Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Thứ Sáu, 22 tháng 7, 2022

HẠT LÚA TRÊN ĐÈO DAK NUE *Nguyễn Hàng Tình

 

Đèo Dak Nuê (hay còn gọi là đèo Đoàn Kết) nối liền hai tỉnh Dak Lak và Lâm Đồng, có các dân tộc Êđê, M’nông Gar, M’nông Kuênh, sinh sống quanh cung đèo…
HẠT LÚA TRÊN ĐÈO DAK NUE
*Nguyễn Hàng Tình
Bao năm rồi, quá nhiều con đèo đưa lối tôi qua lại trên những mùa mưa nắng cao nguyên. Làm lữ khách qua đèo, tôi nhận ra mỗi con đèo có một vóc dáng, một nhan sắc, một giai điệu không lẫn vào con đèo khác. Thế nhưng chẳng hiểu sao tôi cứ hay dừng lại ngắm con đèo Dak Nue...
Con đèo ấy không hùng vĩ, hiểm trở, có vực nhưng không sâu, có núi nhưng không cao, có rừng nhưng không thẫm sâu trùng điệp, thẩn thơ những bụi chuối hoang dại, có loài cỏ đuôi chồn chồm lên hóng gió, những đám sơn cúc vàng hết mình đựng nắng, có suối chảy bên dưới, có xe hơi chạy trên đường... đủ để gọi là “đèo”, sống đời sống của một con đèo. Nhưng ở đây có một thứ mà không có con đèo nào còn có, đó là “nền văn minh thảo mộc” tỏa ra nơi con đèo heo hút và côi cút dài chừng 9 cây số này...
Tôi nhận ra sự thay đổi của mùa trong trời đất từ bên trong con đèo ấy. Khi phủ lên một màu xanh toàn diện ấy là thời điểm của tháng 5 trở đi, mùa mưa về suốt sáu tháng. Nước mưa đón dắt sự sống về, niềm khát khao, nỗi hi vọng trỗi dậy.
Trước khi mặc vào “chiếc áo xanh” diệu vợi đó, núi đồi ở trạng thái lặng câm, trơ ra rồi xuất hiện lô nhô bóng người nơi lưng chừng các sườn đồi với đàn ông cầm những chiếc cây nhỏ bé chọc xuống đất, người phụ nữ theo sau bỏ vào cái lỗ bé tí kia những hạt lúa giống - thứ lúa cạn nguyên sơ miền sơn nguyên hạt tròn to, cứng, vỏ dày và gân màu nâu đỏ. Những ngọn đồi nhuộm dần màu xanh với độ xanh tăng dần, đậm lên, da diết hơn theo sự trưởng thành của cây lúa.
Khi lúa trổ bông, có thể nghe mùi hương của chúng theo gió đưa ngược ra mặt đường, lướt qua môi, mũi. Mùi hương bông lúa rẫy không mang hơi nước, không mang mùi của bùn sình mà mang hơi núi non khó tả. Đó là một thứ “mỹ phẩm” của miền sơn cước. Tôi cũng chẳng rõ từ cảm xúc nào mà hằng ngày những người hướng dẫn khách nước ngoài khám phá Tây nguyên cứ đi ngang qua con đèo này là dừng lại, đưa khách lên những rẫy lúa để tha hồ khoe, múa tay múa chân, diễn giải về nền nông nghiệp nguyên sơ độc đáo, thuần phác của đồng bào thiểu số Tây nguyên.
Khi cả Tây nguyên giờ đây đã bạt ngàn cà phê, sinh hoạt canh tác lúa rẫy không còn thì lễ cúng lúa mới cũng biến mất mà đến ngay chính người thiểu số Tây nguyên cũng không hay. Họ chỉ thấy thiêu thiếu một cái gì đó cùng nỗi nhớ nhung tiếng chiêng vang lên trên nương đồi, vọng nóc nhà dài, phả vào bếp lửa. Ai đó từng gợi ý cần phải tạo ra một thứ lễ nào đó để thay “lễ cúng lúa mới” như “lễ hội cà phê” chẳng hạn. Thế nhưng chả thấy ai mang chiêng vào các rẫy cà phê đánh bao giờ.
Cà phê cho người Tây nguyên sự sung túc, tiện nghi nhưng hình như chỉ có lúa rẫy mới giữ cho người ta sự liên hệ để níu kéo giá trị tạo tác từ ngàn đời. Không biết có phải nhờ vậy hay không mà cộng đồng M'Nông Gar ở quanh con đèo Dak Nue không thấy ai mắc bệnh tâm thần hay vướng chứng ung thư. Muốn giữ được nền văn hóa kỳ diệu của người bản địa Tây nguyên cũng cần chắt chiu rừng núi, dành chỗ cho những mảnh lúa rẫy sinh thành.
Những ngày dải đồi núi “mặc áo xanh” tiếp tục lô nhô những bóng người len lỏi trên đấy hái bông bí, đọt rau, trái dưa, cà đắng, ớt mọi; bẫy nhím, sóc, heo rừng nơi mặt đất... Nếu có một nền nông nghiệp “sạch”, an toàn cho sức khỏe con người thì đích thị là đây, trên những rẫy lúa còn trinh nguyên, thân thiện với tự nhiên. Suốt năm tháng tồn sinh của vòng đời cây lúa không có bất cứ hóa chất hoặc phân bón nào phải phun xuống. Vậy mà lúa cứ lên xanh tốt mãnh liệt, bền bỉ dù mặt đất canh tác không bao giờ bị cày xới tung lên.
Giữa nền nông nghiệp hiện đại luôn “sống” bằng hóa chất, một thế giới thực phẩm luôn mang theo nỗi hoài nghi (và cả sợ hãi) với sức khỏe con người thì hình như sự thuần chất tự nhiên ở lối tạo tác nông sản kia cũng có lý lẽ riêng để tồn tại. Những bon (ngôi làng) người M'Nông Gar (khác người M'Nông Rlăm ở nhiều nơi khác trên dải đất Nam Tây nguyên đã chuyển sang trồng cà phê hoặc lúa nước - Pa Ló) lâu đời Dlay, Pay Bi, Mih, Yơl, K'Te ở hai đầu con đèo Dak Nue là chủ nhân của những đồi rẫy lúa đó. Họ “nói không” với cây cà phê.
Bao mùa tôi dừng lại hỏi, họ vẫn đáp hồn hậu: “Phải làm lúa rẫy (Pa mil) cho đỡ nhớ... lúa!” hoặc “Cây cà phê cho nó sống chỗ khác, còn đồi núi quanh con đèo này dành cho lúa thôi!”. Họ thích cảm giác chờ mưa xuống, thấy từng cây lúa trỗi dậy, lên xanh, dài ra, trổ bông, làm gạo, trĩu hạt, chín rồi kéo nhau ngược đồi dùng tay tuốt lấy.
Cùng với sự chín của lúa sẽ có chuột núi, heo rừng về để làm thực phẩm cho họ... Vì vậy họ quý thứ gạo rẫy ấy vô cùng nên để dành ăn, không đem bán bao giờ. Thứ gạo “rừng” ấy chắc, thơm, đủ độ nồng nàn để tạo ra ché rượu chất ngất “sơn hương”. Mà nền văn minh lúa rẫy còn thì ché rượu truyền thống M'Nông Gar còn; cây neo còn, cái chiêng, cái gùi còn; giỏ mây, giỏ tre, cây xà gạt, cái bẫy, cái ná, con dao thép, nồi đất sét và nhất là bếp lửa nhà sàn còn.
Rừng hiện diện ngay trong nhà, thảo mộc an nhiên bàng bạc trên bếp, dưới sàn, ngoài sân, tạo xây hạnh phúc, duy trì tồn tại và làm thăng hoa con người... Vì vậy cứ theo hai mùa mưa - khô (họ không gọi mùa “nắng” bao giờ) ai đi ngang đây, tạt vào bon của họ dễ diện kiến ngay sự hiện hữu hiên ngang của mọi thứ lễ cúng miền sơn nguyên sâu thẳm. Ấy cũng là những bon làng đầy nội lực, ở đó cuộc sống vẫn hồn hậu, đầy yêu thương, bền vững, tôn trọng cỏ cây, niềm tin ăm ắp như những kho lúa để giữa trời.
NGUYỄN HÀNG TÌNH
Bạch Yến, Hoan Pham và 155 người khác
24 bình luận
14 lượt chia sẻ
Thích
Bình luận
Chia sẻ

24 bình luận

Phù hợp nhất


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét