Xứ Thượng...
BUÔN LÀNG Ê ĐÊ
Buôn làng là hình thức xã hội cao nhất của xã hội Ê Đê cổ truyền, đôi khi vì mục đích hoặc quyền lợi nào đó giữa các làng thì cũng sẽ liên minh, nhưng chỉ là tạm thời.
Buôn làng của người Ê Đê thường được dựng ở gần sông suối để tiện khai thác nguồn nước. Nhìn từ xa buôn làng họ giống như lưng con rùa. Các ngôi nhà sàn được xây dựng gần nhau để mọi người dễ hỗ trợ nhau khi có thú dữ hay kẻ thù tấn công.
Các buôn làng Ê Đê xưa ở cách xa nhau, gần cũng phải đi bộ mất nửa buổi, có buôn xa phải đi hết cả ngày đường. Người ở các buôn khác nhau, thường xuyên qua lại thăm nhau để uống rượu cần, dự lễ cưới, đám tang, bỏ mả, v.v. Nhìn chung, các buôn làng Ê Đê sống thân thiện, hoà hợp với nhau.
Trong buôn làng Ê Đê gồm các thành phần người như sau:
– Pô lăn là người đàn bà đại diện cho việc quản lý đất đai của dòng họ, buôn làng. Tuy nhiên, đó chỉ là hình thức. Thực chất chồng của người đàn bà ấy mới là người hành sự công việc. Pô lăn “hành sự” thường kiêm pô pin êa (chủ bến nước). Thực chất ông ta là chủ buôn làng.
– Pô lăn là người đàn bà đại diện cho việc quản lý đất đai của dòng họ, buôn làng. Tuy nhiên, đó chỉ là hình thức. Thực chất chồng của người đàn bà ấy mới là người hành sự công việc. Pô lăn “hành sự” thường kiêm pô pin êa (chủ bến nước). Thực chất ông ta là chủ buôn làng.
Pô pin êa hướng dẫn dân làng thực hiện các nghi lễ chung của cộng đồng (cúng bến nước, cúng thần đất, dời buôn làng, v.v…), giải quyết các mâu thuẫn trong nội bộ buôn làng cũng như với các buôn làng khác. Bên cạnh chủ làng còn có một số già làng (khua knơng buôn) giúp việc quản lý đất đai, trông coi bến nước.
Chủ làng không phải do dân làng bầu ra, ai “thông thạo việc thần, thành thạo việc buôn”, gia đình giàu có thì được cộng đồng tôn sùng, công nhận. Nối nghiệp chủ làng là người chồng nào tài giỏi nhất trong số những người chồng của các con gái ông ta.
– Pô phat kdi (thầy xử kiện) lo việc hoà giải các mâu thuẫn, xích mích giữa các thành viên trong buôn làng. Thầy xử kiện căn cứ vào các điều trong klei bhiăn (tập quán pháp) đó định tội lỗi đối với những ai vi phạm tập tục.
– Pô riu yang (thầy cúng) là người thực hiện nghi lễ trong các lễ cúng. Cùng với thầy cúng, thầy bói (mjâo) là người đi đầu tinh thần của người Êđê, giúp họ giải toả ức chế khi ốm đau, hạn hán, mất mùa.
Còn lại là dân làng. Trong số đông này, có hai loại người cần được chú ý, đã là “dăm” và “hlùn”. “Dăm” là từ chung chỉ chàng trai khoẻ mạnh, tài giỏi, dũng cảm. Trong buôn làng có việc gì khó khăn (săn bắn thú dữ, đánh nhau với bên ngoài) là “dăm” trực tiếp tham gia. Từ “dăm” này được gắn với một tên người cụ thể. Chẳng hạn Dăm Kô, Dăm Wơn, Dăm Săn, v.v. Còn “hlùn” là người (bản thân hoặc gia đình) phạm điều gì tập quán pháp quy định mà không đền bù được bằng của cải thì phải đi ở cho nhà giàu.
Cư dân sống trong một làng Ê Đê được gọi là mnuih buôn sang, ở đó có những tục lệ bắt buộc người ta phải tuân theo. Bất kỳ ai không tuân thủ đều bị coi là vi phạm tập quán pháp.
...
...
(Trích trong bài ỨNG XỬ VĂN HÓA TRONG XÃ HỘI Ê ĐÊ, GIA RAI của TS. Đỗ Hồng Kỳ đăng trên http://bacvietluat.vn/)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét