Ban Mê ngày ấy... Quán La Souris Blanche, ngã tư đường Lý Thường Kiệt và Quang Trung... giờ chỉ còn những tên đường trên tấm bản đồ cũ mà thôi !
QUÁN ĐỢI HOÀNG HÔN
*Trần Hoài Thư
*Trần Hoài Thư
Khi lên thị trấn miền núi này vào một ngày cuối năm, tôi đã mang theo hình bóng cô độc in trên những con đường rét run hơi lạnh. Đây là một thị trấn lạ. Những vách nhà gỗ thông, những bức tường vôi còn hoen ố bụi bùn đỏ, những người Thượng hay Kinh, những con đường phượng khô hay những con đường thiếu ánh nắng, tất cả như mờ đi trong đôi mắt mỏi. Và bụi đỏ, lớp lớp phủ đầy trời đất và những khóm hoa sứ trắng nỏn như những bông tuyết. Tôi đã có mặt, một thân, một bóng, cô độc trùng trùng.
Chiều nay tôi xuống phố. Cả người rét run vì tôi đã quên mang theo áo ấm. Tôi bất cần, sống mà như không sống, đi mà như không đi, bước mà như không bước, nhưng tôi cũng vẫn chịu thua trước thiên nhiên khắc nghiệt. Chiều nay, người chủ Tây của quán cà phê La souris blanche đã hiểu tôi. Quần áo tôi bám đầy bùn đỏ, những ngón tay tôi vàng khói thuốc. Người chủ Tây đã đến bên tôi rất nhẹ, má trủng và đen, như thể từ xứ Algerie. Bonsoir monsieur. Que voulez vous? Tôi nhìn lên đôi mắt của người khác màu da. Tôi gọi ly cà phê.
Chiều nay tôi được nghe lại một tấu khúc cổ điển và được tưởng tượng qua sách vở những đoạn tả về xứ của mặt trời, về những loài hoa hướng dương, lưu ly thảo, cẩm chướng mà Albert Camus đã viết trong những tác phẩm của ông.
Chiều nay tôi đang đợi hoàng hôn về, hoàng hôn đi và hoàng hôn chết. Chiều nay khí núi đã bốc vào khung cửa kính và tôi khẻ rùng mình. Hơi lạnh đã len vào người, ve vuốt tôi như một lần nào kia. Một lần nào kia. Như quán nào dưới phố. Và ai kia. Bờ vai mềm, mái tóc ngắn, và cả Sài Gòn của tôi.
Sàigòn của tôi. Tuổi trẻ của tôi. Người nào đấy có nghe chăng, chiều nay, nỗi nhớ nhung trùng trùng ngất ngất. Có nghe chăng, hơi ấm xiết lại vòng tay. Có hít hà chăng da thịt lứa đôi để gần thêm một giây cho ngàn trùng xa cách. Người nào đó có nhớ chăng, lệ là lệ, mà lệ theo giòng chảy xuống môi, mà môi cắn môi, môi ghì môi, cho bầm đau một giây mà trăm năm nhớ mãi.
Chiều nay tôi lạc loài như một vì sao côi cút. Hoàng hôn, hoàng hôn. Tôi lại châm mồi thêm điếu thuốc. Quán cà phê trở nên tối sẩm. Những bàn, những ghế, những chai rượu như bức tranh tĩnh vật của Gauguin. Lúc này phải mím môi khinh mạn: Đưa người sao không đưa sang sông. Sao nghe tiếng sóng ở trong lòng…
Hoàng hôn. Tôi đang đợi hoàng hôn. Một ly cà phê nhỏ. Tôi đang uống cho hoàng hôn. Da thịt tôi tràn ngập hoàng hôn. Mắt tôi cũng đầy cả hoàng hôn. Tôi mê thiếp trong hoàng hôn.
oOo
Vài người Tây từ đồn điền trở về. Chiếc xe mang đất đỏ đã đậu ở bên đường. Trên xe những bao cà phê, những nải chuối chồng chất. Những tiếng chào hỏi rộn ràng và họ bước vào trong quán. Người đi đầu tóc bạc như tuyết, khoác chiếc áo blouson màu cứt ngựa, ngậm điếu xì gà. Người đi sau, trẻ tuổi mang chiếc ủng cao. Bonsoir, bonsoir mon ami…Chai rượu chát đỏ, những cốc pha lê, những chiếc khăn bàn trắng. Đêm xuống dần ngoài kia. Ngoài khung cửa kính những chòm hoa sứ đang lay động trong gió. Vài người lính vội vàng bước qua. Tôi mồi thêm điếu thuốc. Gió lộng vào quán khiến tôi phải co ro. Người chủ quán đã biết ý, đóng lại cánh cửa gió. Tôi có thể nghe được tiếng gió đập vào cánh cửa bằng những âm thanh thúc hối, tức bực. Có tiếng chuông đồng hồ điểm. Thời gian đã dậy rồi. Thời gian đang bước đi. Thời gian sắp làm tôi trở thành một tên đàn ông hai mươi ba tuổi.
Tôi nói lầm bầm: Hai mươi ba. Ta đã hai mươi ba tuổi rồi sao. Tôi dí đầu thuốc vào gạt tàn. Dí mạnh, không thương xót.
Đây là một quán xa hương. Một quán Pháp, chứa nhiều gió Đại Tây Dương và Địa Trung Hải. Một quán lạc loài như một cù lao giữa miền nhiệt đới.
Bởi những chủ, những khách đã đến từ phương khác. Còn tôi, đến từ phương này sao lại hiu quạnh như một cù lao?
Merci Monsieur. Người chủ quán nói sau khi tôi trả tiền xong. Tôi lao ra ngoài đêm. Phố vắng ngắt. Đêm nay là đêm giao thừa. Đêm nay là đêm linh thiêng nhất của một dân tộc. Sao tôi lại thui thủi như thế này. Tiếng nhạc từ quán cà phê vọng về. Hình như là bài hát trong La Valse dans l’Ombre. Tôi vẫn bước đi trong khi tiếng gió hú trên những tàn cây cổ thụ. Gió tạt vào mặt tôi. Gió cắt rát da thịt tôi. Đêm nay không có một vì sao nhỏ. Đèn nhà ai đã mờ sau khung cửa. Nơi đó là gia đình là đoàn tụ, là đàn trẻ reo vui, là tiếng than reo tí tách, là nồi bánh trừ tịch, là khói hương ngào ngạt trên bàn thờ. Tôi thèm ly rượu, thèm những viên Binoctal.
Ôi, mùa xuân. Mùa của hy vọng. Mùa của chúc mừng. Còn tôi. Mai nay tôi sẽ thêm một tuổi, mà mẹ thà xem như hạt bụi, em thà xem như hơi rượu cay. Tôi là tặng vật của Thượng Đế mà ma quỉ thèm thuồng. Hãy buông thả tôi. Hãy phóng thích tôi. Hãy trả lại quyền làm người về lại cho tôi. Nếu không tôi sẽ làm loạn.
Ôi mùa xuân. Mùa của hy vọng. Còn tôi, đang nhìn quan tài của tôi, bởi vì khi con người hắn không còn được quyền làm chủ đời hắn, thì hắn chẳng khác một thây ma không hơn không kém.
TRẦN HOÀI THƯ
(Trích từ nguồn bmtpre1975.wordpress.com/2012/03/16/quan-dợi-hoang-hon/)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét