Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Thứ Hai, 8 tháng 1, 2018

Chiều ơi! Biết chiều nào còn đứng trên nương...

Chiều ơi! Biết chiều nào còn đứng trên nương...
NƯƠNG CHIỀU
Thuở nhỏ, thời kháng chiến chống Pháp, kẻ viết bài này từng nghe bà mẹ mình - một người hát thánh ca trong ban Ca vịnh nhà thờ - từng dùng nhạc Phạm Duy ru con. Những lời ca, giai điệu Phạm Duy đã thấm vào hồn tôi từ thơ bé qua tiếng hát ru của mẹ như bài “Nương chiều”:
“Chiều ơi, lúc chiều về rợp bóng nương khoai, trâu bò về giục mõ xa xôi, ơi chiều…Chiều ơi, áo chàm về quảy lúa trên vai, in hình vào sườn núi chơi với, ới chiều…”
...
Thỉnh thoảng, khi buồn vui, mẹ tôi lại khe khẽ hát mấy bài Phạm Duy viết trong kháng chiến chống Pháp, ví như : “Cây đàn bỏ quên”, “Khối tình Trương Chi”, “Bên cầu biên giới”, “Tiếng đàn tôi”, “ Mười hai lời ru”…
Những bài hát của Phạm Duy, của Văn Cao (trước 1945) của mẹ tôi được chép trên giấy học trò; có khi là những bản chép nguyên cả khuôn nhạc in bột trên giấy bản nhầu nát; có khi, bố tôi (một người hát nhạc nhà thờ trong ban Ca vịnh biết chơi đàn và biết xướng âm bản nhạc) phải dùng hộp bao diêm làm dụng cụ kẻ nhạc, đặng chép lại bản nhạc cho rõ ràng giúp mẹ tôi…
...
(Trần Mạnh Hảo)
*** / ***
...
Một chiều năm 1947 nơi núi rừng Lạng Sơn-Bắc Kạn-Thái Nguyên, Phạm Duy viết Nương Chiều. Có áo Chàm ngồi cạnh cầm tay?
Chiều ơi lúc chiều về rợp bóng nương khoai.
Trâu bò về giục mõ xa xôi, ơi chiều
"Đất trồng trọt trên đồi núi hay bãi cao ven sông" là nương. Có nương dâu ruộng nương lúa nương...có cả nương náu, nương tựa, nương nhau mà sống. Phú Thọ có nương chè. Phú Thọ tục truyền là đất vua Hùng. Mê Linh của Hai Bà cũng thuộc Phú Thọ. Mùa hái chè những năm 1945, người Tày nguời Nùng ở bản mãi trong xa ra giúp. Sáng sớm tinh mơ địu bé ngủ trên lưng, mẹ con cùng hái chè. Dù có níu ở lại nhưng chiều nhất định đòi về. Bản làng xa xôi có điều gì làm mủi lòng mỗi khi chiều xuống? Nhớ hơi bếp, nhớ bắp ngô, không về nhỡ suối tương tư cạn nước lấy gì ra mà đền? Hay trong tiềm thức gìn giữ nghiệp xưa? Truyền thuyết Mường, Âu Cơ là con hươu đốm sao, Noọng mặc áo đen, dẫn 50 con đi về miền núi
Chiều ơi, mái nhà sàn thở khói âm u,
Cô nàng về để suối tương tư, ơi chiều
... hóm hỉnh, Noọng dầm chân váy vén cao lội băng qua suối, nước cũng phải động lòng. Người đa tình hay suối đa tình?
Nương chiều khác gì nương sớm?
Lúc chiều về là lúc yên vui ,
Qua đường mòn ngửi lúa thơm hơi ơi chiều
Nương chiều yên vui hơn nương sớm? Chắc vậy, nên lòng người và lòng trâu bò giống nhau, giục mõ rung chuông tíu tít gọi về.
Trăng tơ, trăng còn non mùng bẩy mùng tám hay là trăng lược cài đầu núi?
Chiều ơi lúc chiều về rợp bóng trăng tơ.
Cho ngày mùa bài hát nên thơ, ơi chiều
Trăng-Rắn-Hạt Trai: vật tổ của người Việt cổ, thời Lý thời Trần rồng mới thay cho rắn. Nửa Vầng Trăng-Bầu Vú, họa tiết của người Rhade, là biểu tượng cho người mẹ, cho mái nhà. Trăng ở nhà sàn mới là trăng? Mẹ ở nhà mới là mẹ của mình?
Màu chàm ngả tím đậm giống màu đen. Cao chàm từ lá chàm, bụi thấp, lá giống lá húng, nhuộm quần áo không phai.
Chiều ơi áo chàm về quảy lúa trên vai
In hình vào sườn núi chơi vơi, ơi chiều
...
Nguời Miêu người Lisu... pha màu sặc sỡ, người Tày-Nùng chỉ mặc màu chàm. Tại thiếu màu? Không đâu. Theo truyền thuyết người Mường-người Di, chỉ gia đình vua chúa hay lãnh đạo mới mặc mầu đen. Có thể người Việt cổ/Tày/Nùng cùng thuộc nhóm Di Đen quí tộc. Noọng Tày-Nùng giờ đây vẫn áo chàm tím đen, kiềng bạc. Trung du có chàm, đồng bằng không có chàm nên nhuộm bùn?
Chiều ơi biết chiều nào còn đứng trên nương
Phố phường nhiều chiều vắng quê hương
Ơi chiều
Chiều ơi Chiều ơi
Chiều ơi ...
...
Trần Thị Vĩnh Tường
(Trích đoạn trong bài "Phạm Duy Trong Nương Chiều" của Trần Thị Vĩnh Tường đăng trên http://chimviet.free.fr/)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét