Ngày ấy, Ban mê chỉ là một thị trấn nhỏ bé, hiu hắt, buồn muôn thuở...
KHI MÙA HOA CÀ PHÊ NỞ
*Trần Hoài Thư
Năm nào, cứ vào đầu tháng tư là chàng lại tìm mọi cách để trở lên miền thị trấn đất đỏ. Chàng sẽ trở lại khu đồn điền xưa, giữa một rừng hoa cà phê trắng rợp. Chàng sẽ đứng thật lặng yên. Rồi mắt chàng sẽ nhắm lại. Để nghe lại mùi hương yêu dấu từ năm xưa. Để sống lại cùng nỗi hoài niệm ngà ngọc một thời…
Sáng nay, chàng bước xuống phi cảng mà lòng đâm hồi hộp không đâu. Xung quanh chàng thiên nhiên mở rộng, từ núi chìm lẩn trong mây, từ rừng xanh sẫm bạt ngàn, từ đất một màu đỏ sậm, từ những người Thượng, với ống vố, với lưng gùi lưng con. Mắt chàng muốn chết đuối trước những rừng cây dày dặc ở hai bên đường. Chàng có thể biết được khu rừng này là rừng Giáng Hương, rừng kia là cao su, trâm, hay sao… Chúng chạy ngược bằng một màu xanh tươi mát. Chúng đan vào nhau như những mái thiên nhiên tình tự. Tất cả như một cảnh tượng man dại có một trong đời.
Trên xe hàng, chàng để trí não thêu dệt hình ảnh tuyệt vời của người con gái thiểu số. Cách đây hai năm, chàng đã làm quen với với cô bé trong một dịp hết sức tình cờ. Và qua một câu pha trò hết sức vẩn vơ, chàng không ngờ sự liên hệ lại trở nên thân mật đến như vậy. Câu chuyện tình cũng vậy. Nó đến thật mau chóng và quá dễ dàng. Phải chăng Pery vẫn còn mang nặng sự hồn nhiên, ngây thơ và man dã của sắc tộc nàng. Phải chăng, nàng vẫn chưa biết được lòng dạ của một người Kinh? Nàng vẫn còn tin tưởng ở lời nói mê hoặc của một tên phù thủy biết đời rất sớm? Chắc chắn phải vậy. Bởi vì, chỉ một buổi trú mưa dưới mái hiên của một căn phố lầu trong thị trấn, chỉ một câu hỏi của nàng: “Ông ơi, mấy giờ rồi ? ” Mà mọi sự đã mở ra cho một duyên nợ. Để chàng hỏi lại: “Cô bé học trường nào?” ” Trường Ma Soeur” “Cô bé học lớp mấy?” “Lớp Đệ Tứ” “Cô bé học chương trình Pháp hay Việt? ” ” Việt” “Cha mẹ cô bé làm gì? ” “Chủ đồn điền” “Tên gì?” “H. Pery. Ủa sao ông lại hỏi tôi nhiều như vậy ? Bây giờ tôi phải hỏi ông…”
Chàng nhớ ra rồi. Căn phòng chàng lưu thân, luôn luôn đóng kín cửa. Không giường, không bàn, bốn vách tường viết đầy những câu thơ của Nguyễn Đức Sơn, Bùi Giáng, mà chàng đã gọi nó là ngôi nhà mồ của Dostoievky. Hôm nay cánh cửa lại được mở tung, để tràn vào ánh sáng tươi đẹp. Và sau đó là một gương mặt của một cô bé Thượng lai Pháp ló vào, pha chút lém lỉnh tinh nghịch của một con sóc nhỏ lẫn cái man dại từ đôi mắt của giòng máu thiểu số. Chàng dấu vẻ bối rối như thể một tên tội đồ bị phát hiện. Căn phòng quá bụi đời này chỉ có hợp cho đám đàn ông lông bông như chàng. Chiếc nồi cơm nguội vẫn còn mở nắp. Chiếc chén vẫn chưa rửa. Đôi đủa nằm lăn lóc. Sách vở tứ tung. Chiếc mền không xếp.
Chàng vẫn còn nhớ rõ: cô bé mang chiếc quần patte màu mở gà và chiếc áo pull màu xanh đậm. Hàm răng cô bé rất trắng, và mái tóc ngắn thật đen như mun. Khi cười, má cô bé lộ hai lúm đồng tiền và đôi mắt cô bé rực sáng. Cô bé chống nạnh, quan sát khắp căn phòng. Rồi đôi mắt ấy chăm chú nhìn những câu thơ viết trên vách. Cô bé đọc to:
“Trong vườn em khóc gục đầu vai tóc xõa nước mắt chảy ướt nhiều ướt cả áo nhau. Không có rượu rơi quần hồng em hoen ố. Yêu nhau khổ sở như trời sụp đổ, cuộc đời tuổi dại trôi giòng nước chảy cuốn đi. Mùa thu lạnh. Trăng đời em xanh đó… Trăng chảy đầm đìa nước mắt thơ ngây…”
Rồi cô bé cười khanh khách:
– Ông ơi, ông viết gì lạ vậy ? Bộ ông điên sao ?
Chàng nói:
– Không. Đấy là một bài thơ của Đại thi sĩ Bùi Giáng.
– Sao ông ta viết cái gì lại kỳ cục vậy ?
– Pery phải đợi mấy chục năm mới hiểu. Cô bé có học Nguyễn Du không?
Nàng nhún vai.
– Tôi có học, nhưng tôi không thích ổng. Tôi thích chuyện con nít.
– Như vậy cụ Nguyễn Du chắc phải buồn lắm.
– Vì sao hở ông?
– Cụ than không biết trăm năm sau có người hiểu tâm trạng cụ hay không. Bây giờ hơn trăm năm rồi vẫn có người chẳng những không hiểu mà lại không thích cụ nữa.
– Ông nói chuyện gì đâu đâu. Này khách đến nhà bắt người ta đứng à?
– Thì ngồi.
– Ghế đâu ?
– Nền nhà đó. Tha hồ ngồi đâu thì ngồi.
– Bộ ông không có giường có ghế sao ?
– Không. Ngủ đất mát.
– Ông kỳ thấy mồ. ít có ai như ông. Này ông làm gì ?
– Tôi không làm gì hết.
– Như vậy làm sao ông sống ?
– Thế mới tài.
Lòng chàng tự dưng nẩy nở một niềm vui thầm kín. Sự có mặt của một cô bé thiểu số như một cánh chim tuyệt vời. Ở đó, chàng có thể tìm ra một nỗi vô tư hồn nhiên của một con sóc, và tinh nghịch như một con mèo con. Còn cả cái vẽ kiêu kỳ học-đòi-làm-người-lớn của cô bé nữa. Chàng bắt đầu giới thiệu:
– Này, cái chiếu này làm giường ngủ. Cái soong này để nấu cơm, nấu nước, luộc rau. Rau luộc xong, lại dùng nước làm canh, nặn vào một tí chanh, thêm vào một tí muối. Chai xì dầu này dùng cho cả tháng. Đèn cầy này để đốt. Những cuốn sách này để đọc…
– Ông đọc gì nhiều vậy ? Ông không sợ nhức đầu hay sao ?
– Đâu có nhiều. Phải trăm lần hơn thế nữa, mới đủ.
Cô bé thiểu số so vai, lè lưỡi:
– Ông giỏi quá. Ông có truyện không ?
– Có. Nhiều lắm. Câu chuyện một giòng sông. Sói hoang trên đồng cỏ. Tội ác và hình phạt. Hồi ký viết dưới hầm…
– Có phải truyện cổ tích bằng tranh hay không ?
– Không. Những truyện về triết lý, suy nghĩ về thân phận làm người…
– Eo ơi, tôi không thích. Tôi chỉ thích truyện của Phi Long.
Chàng bật cười:
– Cái đó thì không bao giờ có cả.
– Yếu quá. Tôi có truyện Con Tàu Máu, Đảng Bàn Tay Máu, Đầu Lâu Máu… Hay không thể tưởng. Ông muốn thì tôi cho ông mượn ?
– Như vậy cô bé không sợ các soeur hay sao ?
– Tôi có cách dấu.
Chàng mỉm cười. Lòng chàng lại tràn ngập một cảm giác quá êm đềm. Ở cô bé, là cả một sự hồn nhiên chất phát đến thần thánh. Một sự chất phát không gợn một chút bùn nhơ như những người đàn bà Thượng với cặp vú trần khỏe mạnh xuất hiện trong thị trấn.
Nắng chiều lọt vào phòng một màu vàng thắm. Nắng chảy lai láng trên mái tóc mun đen của người con gái. Cô bé đi khắp phòng nhìn chăm chú mọi thứ. Cô bé trố mắt ngắm bức tranh của một họa sĩ thời danh. Cô bé lại nhún vai, rồi lại nhíu mày trước một câu thơ của Tagore. Cô bé đọc to Vô Ngôn, rồi hỏi:
– Vô ngôn là gì hở ông ?
– Là không nói, im lặng.
– Tại sao ông lại viết như vậy ?
– Bởi vì tôi là một thiền sư.
– Thiền sư là gì ?
– Là người chuyên ăn gạo lức muối mè, coi cuộc đời là biển khổ.
– Ông điên rồi.
Lại ông điên rồi. Chàng tự nhủ. Hết điên rồi đến gì đây? Chàng có ý nghĩ đang tham dự vào một trò chơi, trong đó chàng phải thay xác đổi dạng toàn diện. Chàng phải bỏ tất cả chữ nghĩa, suy tư, vô ngôn hành giả. Chàng khám phá rằng, từ lâu, chàng đã theo đuổi một con đường âm u từ chương sách vở. Hạnh phúc là gì? Mục đích của đời sống là gì? Nó đâu phải ở trăm ngàn trang sách, trăm ngàn đêm gối đầu suy nghĩ. Nó cũng phải ở một cõi bờ rất xa, rất khó đạt, nhưng nó chính là ở đây, rất gần gủi, tựa như tiếng cười dòn dã, cái cau mày, cái cắn môi, bậm miệng, như thể cố ngăn tiếng cười chợt bật dậy của cô bé. Nó là tấm lòng trong như pha lê. Nó làm con người nhận ra cái căn nguyên bản ngã của mình. Cái tính thiện và lòng từ ái đã bỏ quên của mình.
Thế rồi, chàng rủ cô bé ra sân cỏ. Hàng bông sứ trổ bông trắng rộ. Trên sân, hoa sứ rụng đầy. Xa hơn nữa là bờ rào dâm bụt, sẫm tối dưới bóng hoàng hôn. Chàng và cô bé ngồi trên bực thềm. Chàng xuất thần cùng nỗi niềm hạnh phúc òa vỡ, vừa dạo đàn vừa hát:
Tôi muốn loài người biết thương nhau. Không gây oán, không gây hận thù… Em có biết hoa kia mới nở. Trong giây phút xinh đẹp tuyệt vời…”
Cô bé lặng yên. Bàn tay ngắt một cọng cỏ may rồi ngậm trong răng. Và gió lại nổi. Hoa sứ lại rụng xuống dập dìu. Thềm cỏ may lại dịu dàng rợp xuống. Chàng như người nhấp phải một cốc rượu mạnh. Chàng say sưa hát. Chàng đã quên chàng, quên cả cô bé. Lời chàng ấm và ràn rụa xúc cảm. Vườn hoang tắm ánh ráng chiều, một màu vàng sẫm đọng trên cỏ, những hàng sứ, hàng ngâu. Không nghe cả một tiếng động của xe cộ, hay những tiếng nổ từ căn cứ quân sự gần đấy. Tiếng hát chàng quá ân cần, đến nỗi, mắt chàng phải cay, và nóng. Cô bé thiểu số thì ngồi lặng yên như một pho tượng. Cô bé đã bị tiếng hát của chàng mê hoặc rồi.
Bắt đầu từ đó, căn phòng âm u của chàng đã tràn ngập những tia nắng tươi đẹp. Nó đã được trang hoàng. H. Pery đã tỏ ra một nội trợ đại tài. Từ lọ hoa với những nhánh hoa mới. Từ chai nước lọc lúc nào cũng tràn đầy. Từ những chồng sách vở lúc nào cũng ngăn nắp. Cô bé đã bắt chàng từ bỏ cái nếp sống bừa bãi, phóng túng cũ. Rõ ràng cô bé đến như một bà hoàng hậu đầy quyền uy.
Thỉnh thoảng hai người lại rủ nhau về đồn điền xa. Chàng vẫn còn nhớ như hôm qua mùi hương nồng nàn của hoa cà phê sực nức cả một không gian núi đồi. Những cánh hoa cà phê trắng, nổi bật giữa ngọn đồi đất đỏ, nhìn từ trên cao, chẳng khác một biển hoa trắng bát ngát. Và muôn loài bướm loài ong từ đâu đổ xô về. Và những thân cây từ khu rừng cao su vươn lên, thẳng hàng, trên ấy những vòm lá đan những vòng tay tình tự. Và cả rừng Giáng Hương nữa. Giáng Hương hay là một người tiên lạc xuống rừng, để lại làn hương cho người thi sĩ. Chàng và H. Pery cầm tay nhau cùng chạy. Hai người cùng đuổi bắt quanh những thân cây cao su. Rồi cô bé chạy trốn chàng trong lùm cà phê. Chàng cố tìm cô bé nhưng đành chịu thua. Chàng la lên: “Chú chịu thua rồi, Pery ơi.” Có tiếng cười khúc khích đâu đó. Chàng lại đuổi theo tiếng cười. Chàng hăm hở rẽ cành rẽ lá. Như đứa bé đuổi theo tiếng gáy của chú dế mèn. Bông hoa cà phê che ngang tầm mắt. Rồi chàng ngơ ngác giữa một biển hoa. Rồi chàng phải giật bắn cả người vì tiếng cười rú lên. Thì ra cô bé là một cái chồn cái cáo…
Chàng ôm choàng cô bé. Gió như ngừng thổi. Nắng như ngừng lay động. Chỉ còn mùi thơm của hoa cà phê. Mùi thơm nồng nàn, từ trời đất thiên nhiên, và từ da thịt cô bé. Đôi mắt cô bé nhắm nghiền lại. Hơi nóng từ người cô bé chuyền qua chàng, khiến chàng có cảm giác hai người đang hòa nhập lấy nhau. Trong khi đó, muôn bướm vàng lượn vờn trên đầu hai đứa, tiếp tục yêu nhau như một định luật của tạo hóa. Chỉ khác chăng là con buớm đực sau đó lại trút hơi và rơi xuống đất.
Đến một lúc nào đó, Pery cố gỡ vòng tay cuồng bạo của chàng. Cô bé lại trở về cùng tư thế của một người tự vệ. Cô bé nói:
– Này, chú nhắm mắt lại đi.
Chàng nghe lời nàng. Mắt chàng nhắm lại. Có tiếng cảnh cáo của cô bé:
– Chưa đâu, nghe chú.
Chàng không biết cô bé làm gì. Nhưng chàng cảm thấy thật vui. Vui vì được trở lại một thời khờ khạo.
– Rồi chưa cô bé ?
– Rồi.
Chàng mở mắt. Mái tóc của cô bé bây giờ cài thêm những cánh hoa cà phê. Hoa làm gương mặt cô bé rực rỡ tuyệt vời. Chàng bàng hoàng run rẩy. Chàng lại ôm lấy cô bé, với tất cả sự dịu dàng và trong sạch của mình. Chàng thầm thì:
– Pery của chú đẹp quá. Pery của chú là một nụ hoa tuyệt vời mà chú bắt gặp trong cõi lầm than của chú.
Chàng đã sống cùng cơn mộng mị ấy sốt cả bốn tháng tại miền đất hung bạo. Đồn điền cà phê, cao su, rừng Lao Xao, cỗ xe ngựa lăn bánh từ thị trấn về đồn điền, và bao nhiêu ngày trong phòng trọ hoang phế. Nhưng tuyệt nhiên chàng không hề nghĩ đến một lần đòi hỏi. Chỉ có một đêm, một đêm cuối cùng…
Đó là lúc chàng bị buộc phải rời miền núi. Đó là lúc chàng cảm nhận ở phương trời kia là một hỏa ngục kinh hoàng. Sự hồi sinh từ bấy lâu nay giờ đã băng rã. Chàng có ý nghĩ là phải hưởng thụ tất cả những gì sắp sửa bỏ mất. Như H. Pery, nụ hoa xinh đẹp nhất mà đời đã dâng cho. Chàng không còn đặt tay lên tim để tự dỗ dành cùng cơn men của Quỉ. Chàng cũng chẳng nghĩ đến sự ngây thơ của một người con gái thiểu số. Vì vậy, cái đêm cuối cùng ấy, chàng đã tìm mọi cách để cám dỗ con nai vô tội. Mắt chàng nỗ lửa, hai tay chàng vũ phu. Miệng chàng ham hố. Cõi tối đen tràn ứ hơi thở và lời van lơn. Nhưng cuối cùng, chàng cũng đành chịu thua. Pery đã trở thành một vật bất khả xâm phạm. Nàng tránh đỡ những ngón tay ve vuốt, những nụ hôn nóng bỏng của chàng. Nàng chảy nước mắt nói:
– Chú tha cho cháu. Phong tục của cháu không cho phép việc làm của chú.
Nàng lại áp hai tay vào bờ ngực trần. Giọng nàng van xin:
– Chú đợi vài năm nữa, cháu sẽ cưới chú.
Lời năn nỉ tội nghiệp của người con gái kèm theo hai hàng nước mắt lai láng bỗng thấm lạnh vào con tim cuồng nhiệt, xua đuổi con Quỉ ra khỏi con người chàng. Vì thế chàng đã buông tha. Như một kẻ mê cuồng thức tỉnh chàng bỏ đi ra ngoài sân. Chàng nhìn lên cao. Một bầu trời miền núi lung linh muôn ngàn vì tinh tú. Đêm dậy hương sứ và hương lạ.
Cô bé đã theo sau chàng tự lúc nào. Nàng đi chân trần và xuýt xoa vì một cơn gió lạnh giá. Đến đằng gốc sứ, cô bé nói:
– Chú ơi, chú có giận cháu không ?
Chàng nhìn lên đôi mắt của người con gái. Chàng ngắt một cánh hoa sứ, cài lên mái tóc của nàng, rồi sau đó dịu dàng hôn lên vầng trán:
– Cháu nhớ đợi vài năm nữa nhá. Cháu cưới chú nhá. Cháu bắt cái chồng chú nhá.
H. Pery gật đầu. Dưới ánh trăng, mắt cô bé càng sáng, càng rực rỡ hơn, như đôi mắt mà chàng đã bắt gặp trong đồn điền cà phê lần quen nhau đầu tiên.
Bây giờ chàng trở lại. Bây giờ lại thêm một mùa hoa cà phê rợp trắng vùng đồi, nhưng người con gái pha hai giòng máu kia đã bỏ đi biền biệt. Và giữa các lối đi, bướm vàng thi nhau bay dập dìu trong nắng ấm như một khởi đầu cho một mùa hò hẹn. Bướm đang tìm bướm. Ong đang tìm nhụy hoa. Những cành lá cao su, giáng hương và trâm đang ôm lấy nhau nối kết. Chỉ còn mỗi một mình chàng thì đứng yên. Tìm gì… Chỉ có chăng là tiếng lao xao của rừng và thinh không thì ngạt ngào mùi thơm của loài hoa kỷ niệm. Chàng khẽ ngắt một chiếc hoa cà phê rồi áp vào môi. Chàng vẫn có thói quen như thế khi tháng tư bắt đầu trở lại.
TRẦN HOÀI THƯ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét