Người dân miền núi Quảng Ngãi gọi là gạo lúa rẫy... trải qua sáu tháng sinh trưởng trên triền núi, ngậm hạt sương sa và hút nước vào những buổi chiều mưa đổ trắng rừng...
LÊN NON ĂN CƠM GẠO ĐỎ NGỌT BÙI
*Công Xuân
Không thơm, dẻo, dính... khi nấu như những loại gạo ở đồng bằng; hạt cơm gạo lúa đỏ của đồng bào thiểu số người Hrê, Ca Dong... ở miền núi Quảng Ngãi tơi, rời nhau và có vị ngọt, bùi rất lạ. Để rồi ai đã một lần ăn, khó mà quên được.
Gọi gạo lúa đỏ, hay gạo đỏ là bởi sau khi bóc tách vỏ, hạt gạo có màu đỏ bầm chứ không trắng đục như gạo ở đồng bằng. Theo lời giải thích của các già làng thì sở dĩ hạt gạo lúa đỏ (còn có tên gọi khác là gạo lúa rẫy, gạo lức) có vị đặc biệt là nhờ được núi rừng nuôi dưỡng, kết tinh sương gió của đại ngàn, chim muông ru ngủ và đánh thức mỗi ngày. Vì vậy ngoài nấu ăn hàng ngày, gạo lúa đỏ còn để nấu cúng Giàng (trời) trong dịp lễ, tết.
Thời gian gần đây khi cây keo nguyên liệu được giá, cùng với đó, việc trồng lúa nước cho năng suất cao gấp 3-4 lần được nhân rộng, gạo từ đồng bằng được đưa lên... khiến cho các nương rẫy trồng lúa đỏ bị thu hẹp. Hiện diện tích trồng lúa đỏ của mỗi gia đình chỉ còn lại vài trăm m2.
Do sản lượng ngày càng ít nên gạo lúa đỏ đã trở thành món quà mà đồng bào dân tộc để dành tặng khách quý từ miền xuôi lên thăm. Vụ lúa đỏ hàng năm của bà con ở miền núi Quảng Ngãi thường bắt đầu từ khoảng tháng 4-5 âm lịch, đến tháng 10 -11 thì thu hoạch.
Giống lúa đỏ là loại giống nguyên chủng được lưu giữ từ đời này sang đời khác. Khác với người dân đồng bằng và cách trồng lúa nước, tại đây, quá trình từ khi gieo trồng đến lúc thu hoạch, cất giữ và sử dụng đều được thực hiện bằng phương pháp thủ công, với những vật dụng thô sơ.
Để gieo trồng, bà con dân tộc dùng cây dùi vót nhọn chọt lỗ để thả hạt giống xuống, rồi lấp đất lại và giao cho trời. Đến khi lúa chín, để thu hoạch người dân sử dụng tay tuốt bỏ vào gùi và đưa về nhà phơi, cất.
Khi cần nấu ăn, đồng bào không mang ra máy để xay xát, mà dùng cối để giã. Vì vậy hạt cơm gạo đỏ mang vị ngon lạ kỳ....
Công Xuân
* Trích nguồn https://danviet.vn/len-non-an-com-gao-do-ngot-bui...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét