Mùa này bước qua cánh đồng buôn Trăp quê tôi, hoa pơ-lang bung nở khắp trời... Hoa pơ-lang còn gọi là hoa gạo hay hoa mộc miên...
TÂY NGUYÊN HOA GẠO CHÁY
*Văn Công Hùng
Hoa gạo Tây Nguyên như những chùm lửa bung nở lác đác tít trên ngọn cây. Quý phái vời xa nên nó sang trọng. Nó tạo ấn tượng về sự lẻ loi nhưng có phần ngạo nghễ với trời xanh, với gió.
Hoa gạo Tây Nguyên như những chùm lửa bung nở lác đác tít trên ngọn cây. Quý phái vời xa nên nó sang trọng. Nó tạo ấn tượng về sự lẻ loi nhưng có phần ngạo nghễ với trời xanh, với gió. Hầu như trên đất nước ta, vùng nào cũng có hoa gạo, nó gắn với cánh cò chập chờn lả vào giấc ngủ...
Nhưng riêng ở Tây Nguyên, hoa gạo gắn với tiếng chiêng. Hoa gạo là cách ta gọi theo tiếng miền xuôi (còn một cái tên rất đẹp nữa là mộc miên), còn ở Tây Nguyên, nó được gọi là pơ lang.
Vào một làng Tây Nguyên, trước khi gặp nhà rông, gặp cổng làng (ngăn trâu bò và thú dữ )... ta đã nghe thoang thoảng tiếng chiêng khi nhặt khi khoan, khi trầm tư, lúc hiếu động và chót vót trên cao kia những bông gạo cháy, nó lập lòe theo nhịp đưa của gió, như một báo hiệu an lành và hạnh phúc. Ấy là ta đang đi trong những ngày mùa khô Tây Nguyên.
Tôi đã nhiều lần đi dưới những tàn lửa mê hoặc như thế khi về các buôn làng. Về để la đà trong các điệu xoang, để thảng thốt ngắm mình trong một đôi mắt nâu diệu vợi nào đó, và chếnh choáng trong men rượu cần, để tan ra trong xoáy lớp những vòng chiêng, mà nhận ra vẻ đẹp của trời, của đất, của người, giữa những ngày giao thời mùa khô ,mùa mưa này.
Đường vào Dắk Sơ Mei khác xưa khá nhiều, ô tô có thể vào tận xã, ngút ngàn màu xanh của chè, tiêu, cà phê. Già làng Nẻ đã nhanh tay bê ở đâu về một ghè rượu nhỏ, liếc qua đã biết rượu ngon, vì chiếc ché rất cổ. Giới sành điệu cho rằng, rượu làm trong các ghè nhỏ thường ngon hơn trong các ghè lớn, chả ai hỏi lý do mà cũng chả cần rành mạch thế làm gì. Mà rượu ngon thật. Tuần tự khách chủ - chủ khách, cần rượu xoay tỷ lệ thuận với vơi đầy nước trong ghè.
Già làng nói một câu gì đó rồi cười lút má, mấy đứa trẻ rầm rập chạy đi, một lúc sau trở lại với một dàn chiêng, và chúng, những đứa học trò say sưa tấu chiêng, dắt chúng tôi vào không khí lễ hội Tây Nguyên, dù hôm nay làng không có hội gì cả, chỉ là một ghè rượu đãi khách, rồi chiều khách mà các cháu chơi chiêng. Thế mà râm ran như kiến bò, mà ngứa ngáy chân tay, mà lúng liếng, mà lâng lâng. Lơ đãng nhìn lên cao, lại bắt gặp một chùm hoa gạo đỏ ối. Gốc cây gạo, thanh bình những đứa trẻ nhặt đài hoa như những tàn lửa rơi, đốt trên mặt đất những đôi mắt tuyệt vời trong trẻo. Tháng Ba về trong mắt em/ rộng dài những ta man cỏ mọc/ hoa pơ lang rơi đỏ chân học trò đến lớp/ đốt lên mùa thi...
Lửng lơ những sợi mây trắng giữa ngằn ngặt trời xanh, màu đỏ hoa gạo reo trong mỗi chúng ta dư âm ngày hội... Mãi mãi, Tây Nguyên, hoa gạo cháy...
Văn Công Hùng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét