Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Chủ Nhật, 16 tháng 8, 2015

Hương vị núi rừng... CƠM LAM



Hương vị núi rừng...
CƠM LAM
Cơm lam là thức ăn phổ biến của đồng bào các dân tộc thiểu số ở vùng cao như Tày, Thái, Nùng, Mường… Từ khi họ sinh ra đã được mẹ mớm cho những hạt cơm dẻo ngọt, trắng nõn, rồi họ lớn lên cũng không tách rời hương vị của chúng. Để có được ống cơm lam ngon, phải chọn từ những hạt nếp căng mẩy, vàng ươm được cắt từ trên những nương cao về đem phơi khô rồi giã thật trắng, thật sạch. Nước để làm cơm phải múc vào sáng tinh mơ, từ đầu con suối sao cho thật tinh khiết, hoặc nếu có dừa quả, bà con sẽ lấy nước cốt dừa để cho cơm thêm độ ngọt và thơm. Ống tre hoặc nứa để làm cơm không phải cây nào cũng dùng được. Người có thâm niên sẽ biết chọn những cây bánh tẻ, không quá non nhưng cũng chẳng già để có lớp áo lụa trắng mỏng tang bên trong còn ngậm nước. Nút lá cho mỗi ống cơm được lấy từ những vạt lá chuối rừng to bản hãy còn xanh non, ngọt mát. Nếu lấy phải chuối tiêu, chuối tây sẽ rất chát khiến cơm mất ngon.
Gạo, nước được cho vào trong mỗi thân ống, nút lá lại sao cho thật kín rồi nướng đều tay trên những đống lửa bập bùng. Người nướng cơm cứ khéo léo như một nghệ nhân, xoay đều những ống cơm để đảm bảo cho thật đều hơi, chín nục mà không bị xông mùi khói bếp. Nướng cho tới bao giờ ống cơm quắt lại, cầm nặng tay hơn thì chứng tỏ cơm đã chín, các mế khéo léo lau sạch bụi than rồi mới tước hết lớp vỏ cật bên ngoài. Mùi "cơm tươi" ngào ngạt quện trong mùi thơm ngai ngái của tre nứa, của lá chuối rừng như thôi miên thực khách.
(Trích đoạn "Cơm lam… dị bản?" của Thiên Đức trên báo PL&ĐS)
Cho tới nay, không một tài liệu nào xác định cơm lam có từ bao giờ và xuất xứ do đâu. Tuy nhiên, căn cứ vào tên gọi của nó, chúng ta tạm bằng lòng với kết luận rằng đó là món ăn có nguồn gốc bởi dân tộc Thái. Hoặc chí ít, đó cũng là món ăn phổ biến nhất trong cộng đồng người Thái.
...
Ngày trước cơm lam là món ăn ưu tiên cho sản phụ và nói chung là phụ nữ trong thời kỳ nuôi con bú. Một cách lý giải mang tính khoa học, rằng ăn cơm lam sẽ tránh được các chất của đồng, gang, nhôm... so với việc nấu cơm bằng nồi kim loại. Và như vậy, không gây ảnh hưởng tới khả năng làm sữa cũng như chất lượng nguồn sữa của người mẹ. Theo phong tục, sau khi ăn cơm lam, các gia đình bó những mảnh tre lại rồi mang gác lên chỗ cành chạc của cây sung đầu bản. Sung là giống cây rất sai quả, nhiều nhựa và nhựa dẻo, có màu trắng tinh khiết. Đồng bào quan niệm làm như vậy người phụ nữ sẽ đẻ nhiều con, sữa cũng nhiều và dẻo như nhựa cây sung.
(Trích đoạn "Nét Độc Đáo Cơm Lam" trên http://dulichtaybac.net/)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét