Rau đắng dưới vườn nhà mình... chưa quen lắm với vị nhân nhẫn đắng này, nhưng cảm nhận tốt hơn lời bài hát của nhạc sĩ Bắc Sơn... "Xin nắng hạ thổi buồn để mình ngồi nhớ lũy tre xanh, dạo quanh, khung trời kỷ niệm. Chợt thèm rau đắng nấu canh"
CHỢT THÈM RAU ĐẮNG NẤU CANH...
*Thanh Nguyên
Cô bạn đồng nghiệp biếu tôi mớ rau đắng với lời nhắn: “Rau nhà em trồng, chị mang về nấu canh ăn cho mát”. Nhìn mớ rau đắng tươi ngon, tôi chợt nhớ đến thời thơ dại, nhớ nồi canh rau đắng của ngoại ngày nào.
Không hiểu sao cho đến bây giờ, cái vị nhân nhẫn của rau đắng khiến tôi không thể nào quên. Có lẽ, bởi thứ rau này mới cho vào miệng thì có vị đắng, nhưng khi trôi xuống họng lại có vị ngọt khó quên. Khó quên cũng phải, bởi nó gắn bó với tôi cả một thời thơ dại.
Ngày đó, sau mỗi buổi đi học về, tôi thường được ngoại đãi món canh rau đắng thanh mát. Có khi ngoại nấu canh với cá rô đồng, cá lóc, tép rong hay sang hơn một chút, có miếng thịt nạc heo ngoại liền bằm nhuyễn nấu chung với rau đắng. Ngoài nấu canh, rau đắng có thể ăn sống hay xào đều ngon. Tôi vẫn không quên mỗi khi nước lũ dâng trắng đồng, ngoại thường mua cá linh non, kho lạt ăn kèm với mớ bông súng, rau đắng và cả bông điên điển... Những khi nước lũ rút, lũ cá trắng từ kênh rạch, đổ xuống sông rất nhiều, ngoại giăng lưới, bắt cá đem kho. Và món rau đắng không thể thiếu trong rổ rau tập tàng gồm cải trời, rau đắng, rau dừa, kèo nèo, rau ngổ… để chấm cùng nước cá kho. Nhất là những ngày mưa, ngoại kho nồi mắm cá sặc thơm lừng, dĩ nhiên để món ăn thêm ngon, bao giờ ngoại cũng có rổ rau đắng cùng các loại rau khác để làm rau ghém.
Ngoại thường bảo, rau đắng không những mát mà còn trị được nhiều bệnh. Có hôm tôi nóng trong người, tiểu buốt, ngoại ra sau vườn, hái mớ rau đắng, phơi khô, sắc lấy nước cho tôi uống. Hay mỗi khi tôi bị ghẻ ngứa, ngoại cũng dùng rau đắng để chữa bệnh cho tôi. Lớn lên, khi tôi đi làm, mỗi khi có dịp tiếp khách mà lỡ “chè chén” với mấy thứ rượu Tây, ngoại cũng hay nấu canh rau đắng bắt tôi ăn bởi theo ngoại đó là món giải rượu hiệu quả. Ngoại còn tự hào khoe: “Nhờ ăn nhiều rau đắng mà ngoại luôn minh mẫn, không quên trước quên trước quên sau như những người lớn tuổi”. Quả thật, tôi thấy trí nhớ ngoại tốt lắm, có thể kể vanh vách những chuyện xưa lắc xưa lơ của hơn 70 năm trước.
Giờ đây, tôi lại được thưởng thức canh rau đắng như cái thuở còn thơ dại. Chỉ có điều khác xưa là món ăn do chính tay tôi nấu chứ không phải món canh mà ngoại nấu ngày nào. Tôi chợt nhớ ngoại, thèm được nghe lời bài hát “Còn thương rau đắng mọc sau hè” của cố nhạc sĩ Bắc Sơn mà ngoại vẫn hát cho tôi nghe khi tôi còn nhỏ: “Ai cách xa cội nguồn, ngồi một mình nhớ lũy tre xanh, dạo quanh khung trời kỷ niệm, chợt thèm rau đắng nấu canh...”.
Thanh Nguyên
** Bài hát Còn Thương Rau Đắng Mọc Sau Hè được trình bày bởi ca sĩ Như Quỳnh (https://nhacpro.me/.../con-thuong-rau-dang-moc-sau-he-nhu...)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét