Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Thứ Tư, 12 tháng 8, 2015

Xứ Thượng... TRỐNG ĐỘC MỘC

Xứ Thượng...
TRỐNG ĐỘC MỘC
Từ miền Trung nắng gió khô hanh, chạm đến cao nguyên đã bắt đầu se lạnh, vào tối bất chợt mưa rào. Nhâm nhi cà phê đặc sánh chỉ có ở vùng đất đỏ ba gian bạt ngàn bỗng như hòa với thiên nhiên làm một, hay đó là cảm giác được trở về quê mẹ xa xăm.
Tây Nguyên có 3 thứ độc mộc, cấu thành bản sắc văn hóa đặc sắc, là k’pan, trống độc mộc và thuyền độc mộc. Những loài gỗ chủ yếu thường dùng là cây sao, cà chít. Cây cà chít cứng, không dẻo bằng sao, lại nhiều thớ, có mắt nên dễ bị mục mắt khiến nước vào, thường chỉ dùng làm k’pan và trống. Bây giờ loài sao đã bị đốn hạ quá nhiều, nhất là những cây có đường kính từ mét rưỡi trở lên. Đỉnh Chư Yang Sin là khu rừng hoang sơ hiếm hoi bậc nhất còn lưu giữ nhiều loài gỗ quý, sừng sững. Người dân sở tại cho hay nếu một người khỏe mạnh phát đường leo đến đỉnh cũng phải mất ba ngày...
...
Ghé vào quán cà phê khuất ở góc của Nhà Đày Buôn Mê Thuột, nom ngoài bình dị, vào trong thật kinh ngạc trước hàng ngàn hiện vật quý của Tây Nguyên được sưu tập về: nào chiêng, ché, trống, các vật dụng phục vụ cuộc sống hàng ngày của đồng bào, thuyền độc mộc v.v. Có những loại ché thuộc lò gốm ở Phú Yên đã thất truyền ba trăm năm, trên mình in hình những chú rùa đá đắp nổi và cả rùa biển. Đồng bào còn trang trí trên đó những loài vật quen thuộc với người Kinh như thằn lằn, nhện, cho thấy sự giao thoa văn hóa, cũng như nói lên tinh thần gắn kết giữa các dân tộc. Mấy chục chiếc trống chồng lên nhau, hàng trăm chiếc chiêng treo dãy dài từ nhỏ đến lớn, mà toàn hàng độc. Đặc biệt là những chiếc thuyền độc mộc mà nay nếu có tiền cũng khó mua nổi. Thuyền độc mộc và k’pan dễ tìm hiểu, còn trống độc mộc nhiều người cứ băn khoăn không hình dung ra trong lòng nó như thế nào? Vợ chồng cô chủ đã không luyến tiếc giá trị vật chất hao hụt qua hành động đầy nghĩa hiệp là lột luôn một cái trống nhằm thỏa mãn những ai muốn nghiên cứu, tìm hiểu, tò mò về “ruột gan” của nó. Trống đục từ một thân cây, đủ biết cây lớn đến nhường nào. Những chiếc trống không cái nào cùng loại; to, nhỏ, dài, ngắn, méo, tròn. Lúc bọc da rồi (thường là da bò rừng, bò tót), để chỉnh âm, họ dui một lỗ ở hai mặt trống nhỏ bằng ngón tay út, lớn thì bằng cổ tay con nít, tùy thuộc vào âm thanh đã vừa ý người thợ hay chưa, được gọi là “Tai trống”. Không thước đo, khuôn mẫu, người thợ của rừng đã đục trống theo bản năng và sự mách bảo của linh giác, của hồn thiêng.
...
(Trích đoạn "Hỏi Tây Nguyên có buồn?" của Nhụy Nguyên)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét