"Cơm đồ, nhà gác, nước vác, lợn thui, ngày lui, tháng tới" Đó là câu nói đã được đúc kết từ xa xưa ...
CHIẾC CUỐP ĐỒ XÔI TRONG ẨM THỰC CỦA NGƯỜI MƯỜNG
*Viết Đào
Trong ẩm thực của người Mường, chiếc cuốp đồ xôi làm bằng gỗ (chõ đồ xôi) là vật dụng không chỉ dùng để đồ xôi, mà còn chế biến nhiều món ăn khác nhau. Từ xa xưa, cuốp là vật dụng không thể thiếu trong mỗi ngôi nhà. Tuy nhiên, từ khi các vật dụng làm bằng kim loại ngày càng phổ biến, những chiếc cuốp bằng gỗ cũng mai một dần.
Trong nhịp sống hiện đại, khi những chiếc chõ làm bằng nhôm ra đời đã dần thay thế cuốp gỗ, nên ngày nay ở nhiều bản người Mường không dễ để tìm được một chiếc cuốp đang được sử dụng. Trên địa bàn huyện Lạc Sơn, nhiều năm trở lại đây vẫn còn những người dân duy trì làm cuốp gỗ.
Cũng như nhiều gia đình người Mường khác, nhiều năm qua, gia đình ông Bùi Văn Bịn, xã Nhân Nghĩa (Lạc Sơn) đã chuyển sang dùng chõ nhôm để đồ xôi vì sự tiện lợi, có dung tích lớn nên đồ được nhiều xôi hơn. Tuy nhiên, xôi đồ bằng chõ nhôm thường bị nát, không giữ được độ dẻo thơm như đồ bằng cuốp gỗ. Do đó, gia đình ông quyết định tìm mua cuốp gỗ để sử dụng lâu dài. Ông Bin cho biết: "Ngày xưa chúng tôi sử dụng cuốp gỗ, có những chiếc dùng đến cả chục năm chưa hỏng. Khi đổi sang dùng chõ nhôm tiện lợi hơn nhưng hạn chế là không giữ được hương vị của món ăn”.
Theo ông Bin, ngày trước ở địa phương cũng có nhiều người biết làm cuốp nhưng nay hầu như không còn ai làm. Nguyên nhân vì vật liệu làm cuốp không dễ tìm, dụng cụ để làm cuốp cũng không sẵn. Theo ông Quách Văn Viền, một người khá thạo nghề làm cuốp gỗ ở xóm Cảng, xã Vũ Bình (Lạc Sơn), gỗ được chọn để làm cuốp là những cây có thân thẳng, tròn đều, mùi thơm tự nhiên, không độc hại và gỗ mềm để dễ đục đẽo, tạo hình cho cuốp. Những loại cây thường được chọn để làm cuốp như: gạo, mít, nhội. Kích thước của chiếc cuốp gỗ cũng có nhiều loại, phổ biến nhất là loại "nhỡ” với chiều cao khoảng 45 cm, rộng từ 20 - 25cm.
Về vùng đất cổ Mường Bi, chúng tôi được mục sở thị những chiếc cuốp gỗ có tuổi thọ vài chục năm tuổi nhưng vẫn được sử dụng hàng ngày. Ngày gia đình chị Bùi Thị Tuân, xóm Vó, xã Phú Cường chuyển nhà mới. Từ sáng sớm, chị Tuân và gia đình đã đồ xôi, thịt lợn để làm cơm đãi anh em đến giúp chuyển nhà. Chị Tuân cho biết, mặc dù gia đình cũng mua chõ nhôm nhưng hầu như không sử dụng đến. Lý do vì cuốp gỗ vẫn sử dụng tốt và xôi đồ bằng cuốp truyền thống luôn thơm ngon hơn.
Chiếc cuốp của gia đình chị Tuân đến nay đã sử dụng trên 30 năm, thân cuốp đen bóng vì khói bếp. Do được sử dụng thường xuyên nên mặt trong chiếc cuốp sáng bóng. Mặc dù đã xuất hiện một số vết nứt nhỏ nhưng chủ nhà cho biết, đây là loại gỗ chuyên dùng để làm cuốp, chỉ cần ngâm nước trước khi sử dụng thì các vết nứt sẽ khít lại, không bị thoát hơi ra ngoài. Ngoài đồ xôi, người dân nơi đây còn dùng cuốp để đồ rau, măng hoặc cá. Hương vị của món ăn kết hợp với mùi thơm tự nhiên của gỗ tạo nên những món ăn đậm hương vị của núi rừng.
Tại đây, chúng tôi được gặp gỡ, trò chuyện với ông Bùi Văn Nhạy (65 tuổi), một trong những người có tay nghề làm cuốp đẹp nhất nhì xóm Vó. Dù có tay nghề cao nhưng mỗi ngày làm hết sức, ông Nhạy cũng chỉ "sản xuất” được 2 chiếc cuốp hoàn chỉnh. Ông cho biết, để làm được chiếc cuốp đẹp mất nhiều thời gian vì phải tạo hình cuốp sao cho cân đối, đục khoét phải cẩn thận nếu không sẽ làm hỏng mất khúc gỗ. Phần hoàn thiện, người làm phải tỉ mỉ bào, gọt để chiếc cuốp tròn đều. Ông Nhạy chia sẻ thêm, ở vùng Mường Bi, ngoài chiếc cuốp bằng gỗ còn có cuốp bằng cây bương. Cùng với đồ xôi và các món ăn dân dã, chiếc cuốp còn được người Mường Bi dùng để nấu rượu.
Trong nhịp sống hiện đại, khi nhiều giá trị văn hóa truyền thống dần bị mai một, hình ảnh những chiếc cuốp đồ xôi bằng gỗ được bán ở các phiên chợ vùng Mường Vang, hay những chiếc cuốp nhuốm màu thời gian vẫn được nhiều người dân vùng Mường Bi sử dụng thật đáng trân trọng.
Viết Đào
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét