Từ Buôn Trấp đi vào vài cây số sẽ gặp các địa danh của người xứ Quảng...
CHỢ ĐIỆN BÀN Ở... ĐĂK LĂK
*Quốc Tuấn
*Quốc Tuấn
Chợ Điện Bàn (xã Quảng Điền, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk) cách trung tâm TP.Buôn Ma Thuột chừng 40km. Sở dĩ có những tên gọi dễ gây tò mò như vậy bởi hầu hết người dân sinh sống và buôn bán tại đây đều di cư từ thị xã Điện Bàn cách đây ngót nghét 40 năm.
Ngược theo quốc lộ 14 đi vào, chúng tôi có mặt tại chợ Điện Bàn vào một sáng mờ sương. Đây được coi là điểm tập kết đầu tiên của 500 hộ dân người Điện Bàn vào 40 năm trước. Con số đó, đến nay chỉ còn chưa đầy 200 hộ bám trụ lại vùng đất đỏ màu mỡ bazan nhưng cũng lắm khắc nghiệt này. Quảng Điền - tức ruộng của người Quảng. Ngay phía sau chợ Điện Bàn là cánh đồng lúa hơn 100ha, của người dân Quảng Điền khai hoang hàng chục năm nay. Đây là nơi bà con sản xuất ra những hạt gạo thơm ngon để làm mỳ Quảng - món ăn theo chân những người đi kinh tế mới.
Ông Nguyễn Văn Tấn (80 tuổi, thôn 2, xã Quảng Điền)... là một trong những người gốc Điện Bàn đầu tiên đặt chân xuống vùng đất đỏ trong chuyến đi làm kinh tế mới năm nào. “Năm 1976, theo chủ trương của Nhà nước, chúng tôi ngược lên Tây Nguyên trong sự khấp khởi xen lẫn âu lo. Xe ca chở chúng tôi dừng chân ở nhà máy nhiệt điện huyện Krông Ana còn gọi là dốc nhà đèn. Tất cả gia đình được đưa về một căn nhà tập thể làm bằng tranh, lấy cây rừng làm trụ đỡ, nền trải bằng cỏ khô và trợ cấp gạo sống tạm trong thời gian ban đầu. Sau 6 tháng trợ cấp, ôi thôi là cực” – ông Tấn kể. Do chưa quen khí hậu hai mùa rõ rệt: mùa mưa và mùa khô nên việc canh tác lúa không như ở đồng bằng. Mất mùa và đói triền miên. Cộng với việc sống giữa rừng thiêng nước độc, muỗi bay như ong – những đợt sốt rét triền miên đã khiến không ít người nản chí gói ghém quần áo trở lại quê nhà. Những người ở lại thì chia nhau từng củ sắn, bát cơm.
Rồi những ngày gian khó cũng qua đi. Họ bắt đầu khai hoang những cánh đồng, trồng lúa với những tên gọi như Bình Dương, Bàu Hít, Bàu Bò… để làm ăn. Những năm 1978, khi đường sá thông thương thuận lợi, từ nhu cầu trao đổi, mua bán, người dân Điện Bàn lấy địa điểm ngã tư nối liền xã Quảng Điền và Bình Hòa (tên gọi bấy giờ) họp chợ. Dần dần người đến họp càng đông, cái tên chợ Điện Bàn ra đời. Mấy chục năm qua, chợ dần xuống cấp. Mới đây, tiểu thương chung tay góp hơn 300 triệu đồng xây dựng lại chợ khang khang theo chuẩn nông thôn mới, thôi cảnh lóc cóc chợ tạm mỗi mùa mưa về...
Ở chợ Điện Bàn, bà Nguyễn Thị Lương là một trong những người bán mỳ Quảng lâu nhất, đến nay đã 20 năm. Bà Lương chia sẻ rằng mỳ Quảng của mình vẫn giữ được vị quê do làm từ lúa quê được trồng ở đồng đất sau lưng chợ. Bà tự tráng mỳ. Nồi nước nhưn bốc hơi thơm lựng. Mùi dầu phụng khử nén phảng phất… Những thứ ấy, hỏi ai cầm lòng đặng mà ghé lại ăn một tô mỳ?
Những ngày thời tiết ổn định, có từ 2 - 3 chuyến xe 45 chỗ luôn nêm kín hành khách trở về thăm cố hương. Mắm cái theo những chuyến xe ấy lên đây. Mỗi lon mắm cái chỉ 2.000 - 5.000 đồng. Lời lãi chẳng là mấy nhưng các bà các mẹ ở chợ vẫn bán. “Thức chi có thể thiếu nhưng mỳ Quảng và mắm cái thì không” – một tiểu thương ở chợ Điện Bàn nói với tôi.
Quê nhà, thực chẳng còn xa xôi với họ.
QUỐC TUẤN
(Trích đoạn trên nguồn http://baoquangnam.vn/nguoi-quang-xa-…/dat-va-nguoi-xu-quang)
(Trích đoạn trên nguồn http://baoquangnam.vn/nguoi-quang-xa-…/dat-va-nguoi-xu-quang)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét