Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Thứ Ba, 9 tháng 8, 2022

THÓI ĐẠO *Paul Phạm Tiến Dũng

 

“Thói Đạo” mong muốn người Công Giáo tránh xa lối sống đạo hình thức, câu nệ, lạnh nhạt mà mất đi cái hồn, cái cốt của người Kitô hữu.
THÓI ĐẠO
*Paul Phạm Tiến Dũng
Lời tựa: Đây là tác phẩm đầu tay của tôi, nơi tác phẩm này sẽ lưu trữ nhiều kỉ niệm đẹp của tôi, mong bạn đọc trân trọng. Tác phẩm với tựa đề khá lạ: “Thói Đạo”, nơi tác phẩm tôi muốn người đọc đặc biệt là người Công Giáo tránh xa một lối sống đạo hình thức, câu nệ, lạnh nhạt mà mất đi hồn, mất đi cái cốt của một người Kitô hữu. Cảm ơn bạn đọc!
Tin Mừng đã đến Việt Nam đã hơn hàng trăm năm lịch sử, nhìn vào đời sống đạo hiện nay sao mà tôi thấy ngao ngán. Không biết tôi mẫn cảm với lối sống đạo thời đại mới này từ bao giờ. Tôi không phải kể tật xấu của người khác nhưng nói ra đây có lẽ để ta nhận thấy một thực trạng đáng buồn.
Tôi thường xuyên trò chuyện với các cụ về vấn đề này. Cụ Đạc nói tôi: “Con ạ! Lễ xong thì Cha về, con về, hối hả lắm, giục giã lắm”. Tôi nhớ câu nói ấy lắm, ngẫm mà thấm thía làm sao. Nơi tôi sống là một nhà thờ họ nằm xung quanh những ngôi nhà quê san sát nhau, phía trước là một cánh đồng lúa nhỏ độ chừng hai mẫu ruộng, trước nhà thờ là cái ao nhỏ liền với con đường đã dần ghi dấu ấn của thời gian. Nhà thờ họ tôi cha xứ thường dâng lễ vào chiều thứ Bảy và tôi trân trọng khung giờ lễ này. Khung giờ lễ đó, là khung giờ mà cụ Đạc nói với tôi: “Lễ xong cha về, con về”. Có lẽ mỗi người đang có những công việc riêng mà họ xem là cần thiết. “Ai lại ở lại với Chúa một chút nữa được! Về cho người ta đóng cửa”- thằng con trách cụ thế.
* * *
“Lễ xong chúc anh chị em đi bình an!” Cha xứ vừa dứt lời, tiếng nổ xe đã vang lên ở cuối nhà thờ, năm sáu thanh niên đã phóng vèo xe về mà không để lại dấu vết. Rồi lần lượt từng đoàn người hối hả phóng xe về nhà, tôi thấy khuôn mặt cụ Đạc có vẻ hơi buồn, cụ thở dài ngao ngán: “Lễ chưa xong, chúng nó đã tất tưởi về, gì mà vội thế.”
Bóng chiều ngả dần trên mái tháp của nhà thờ, chỉ còn rọi xuống những tia nắng yếu ớt, mờ nhạt. Cụ Đạc bước đi chậm rãi, miệng lẩm bẩm, tay cầm cỗ tràng hạt, đi xung quanh nhà thờ, dường như cụ muốn khép lại một ngày sống với Chúa. Đó là thói quen hàng ngày của cụ mà tôi thấy đã quá quen thuộc.
Chính lối sống đạo đức đó làm rất tôi ấn tượng. Có lần tôi được nhờ đi đọc sách giúp kẻ liệt. Người mà tôi giúp chính là cụ Nhàn, cụ lúc đó bị cơn bệnh nguy kịch nặng lắm, con cháu phải ngồi bóp chân cho cụ mãi. Tôi đọc sách cho cụ, cụ phấn khởi lắm. Thấy cụ có vẻ mệt, tôi ra ngoài ngồi nói chuyện đôi lát. Và đó cũng là lần cuối cùng tôi đọc sách giúp cụ, bởi cụ đã mất vào tối hôm sau. Giữa lúc mười một giờ khuya tiếng chó sủa dữ dội, tiếng ồn ào lục đục bên nhà cụ, làng xóm được dịp thức giấc để cầu nguyện cho cụ dù chỉ vài ba kinh, tôi nhủ thầm: “Quả là có phúc cho cái chết của một con người đạo đức”. Tiếng chuông ngân dài, chậm rãi giữa đêm khuya nghe có vẻ não nề, tôi tự nhiên thấy trong lòng có vẻ xáo động. Giữa một xóm đạo nhỏ giờ đây mất đi sự tồn tại của một vị Thánh, của một lối sống đạo đơn sơ, mộc mạc mà tốt đẹp đến thế.
Trong thánh lễ an táng của cụ, tôi vẫn nhớ tiếng khóc thảm thiết lắm, pha lẫn tiếng sụt sùi nơi những cộng đoàn tham dự, mà đặc biệt có một số bà con lối xóm lương dân cũng tham dự thánh lễ này.
“Lối sống đạo đơn sơ thế mà có tính truyền giáo”- bố tôi nói thế.
Quả là thế, tôi trân trọng lối sống đạo có vẻ đơn sơ mà mộc mạc này biết mấy.
* * *
Một lần, tôi nghe thấy “ông trùm trẻ” nói với các cụ trong họ đạo tôi một cách trách móc: “Các cụ đọc kinh quyển làm gì lắm, mấy kinh xưa cổ lắm rồi đọc lại làm gì. Bây giờ chúng con mỗi ngày cầu nguyện đôi lát thế là đủ”. Ông trùm nói thế, tôi tức lắm, bởi với tôi từ trước đến nay, tôi luôn trân trọng lối sống đạo đó mà. Trong đầu tôi là hàng loạt những suy nghĩ như đấu tranh lại với cái lời nói vô lễ kia.
- “À, đúng rồi. Cầu nguyện đôi lát như các chú đó, hời hợt, lếu láo không có chiều sâu nên có Chúa đâu, tìm thấy Chúa đâu. Bạ đâu tin nấy, tin quỷ, tin ma, lại còn xem bói đầy ra đấy. Ngụy biện thật”.
Trong khi tôi đang suy nghĩ thế, thì cụ Thanh vội lên tiếng, nghe có vẻ bất mãn: “Vâng chúng tôi sống đạo có thế, cổ hủ, lạc hậu. Đâu được như các anh các chị nhờ các cha đọc kinh hộ, cầu nguyện hộ.”
- “Cụ nói mà nó đụng chạm quá, thời nay con cháu chúng nó đã dường như quên đọc kinh cho bố mẹ, ông bà đã qua đời từ lúc nào không hay, nó “khoán trắng” cho cha xứ của họ, coi nó như bổn phận của linh mục.” - cụ Mai tiếp lời.
- “Đó chúng nó nghĩ cầu nguyện là nói vài ba câu với Chúa, nên nó có tâm sự nhiều thì nó nói nhiều, không có thì nói ít, có khi chúng nó đi làm về mệt lên giường ngủ luôn, chỉ kịp nói: ‘Con ngủ nhé!’, các cụ ạ!” Cụ Tâm nói.
- “Thì đó, nó đâu nghĩ như tụi mình cầu nguyện là dành thời gian cho Chúa, chúng chỉ dành thời gian cho chúng thôi, nên sống một cách vô thức đó. Tôi nhớ tụi mình trước, vừa giã gạo vừa lần hạt, lần được hai chuỗi là giã xong đó thôi, làm việc như thế vui hẳn, đâu thấy bao giờ kêu áp lực công việc đâu.” - Cụ Thanh chêm xen.
Chẳng hiểu sao nghe các cụ nói mà tôi không phản đối điều gì, mà trái lại tôi như tâm đắc. Trong thâm tôi như đang cười hả hê trước sự thua cuộc của quan điểm “ông trùm trẻ”, nhưng thực sự tôi đang cười hả hê cho một lối sống đạo tự cho rằng tân thời mà có vẻ ngụy biện đó. Tôi cũng không ngại để nói rằng, lối sống đạo ‘rởm’ đó đã dần du nhập vào xứ đạo, cũng như họ đạo của tôi lúc nào không hay.
* * *
Những năm gần đây, việc Linh mục Giuse Trần Đình Long cầu nguyện, chữa bệnh thu hút dự luận lắm. Tôi nghĩ thật ra mà nói thì nó cũng xuất phát từ một lối sống đạo đó mà thôi. Lối sống đạo hời hợt, qua loa đó. Nhiều giáo xứ lượng giáo dân tham dự thánh lễ đang có nguy cơ giảm dần, họ đến Giáo điểm Tin Mừng nơi mà linh mục Giuse Long đang coi sóc để cầu nguyện, tham dự thánh lễ, Nhiều người đã đặt linh mục Giuse Trần Đình Long làm khuôn mẫu lúc nào không hay, họ đem so sánh với cha xứ họ cách khập khiễng. Sự xuất hiện trên các trang mạng những trang đại khái như: “Fan Linh Mục Giuse Trần Đình Long”, “Bài giảng Lòng Thương Xót” để giới thiệu về “thần tượng” của mình. Tôi không có ý phê phán về điều đó, nhưng tôi nhận thấy dường như họ đã tập trung vào một con người hơn tập trung vào Chúa. Để rồi khi Đức Cha Giuse thuyên chuyển cha Long về Tòa giám mục, nơi giáo điểm năm nào giờ đã vắng tanh, lượng người đông đúc, chen chúc như trước cũng chẳng còn. Trên các trang thông tin nhiều người buông những lời không hay dành cho Đức Cha đầy rẫy.
Tôi kể với bà tôi về những điều đó. Bà tôi bộc bạch:
- “Tại sao họ lại buông lời như thế với vị mục tử của mình như thế cơ chứ. Thời của bà, Đức Cha có thế giá lắm con ạ. Gặp được Đức Cha là phúc lắm con ơi! Thấy Đức Cha đi ngang qua, thì giáo dân hai bên đường quỳ xuống để nhận lãnh phép lành của Đức Giám Mục đấy con ạ. Giờ họ không tôn trọng Ngài nữa, bà buồn quá.
* * *
- Mấy nay, bà nghe thấy giáo xứ mình đọc cái kinh gì lạ lắm. Cái gì mà: “Vì cuộc khổ nạn... đó”?
- Bà ơi! Họ lần chuỗi lòng thương xót đấy ạ.
- Thế giờ bà già thế này, không biết lần chuỗi lòng thương xót có sao không con? Chúa có thương xót đến bà không?
Tôi biết bà tôi hỏi điều đó vì sợ trước cái điều mà người ta cho là tụt hậu, vì lẽ chuỗi kinh lòng thương xót đã phổ biến quá rộng rãi mà ngày nay không ai không biết đến. Nhiều người đã chạy theo xu thế đó mà bỏ qua chuỗi kinh Mân Côi quen thuộc, gần gũi.
Tôi đáp lời:
- Bà ơi! Bà cứ lần hạt Mân Côi thôi là tốt lắm rồi ạ! Điều đó đẹp lòng Chúa quá đỗi.
Nhìn nét mặt của bà, tôi thấy có vẻ rạng rỡ hơn, tôi cũng lấy làm an ủi. Từ trước đến nay, tôi chưa từng khinh chê chuỗi kinh Lòng Thương Xót bao giờ, nhưng tôi mong muốn mọi người đừng bao giờ bỏ quên chuỗi kinh Mân Côi, bởi giá trị tuyệt hảo của nó, một lời kinh mà bao triều đại Đức Giáo Hoàng khuyến khích đọc và một số các Ngài còn là tông đồ nhiệt thành cho việc truyền bá lòng sùng kính này. Nhiều ân xá đã được ban ra cho những người sốt sắng lần chuỗi Mân Côi. Tôi cũng nhiều lần đọc cho bà tôi nghe về giá trị của Kinh Mân Côi nhằm khích lệ bà. Và nơi bà tôi cũng nhận được mẫu gương về lối sống đạo xưa, lối sống đạo mà tôi luôn trân quý. Và có lẽ tôi khắc ghi từng kí ức bên bà, với tôi là kí ức bên dấu ấn một người giáo hữu xưa.
* * *
Như những người tín hữu xưa, bà tôi thuộc kinh lắm. Cung giọng ngân kinh của bà, tôi thấy hay biết mấy! Cung giọng đó nghe trong trẻo, thống thiết mà trìu mến, như một tiếng lòng của một tạo vật với Đấng Tạo Hóa của mình. Bà tôi hay nhờ tôi đọc lại các kinh cổ, nhiều lúc tôi thắc mắc hỏi bà:
- “Tại sao, bà phải đọc lại các kinh này ạ?”
Tôi thấy bà lặng im một hồi, rồi giọng trầm lắng nói:
- “Những kinh đó hay lắm con!”
Bà khen những kinh cổ hay, tôi chỉ biết vậy. Lúc đó tôi vẫn chưa hiểu cái điều mà bà khen là hay.
Thế nhưng tôi thấy làm lạ, có một số kinh bà tôi cũng không hiểu. Vậy mà bà tôi vẫn đọc lâu nay, đó là “Kinh Cầu Chữ”. Theo bà tôi, kinh này người ta hay đọc khi rước kiệu hoặc có người qua đời, bởi đây là lời kinh cổ bằng chữ Hán, nên nghĩa rất khó hiểu. Có một câu rất ngắn, nên tôi vẫn nhớ: “Kirixitô chi mẫu”.
Tôi hỏi bà: “Nó nghĩa là gì?”
Bà tôi cười trừ như không hiểu về vấn đề tôi đang hỏi.
Khi tìm hiểu chữ Hán, tôi mới biết Kinh Cầu Chữ chính là Kinh Cầu Đức Bà. Và chính câu ngắn gọn mà bó nghĩa kia chính là “Đức Mẹ Chúa Kitô” mà với chữ Hán nó có vẻ trang trọng: “Kirixitô chi mẫu.”
Từ khi biết bắt đầu tìm hiểu về kinh nguyện, tôi bắt đầu thích cầu nguyện hơn biết mấy. Có những lúc hai bà cháu ngồi đọc kinh chung với nhau cả buổi sáng. Có những lúc bà cháu cùng vui vẻ chuyện trò về bức hình Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp.
Những người xưa, họ truyền dạy đạo cho con cháu họ như thế đấy! Họ truyền đạo cho con cháu mình bằng chính lối sống đạo đơn sơ đó, mà với tôi điều đó chẳng bao giờ là cổ hủ và lạc hậu.
* * *
Những trang sử của Giáo Hội Việt Nam ta đọc mà cũng thấy tự hào hãnh diện. Tôi rất thích nghe về câu chuyện của Đức Cha Anselmo Tadeo Lê Hữu Từ mà bà hay kể cho tôi, bà kể với tôi về đội quân tự vệ Công Giáo Phát Diệm - Bùi Chu do Đức Cha Anselmo Tadeo Lê Hữu Từ đứng đầu, tôi thấy bà chăm chú kể lắm và nơi khuôn mặt của bà biểu lộ rõ những cảm xúc đan xen: vui có, buồn có và ngay cả giận hờn, đay nghiến. Tôi đã nhận được nhiều dữ kiện về thời đó mà bà kể cho tôi nghe.
- Bên Cộng sản người ta hô to: “Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm!” Bên ta có kém gì đâu chứ: “Đức Cha Tadeo Lê Hữu Từ muôn năm!” - Bà tôi vừa cười, vừa nói mà tôi thấy bà như đang nuối tiếc về một thời đã qua.
Tôi cảm phục tấm lòng yêu quê hương, đất nước của các Ngài lắm. Giờ con cháu các Ngài đâu còn thế chứ, họ im lặng trước nỗi khổ của đồng bào, im lặng trước việc tòa khâm xứ bị chiếm đoạt,...
Nhiều Linh Mục nói rằng: “Sau Công đồng Vaticano II, đường hướng của Giáo Hội khác đấy thôi, giờ không còn đối đầu nữa mà là đối thoại với cộng sản”. Tôi cũng đâu phản đối quan điểm đó. Nhưng việc nuôi dưỡng lòng yêu quê hương, đất nước, dân tộc là điều mà không thể nào bỏ qua với bất cứ người Công Giáo nào? Cái lối sống đạo như thế đó, đã bỏ rơi đồng bào lũ lụt miền Trung, bỏ rơi những mảnh đời bất hạnh. Còn đâu hào khí dân tộc khi có nội xâm ngoại thù.
Đối với quê hương đã thế, chao ôi! Việc Giáo Hội còn tệ hơn nhiều.
* * *
“Ông trùm trẻ” vào nhà cô Lan để thu tiền đóng góp xây dựng nhà xứ. Cô Lan mặt nặng mày nhẹ:
- Chúa tôi! Tiền gì mà ông thu lắm thế, mới nộp tiền “xây dựng nhà phòng” xong lại còn xây dựng gì nữa đây. Nhà chúng cháu in ra được tiền đâu chứ, con ốm lay ốm lóc, tiền ăn, tiền ngủ, đủ thứ tiền. Thôi, ông về cho.
“Ông trùm trẻ” lặng lẽ đi tiếp các nhà để hoàn thành nhiệm vụ. Kể thực từ thời cha sinh mẹ đẻ ông đến giờ, chưa bao giờ ‘làm việc nhà Chúa’ mà ông như vác bộ mặt của mình đi ăn xin như bây giờ. Tiền sinh hoạt trong nhà xứ một năm mà ông đi thu mất ba tháng.
- “Sao mà chây lì đến thế…” Ông than vãn.
Xưa có như thế đâu chứ! “Ông trùm trẻ” nhớ thời xưa, một thời còn nghèo, còn đói mà có bao giờ bà con giáo dân khất nợ tiền nhà xứ đâu chứ? Thời bố ông làm “ông trùm”, bà con giáo dân đến nộp tiền đều đặn đâu cần thu đâu chứ, vậy mà có ai sót, ai gian đâu?
“Ông trùm trẻ” suy nghĩ một hồi mà sao có vẻ buồn hẳn, ông về nhà ‘đánh một giấc đến trưa’ như muốn quên đi những điều mà tai nghe, mắt thấy.
Tiếng chuông trưa vang lên giữa một khoảng không gian tĩnh lặng của xóm đạo, báo hiệu mười hai giờ trưa. Mấy cô bác lương dân quanh xóm tôi, tôi để ý cứ nghe tiếng chuông thì họ mới từ cánh đồng trở về. Bao nhiêu năm vẫn thế, tiếng chuông sao mà quá quen thuộc với người xóm đạo chúng tôi. Thế mà, bao năm nay tôi thấy có bao giờ lệch một chút nào đâu chứ. Chẳng có hôm nào kéo chuông sớm, hay hôm nào kéo chuông chậm bao giờ, còn việc quên kéo chuông chắc chẳng bao giờ nên nghĩ tới. Đó là công việc xem như quá thân thiết, quen thuộc của bà Tâm khi tuổi đã về già. Thử hỏi những ngày bà đau ốm, thế mà tại sao vẫn có tiếng chuông? Nghĩ thế khiến tôi thêm cảm phục bà, tôi nhận thấy sự cố gắng, hi sinh của một con người vì công việc nhà Chúa, hi sinh cần mẫn đến lạ kì.
Tiếng chuông làm “ông trùm trẻ” thức giấc, sao hôm nay ông lại để ý tiếng chuông cơ chứ? Người kéo chuông sai nhịp hay trễ nhịp chăng?
Không! Không phải thế... Mà có lẽ ông đang cảm thấy vui, bởi chưng thời nay mà vẫn còn con người đạo đức lo cho công việc nhà Chúa như thế. Hôm nay, trước thái độ của cô Lan, ông đã chán ngấy cái việc chương, trùm này quá rồi. Vậy mà một con người đơn sơ, ít học như bà Tâm lại cảm thấy vui với công việc nhà Chúa đến vậy. Ông vội làm dấu đọc Kinh Truyền Tin, một thói quen đạo đức mà ông đã bỏ mấy chục năm nay. Ông như lấy lại được động lực để tiếp tục với công việc nhà Chúa, giờ đây ông lại thấy trong mình một nỗi khao khát lạ kì, đó là canh tân một xóm đạo nghèo, nhỏ bé nơi mà ông đang sinh sống đây.
* * *
- Con chào Cha ạ! Con thưa Cha, con nhà con nó có trót dại nên lỡ mang bầu, xin Cha làm phép cưới cho nó ạ. - Ông Đường vội trình cha xứ.
Khuôn mặt cha xứ có vẻ buồn, nơi khóe mắt cha lấp lánh những giọt nước trong ngần:
- “Ông cứ để tôi xem đã, để tôi liệu xem có nên làm lễ cưới long trọng không. Còn không thì âm thầm thôi, bố Đường nhỉ.”
Cha xứ mà sao lại xưng ‘bố Đường’? Tôi nghĩ cụ không có ý mỉa mai ông Đường, mà có lẽ cụ đang chất vấn về trách nhiệm làm cha làm mẹ của ông Đường. Cha xứ cũng là cha, là mẹ chứ, nên có vẻ Ngài đau lòng hơn ông Đường gấp bội.
Ông Đường tay chân run rẩy như đang bị lương tâm chất vấn, giọng ông run run, đáp nhỏ:
- ‘Vâng, con thưa cha!’
Lễ cưới hôm đó, cha xứ cử hành công khai trước cộng đoàn, phía dưới nhà thờ tôi nghe thấy nhiều tiếng xì xào lắm.
- “Chúng nó đợt này hư thật, con nhà đạo có tí tuổi mà bụng đã phưỡn ra”.
- “ Thì đó! Lễ lạy chẳng chịu đi, kinh quyển không thuộc nó ra thế là đúng còn gì”.
Tôi thấy ông Đường có vẻ như xấu hổ, ông đứng lùi về góc cột nhà thờ như không muốn mọi người để ý đến ông, nhìn vào ông với con mắt đay nghiến. Chắc chỉ những bậc làm cha, làm mẹ mới có thể hiểu được tâm trạng của ông Đường lúc này.
Thánh lễ kết thúc, cha xứ bước xuống mà như muốn khóc, nén cảm xúc, cụ chúc lành cho đôi hôn nhân mà mình vừa cử hành hôn lễ:
- ‘Các con hãy mãi yêu nhau, hãy giữ mối quan hệ vợ chồng này’.
Nói thế xong, cha xứ lặng lẽ bước về phía nhà xứ. Mà sao hôm nay chân cha có vẻ trĩu nặng, bước từng bước chậm rãi như đang lo nghĩ về một điều gì đó.
Cha vừa về phòng nghỉ một lát, đột có tiếng gõ cửa phòng. Cha bước ra, ông Minh lúng túng thưa cha: “Mẹ nhà con qua đời rồi, xin cha sang cử hành nghi thức ạ.”
Cha xứ hối hả hỏi:
- Thế sao trước không gọi tôi sang xức dầu? Còn cụ đã chịu các phép sau cùng đâu sao các anh lại không lo cho mẹ thế? Tôi không hiểu các anh nữa rồi?
Ông Minh cúi sát mặt xuống, rồi lặng lẽ thoái lui. Cha xứ có vẻ buồn trước việc sống đạo của giáo xứ lắm. Nhưng đành vậy chứ biết sao giờ, mình trách ai bây giờ nữa chứ?
Cha xứ vừa mới bước vào đầu cổng, tiếng khóc than đã vọng ra to lắm. Bà con dâu nằm xõng xoàng xuống đất, bên thi hài người quá cố than vãn:
- “Ới, mẹ ơi! Con còn chưa đáp đền mẹ mà mẹ vội đi thế này. Ới, mẹ ơi!”
Giọng sụt sùi, bà con dâu càng kêu lớn tiếng hơn. Đám con gái xung quanh cũng khóc ới, than to hơn nữa. Nhìn có vẻ một cảnh tượng đau buồn đấy, nhưng càng ngày chẳng khác gì bản đồng ca, than có giờ, khóc có đàn là thế ấy.
Tôi cũng không ngờ rằng, con người càng ngày càng bội bạc đến thế, không biết chữ ‘hiếu’ còn tồn tại hay không nữa trước một xã hội duy vật chất này. Hay phải chăng đến từ lối sống đạo câu nệ kia.
Tôi luôn đăm chiêu về một lối sống đạo xưa cũ thì một điều mất mát lớn đến với tôi. Bà tôi đang phải đối diện với những ngày sống thoi thóp bên giường bệnh.
Thời gian đó là thời gian tôi gần gũi bà hơn hết, tôi đọc cho bà tôi nghe về những Thánh Vịnh, tôi cùng bà tôi ca ngợi về những kì công của Thiên Chúa và nhắc về một thời đạo xưa cũ.
Tôi vẫn còn nhớ câu nói cuối cùng bà tôi thốt ra khi trút hơi thở cuối cùng, tôi nghĩ chắc chẳng ai nghe thấy, hay họ không còn nhớ: “Chúa tôi”. Vâng! Chỉ hai từ ngắn gọn kết thúc một phận người của con người đạo hạnh. “Chúa tôi” là hai từ bắt đầu trong các kinh nguyện ngày xưa, nhưng ai biết rằng hai từ “Chúa tôi” đã đi theo người nông dân cần mẫn này suốt cả cuộc đời và giờ đây bà tôi về với Chúa - Đấng mà mình van vỉ đêm ngày.
Màn đêm buông xuống, tiếng khóc lóc thảm thiết, đó là tiếng khóc lóc thảm thiết giống như cụ Nhàn mất một năm trước, đó là cảm xúc nghẹn ngào của những người thăm viếng. Ôi, chắc bạn không thể hiểu cảm giác lúc ấy của tôi cũng như của mọi người và con cháu.
* * *
“Xin vĩnh biệt người thân này xa trần thế, mau đi tới cõi thiên thu một kiếp người”. Giờ đây, ánh chiều lại ngả xuống mái tháp nhà thờ, trong lòng tôi là một nỗi khát mong mãnh liệt. Khát mong về một phần thưởng dành cho những người đạo hạnh xứng đáng. Khát mong về việc giữ gìn lối sống đạo đơn sơ, mộc mạc mà không kém phần tuyệt mẫu.
Paul Phạm Tiến Dũng
Có thể là hình ảnh về 1 người và đang đứng
Hoan Pham, Nguyên Lê và 59 người khác
8 bình luận
2 lượt chia sẻ
Thích
Bình luận
Chia sẻ

8 bình luận

Phù hợp nhất

  • Phạm Quý
    Anh Xứ Thương ơi . Đọc xong bài viết của anh . Buồn đến chạnh lòng . Người đời thường nói Tin Đạo Chứ Không Tin Kẻ Có Đạo . Em thấy rất nhiều gia đình , Bố mẹ rất mến Chúa Yêu Người . Nhưng con cái ngày xa rời Thiên Chúa . Những vòng xoáy của Cơm , Áo , Gạo ,Tiền đã làm con người trở nên vô cảm . Họ sa đoạ . Sống chỉ biết ngày hôm nay . Họ đến nhà thờ để thể hiện cho có mà thôi . Nghi lễ chưa kết thúc . Chưa đọc kinh cầu cho các linh hồn họ đã vội vã bỏ về . Vài phút đã là gì ? Buồn lắm anh ạ .
    2
    • Yêu thích
    • Phản hồi
    • 1 tuần
    • Đã chỉnh sửa
    • Hoa Hồng Trần
      Phạm Quý nhìn lạc quan thì lại thấy ít ra họ cũng đã đến nhà thờ và nhìn Chúa 😄 Cha ban phép lành và nhận là cũng tốt rồi .
    • Phạm Quý
      Hoa Hồng Trần đúng là vậy bạn ạ . Đến với lòng thành kính thì quá tuyệt . Nhưng đến ngồi ngoài nhà thờ . Nói chuyện râm ran , ảnh hưởng đến mọi người thì không nên . Phải không bạn .
      2
    Xem thêm 1 phản hồi
  • Hoan Pham
    Bài viết hay và rất đúng với thực trạng đạo công giáo của chúng ta hiện nay ! Chúa chỉ cần một tấm lòng đạo hạnh và một lối giữ đạo đơn sơ nhưng thành kính là đủ rồi.
    Em nhớ có một mùa Noel cách đây hơn 20 năm, dự lễ tại một nhà tạm trong một buôn nghèo xa xôi hẻo lánh tại huyện Chưsê, Gialai giữa những đồng bào di dân và người dân tộc bản xứ, buổi lễ hôm ấy tuy ở một thôn nghèo, rất nghèo nhưng em cảm thấy sao nó linh thiêng và long trọng, khiến tâm hồn mình như gần gũi với chúa, như hoà nhịp cùng với đêm thánh huyền diệu mà ở các nhà thờ lớn, kể cả nhà thờ Đức Bà sg cũng kg có được cảm giác ấy.
    Đơn sơ, chân thành và niềm tin vào chúa sẽ đưa chúng ta đến những cảm nhận sâu lắng nhất về cách giữ đạo như bài viết.
    3
    • Yêu thích
    • Phản hồi
    • 1 tuần
    • Đã chỉnh sửa
  • Có thể là hình ảnh về 4 người
    3
  • Van Vu
    Đọc xong em lại nhớ Bố mẹ
    2
  • Van Vu
    Bố mẹ em năm xưa cũng sống đạo đức như vậy đó

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét