Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Thứ Năm, 3 tháng 9, 2020

VŨNG THÙNG *reindeer-loc.blogspot

 

2 phút 
Đã chia sẻ với Công khai
Công khai
Người dân địa phương vẫn có thói quen gọi vịnh Đà Nẵng là Vũng Thùng:
"Tai nghe súng nổ cái đùng
Tàu Tây đã lại Vũng Thùng bữa qua" (Ca dao).
VŨNG THÙNG
*reindeer-loc.blogspot
Dân Đà Nẵng có câu ca quen thuộc :
Chiều chiều mây phủ Hải Vân
Sóng gầm Non Nước , sương sa Vũng Thùng…
Hải Vân và Non Nước quá nổi tiếng, còn Vũng Thùng…được biết đến với tên gọi Vũng Nghèo.
Vũng Thùng là một bãi bồi mênh mông ,nằm ven cửa sông Hàn, kéo dài ra đến tận chân núi Sơn Trà, nhìn sang bên kia thấy quân cảng Tiên Sa. Tôi biết Vũng Thùng có lẽ là nhờ dì S, một phụ nữ to cao, cứng cáp như đàn ông. Dì có cái cổ như hơi gãy về phía trước và cái đầu hay lắc lư, dì là mẹ của thằng bạn một thời cùng học.
Nhà tôi và dì cùng chung xóm nghèo AT, khu dân cư hình như phức tạp nhất quận Ba thời đó, một hôm dì nói với mẹ : ra Vũng Thùng chịu khó, chịu khổ cũng kiếm đựơc cái ăn, mà không cần vốn liếng. “Đồ nghề “ khá đơn giản. Cắt một đọan đai thép , quân đội Mỹ thường dùng để đai kiện hàng, mỗi đọan dài chừng năm mươi phân, bản ba phân, mỏng như dao . Uốn cong thành chữ U, hai đầu quấn giẻ cho êm tay. Một cái thúng ,với cái bao cát lọai nhỏ quân đội hay dùng để đắp công sự, cái bình toong đựng nước uống.
Một ngày mùa hè, từ rất sớm hai mẹ con tôi cắp thúng lên đường. Từ nhà tôi, ở gần bến phà, ra đến đó khoảng mười cây số. Đọan đầu là đường nhựa , con đường chính của quận Ba, đến ngã ba Nại Hiên Đông rẽ trái, đọan này đường đất đỏ, cát đá nham nhở, đến cột ăng ten cao nghẹo của trạm tiếp sóng đài truyền hình là bắt đầu những bãi đất, cát pha, và nối dài ra Vũng Thùng. Sơn Trà là một bán đảo, bên sông bên biển, nên tôi chẳng lạ gì cảnh trời nước bao la, nhưng Vũng Thùng làm tôi choáng ngợp. Đi chân trần trên lớp phù sa một đỗi dài, đến một cái miếu nhỏ, mẹ con tôi ( những người khác cũng vậy)treo cái bao cát có mấy củ khoai luộc, cái bình tong đựng nước lên vách, có người thì lấy cái bao bố, lọai bao vải sợi to, có sọc xanh đựng gạo một trăm ký thời ấy,quấn quanh ngang hông từ trước ra sau, rồi thản nhiên cỡi quần để lại. Lại đi tiếp, những bãi cát phù sa lấp lánh, những bãi rong đầy ắp ốc xoắn, vô số những con cua một càng to, một càng nhỏ ,đỏ rực nghênh ngang chạy lăng xăng, nước chỉ xâm xấp mắt cá chân, đi mãi nước vẫn không sâu hơn, tiếng rào rào nho nhỏ vang xa, nước như sôi với chi chít những cái hang nhỏ và bong bóng nước … Đến một bãi cát đã rút nước mẹ con tôi “hành nghề”. Nắng đã lên, bãi cát mênh mông, rải rác đây đó hàng trăm người, phần lớn là dân địa phương : Mân Thái, Nại Hiên Đông ngồi xổm hai tay cầm cái cào tự chế, cào mạnh xuống cát ướt, mỗi lần có tiếng “sạt, sạt”, lại thò tay móc cát, nhặt lấy những con nghêu, con suốt. Nghêu như con sò nhưng da láng màu cánh gián, có vân đẹp. Con suốt nhỏ hơn, vỏ to dầy, màu trắng xám, bán rẻ hơn nghêu nhưng nấu canh hay cháo ngọt hơn. Dì S thuộc hàng chuyên nghiệp, đồ nghề cũng giống vậy, nhưng lưỡi cào gắn vào cái gọng chữ A có dây đeo, dì cào ở vùng nước sâu ngang thắt lưng, cái gọng chữ A gánh một đầu vào vai, ở giữa có dây quàng vào người, phần lưỡi cào sâu xuống cát, dì đi giật lúi về phía sau, đầu cúi xuống chăm chú nghe , thỉnh thoảng cúi xuống nhặt ,dì chỉ lấy lọai nghêu to bán từng chục (mười hai con) cho các mối quán nhậu.
Mặt trời lên cao, nắng , nóng. Nước cũng lên, lấn dần. Mẹ con tôi gom đồ , thúng nghêu cũng lưng lưng. Đội lên đầu, tôi lội nước về lại chỗ cái miếu. Lúc này tôi mới nhìn kỹ hơn, không biết cơ man nào là ốc, cua, còng và đủ thứ con tôi không biết là gì bò lúc nhúc, lăng xăng bận rộn, nước càng nóng thì chúng càng bò ra nhiều, chắc trong hang nực lắm , chân tôi đau nhói vì đạp lên càng cua, đuôi ốc xoắn…Nghề này tùy thuộc vào con nước, có hôm đi rất sớm, trưa đứng bóng lại về. Có hôm xế chiều đi, tối mò mới về đến nhà. Tôi thích nhất con nước chiều vì nhìn hoàng hôn trên bãi bồi tuyệt đẹp. Buổi chiều có rất nhiều bạn nghề, sản phẩm cũng vô cùng phong phú. Có những cô, cậu bé cỡ tuổi tôi, tay cầm cái que nhọn dài, vừa lội nước vừa dò, rồi đột ngột nhũi đầu xuống nước , chổng mông lên trời, ngóc lên với những con phi đen trũi. Có mấy anh choai choai, đeo kiếng lặn vừa bơi, vừa đẩy cái thau nhựa, họ bắt sò điệp, có người đeo búa đục, đẻo những con hàu bám vào vỏ tàu đắm hay ghềnh đá. Rồi những con hải sâm đen thùi lùi, tròn lẳng như củ khoai, những thau rươi lúc nhúc như trùn chì, nhưng đen và đầy chân cẳng. Có người chỉ vớt rong đầy đôi gánh kẻo kịt. Còn ốc xoắn, đầy ắp trong những bãi rong, thỉnh thoảng không có nhiều nghêu thì bắt đỡ thúng ốc mà về. Dân Đà Nẵng ai cũng đã ăn ốc nấu vài lần. Chiều tắm biển lên, vừa đói, vừa lạnh mua lon ốc hút (người ta đong bằng lon sửa bò để bàn), chụm đầu vô hút chụt chụt, vừa cay xè, vừa thơm gắt mùi sả, ớt, vừa béo ngậy, bùi bùi, vừa rẻ, vừa ngon không chê vào đâu được.
Có hôm tối mịt mới về, bãi bồi mênh mông chìm trong bóng đêm, xa xa le lói vài đốm đèn dầu. Nước cứ dâng lên mà đi hòai không thấy tới, những lúc ấy mới thấy cái miếu nhỏ ở đầu bãi thiêng liêng vô cùng. Nó chỉ là cái cột bằng đá tổ ong, bên trên gắn một tấm đan bê tông, khoảng mét vuông làm bệ, mái ngói đỏ ngả màu rêu, bốn mặt gạch chừa cái cửa nhỏ để hương khói. Chẳng biết miếu thờ ai, chung quanh được quét vôi trắng, nó như điểm hẹn của mọi người. Nghe nói ngày xưa có người mãi mê cào nghêu bắt ốc, đến lúc nước lên, đêm xuống, không tìm được lối về rồi chết đuối. Xa xa trong bóng tối, cái miếu như người ngồi xổm giữa biển nước mênh mông. Có người nói đêm đêm, họ thấy những bóng ma bu quanh miếu, khóc lóc thảm thương. Nghe cũng thấy ớn lạnh, nhưng ở đó có cái bao cát, bên trong đựng mấy củ khoai, sắn và bình toong nước của mẹ con tôi. Nếu không tìm được, làm sao đủ sức đội thúng nghêu, ốc nặng như đá lội bộ chục cây số về nhà. Ít ra ở đó còn có một chuyện tình lãng mạn. Nghe nói ngày trước, trong một lần đi biển con nước chiều, lúc về trời tối, dì S không tìm thấy cái quần đã để lại ở miếu,nước mỗi lúc một cao, đang quẫn trí thì may đâu có ông bạn nghề, nhường cái quần duy nhất của mình cho dì, rồi đeo cái bao bố che nửa phía trước, gánh bao nghêu lội hơn mười cây số giữa phố phường đông đúc về nhà. Thằng bạn học là cái kết có hậu của câu chuyện tình ấy!
Đà Nẵng ngày nay vẫn có nghêu, sò, ốc, hến , nhưng một lon ốc nấu có giá gần bằng hai ký gạo lọai thường. Người ta bơm cát lấp Vũng Thùng, xây mấy cái chúng cư cho dân nghèo, thu nhập thấp. Phần còn lại phân lô bán nền, nhìn nham nhở như những miếng vá khổng lồ. Ai đã lấp cát chôn sống, hàng tỉ tỉ sinh linh dưới Vũng Thùng ?
Vũng Thùng làm tôi nhớ chuyện con sam. Con sam có mặt trên trái đất gần bốn trăm triệu năm, nhưng gần đây các nhà khoa học mới phát hiện ra điều kỳ diệu, độc nhất vô nhị ở nó. Đó là con sam có máu màu xanh, rất nhậy cảm với vi khuẩn, vi sinh. Chế phẩm từ máu sam vô cùng quí giá, nó giúp kiểm tra sự nhiễm khuẩn trong dược và thực phẩm, chính xác, nhanh chóng và rẻ. Chíp sinh học phát triễn từ máu sam dùng trong công nghệ không gian, giúp kiểm tra môi trường sống trên các con tàu vũ trụ và trạm ISS. Người ta còn hy vọng sử dụng chíp này để truy tìm dấu vết của sự sống ngòai vũ trụ. Tiếc thay, cung không đủ cầu, con sam đang dần tuyệt chủng, nuôi cấy trong môi trường nhân tạo chưa thành công mấy. Giá một lít máu sam tinh chế khoảng một trăm bốn mươi ngàn đô la Mỹ. Nếu bảo tồn được một Vũng Thùng với đa dạng sinh học như thế, con cháu chúng ta sẽ được lợi biết bao ?
Đà Nẵng cũng khéo trêu ngươi, lấp Vũng Thùng xong, xây Linh Ứng Tự ở Bãi Bụt gần đó. Ngôi chùa tuyệt đẹp, hoành tráng với bức tượng Phật Bà Quan Am khổng lồ, tàu bè cách xa hàng chục cây số trên biển vẫn thấy được. Chôn sống hàng tỉ tỉ sinh linh , có xây thêm chục Linh Ứng Tự chắc cũng còn lâu mới siêu thóat được !
reindeer-loc .blogspot
Hình ảnh có thể có: bầu trời, đại dương, đám mây, chạng vạng, ngoài trời, nước và thiên nhiên
Bính Ngọ
Thích
Bình luận
Chia sẻ

Bình luận

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét