Quảng Nam hay cãi, Quảng Ngãi hay lo, Bình Ðịnh nằm co, Thừa Thiên ăn hết...
TẠI SAO "QUẢNG NAM HAY CÃI"
*Trần Gia Phụng
*Trần Gia Phụng
Tuy được vua Lê Thánh Tông thành lập từ 1471, nhưng Quảng Nam trải qua chiến tranh liên tục, khi thì giữa Đại Việt với Chiêm Thành, khi thì giữa vua Lê, chúa Trịnh với chúa Nguyễn, khi thi giữa chúa Nguyễn với nhà Tây Sơn, nên tình hình Quảng Nam không ổn định cho đến năm 1802 là năm vua Gia Long thống nhất đất nước. Từ đó, Quảng Nam mới tổ chức hệ thống hành chính quy củ, với địa giới như ngày nay. Các sinh hoạt kinh tế, văn hóa, giáo dục bắt đầu phát triển.
Năm 1962 tổng thống Ngô Đình Diệm chia Quảng Nam thành hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Tín, nhưng do truyền thống Quảng Nam mạnh mẽ, dân hai vùng nầy đều tự xem là một tỉnh, đều nhận mình là người Quảng Nam. Sau năm 1975, Quảng Tín bị giải thể, trở về với Quảng Nam.
Từ năm 1802 cho đến nay (2014), Quảng Nam trải qua hơn 200 năm lịch sử, khá mới so với chiều dài lịch sử dân tộc, nhưng Quảng Nam đã đóng góp không ít trong đời sống quốc gia về tất cả các mặt, sản sinh nhiều nhân tài, nhiều anh hùng, nhiều khoa bảng, nhiều văn nhân thi sĩ…
Trong đời sống thường ngày, người Quảng Nam có hai nét đặc thù thường nổi bật được làm đề tài “bình luận”, chẳng những riêng người Quảng Nam, mà cả bàn dân thiên hạ trên toàn quốc, là giọng nói Quảng Nam và “Quảng Nam hay cãi”.
Không biểu vì lý do gì, trong Đại Nam nhất thống chí, mục tỉnh Quảng Nam, tiểu mục “Phong thổ”, các chúa Nguyễn cho rằng giọng Quảng Nam là giọng chuẩn trong nước. (Xin xem Đại Nam nhất thống chí quyển 5, tỉnh Quảng Nam, do Tu Trai Nguyễn Tạo dịch, Sài Gòn: Nxb Văn Hóa Tùng Thư (Nha Văn Hóa – Bộ Quốc Gia Giáo Dục), 1964.) Nhận xét nầy của chúa Nguyễn không được những dịch giả Hà Nội vừa lòng, nên trong bản dịch của Hà Nội, đoạn nầy bị bỏ. (Xin xem bản dịch Đại Nam nhất thống chí tỉnh Quảng Nam, tạp 2 quyển 7, Hà Nội: Viện Sử học dịch, Nxb Khoa Học Xã Hội 1970.)
Đôi khi nghĩ cho cùng, nhìn vào danh sách những ca sĩ Việt Nam nổi tiếng ngày nay, lạ lùng là luôn luôn Quảng Nam chiếm nhiều người, thì thấy có thể chúa Nguyễn cũng có lý phần nào. Một người Quảng Nam, vừa nói giọng Quảng Nam, vừa phát âm các giọng khác trên Đài Pháp thanh Quân đội nổi tiếng ngọt ngào một thời trước năm 1975 là “Dạ Lan, em gái hậu phương”. Cô Dạ Lan là một người Quảng Nam ròng, cựu học sinh Phan Châu Trinh, Đà Nẵng.
Trong khi đó, giọng Quảng Nam lớn, mạnh, sắc, có khi chói tai, nghe qua dễ phân biệt và dễ nhớ. Không riêng gì Quảng Nam, mà ở các nơi khác như Hà Nội, Huế, Sài Gòn, cư dân ở thành phố nói giọng dễ nghe, trong khi ở các vùng nông thôn chung quanh các thành phố, nói hơi khó nghe. Giọng Quảng Nam cũng vậy. Các vùng nông thôn Quảng Nam có nhiều thổ âm, nói hơi khó nghe, nếu không quen tai.
Đã nói giọng khó nghe, người Quảng Nam thường ăn nói không rào trước đón sau, không quanh co khúc khuỷu, không màu mè hoa lá. Người Quảng Nam hay nói thẳng, đi thẳng vào vấn đề, đến độ cục mịch, mà người Quảng Nam gọi là “ăn cục nói hòn”. Có nhiều chuyện tiếu lâm về giọng Quảng Nam ăn cục nói hòn, nhưng xin không kể ở đây, sợ bị trách rằng dân Quảng Nam mà quay lại nói diễu người Quảng Nam, cho thiên hạ chê cười, nhái giọng Quảng Nam nhằm chọc quê dân Quảng Nam.
Còn về Quảng Nam hay cãi, thì thiệt hết ý, không cãi được chỗ mô nữa. “Thanh minh thanh nga” gì cũng không tránh được chuyện Quảng Nam hay cãi, thôi thì xin kể ở đây vài chuyện vui về tính hay cãi của người Quảng Nam. Xin đừng cãi với người viết bởi vì đây là chuyện vui thôi mà.
Không biết có thiệt hay không, người ta nói rằng sau các cuộc họp của các hội đồng hương Quảng Nam thường không có biên bản, vì dân Quảng Nam cãi trong cuộc họp hăng quá, thư ký không biết ghi biên bản cách răng cho đầy đủ để khỏi bị cãi, hoặc là cò cưa cãi mãi, có khi thư ký cũng tham gia cãi luôn, cho đến hết giờ, rồi đứng dậy ra về, khỏi có biên bản...
Thứ hai là chuyện trường Luật Sài Gòn trước 1975. Sinh viên luật gốc Quảng Nam cãi dữ quá. Đến kỳ thi cuối năm, một vị giáo sư đưa ra đề nghị thế nầy: Ông mời một sinh viên Quảng Nam lên bảng, anh nào cãi thắng anh sinh viên Quảng Nam thì đương nhiên được lên lớp, khỏi phải thi. (Chuyện theo lời kể của một cựu sinh viên trường Luật Sài Gòn trước năm 1975.) Chuyện đúng hay không thì không có điều kiện kiểm chứng, mà cũng chẳng ai cần kiểm chứng để làm gì chuyện tào lao xịt bộp.
Còn chuyện thứ ba, người ta chứng minh rằng dân Quảng Nam hay cãi là do di truyền. Một hôm ở miền quê Quảng Nam, có một phụ nữ sửa soạn sinh con. Cô mụ đến giúp từ sáng đến tối, áp dụng tất cả các phương pháp hộ sinh, mà đứa nhỏ vẫn không chịu ra đời. Cô mụ tức quá la lên: “Đứa nhỏ nầy nhác quá, lại cứng đầu, bây giờ đã trưa rồi, mặt trời đã đứng bóng, mà không chịu sinh ra đi làm ruộng giúp mẹ cho rồi, cứ trốn mãi.” Cô mụ nói xong một chút, thì người phụ nữ sinh con. Ai cũng khen cô mụ giỏi, cô học thần chú ở đâu mà nói một câu, thì người đàn bà sinh ngay. Cô mụ trả lời: “Có gì đâu, lúc đó trời đã khuya, tối mù rồi, mà tôi nói trưa rồi, mặt trời đứng bóng. Đứa bé nghe tôi nói không đúng, lại chê nó nhác, cứng đầu, tức quá nó ra đời để cãi lại tôi mà.” Có phải tính hay cãi là tính di truyền từ trong bụng mẹ hay không? Nếu chúng ta tin vào thuyết “thai giáo”, thì cũng có thể khi còn trong bụng mẹ, đứa trẻ đã nghe cha mẹ hay cãi và tiêm nhiễm tính hay cãi của cha mẹ là người QuảngNam.
Quả thật, người Quảng Nam hay cãi, cãi không dứt, cãi chi cãi mãi, cãi mãi cãi hoài, lai rai cãi miết. Thiệt ra, hay cãi chẳng có gì xấu. Chỉ có cãi ẩu cãi bướng mới xấu. Như uống thuốc bổ cũng vậy, uống quá liều lượng thì có hại chứ ích lợi gì. Có cãi mới có tiến bộ. Cãi vừa phải để tiến bộ thì thật tốt. Chả thế mà tục ngữ Pháp có câu: “Từ sự bàn cãi nẩy sinh ra ánh sáng”. (De la discussion jaillit la lumière.)
Có điều lạ. Quảng Nam hay cãi, giọng cãi chói tai, nghe nhức đầu, thế nhưng người Quảng Nam lâu ngày không nghe giọng Quảng Nam thì cũng nhớ. Cũng như mì Quảng, tuy không phải là cao lương mỹ vị, nhưng lâu ngày người Quảng Nam không ăn cũng thèm. Đó là nỗi nhớ nhà (nostalgia) thầm kín mà người ít người chú ý. Vì vậy khi có cơ hội, nghe lại giọng nói của quê mình, thật là thú vị cho người Quảng Nam. Như lâu ngày được ăn một tô mì Quảng đạm bạc theo lối nấu đơn sơ của quê mình. Giọng nói chói tai quen thuộc đó còn có thể đưa dân Quảng Nam trở về với những hình ảnh quê nhà, bà con thân thuộc yêu quý mà chúng ta vẫn hằng ấp ủ trong tim từ khi bỏ nước ra đi.
...
...
TRẦN GIA PHỤNG
(Trích đoạn từ nguồn http://thuviengdpt.info/…/phong-…/tai-sao-quang-nam-hay-cai/)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét