Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Thứ Hai, 25 tháng 6, 2018

NHỮNG THÁNG NGÀY ÊM ÁI TUỔI THƠ (tiếp theo) *Vương Hữu Thái

Trường Tiểu học La San Lam Sơn Ban Mê Thuột...
NHỮNG THÁNG NGÀY ÊM ÁI TUỔI THƠ (tiếp theo)
*Vương Hữu Thái
...
...
Cùng năm ấy những chiếc xe HonDa Dame, thường gọi là kiểu C50 màu đỏ hay xanh lá cây bắt đầu xuất hiện trên đường phố Ban Mê cũng tạo cho tôi những ngạc nhiên háo hức, khác xa với các kiểu xe trước đó như MobyLette, VeloSolex…hay lịch lãm như Vespa, LamBretta của Ý. Mỗi khi chiếc HonDa chạy ngang là bọn trẻ chúng tôi và cả người lớn thường ngoái cổ nhìn theo , thậm chí nếu cho lên xe chạy thử cũng ngượng ngạo vì không quen sử dụng đạp chân. Hồi ấy người ta bàn tán chắc xe Nhật xài mau hư chứ không bền như Âu Châu …nhưng rồi khi HonDa đàn ông 66, 67 kiểu SS50 tay lái ngắn ngủn xuất hiện, với tốc độ nhanh hơn máy mạnh hơn, người ta đã tin tưởng ở xe Nhật, thời đó thanh niên tuổi đôi mươi mà được chạy xe Dame được kể là hãnh diện lắm rồi, còn học sinh trung học chỉ ao ước chiếc xe đạp đời mới là quá đủ…Quãng thời gian ấy chiếc máy chụp hình để ngang tầm mắt bắt đầu xuất hiện, thay cho chiếc máy cồng kềnh khi chụp phải đặt ngang thắt lưng quần rồi cúi đầu xuống mà chỉnh sửa tọa độ trước khi bấm máy…lứa tuổi tôi xem đó như cái gì cao siêu lắm và không biết kế tiếp sẽ là phát minh nào nữa ?…trong lúc đó những chiếc xe “ thổ mộ” đậu ở cuối đường AmaTrangLong chở khách đã dần dần vắng bóng khiến tôi nhớ lại những lần cùng với mấy đứa bạn trong lớp ra cái bến xe còn hôi nặc mùi phân ngựa để nhìn ngắm mấy chú “tuấn mã” tràn đầy sinh lực đang nhởn nhơ nhai cỏ…hay những lần tôi theo Mẹ ngồi phía sau thùng xe ngựa bằng gỗ đi về cổng số 1, số 2.Thời đó “thổ mộ” là xe ngựa chở khách có 2 càng bằng gỗ do một con ngựa kéo. Tôi thich nhất bác tài hay còn gọi là bác Xà Ích điều khiển chiếc xe thật điệu nghệ với cái roi da dài quất trên lưng ngựa, trong khi chú ngựa bị che đi một phần cặp mắt chỉ cho nó nhìn thấy phía trước từ hai ba mét,mục đích là để cho ngựa khỏi bị phân tầm mà chạy lạc hướng dễ gây tai nạn chỗ đông người. Khi hai bánh xe chế tạo bằng gỗ bắt đầu lăn tôi cảm thấy có những âm điệu lạ tai như là tiếng lộc cộc vó ngựa giòn giã nện xuống dường, tiếng khua lộc xộc của cây xí ( thanh thép giữa trục bánh xe) ,tiếng lục lạc leng keng ngân vang trên cổ ngựa, thỉnh thoảng lại nghe tiếng cốc keng rời rạc từ cái chuông xe và cuối cùng là tiếng hý dài của chú ngựa…Thật là lối xưa xe ngựa hồn quê cũ, sau này có Frère trong giờ học kể chuyện tại sao gọi là chiếc xe thổ mộ,là vì xe có mui cong nhỏ trông như gò mả. Lại có người cho rằng nó bắt đầu từ tên xe là “ thảo mã ” lâu ngày đọc lái ra thành “ thổ mộ”…sau này tôi còn hiểu thêm kiểu xe ngựa ở cái xứ Ban Mê cũng gần giống như ở vùng Lái Thiêu, lục tỉnh…nhưng hình ảnh này chỉ còn trong ký ức.
Thế hệ học sinh thời tôi luôn nhớ đến Frère Hiệu Trưởng Salomon Minh vì tính cách đạo đức, nhiệt thành trong việc chăm lo giáo dục. Cuối tuần vào sáng thứ bảy là toàn trường xếp hàng ngay ngắn để nghe Frère giảng giải bài Phúc Âm Chủ Nhật sắp đến, cạnh đó có tấm bảng đen lớn vẽ minh họa hình Chúa GiêSu hoặc các Tông đồ liên quan đến bài Phúc Âm. Sau đó cả trường đọc 10 kinh, đáng chú ỳ là Frère giơ cao các ngón tay để theo dõi kinh đọc. Đây là chủ ý của Frère giúp học sinh cần lưu tâm đến mặt đạo đức cụ thể sau một tuần học hành, cho dù vẫn nhiều học sinh ngoại đạo theo học tại trường. Tôi còn nhớ hình như là năm1966 hay 1967 gì đó ???...trường LaSan Ban Mê Thuột có cử vài đại diện học sinh về LaSan TaBerd Sài Gòn tham dự Đại hội Học Sinh LaSan , đây cũng là niềm vinh dự vì lần đầu tiên LaSan Ban Mê Thuột, một nơi xa cách về địa lý và sự di chuyển cũng cách trở, lại được về một trường được xem như trung tâm lớn tham dự, vì đã lâu quá tôi không nhớ rõ, nhưng hình như là các đàn anh tham dự đã kể bằng tai nghe mắt thấy về trường Taberd, nơi đào tạo nhiều thế hệ học sinh với phương pháp giáo dục đặc biệt và duy nhất trong hệ thống LaSan, cũng khiến chúng tôi thêm niềm ước ao sẽ có một ngày được đặt chân đến thăm , nhưng rất tiếc vẫn là giấc mơ xa vời trong hoàn cảnh bấy giờ…
Đến năm sau trường tôi lại xây dựng đài Đức Mẹ giữa khuôn viên vườn hoa, có bốn lối đi nhỏ chung quanh. Lễ làm phép và khánh thành được tổ chức long trọng vì chuẩn bị từ trước cả tháng, ngày đó Đức Cha Phêrô đến làm phép và cũng là lần đầu tiên đến thăm trường kể từ khi nhậm chức Giám Mục Giáo phận, tôi đã vinh dự được sắp xếp làm dàn chào để đón vị Cha chung từ ngoài cổng trường và hôm đó có đồng ca bản Thánh Ca bằng tiếng LaTinh có tên hình như là Chào mừng thì phải ??? tôi chỉ còn nhớ vài câu như là vi vạt in lê te mùm/vi vạt in lê te múm…sau đó bong bóng được thả lên từng chùm và cả trường diễn hành qua khán đài nhỏ có Đức cha hiện diện cùng nhiều vị khách, kế tiếp là đồng diễn thể dục của các anh lớp 5 ,đó cũng là sự kiện đáng nhớ của LaSan Lam Sơn trước khi Frère Hiệu trưởng SoLomon Minh đổi đi nơi khác, tôi nhớ mãi hình dáng Frère mập mạp nhưng hơi lùn, khuôn mặt nhân hậu với cặp kính trắng luôn ẩn chứa một vẻ nào đó thánh thiện…
Trường tôi cũng có bước phát triển khi Frère Vân Xuyên về đây, khoảng đất trống mà trẻ em hay đá bóng được xây thành một sân bóng chuyền kiên cố, mà ngày đó hay gọi là sân baskert, với hai cột rổ cao được xem là sân khá nhất các trường trong tỉnh, nên thường được mượn để tổ chức các giải bóng chuyền học sinh. Tôi nhớ một Frère nữa là Ephrem Trần Ngọc Tú (nếu tôi không lầm thì sau này làm Tổng Linh Hoạt LaSan Taberd)mỗi đầu tuần thường nhắn nhủ học sinh với cái micro (tương tự như micro không dây bây giờ) nhưng hồi đó vẫn kèm một đoạn dây ngắn để tiếp sóng,như thế cũng là tối tân lắm rồi… hình như là năm 1969 gì đó Frère đã hướng dẫn một số học sinh trường tôi lên trung học LaSan Đồi dự Đại hội toàn trường LaSan Ban Mê Thuột , trong đó có phần diễn hành, đồng diễn thể dục, cắm trại, thi hội họa bích báo…chúng tôi phải mặc chiếc áo thun vàng ngắn tay có thêu hai chữ “ LASAN ” và khi đi ngang khán đài có quan khách đã hô vang khẩu hiệu “LASAN - HIÊN NGANG” một cách dũng mãnh, nhờ thế đã giúp học sinh thưở đó dù chưa khôn lớn hẳn cũng nuôi một hoài bão là lên trường LaSan Đồi học tiếp sau khi học ở Lam Sơn. Những sự kiện tưởng chừng như bình thường, nhưng đã khiến hầu hết học sinh luôn đặt niềm tin và trong tâm trạng náo nức…theo tôi hiểu phần lớn cũng nhờ sự dẫn dắt, điều khiển thật tuyệt vời của vị huynh trưởng là Frère ColomBan Đào-Hiệu trưởng Trung Học LaSan Đồi(trong thời kỳ trước năm 1969)bởi vì lúc đó tuy có cơ sở riêng biệt, nhưng LaSan Lam Sơn vẫn nằm trong sự điều hành chung của LaSan Đồi, như lời ví von là trường Mẹ và trường Con, tuy hai mà một tuy một mà hai.
Thời kỳ đó thế hệ đàn anh tại trường mẹ, cụ thể là lớp Đệ Tam, Đệ Nhị [8] luôn là đầu tàu trong các sinh hoạt văn hóa thể thao, kể cả khi phải thi đấu các giải ở cấp toàn tỉnh luôn đoạt thành tích cao,và là niềm tự hào cho học sinh chúng tôi suốt thời kỳ đó. Dù thời gian đã quá lâu, nhưng tôi vẫn nhớ khí thế như ngọn lửa khi các anh biểu diễn thể dục với tiết mục cột tháp, tức là từng tốp vòng tròn 10 người leo lên vai nhau thành 5 tầng …trong tiếng vỗ tay của nhiều học sinh trường khác (hình như tại sân vận động),ngoài ra khi tham dự ở hầu hết các tiết mục biểu diễn văn nghệ, võ thuật, trò chơi lớn với mục đi tìm kho báu( mật thư)…luôn luôn các anh đoạt giải nào đó, xứng đáng thể hiện thế hệ LaSan trưởng thành trước khi rời mái trường để bước sang cuộc hành trình tương lai khác. Đáng nhớ nhất là anh Vũ Đình Kỳ, lớp Đệ Nhị tướng mạo to con, ăn nói mạnh bạo,chơi đá banh và sinh hoạt rất sôi nổi được các Frère tin cẩn trao phó nhiều việc…lại được nhiều lớp dưới kính nể, về sau anh vào quân ngũ và khi tôi lên LaSan Đồi thì anh là Trưởng Ban Liên Lạc cựu Học sinh LaSan.Tôi nhớ một dịp nọ trở lại trường cũ ,anh được các Frère mời kể chuyện cho chúng tôi nghe về truyền thống, anh vẫn oang oang như ngày nào kể về thành tích ngày tháng cũ và khuyên nhủ chúng tôi phải tiến lên phía trước…
Năm 1969,phi thuyển Apollo đổ bộ nguyệt cầu đã làm nức lòng thế hệ học trò, các Frere và thầy cô kể cho cả trường nghe sự kiện có một không hai này,trí óc chúng tôi tưởng tượng sẽ có ngày nước Việt chế tạo được phi thuyền và phi hành gia cũng người Việt, ngày đó còn rất xa nên học trò phải chuyên cần học hành để điều ước đó thành hiện thực, trong khí thế đó thì ngày Trung Thu Frere tập hát sôi nổi thằng cuội yêu chị hằng nga, nói dối ông bà lên sống mặt trăng( ố tang tình tang ố tang tình tình)/ kể từ khi cuội ra đi, làng xóm không ngờ cũng nhớ cuội ghê (ố tang tình tang ố tang tình tình)… hòa với tiếng trống điệu lân trong buổi liên hoan nhẹ ở trường ban ngày, thế hệ tôi luôn thuộc nằm lòng bài tết trung thu đốt đèn đi chơi, em đốt đèn đi khắp phố phường, lòng vui sướng với đèn trong tay em múa ca dưới ánh trăng rằm,tùng tùng tùng…
Năm ấy tôi chơi thân với bạn Lê Thanh Hoàng, nhà ở đầu đường Phạm Phú Quốc, là cháu Cha Phaolô Lê Thanh Thiên – quản lý Chủng Viện Lê Bảo Tịnh trong thời kỳ mới thành lập. Tôi hay ăn cơm nhà nó và cuối tuần theo nó lên chiếc xe nhỏ màu xanh của Cha để đi cây số 5 nơi đang xây Tiểu Chủng Viện, nhờ những dịp như thế tôi được Cha Augustino Nguyễn Văn Tra - Giám Đốc tiên khởi, nhận làm con thiêng liêng để cuối năm tôi chuẩn bị thi vào lớp 6 Chủng Viện, lúc ấy tôi rất siêng năng sáng nào khoảng 4 giờ rưỡi khi hết giờ giới nghiêm cũng theo Mẹ tôi đi lễ tại tòa Giám Mục gần nhà., dù là thánh lễ riêng của Dòng Nữ Vương Hòa Bình và chủng sinh nhưng giáo dân ở ngoài vẫn được tham dự. Nhưng rất tiếc kỳ thi chủng sinh tôi đã rớt, vì hình thức tuyển khá gắt gao với hai điều kiện: học vấn và đạo đức( kể cả gia đình) , nếu trúng tuyển có thể tôi đã bước sang ngã rẽ hướng đi khác trong cuộc đời học sinh rồi!
Ngoài giờ học tôi và bạn Hoàng say mê tìm đọc truyện tranh rất nổi tiếng của Anh, Mỹ như LucKyLucKe với anh chàng cao bồi cỡi ngựa phóng như bay, có khuôn mặt xương xương dáng gầy gầy, chuyên đi trừ gian diệt bạo và là hiện thân anh hùng miền viễn tây. Rồi đến Aterix & Obelix mà hiện giờ tôi quên rất nhiều…ngoài ra có nhân vật TinTin, một thiếu niên đầu lưa thưa mấy sợi tóc nhưng thông minh nhanh nhẹn như con sóc, chuyên xông pha vào nơi khó nguy để lần ra các đầu mối trộm cướp,làm ăn phi pháp có hại cho dân lành…với tình tiết vô cùng hấp dẫn, có tính giáo dục lôi cuốn các độc giả nhí. Vài nhân vật nữa là Batman, Superman, tức là người dơi với tài biến hóa nhanh như chớp khi xuất hiện khiến kẻ gian ác phải khiếp sợ, rồi Xì Trum…Các truyện tranh này rất dài, thường thì các tờ báo lớn, ví dụ Văn Nghệ Tiền Phong chỉ đăng mỗi tuần có hai trang(cốt truyện và họa sỹ nước ngoài nên phải mua bản quyền) nên nhiều khi đang xem hào hứng bỗng chợt tức giận vì chạm phải dòng chữ “ kỳ sau tiếp”, như thế theo dõi kỹ cũng tốn công sức nhưng tôi và bạn Hoàng nghĩ kế rủ nhau đến nhà sách “Văn Hoa” lớn nhất thị xã, đối diện với nhà hàng DarLac trên đường Quang Trung, là nơi cứ khoảng 10 giờ sáng thì các loại báo phát hành ở SàiGòn được tập trung phân phối tại đây, do đó chúng tôi cũng len lỏi vào đọc ké, được cái truyện tranh đọc rất mau mà dễ hiểu, nhiều lúc ông chủ bề bộn công việc khi thấy bọn tôi cũng nhắc đứa nào ăn trộm thì coi chừng tao nhốt đó nghe! ở sân trường giờ ra chơi, tôi kể lại truyện đã đọc cho bạn bè trong lớp nghe, cứ thế bọn trẻ rỉ tai nhau…mà biết hết nội dung, chứ tiền đâu mà mua báo theo dõi dài dài. Cuối lớp Năm thằng Hoàng theo gia đình về SàiGòn và nó học ở DonBosco Gò Vấp. Tôi cũng nhớ người bạn nữa là Phạm Quốc Thành, học từ lớp Tư thường có xe hơi đưa rước vì con nhà quyền thế, có kiểu cách “chững chạc” khác hẳn với mấy đứa trong lớp vì quần áo tóc tai luôn tươm tất,xưng hô với bạn bè là tôi với bồ thay vì mày tao, tuy vậy cũng không tỏ ra kênh kiệu gì cả. Nhà nó ở cuối đường Hoàng Diệu với căn nhà gỗ một tầng trên khu đất rộng, giống như biệt thự. Tôi có nhiều kỷ niệm với nó, có lúc tự hỏi không biết bây giờ nó bôn ba ở phương nào nhưng mới đây nghe nói nó đang ở bên Đức…
Tôi còn nhớ một sự kiện khác là Tuần lễ Học Đường Công giáo được tổ chức sau khi Tân Giáo Phận được hình thành, đây là dịp để trường LaSan thi thố với các trường Công Giáo khác ở nhiều lãnh vực như : thi Giáo Lý, thể dục thể thao, cắm trại, hội chợ, trình diễn văn nghệ và sau cùng là lễ bế mạc tại sân vận động tỉnh…nhiều trường ở xa cũng có mặt như Quảng Đức, Phước Long…Không thể quên ngày sinh hoạt cắm trại tại Thác Nhà Đèn, lúc các cô cậu nhỏ tụ tập dưới rặng đồi thông để sinh hoạt chung, có một Cha Xứ đã kéo cây đàn Ácmonica tập bài Trả lại tôi là tuổi trẻ mênh mông chúng mình như lúa reo trên ruộng đồng, dù mưa tuôn dù bão cuốn bông lúa vàng cuồn cuộn gió đưa lên, dù bom rơi dù súng tới bông lúa ngời vượt lửa khói lên khơi…một bài ca chất chứa niềm tin với khát vọng tuổi trẻ bay cao bay xa như tiếng thông reo, tiếng thác đổ, cùng với nắng với gió…hay như nào về đây ta họp mặt cùng nhau, cuộc đời vui thú có lúc này thảnh thơi. Anh với tôi ta cùng sống vui cho trọn ngày, rồi mai này chúng ta lại gặp nhau…Các bài hát luôn thổn thức trái tim học sinh để rồi khi chia tay ra về, với từng đoàn đi bộ trên vai vác lều chõng, tốp khác đi xe đạp…mà lòng tiếc nuối một cái gì đó, nhưng thôi vì cuộc vui nào cũng sẽ trôi qua! Tôi vẫn nhớ nhiều học sinh LaSan không theo đạo cũng tích cực tham gia suốt một tuần lễ, và Lasan là trường có các hoạt động sôi nổi nhất.
Khi tôi lên lớp Năm thì có Frère Hiệu trưởng mới, hình như tên là Frère Vinh hay là Vital Quang tôi không nhớ rõ, có giọng nói rặt nam bộ, dáng cao lớn, khá hiền từ và Frère đã lập nơi chăn nuôi thỏ, dê …với sở thích yêu thiên nhiên cho đến tận năm 1975, . Tôi đã sống trong những giờ phút quan trọng trong buổi giao thời- chứng kiến sự chuyển giao giữa cái cũ và cái mới – trong thế giới không ngừng chuyển động và ảnh hưởng rất sâu sa đến thế hệ chúng tôi với nhiều cách khác nhau, tùy theo sự nhận thức và cảm nhận của từng người, và như thế mái trường là nơi hun đúc tâm trí đã định hướng cho chúng tôi phần nào trong lằn ranh phân định ấy.
Mùa hè niên khóa 1969-1970, tôi đã kết thúc thời gian theo học tại trường LaSan Lam sơn [9] để tiếp tục lên lớp 6 tại Trung Học LaSan Đồi. Đó là quãng thời gian đẹp nhất một đời người mà ngay lúc ấy tôi khó tưởng tượng ra nổi. Cám ơn các Frère. Cám ơn các thầy cô giáo như thầy Khương lớp ba, thầy Hoàng, rồi thầy…mà lâu quá tôi không nhớ nổi cái tên nhưng khuôn mặt ngày ấy tôi vẫn nhớ rõ, và với muôn vàn kỷ niệm thân thương không phai nhòa nhưng chứng tích và thứ tự từng sự việc lớn hoặc nhỏ, nhiều lúc tôi vẫn khó xác định nổi cái mốc thời gian.
LaSan Lam Sơn là dòng suối trong lành với hoa quả tươi xanh ở hai bên bờ, đã ân cần nuôi dưỡng tâm hồn và khai tâm cho tôi những ngày đầu đời.Và đáng yêu biết dường nào quãng thời gian đã cho tôi đi hết cuộc đời ấu thơ.
Tạm biệt những mùa hè mải miết chơi đá dế, chơi tạt lon, chơi đá cầu, thả diều…và chơi năm mười mười lăm hai mươi… và nhiều trò thời trẻ con khác, tạm biệt mái trường thân yêu, ngày mai tôi đi rồi đó nhé!.
VƯƠNG HỮU THÁI
(Trích trên nguồn http://www.lsvn.info/modules.php…)
Chú giải:
[1] Khi Giáo Phận Ban Mê Thuột được thành lập, thì khu đất thuộc về Dòng Nữ Vương hòa Bình.
[2] Khu đất này về sau giao cho các soeur Dòng Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn để lập Trường Trung Tiểu học Vinh Sơn, dạy từ Mẫu Giáo đến lớp 9 tọa lạc trên đường Phan Chu Trinh và Đại Lộ Tự Do.
[3] Về sau mở thêm cấp Tiểu Học vì số học sinh tăng mạnh.
[4] Đức cha Paul – Seitz sinh ngày 22/12/1906 tại Le Havre - Pháp, thụ phong Giám Mục Giáo Phận Kon Tum ngày 24/11/1960, hồi ấy bao gồm: KonTum, Pleiku, Ban Mê Thuột. Đức cha rời Việt Nam 15/8/1975 và qua đời 24/02/1984 tại Paris –Pháp.
[5] Trước 1970, bậc Tiểu Học ngoài Mẫu giáo gồm các lớp: Nhất , Nhì, Ba, Tư, Năm ( lớp1-2-3-4-5 bây giờ)
[6] LM. GiuSe Trịnh Chính Trực (1925-2011) được tấn phong Giám Mục phó ngày 15/8/1981,và là Giám Mục Chính Tòa Giáo Phận Ban Mê Thuột năm 1990 sau khi Đức Cha Phê rô Nguyễn Huy Mai qua đời 4/8/1990
[7] Sau đó trở thành Nhà thờ Chánh tòa.
[8] Trước 1970 Trung Học Đệ I Cấp gồm các lớp: Đệ Thất, Đệ lục, Đệ Ngũ, Đệ Tứ (Lớp 6-7-8-9 bây giờ) Đệ II Cấp gồm các lớp: Đệ Tam , Đệ Nhị. Đệ Nhất( 10-11-12 bây giờ)
[9] Ngừng hoạt động 10-03-1975, và hiện nay là Trường Bồi Dưỡng chính Trị

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét