Sắc trắng hồng pha tím vấn vương của hoa Mỵ Ê có phải là một trong những lý do loài hoa này lại mang tên nàng vương phi trinh liệt chăng..
VƯƠNG PHI MỊ-Ê (BIA-MIH AI) MỘT HỒNG NHAN TRINH LIỆT CỦA CHIÊM THÀNH
*Java Pak Kraung
Lời tác giả:
Cách đây 45 năm khi ấy tôi vừa 16 tuổi. Trong một buổi tiệc Tân gia của cụ cố sư cả Ðắc Nhu, có nhiều bậc thức giả người CHĂM tham dự: Cụ Bố Thuận (cựu chuyên viên Trường Viễn Ðông Bác Cổ thời Pháp thuộc). Cụ Ðặng Chánh Ðáng một nhân sĩ uyên thâm về văn hóa lịch sử Champa. Ông Thanh Giác (trẻ tuổi nhất trong các vị nêu trên) nguyên là quan Huyện từ thời Pháp thuộc cho đến thời Ngô Ðình Diệm, các vị ấy nay đã qua đời từ lâu. Tôi là người dọn tiệc tùng cho các cụ ấy cùng nhiều quan khách khác.
Tôi được nghe các cụ thảo luận về Vương Phi Mỵ Ê, một hồng nhan trung trinh tiết liệt của Chiêm Quốc. Nghe xong câu chuyện tôi rất cảm kích và động lòng, nguyện sẽ viết lại câu chuyện nàng như thắp một nén hương lòng để tưởng niệm đến người xưa. Nhưng rồi khi lớn lên bước vào đời, cuộc sống đưa đẩy cho đến hôm nay đã 61 tuổi đời, mặt trời đã về chiều, xin ghi vội đôi dòng thô thiển, mong quí vị độc giả bổ túc những thiếu sót.
*
* *
Xưa nay người ta thường nói đến phận hồng nhan, phận má đào, phận má hồng để chỉ người con gái đẹp. Mà phận hồng nhan thì lại nhiều truân chuyên. Trong văn chương cung như trong lịch sử đều có bàng bạc những thân phận má hồng đầy thương xót.
Trong văn chương Việt Nam Ðặng Trần Côn đã thương cảm:
Thiên địa phong trần
Hồng nhan đa truân.
Bà Ðoàn Thị Ðiểm đã dịch:
"Thuở trời đất nổi cơn gió bụi
Khách má hồng nhiều nổi truân chuyên".
Nguyễn Du tiên sinh lại càng xót xa hơn:
Lạ gì bỉ sắc tư phong
Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen.
Trong lịch sử cũng có nhiều bậc giai nhân bằng xương bằng thịt, cung truân chuyên và mệnh bạc, đi tìm cái chết để giữ trung trinh tiết liệt với đấng phu quân và đã trở thành lưu danh muôn thuở. Ðúng như Saint Exuperi đã nói: "Vì quá yêu sự sống nên đi tìm cái chết để giải thích lẽ sống" vậy.
Trong lịch sử Việt Nam, bà Nguyễn Thị Kim vợ của Vua Lê Chiêu Thống là một giai nhân, là phận hồng nhan, khi vị vua này băng hà, bà ta uống thuốc độc tự tử để theo chồng về nơi chín suối.
Nhà thơ Dương Bá Trạc (1884-1944) đã sáng tác bài thơ ca tụng trinh liệt của Hoàng Phi Nguyễn Thi Kim như sau: (1)
Giông ruổi quan hà lạc chúa Công.
Ngọn mây non Bắc tít mù trông
Bồng mao tạm lúc nương thân liễu
Kinh khuyết may sao thấy mặt Rồng
Thác nghĩa đã ghi cùng sắt đá
Sống thừa còn hẹn với non sông
Thôi thôi nước cũ đây là hết
Năm lạy linh tiền chứng thiếp trung.
Trong lịch sử của Tàu qua câu chuyện Hán Sở tranh hùng, nàng Ngu Cơ xinh đẹp là vợ của Sở Bá Vương Hạng Võ. Trong mặt trận Cai Hạ, quân của Hạng Võ bị quân Lưu Bang bao vây trùng trùng điệp điệp. Hạng Võ biết Lưu Bang là một người hiếu sắc, nên bảo Ngu Cơ ở lại để Hạng Võ rảnh tay phá vòng vây thoát thân, vì khi Lưu Bang gặp nàng, hắn sẽ yêu quí nàng như ta vậy. Ngu Cơ nói: xin phu quân cứ đưa cho thiếp một cái gươm để tự bảo vệ và theo chàng ra khỏi vòng vây. Khi Hạng Võ trao gươm, bất thình lình nàng tự kết liễu đời mình để khỏi rơi vào tay Lưu Bang. Trong Hán Sở tranh hùng có hai câu thơ ca tụng Ngu Cơ:
Quốc phá gia vong bất cố sinh
Ngu Cơ thiết thạch thủ trung trinh.
Qua vài tấm gương trinh liệt nêu trên, xin trở lại viếng thăm Vương Quốc cổ đại Champa đã đi vào lịch sử, nơi quê hương ngàn năm cách biệt đó, chúng ta sẽ gặp gỡ một tấm gương trung trinh tiết liệt của phận hồng nhan Chiêm Quốc đó là nàng Vương Phi Mỵ Ê (Bia - Mih Ai) phu nhân của vua Jaya - Paramesvaravarman I, Vương Quốc Chiêm Thành hồi thế kỷ XI. Ðối chiếu qua tài liệu lịch sử, Vương Phi Mỵ Ê có lẽ sinh ra trong khoản tiền bán thế kỷ XI. Qua sự truyền khẩu của các bậc thức giả tiền bối người CHIÊM, nàng Mỵ Ê là con một học giả lừng danh Chiêm Thành rất tinh thông Phạn ngữ (Sanskrit), loại ngôn ngữ Ấn - Âu từ thế kỷ VII trước công nguyên.
Hóa công đã ban cho nàng một nét đẹp diễm kiều, một tài thi, họa, một tư chất hiền thục nhu mì. Nàng như viên ngọc quí sống trong cảnh khuê các đài trang của tuổi thanh xuân. Ngày: Thi, hoạ, ngắm hoa, tối thưởng nguyệt bên mành. Cuộc đời phẳng lặng như mặt nước hồ thu, trinh nguyên như hoa tuyết trong một gia đình lễ giáo cương thường. Rồi phải chăng sẽ là "má hồng truân chuyên"?.
Tao ngộ giữa vua Jaya - Paramesvaravarman I
và nàng Mỵ-Ê (Bia - Mih Ai):
Mỹ Sơn là một khu Thánh địa và là trung tâm văn hóa của Champa trong thời kỳ vàng son của lịch sử; nằm ẩn mình trong một thung lung hẹp, có những dãy núi thấp vay quanh. Phía đông là núi Sulaha, phía tây là núi Kusala, phía nam là núi Mahaparvata. Khi vào Trung Tâm Văn Hóa này phải qua một con suối lớn. Khung cảnh thiên nhiên xanh biếc xinh đẹp và có vẻ yên tịnh. Nơi đây các bậc vua chúa ngày xưa, các bậc tu sĩ lãnh đạo tinh thần, các bậc hiền sĩ, những tao nhân mặc khách thường đến thăm viếng, nhất là hằng năm vào những ngày lễ hội lớn của dân tộc Champa. Phong cảnh hữu tình của khu vực này cũng là nơi tao ngộ hẹn hò của những cặp tình nhân có thứ bậc trong xã hội, không những trong Vương Quốc Champa mà còn ngay cả các nước lân bang viễn du thăm viếng v.v... Mùa xuân ở đây có hoa rừng nở đẹp, có gió Nam mang hơi ấm thổi về làm quang cảnh ngày xuân thêm phần huyên náo hơn những ngày thường. Ðến mùa thu có mây giăng bàng bạc, gió thu nhè nhẹ, khung cảnh trở nên tiêu sơ. Mùa đông có vẻ mơ hồ sương khói và lạnh; nhưng mùa hè thì rực chói với muôn tiếng chim ca.
Mỵ Ê trong tuổi xuân thì, thơ hay họa đẹp, theo gót nghiêm đường viếng thăm khu vực nổi tiếng này. Nơi đây cung là khởi điểm tao ngộ của Quốc Vương Jaya - Paramesvaravarman I (văn võ song toàn, phong độ và lịch duyệt), với bậc anh thư Mỵ Ê, đôi trai tài gái sắc của Vương Quốc Champa trong giai đoạn lịch sử. Nàng đã đi vào mắt xanh của Quốc Vương. Tuy nhà vua đầy quyền uy nhưng lịch sự và tao nhã đối với giai nhân; ngài thư thái rảo bước trong thánh địa và đôi mắt đã trở thành hai vì sao doõi bước anh thư Mỵ Ê trong suốt thời gian đầu gặp gỡ. Gót hồng Mỵ Ê cung êm ái đếm nhịp mà lòng tựa hồ như những âm ba thì thầm êm dịu đi vào tim ai. Lịch sử tình yêu của hai trái tim đồng điệu đã khơi nguồn dệt mộng. Nàng Mỵ ê đã trở thành Vương Phi của nhà vua. Rồi gót hồng mềm mại bước nhẹ nhàng trên thảm hoa trong cung vàng điện ngọc. Một phụ nữ nhan sắc yêu kiều mảnh mai trong lớp xiêm y màu tím, với đôi bàn tay ngà sửa túi nâng khăn, phu xướng phụ tùy khiến cho vua Jaya rất mực yêu quí, đến với nàng trong tình yêu tha thiết mặn nồng của đời sống Phu Thê, hơn là cung cách của một Quốc Vương.
Những tháng năm êm đềm sống trong sự sủng ái của Phu quân (nhà vua) nơi cung đình; khi cùng nhau du sơn ngoạn thủy, khi thăm viếng chăm sóc dân lành khắp nơi trên đất nước Champa, khi viễn du đến các lân bang v.v... Cùng nhau chia sẻ tình nhà, trang trải nghĩa vụ nước non. Nhưng rồi đất nước lại rơi vào hoàn cảnh chiến tranh vì triều đình Champa không tiếp tục triều cống hằng năm cho Trung Hoa và Ðại Việt do đất nước khó khăn, dân tình đói kém.
Năm Giáp Thân: 1044, sau khi chuẩn bị chiến tranh kỹ lưỡng, vua Lý Thái Tông lấy cớ Champa không triều cống, ngài đã thân chinh đem binh đánh Chiêm Thành.
Quốc Vương Jaya - Paramesvaravarman I , dù binh lực yếu kém hơn nhưng để bảo vệ tổ quốc và cương triều nên đã dùng chiến thuật Tượng binh để chặn quân Ðại Việt ở phía nam sông Ngũ Bồ. Tuy nhiên khí thế quân Ðại Việt đông và mạnh nên quân Chiêm Thành không cầm cự nổi; trong khi đó nơi triều chính Chiêm Thành có sự bội phản, tướng Quách Gia Dĩ đã giết vua rồi đầu hàng. Vua Chiêm Thành chết, Vua Lý Thái Tông tiến quân vào thành Phật Thệ, bây giờ là Quốc Ðô của Chiêm Thành bắt Vương Phi Mỵ Ê và các cung phi, nhạc nữ đưa xuống thuyền về nước Ðại Việt.
NGỔN NGANG TÂM SỰ CỦA VƯƠNG PHI MỴ Ê TRÊN CHIẾN THUYỀN QUÂN NAM
Ôi quốc phá gia vong, thành trì sụp đổ, quân binh tử vong tan tác, dân tình hỗn loạn. Ðiện ngọc cung vàng nay còn đâu?! Ôi sinh ly tử biệt! Phu quân, thiếp nguyện giữ tấm thân ngọc ngà tinh khiết. Chàng đã trở thành bất tử của lòng ta cho dù cách trở cõi trần và tiên giới. Tình nghĩa phu thê: phu xướng phụ tùy đẹp như hoa xuân nở, trong vắt như thủy tinh nay chỉ là trống vắng đơn côi, hãi hùng, một thân ôm lấy cánh hoa xuân tàn vào lòng nguyện ước ba sinh. Sóng nước Châu Giang càng lúc thêm rạt rào, mang âm hưởng những lời thì thầm yêu đương từ những không gian xưa cu vọng về, làm đôi mắt Vương Phi thêm đẫm lệ, soi sáng thiên đàng dưới đáy giòng Châu Giang sâu thẩm và hình ảnh Phu quân đang dang tay đón tiếp trùng phùng. Thiếp sẽ giăng đôi cánh tay mềm bơi dưới đáy giòng Châu Giang lên Thượng giới gặp Phu quân cùng nhau tiếp nối tình yêu vĩnh cửu, trong cảnh đời "vô-vi thanh tỉnh", đầy trăng sao, hoa trái đào tiên quanh năm và tắm sông Ngân Hà cùng Ngưu Lang Chức Nữ. Sau lưng ta dân tình lầm than, bầy tôi âm thầm nhỏ lệ trước cảnh thành quách điêu tàn, vua quan tử biệt; nhưng phận liễu mai không biến đổi được cảnh ngộ đau thương của giống nòi, thân phận đang bị quản thúc bởi quân Nam, đành nhắm mắt xuôi tay tìm gặp lại Phu quân bên kia cõi trần tục này. Hoàng hôn đã tắt dần, nhưng điệu nhạc hoàng hôn lại tăng lên, bởi giòng Châu Giang vẫn vô tình trôi chảy, tạo những âm thanh lách tách vào mạn thuyền xuôi buồm mát mái, nỗi lo âu rên than của những cung tần nhạc nữ, hòa lẫn tiếng hò reo chiến thắng quân Nam, tạo thành một môi trường âm thanh nhiễu loạn, càng làm tan nát cõi lòng thiếu phụ Vương Phi đang trầm mặc trong đớn đau da diết. Thượng đế hỡi, cho con bình rượu Thiêng để uống cạn đêm nay trước khi trầm mình xuống đáy Châu Giang, tìm đến Phu quân con, vì trên cõi đời Tiên giới tiếng Phu quân của con đang vọng lại, nặng trĩu giai điệu yêu thương nhớ nhung xa vắng. Thi nhân hỡi, người hãy đến bên cạnh ta để nghe rõ tim ta thổn thức và mang cung điệu yêu thương ngút ngàn của ta dệt thành những vần thơ trác tuyệt để gởi đến Phu quân ta, trước khi lệnh ban hồi từ cõi lòng ta thúc giục từ biệt cõi trần.
Ôi! giang sơn cẩm tú!
Ôi! điện ngọc cung vàng!
Ôi! lương dân bá tánh của Vương Quốc Champa! Ta xin chào vĩnh biệt.
Ôi! Thượng giới vô biên hư ảo, sắc sắc, không không. Jaya Phu quân, hãy đợi ta cùng phiêu du cuộc đời nơi quê hương ngàn thu vĩnh cửu đó.
VƯƠNG PHI MỊ Ê: HIỆP-CHÍNH HỰU-THIÊN
TRINH-LIỆT CHÂN-MÃNH PHU-NHÂN
Những chiến thuyền quân Nam vẫn tiếp tục lướt giòng Châu Giang, khi đến địa phận Phủ Lý, Vua Thái Tông thấy Vương Phi Mỵ Ê có nhan sắc nên sai quan Trung Sứ mời nàng sang chầu Ngự Thuyền của vua. Vương Phi Mỵ Ê không giấu nỗi phẫn uất vì quốc phá gia vong, nguyện tuẫn tiết theo đấng Phu quân để khỏi ô uế tấm thân ngà ngọc. Trong lúc mọi người trong thuyền sơ ý, nàng lấy chăn quấn chặt vào người rồi phó thác tấm thân ngọc ngà xuống giòng nước sâu cuốn trôi đi mất trong sự kinh hoàng của mọi người và sự khóc than thương tiếc của những cung tần nhạc nữ còn lại. Ðược sự bẩm tâu của quan Trung Sứ, Vua Thái Tông kinh dị và đầy ân hận hối tiếc, lập tức ra lệnh quân sĩ tìm cứu nàng Mỵ Ê nhưng không kịp nữa! Nơi ấy về sau này trong những đêm thanh êm vắng, thường có nghe tiếng khóc than của một phụ nữ. Các cư dân trong làng bèn lập miếu thờ tự và từ đó những đêm về vắng lặng không còn nghe tiếng ai oán thê lương đó nữa. Một thời gian khá lâu khi tuổi đời ngày càng chồng chất, vua Thái Tông lại có dịp ngự thuyền trên sông Châu Giang, khi đến địa phận Phủ Lý nhà vua thấy trên bờ sông có một cái miếu thờ xinh đẹp, ngài bèn hỏi thì quân binh tả hữu tâu lại sự tình đó là miếu do dân cư quanh vùng lập nên để thờ tự Vương Phi Mỵ Ê Chiêm Thành đã tự vẫn dưới giòng sông trước đây, khi ngài mời nàng sang chầu Ngự thuyền và miếu này rất linh hiển. Vua Thái Tông ngồi lặng thinh tư lự và cảm kích, rồi ngài thốt lên rằng: Vương Phi Mỵ Ê quả là một giai nhân trung trinh tiết liệt. Vua truyền đem lễ vật cúng tạ linh thiêng và phong cho nàng Vương Phi Mỵ Ê là Hiệp-Chính Nương. Ðến ngày nay miếu ấy vẫn còn được dân làng thờ phượng. Ðến niên hiệu Trùng Hưng năm đầu, sắc phong cho Vương Phi Mỵ Ê là: Hiệp-Chính Hựu-Thiên Phu nhân. Ðến năm thứ tư thêm hai chữ "Trinh-Liệt, tức là Hiệp-Chánh Hựu-Thiên Trinh-Liệt Phu Nhân. Ðến năm Hưng Long 21 gia phong thêm hai chữ CHÂN-MÃNH, tức là phong cho Vương Phi Mỵ Ê: "HIỆP-CHÍNH HỰU-THIÊN
TRINH-LIỆT CHÂN-MÃNH PHU-NHÂN. Thương cảm cái chết bi thảm nhưng đầy trung trinh tiết liệt của một bậc Vương Phi giai nhân, giữa cảnh quốc phá gia vong, nhà tan cửa nát, phu thê cách biệt ngàn trùng, Thi sĩ Tản Ðà Nguyễn Khắc Hiếu đã viết bài Từ Khúc sau đây để nói lên tâm sự của nàng Mỵ Ê:
Châu Giang một dải sông dài,
Thuyền ai than thở một người cung phi!
Ðồ Bàn thành phá hủy,
Ngọa Phật Tháp thiên di,
Thành tan Tháp đổ
Chàng tử biệt
Thiếp sinh ly
Sinh ký đau lòng kẻ tử qui!
Sóng bạc ngàn trung,
Âm dương cách trở,
Chiên hồng một tấm
Phu thê xướng tùy.
*
* *
Ôi mây! Ôi nước ! Ôi trời!
Ðũa ngọc, mâm vàng, giọt lệ rơi.
Nước sông trong đục,
Lệ thiếp đầy vơi.
Bể bể dâu dâu khóc nỗi đời!
Trời ơi! nước hỡi! mây hời!
Nước chảy mây bay, trời ở lại,
Ðể thiếp theo chàng mấy dặm khơi!
Thi bá Tản Ðà tiên sinh, cụ đã đưa hồn tôi trong khoảnh khắc đi vào cõi mộng; trên đường mây trắng xóa điệp trùng, tôi đã thoáng thấy trong mơ hồ Vương Phi Mỵ Ê và Phu quân đang sống với nhau trong tình nghĩa Phu Thê mặn nồng nơi cung vàng điện ngọc bên kia bờ vĩnh cữu. Nén hương lòng tôi đã thắp để tưởng niệm tiền nhân theo nguyện ước, cho dù chỉ là ánh sáng le lói chưa đủ soi rọi cái trung trinh tiết liệt của người xưa./.
Java Pak Kraung
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét