Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Thứ Ba, 2 tháng 1, 2018

SE LÒNG *Như Thương

Thôi từ đây ly hương...
SE LÒNG
*Như Thương
Cuối năm, cái lạnh se lòng của những kẻ ly hương thật sâu thẳm. Nó quay quắt trong hồn qua từng kỷ niệm ùa nhau về ... một tà áo người xưa đi lễ thánh, một màu áo len dịu dàng co ro trong trí nhớ, những tiếng cười vỡ tràn hạnh phúc trong gia đình đầm ấm, những góc phố quen mòn bước chân của một thời non trẻ, những năm tháng trôi dần qua trong bình yên và sóng gió .... tất cả chỉ có nơi quê nhà!
Điều gì đã làm mình dường như quấn quít với chốn cũ đến thế? Đã đẩy lòng trôi giạt về bến đò xưa trong mỗi độ Đông về khi tôi là người đi nhặt nhạnh những tấm áo len cũ, mới, rách, lành trong thùng rác của những người hàng xóm khi tôi mới đến xứ người.
Mùa Đông năm ấy bước chân người xa xứ chưa hết bỡ ngỡ, lạ lẫm, cô đơn, thì cái lạnh khắc nghiệt và rất xa lạ của cơn bão tuyết đến. Rời quê hương vào tháng 3, lúc ấy thời tiết và khí hậu nơi quê nhà hãy còn hương vị ấm áp của nàng Xuân, nhưng đặt chân đến xứ người và thấy hình ảnh một màu trắng phủ khắp mọi nơi đã làm tôi chợt ngu ngơ tự hỏi: Nước Mỹ như thế này à? Thế thì làm sao mình sống được, chắc là cóng mất thôi ?!
Đêm ấy trời trở lạnh và nhìn qua cửa sổ tôi thấy hoa tuyết rơi lần đầu tiên trong đời. Thật tuyệt! Chúng như những thiên sứ trắng lạc xuống trần gian, mong manh, trinh nguyên và dịu dàng làm sao! Tuyết rơi nhanh và vội vã hơn, rồi bỗng dưng thoáng chốc những hàng cây cổ thụ, những con đường, nhà cửa, ngõ ngách ngoài phố biến mất, để còn lại một màu trắng ngập tràn mọi nơi.
Những buổi sớm mai lạnh cóng trong chăn mền (!) đã làm tôi thật ngạc nhiên, trùm hết những chiếc áo len mỏng như áo khoác của mùa thu mà tôi đem qua từ quê nhà, cũng dăm bảy chiếc, rồi mền, rồi gối ... thế mà vẫn run và buốt lạnh xương sống. Thế là thức suốt đêm và ban ngày thì ngủ gật gà gật gù. Nhiệt độ âm 40 độ F cơ mà! Cái lạnh trong tủ ngăn đông đá thật tuyệt vời !!! Mở tủ ra, thò khuôn mặt vô, cảm thấy ấm trời ạ! Biết làm sao hơn, tôi và cả gia đình quây quần bên bếp lửa bật đỏ rực lên để xua đuổi đi cái cảm giác lạnh khắp cơ thể và nấu nước sôi uống từng ngụm một cách ngon lành.
Những ngày khởi đầu cho một cuộc sống mới được bắt đầu bằng hình ảnh ngồi trong nhà trông ra ngõ trắng mịt mùng, tôi chợt thèm nghe một bài hát tiếng Việt vô cùng, bài hát hay hoặc dở và ca sĩ nào cũng được, thèm được ở trong căn phòng quen thuộc của ngôi nhà xưa, ao ước được nhìn thấy bầu trời trong xanh có mưa xuân lất phất nhẹ bay vừa mới đi qua. Giá như mà mình được trùm chăn như thế này, đọc sách và nhẩn nha với đậu phọng rang hay bắp rang ... Nỗi nhớ cố hương sao mà đơn giản quá, nhưng quả thật nó bắt nguồn từ những điều nhỏ nhặt thế đấy.
Ngày thứ nhất ... rồi một tuần lễ trôi qua, vẫn ngồi trong cửa ngóng ngoài cửa, vẫn lạnh buốt xương da đến nỗi chỉ vừa hé cửa ra là cơn gió lạnh thổi thốc vào mặt rát như dao cắt và rồi chiếc mũi tê dại đi; vội vàng đóng cửa lại, hơ khuôn mặt tái trên bếp lửa ngay kẻo mình có cảm tưởng máu sẽ đông đặc lại thôi! Ấy thế mà những đửa trẻ hàng xóm của khu apartment này lại vui đùa bên đống tuyết ngoài ngõ mới lạ chứ! Chúng nó đắp hình ông già tuyết, chọi tuyết nhau một cách thích thú - con nít xứ này "khỏe" thật, chả biết lạnh là gì !!!
Mười ngày sau cơn bão tuyết mọi điều đã như kim đồng hồ quay ngược chiều. Cái thế giới trắng ngoài song cửa bỗng nhiên đổi màu nâu đất - nhầy nhụa tuyết, đá, đất quyện lẫn nhau, nước chảy thành giòng lang thang khắp phố. Người lớn, trẻ con co ro bắt đầu bước ra đường với khăn choàng cổ đủ màu sắc, nón và áo len trùm kín, tôi cũng mon men theo họ.
Tôi phải thét lên là "Vẫn còn lạnh" và đường sá trơn không tưởng tượng được. Bước chân tôi đi trên nước đá - theo cách nghĩ và cách gọi của tôi. Tuyết tan, nước chảy và gió rít đã thật sự là những hình ảnh mới đối với tôi sau chuỗi ngày ngồi ngắm tuyết rơi, đó là chưa kể cảm giác không có tai, mũi, hai chân và nguyên cả hai bàn tay! Chúng nó đông đặc trong giòng máu ấm của tôi rồi sao?! Bước chân ra đường để đi mua thức ăn, loay hoay mãi lại lạc đường, bởi vì máy bay vừa hạ cánh xuống phi trường là thành phố đã bắt đầu xôn xao với sự cảnh báo bão tuyết rồi, cho nên chúng tôi bị vất xuống ngôi nhà, mãi cho đến khi cơn bão tuyết qua đi. 10 ngày ngồi ao ước mọi chuyện giữa những căn phòng rộng mênh mông (vì không vật dụng, bàn ghế nào cả) đã làm tôi ngớ ngẩn khi phải bước chân ra đường.
Tìm ai để hỏi đường bây giờ, cái bảng đường đi như thể là một người câm đối với tôi hay đúng hơn tôi là người mù đối với chúng. Một đoàn người lếch thếch áo mũ lạ hoắc của chúng tôi lang thang qua những khu phố kế cận, những con đường có tên đấy chứ, nhưng chúng không biết chúng tôi muốn đi đâu, nên chẳng giúp ích gì được chúng tôi. Nhìn dáo dác hoài vẫn không tìm ra một "mái đầu tóc đen". Thật cô đơn!
Cuối cùng, người đầu tiên mà tôi tiếp xúc để nói chuyện bằng hai chữ "Yes" và "No" là một người da đen lái chiếc xe đổ rác bên hàng xóm cạnh nhà. Mãi cho đến hôm nay, 20 năm sau của thời khắc ấy, tôi vẫn còn hình dung ra cái ngọng nghịu, mắc cỡ và bối rối của tôi khi phát âm tiếng người.
Ông da đen đã chỉ cho chúng tôi “hiểu” những chiếc áo len trong bao nylon để trên thùng rác là áo len còn có thể mặc được, có thể lấy được mà không bị tội ăn cắp! Tôi không hiểu tại sao hồi ấy tôi hiểu ngầm được những điều ấy từ nơi ông sau khi ông ta nói một câu tràng giang đại hải và tôi trố mắt đứng nhìn ông, để rồi ông lấy một chiếc áo trong bịch nylon ra và ướm trên người tôi và nói "You". Hình như ông ta có phát âm thêm vài từ ngữ gì đó trước chữ "You" ấy, nhưng tôi chỉ nghe vỏn vẹn duy nhất một chữ để hiểu rằng chiếc áo ấy mình có thể lấy được. Khuôn mặt ông ta đen, chiếc áo to thùng thình cũng màu đen và khuôn mặt của tôi thì xám xịt vì lạnh... tất cả đã đến với nhau trong một bản hợp ca mang âm hưởng "nghèo" - tôi cảm nhận như vậy.
Người con gái ngẩng mặt lên nhìn ông với đầy lòng biết ơn, nhưng không biết nói câu gì để cám ơn! Tôi đấy ... dẫu biết chữ "Thank you", nhưng nói làm sao??? Chỉ cười, nụ cười có lẽ thần thánh lắm, nên được Đấng Tạo Hóa đền bù lại bằng ánh mắt, khuôn mặt và nét môi cười của người đàn ông da đen đáp trả lại. Tạ ơn Ngài đã ban cho con người một phương tiện truyền thông sự nhân hậu, chia sẻ và cảm thông bằng ánh mắt và nụ cười.
Ông ta đã lôi ra hết tất cả những chiếc áo len khác trong tất cả những chiếc bịch nylon thật to nằm ngất ngưởng trên những thùng rác (nhưng lại trông rất sạch!). Dường như thùng ấy chỉ để quần áo mùa lạnh, do đó tôi không thấy những thứ vặt vãnh mà tôi thường nghĩ là rác thật. Cả hai người đều không nói nhau câu nào, chỉ cắm cúi và ngậm thinh làm điều mình muốn làm, thế mà cũng hiểu nhau. Và tôi khệ nệ khiêng mớ áo len bên lề đường ấy về nhà. Tôi ướm thử "áo người", lòng bỗng dưng tủi thân vì xưa nay mình có bao giờ đi nhặt áo thừa như thế này đâu, nơi đây xứ lạ quê người, mình làm thế nhỡ họ khinh mình thì sao.
Rồi cũng qua đi những cảm giác vui buồn lẫn lộn với xấu hổ, ray rứt, lạc lõng, buồn đến rưng rưng nước mắt, mà chẳng biết vì sao mình khóc nữa. Cuối cùng tôi được một chiếc áo len thay thế 5 lần áo len quấn quanh người tôi tuần trước. Cái cảm giác ấm đã làm tôi quên đi tủi thân ngày ấy vì trong những ngày lạnh vừa qua, cơ thể tôi đã phát bệnh. Người sưng to lên từ khuôn mặt đến cái lưỡi trong miệng, tay chân và vòng bụng ... giống như là tôi rất mập, nhưng tình thật là tôi rất khó chịu khi thở.
Chủ nhật sau tuần lễ tuyết tan, tôi thấy những người hàng xóm quần áo chỉnh tề như đi dự dạ tiệc ban ngày. Họ đi lễ. Tôi không có đạo, nhưng vẫn quen đến nhà Chúa thuở còn đi học theo bạn bè. Thế là tôi cũng đi lễ theo họ bên góc ngã tư bên kia đường tuyết đổ.
Trời vẫn còn lạnh đối với người mới đến từ xứ nhiệt đới như tôi, nhưng tôi cảm thấy dễ chịu hơn những ngày mà cơ thể tôi bị dị ứng vì thời tiết quá lạnh vừa qua. Nỗi buồn hôm trước trong tôi khi nhặt trong thùng rác những chiếc áo len thật dày, thật ấm đã tan chảy đi ít nhiều như mảng tuyết phủ trên nóc nhà.
Nhà Chúa hôm ấy thật ấm và chan chứa tình người. Bỗng dưng tôi gặp được rất nhiều người Việt ở chốn ấy. Mừng chi lạ! Họ cũng biết gia đình tôi mới đến, nên vồn vã thăm hỏi và an ủi, cũng như chia sẻ những tâm tư lo lắng của người mới đến. Tôi hoàn hồn sau những điều câm nín trước cuộc sống mới và nói thật nhiều với đồng hương mọi điều trong rươm rướm nước mắt. Mọi người chỉ khuyên tôi một câu rất giống nhau: "Từ từ, rồi đâu sẽ vào đấy cả !"
Tôi đi vào hàng ghế trong sự tĩnh lặng và thánh thiện của ngôi nhà thờ nhỏ. Lòng thật bình an. Mình sẽ cầu nguyện với tất cả tâm thành của một trái tim con người lên Đấng Tối Cao nơi xứ lạ này. Chúa ở nơi nào cũng là Chúa Nhân Từ thôi, dẫu con ngoại đạo, dẫu con không hiểu được Cha Xứ nói gì trên bàn Thánh, nhưng trong tận đáy lòng con, con tin Người, tin mọi điều thiện tâm trên thế gian này vẫn còn chung quanh đời sống.
Bất chợt tôi thấy một người đàn ông có khuôn mặt quen đi vào cùng lối đi chính với tôi - người đàn ông da đen đã mỉm cười với tôi trong sự hạn hẹp ngôn ngữ và vụng về của tôi. Vẫn nụ cười ấy, vẫn cái ánh mắt sẻ chia... nhưng hôm nay ông ta trông nghiêm nghị hơn trong bộ quần áo tươm tất. Lòng lành của Chúa đã đem mọi người đến với nhau, đến từ trong tâm hồn, cách suy nghĩ và hành động, để hôm nay khi tôi gặp lại ông thì lòng tôi tưởng chừng như đã quen ông từ lâu lắm rồi. Ông cũng nhận ra tôi - có lẽ con bé ngốc nghếch không biết nói một chữ tiếng Anh đã làm ông nhớ đời !?
Nhà Chúa, tiếng chuông và tấm lòng mọi người chốn này vẫn là hình ảnh của nhà Chúa, tiếng chuông bên kia quê nhà và Chúa đã gởi đến cho con hình ảnh nhân ái của Người qua người đàn ông da đen hiền lành ấy- một tấm lòng lành thánh đơn sơ vô cùng. Xin tạ ơn Người và xin mãi mãi nhớ người đàn ông da đen mà tôi chưa bao giờ biết tên, ông đã dùng ngôn ngữ của trái tim để xoa dịu nỗi cô đơn, lạc lõng trong tôi.
Tiếng chuông tan lễ đã làm tôi chợt thoáng qua ý nghĩ hôm nào... thôi thì "Se Lòng" mình để bắt đầu một cuộc sống mới vậy. Mới từ ngôn ngữ, nơi trú ngụ, trường học, chợ búa, phố xá, kiến thức, phong tục, tập quán, cách suy nghĩ, hành động ... mọi thứ và biết đâu đến cả lòng người, nhưng có lẽ trái tim vọng cố hương trong tôi thì không thể nào mới được - tựa như cánh chim mãi mãi vọng trời xanh.
Như Thương
*Ảnh minh họa "Ở nơi tận cùng thế giới" của nhiếp ảnh gia người Nga Alessandra Meniconzi (Giải Nhất thể loại Phiêu lưu & Thám hiểm).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét