăn nằm, sinh con đẻ cái. Mỗi con trống hoặc mái, nó có riêng mùi đặc trưng. Và, mùi đặc trưng đó, giúp nó nhớ thương, ân ái, không phản bội nhau. Mùa xuân, dù bìm bịp sống chốn gò cao hay nơi bưng biền, mương rạch, nó rững mỡ qua tiếng kêu ‘Cu-ra-ua... Cua- ra-ua... vang vọng miền quê, ai nghe mà chẳng động lòng? Đầu hạ, bìm bịp đẻ. Đầu thu, cả vợ lẫn chồng cùng gánh vác việc nuôi con, nó chẳng ly thân ly dị bao giờ. Mái nhường miếng mồi ngon cho chồng cho con, nó nhịn ăn trong niềm vui của sự nhường. Tôi đã rình coi bữa ăn chiều sum hợp của “gia đình bìm bịp” ở đám biền thí thời bom đạn. Tôi nhớ mẹ, nhớ nhà và thèm về, ngay bây giờ nhưng, không thể. Bất chợt, tôi thốt lên câu hò ở quê nhà:
Phần thịt thì để cho chồng
Phần xương em gặm, phần lòng cho con
Nhà ngoại có khu vườn chạy ra bến sông, có cầu ao nằm dưới giàn mướp hoa vàng rực mỗi sớm mai. Chốn ấy là, giang sơn của bìm bịp. Nó yêu giang sơn của nó chẳng khác người yêu đất nước của mình. Mảnh đất nó đang sống là lãnh địa bất khả xâm phạm. Nó trở nên hung tợn và chiến đấu bảo vệ lãnh địa không sợ chết đối với kẻ xâm lấn.
Ngày xưa, ngoại nói đó là tập tính thuộc căn tính bìm bịp; đồng thời với phản xạ có điều kiện. Tôi hỏi, điều kiện gì hở ngoại? Ngoại rằng, sau mỗi lần đánh đuổi và chiến thắng kẻ thù, nó thích khen thưởng bằng thức ăn ngon. Vì vậy, con mái lúc nào cũng trữ mồi ngon tặng trống sau trận chiến.
Bìm bịp khắc tinh lũ rắn, kể cả rắn cực độc. Lãnh địa của bìm bịp, rắn không thể sống, kể cả sống sót! Mùi da thịt, mùi lông và phân của bìm bịp khiến rắn khớp đèn, mất hoàn toàn khả năng chiến đấu... thúc thủ quy hàng, nằm chờ bìm bịp đến gắp mang về ổ làm thức ăn dự trữ nuôi con!
Con tạo lá lay, bày trò: Bìm bịp diệt rắn. Rắn diệt chuột. Thế nên, chuột ngày đêm ngóng đợi bìm bịp lởn vởn gần hang ổ của mình như nắng hạn đợi mưa rào. Có mùi bìm bịp, rắn cụp đuôi không dám ho he, hó hé! Rắn sinh ra và lớn lên lột da sống đời nhưng, không có hang ổ! Hang ổ rắn, chính là hang ổ chuột bị rắn cưỡng chiếm với phương châm: Diệt chuột đoạt hang ổ!
Tôi trở về khu vườn nhà ngoại sau bao năm đi xa. Những đóa mai vàng bung nụ khoe cánh dưới nắng xuân, không gian im ắng như chờ tiếng gọi bạn tình: Cu-ra-ua... C...u...r...a...u...a.. của bìm bịp tự thuở nào. Tôi chỉ nghe tiếng lá rơi trên thềm nhà cũ. Cầu ao, bến nước, bãi biền... còn nằm trơ đó, bìm bịp thì “tuyệt chủng” rồi!
Chỉ một lời đồn thổi bá vơ, người săn đuổi và tận tuyệt giống nòi bìm bịp, ngâm rượu tráng dương bổ thận cho mình. Họ biết đâu rằng, chính họ đã giết chết tiếng kêu thương của một loài chim đáng sống!
TRẦN BẢO ĐỊNH
(Trích từ nguồn http://www.tapchisonghuong.com.vn/)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét