Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Thứ Hai, 7 tháng 9, 2020

TỪ CÁI TÊN TRƯỜNG *Nữ Nguyễn

 Trường Trung học Bồ Đề xưa ở Đà Nẵng... Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ đã từng dạy học tại ngôi trường này...

TỪ CÁI TÊN TRƯỜNG
*Nữ Nguyễn
Một chiều se se lạnh, nghe xôn xao trong gió ai đó kháo nhau về trường Bồ Đề, bỗng lòng dâng lên bao nỗi bâng khuâng, chợt nhớ về mái trường xưa. Trải bao thăng trầm, bao năm xa cách, hôm nay ký ức ngày xưa ấy ùa về, tinh khôi như mới hôm qua.
Trường trung học Bồ Đề Đà Nẵng_cơ sở giáo dục của Phật Giáo, tên trường có khác, không lấy tên các anh hùng có công với dân tộc như Phan Chu Trinh, Hoàng Hoa Thám, Hồng Đức hay lấy tên loại hình giáo dục là Bán Công…. Nói ngắn gọn chỉ là Trường Bồ Đề! Lúc ấy mấy ai hiểu được tên trường, Bồ Đề là gì? Chỉ biết từ Bồ đề là của Phật Giáo. Vậy mà nhiều lần bọn mình đã bị chọc là “dân Bò Đá” hay “Bò Đẻ” rồi “ Bê Đồ(nói lái)”. Cái tuổi học trò háu đá, bị chọc là tức điên người nên tìm cách trả miếng đáp lại: “Chứ trường của mấy người quý lắm hả?_ Bán Công là Bán Cơm, Phan Thanh Giản là Phản Thùng, Phan Chu Trinh là Phan Cái Đã, Sao Mai là Sổ Mũi…. Cứ có người trường khác chọc là đốp lại ngay. Vậy rồi, để đẩy “cục tức” đi, bọn mình lại kéo nhau đi hỏi thầy Từ Mẫn:
- Bồ Đề là gì hả thầy? Là cây Bồ Đề, lá Bồ Đề hay mì chay Bồ Đề. Sao trường mình lại lấy tên ấy, tụi con bị chọc miết!
Với nụ cười đôn hậu, ánh mắt hiền từ, thầy khẽ nói:
- Đây chỉ là danh xưng thôi con ạ! Mỗi trường đều có một cái tên, để khỏi lẫn với trường khác. Nhưng Bồ Đề không phải là cái tên thường mà còn mang ý nghĩa rất lớn: BỒ ĐỀ là GIÁC NGỘ!
- Giác ngộ là gì hả thầy?
- Giác ngộ là thấy đúng , là hiểu ra. Ví như trước kia con thích bắt chuồn chuồn, bươm bướm, nay con thấy ác không bắt nữa là Bồ Đề. Trước con hay nói xấu, hay chọc phá bạn, nay thấy sai không là nữa là Bồ Đề. Tâm Bồ Đề là tâm từ….Thầy còn nói nhiều, nhiều nữa, nhưng lúc đó mình không hiểu, chỉ biết Bồ Đề là Tốt, là Sáng. Sau này có ai chọc về tên trường, bọn mình chỉ cười mà không tức nữa.
Thời gian thấm thoát qua, bọn mình lớn lên dưới mái trường Bồ Đề. Mình không ý thức rõ, nhưng rõ ràng ở tại nơi đây, quý thầy đã tưới tắm, ươm mầm cho “chủng tử Bồ Đề” trong mỗi bọn mình hé lộ. Vì vậy, học sinh Bồ Đề ít quậy, không phạm pháp, ít gian lận….
Rời xa trường tùy theo nghiệp duyên, có người được sung sướng thành đạt, có người lận đận lao đao. Dẫu sao bọn mình vẫn nhớ một thời đã được sống dưới mái trường này. Nhớ mãi những ngày mưa qua phà vén áo dài chạy cho kịp kẻo ông Cai đóng cổng. Nhớ những hôm ở lại trưa cùng Hạnh, Dung, Liên, Hoa, Thơ, Tài… đóng kịch đùa giỡn bị thầy Minh Đàm quất. Nhớ những hôm học trên lầu mà nghe mùi khoai sắn luộc của bà Cai bốc lên mời gọi. Nhớ những gói me dưới gầm bàn được chuyền tay nhau. Nhớ thầy Vũ Hân “kinh dị” mà giúp mình hiểu được Nguyễn Du, Nàng Kiều. Nhớ những bài toán chạy của thầy Văn Hiên, Thầy Hữu Nho mà Lê Thị Chưu luôn nộp vở nhanh nhất. Nhớ cô Thanh Xuân kín đáo, trang nghiêm nói về Vạn Vật. Nhớ cô Đa với thêu thùa, may vá. Nhớ thầy Phạm Thế Mỹ với những bài hát quê hương. Nhớ thầy Xuân Thanh với “ngôn ngữ và văn minh Pháp” đầy nước bọt tuôn ra khi thầy phát âm. Nhớ, nhớ nhiều lắm….
Thời cuộc đổi thay, sau năm "75", mỗi lần đi ngang qua đường Quang Trung, mình không khỏi bâng khuâng, chạnh lòng. Cảnh cũ còn đây mà tên trường không còn. Thôi thì tùy nghiệp duyên, hợp tan là lẽ thường. Nhưng rồi mình lại nghĩ: Cái tánh Bồ Đề sẽ lưu mãi không mất trong ký ức mỗi cô cậu Bồ Đề ngày xưa.
Dù cuộc sống còn bộn bề lo toan vẫn còn một góc thân thương thủa ấy, bọn mình đã tìm về với nhau: CỰU HỌC SINH BỒ ĐỀ. Rồi những chuyến công tác từ thiện sẻ chia, những cuộc Về Nguồn tri ân thầy cô, thăm viếng bạn bè. Những cuộc động viên giúp đỡ bạn không may… luôn thu hút tụi mình. Nhưng quan trọng nhất là các bạn đã làm rất nhiều mà không thấy làm gì cả. Không chấp trước, chấp ngã đó là từ bi, giác ngộ và trí tuệ. Chính là Bồ Đề!
Một chiều đầu đông Quý Tỵ
Nữ Nguyễn
Thích
Bình luận
Chia sẻ

Bình luận

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét