Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Thứ Năm, 12 tháng 10, 2023

AO THU LẠNH LẼO, NƯỚC TRONG VEO *Phạm Hoài Nhân

 

 
Đã chia sẻ với Công khai
Công khai
Nhớ cơm tập thể thời bao cấp...
AO THU LẠNH LẼO, NƯỚC TRONG VEO
*Phạm Hoài Nhân
Kỷ niệm nào cũng là kỷ niệm, tui xin được góp vui bằng những kỷ niệm nho nhỏ của mình...
Đó là những ngày ăn cơm tập thể ở nhà ăn B10.
Hồi đó (cuối 197x, đầu 198x), sinh viên ở ký túc xá ăn cơm tập thể. Phiếu ăn 15 đồng ăn một tháng (30 ngày, ngày 2 bữa). Chất lượng thì miễn chê nhe. Món canh hồi đó được gọi là canh toàn quốc (canh toàn là... nước). Thực khách của nhà ăn tập thể đã lấy bài Thu điếu của Nguyễn Khuyến để vịnh bữa ăn như vầy:
Thau canh lạnh lẽo, nước trong veo
Một miếng thịt heo bé tẻo teo
4 thằng, 8 đũa, nhanh tay gấp
Thịt heo thoáng chốc đã bay vèo
Xin nhấn mạnh là thau canh chớ hổng phải tô canh, hồi đó phải kiếm đủ 4 thằng 4 phiếu ăn để lấy một phần cơm, do đó canh đổ trong thau. Lạnh lẽo và trong veo là đương nhiên rồi. Còn thịt heo bé tẻo teo thì nói hơi quá một chút, thiệt ra chỉ có một xíu mỡ heo may mắn lọt vô thau canh thôi.
Bài này không phải độc quyền của sinh viên Bách Khoa, khi tui chia sẻ trên Facebook, bạn cựu sinh viên ĐH Sư phạm kể rằng bài của bạn ấy như sau:
Thau canh lạnh lẽo, nước trong veo
Một cánh bèo trôi bé tẻo teo
4 thằng, 8 đũa, đua tay chọc
Bèo trôi thoáng chốc đã tan vèo
Túm lại là chỉ được cánh bèo thôi chớ chưa tới thịt heo!
Một dị bản khác, chắc do các bạn học khoa ngữ văn chế tác nên gần với bản gốc bài Thu điếu hơn
Thau canh toàn quốc, nước trong veo
Một miếng thịt heo bé tẻo teo
Váng mỡ theo làn hơi gợn tí
Ngó qua ngó lại đã bay vèo
Người ta nấu cơm cho sinh viên tập thể bằng cái chảo khổng lồ loại nấu cho heo ăn. Nấu bằng than bùn, dùng xẻng hất vô lò. Có khi trong cơm lẫn than bùn. Rau muống với củ cải trắng nấu nước muối là món thường trực. Không phải dĩa rau muống xào tỏi thơm tho trong nhà hàng đâu, rau già, đen xì, có khi lẫn trong đó một nùi rể cỏ, có khi là một... nùi tóc.
Còn nước mắm thì... Để kể nghe chuyện này, có lần tui đi xớn xác trong nhà ăn bị đổ nguyên chén nước mắm vô người. Vậy mà không rít, không hôi gì hết, cứ để nguyên vậy mà vô lớp học, hổng ai ngửi thấy mùi nước mắm hết. Có vi diệu không?
Dú đồ ăn dở như vậy nhưng cơm vẫn không đủ ăn, tính bình quân mỗi đứa chỉ được hơn hai chén. Đứa nào ăn chậm qua chén thứ hai thì đã không còn cơm nữa. Là sinh viên vốn giỏi toán nên tụi nó nghĩ ra công thức 2 chén rưỡi hoặc còn gọi là công thức lưng - đầy - lưng. Nghĩa là chén thứ nhất bới đầy, chén thứ 2 bới lưng (nửa chén) để ăn cho nhanh, còn kịp bới chén thứ 3 thật đầy (lúc đó ăn nhẩn nha cũng được, vì cơm đã vô chén rồi, không sợ đứa khác nó dành)!
Sẵn nói chuyện sinh viên giỏi toán, kể thêm chuyện này, không thuộc phạm trù ăn cơm.
Hồi đó, khoảng năm 1980, có phong trào xây dựng "Con Người Mới XHCN". Vốn là trường kỹ thuật nên Đoàn trường Đại học Bách khoa viết khẩu hiệu đậm chất toán học lên tường sát cầu thang như sau:
THANH NIÊN = CON NGƯỜI MỚI XHCN + NẾP SỐNG VĂN MINH.
Ít bữa sau, có một "nhà toán học" viết ngay dưới đó đẳng thức sau:
=> THANH NIÊN - NẾP SỐNG VĂN MINH = CON NGƯỜI MỚI XHCN.
Về mặt toán học quả là đúng không sai tí nào.
Và cho tới bây giờ, vẫn cứ đúng!
Dù sao thi những tháng ngày ấy vẫn là những kỷ niệm đẹp, khó phai trong lòng. Các bạn sinh viên bây giờ chắc là không có những chuyện như vậy, nên xin kể lại để biết ngày xưa các anh - các chú đi học dzui như vậy đó!
...
Phạm Hoài Nhân
Có thể là hình ảnh về 2 người và văn bản
Tất cả cảm xúc:
Ly Trinh, Ly Đinh và 107 người khác
74
4
Thích
Bình luận
Chia sẻ
Xem thêm bình luận
Đỗ Minh Hương
Nhớ thời khốn khó đó … có lần em kể lại con cháu không tin hỏi lại : thiệt không ngoại , sao ăn nổi!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét