Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Thứ Hai, 2 tháng 5, 2022

TRƯỜNG MẪU GIÁO RẠNG ĐÔNG CỦA THẦY PHÁN *Phùng Ngọc Cửu

 

25 tháng 4 lúc 19:36 
Đã chia sẻ với Công khai
Công khai
Banmê xa mịt mù xa trong quá khứ... nhạc sĩ Phan Ni Tấn cũng từng học ở nơi này...
TRƯỜNG MẪU GIÁO RẠNG ĐÔNG CỦA THẦY PHÁN
*Bài viết của anh Phùng Ngọc Cửu
Thầy ơi, hôm nay con về viếng thầy!
Montpellier, 1996, một ngày trọng đông

Tôi không nhớ mình cắp sách đến trường mẫu giáo ngày tháng nào và đến như thế nào, nhưng chắc chắn ngày ấy tôi không hề khóc trên đoạn đường từ nhà đến trường. Những ngày sau đó đối với tôi thật hạnh phúc ở trường: trường Rạng Đông của cụ Phán, nằm trên đường Lê Văn Duyệt ở Ban Mê Thuột nối dài, băng qua một chiếc cầu gỗ.
Cụ tên là Đỗ Tiến Phán, là người của thế kỷ XIX. Sở dĩ tôi gọi bằng cụ vì năm đó tôi còn bé bỏng lắm, khi còn bẽn lẽn chụp hình bên bụi hoa thược dược trong vườn (1957) thì cụ đã 60 tuổi rồi. Cụ sinh năm 1897, mang hai quốc tịch Việt-Pháp. Cụ nhận rằng mình tuổi Bính Thân (đúng ra tuổi Bính Thân phải sinh năm 1896). Ngoài tiếng Việt là ngôn ngữ mẹ đẻ, ngôn ngữ mà cụ khai tâm cho trẻ con chúng tôi, cụ còn giỏi tiếng Pháp, tất nhiên, nhưng cũng giỏi cả chữ Hán nữa! Đặc biệt nét chữ của cụ thì đẹp không chê vào đâu được. Cụ chuyên viết bằng ngòi bút lá rong, mực tím. Nét chữ chân phương, uốn lượn theo cách được giáo dục theo kiểu Pháp thế kỷ XIX!
Cụ dạy học trong một gian phòng lớn của ngôi nhà cụ ở, còn cụ bà bán bánh kẹo, quà sáng cho học sinh.
Hồi đó tôi không có khái niệm về “ăn sáng”. Hình như cụ bà tinh mắt nhận ra “khiếm khuyết khái niệm” này nên thỉnh thoảng gọi tôi đứng lại khi đi qua quầy hàng của cụ, bẻ một mẩu bánh mì, phết một ít bơ loãng rồi đưa cho tôi. Chỉ thoáng một phút là “bừng con mắt dậy thấy mình tay không”, nhưng dư vị vẫn còn đó, vẫn đeo bám tôi suốt cuộc đời. Mãi sau này, nhân dịp qua Pháp học, tôi ghé xuống miền Nam, đến Montpellier, thăm đại gia đình con cháu cụ tụ tập, định cư ở đây, tôi nhắc lại chuyện cũ. Ai cũng cười khi nghe tôi nói rằng tôi nhớ nhất người đã cho tôi mẩu bánh mì ngày còn thơ.
Một lần, cụ bà và chị Tiến, cô con gái út của cụ, dắt một lũ cháu họ của cụ ghé qua tiệm bố tôi rồi đưa mấy chị em chúng tôi đi xem hội chợ. Mãi sau này tôi mới biết đó là hội chợ nông nghiệp 1957, tổ chức tại Biệt Điện Bảo Đại, nơi Tổng Thống Ngô Đình Diệm bị ám sát hụt. Lần đâu tiên tôi đến một nơi náo nhiệt như thế, sau một đoạn đường rất dài từ nhà.
Loa phóng thanh inh ỏi, sạp quán khắp nơi. Cái gì đối với tôi cũng vĩ đại. Tôi đi ngang qua một rạp xiếc, mắt cứ dán vào đó nhưng tay không dám rời người dắt, sợ bị lạc. Đây cũng là lần đầu tiên tôi nghe bài Các Anh Đi của nhạc sỹ Văn Phụng, phát ra từ một loa phóng thanh, và tôi nhớ từ đó:
“Các anh đi ngày ấy đã lâu rồi
Các anh đi, đến bao giờ trở lại,
Xóm làng tôi trai gái vẫn chờ trông …”
Cụ bà đãi chúng tôi, ba bốn đứa ăn chung một ly đậu đỏ bánh lọt. Dư vị tôi vẫn còn nhớ. Tôi luôn thụ ơn những ai cho tôi ăn, đặc biệt ngày còn thơ!

Cụ Phán không hề dữ, nhưng chòm râu cùng tướng người to cao của cụ khiến lũ học trò con nít chúng tôi sợ phát khiếp. Có lẽ bọn trẻ con nể cây ba-toong cù ngoéo của cụ hơn cả. Cụ luôn dặn học trò ngồi thẳng lưng, mắt cách trang sách khoảng một cây thước gỗ. Thỉnh thoảng đang ngồi học, tôi cảm thất có cái gì đó lành lạnh chạy dọc theo cột xương sống, quay ngang thấy cụ đang vuốt lên lưng tôi bằng cái ba-toong không nói gì cả. Tôi vội ngồi bật lưng dậy cho thẳng. Lần khác đang tập đồ, dán sát mắt vào trang vở, cụ đứng sau lưng lúc nào không biết, đưa cái ba-toong cù ngoéo móc vào cổ rồi kéo từ từ ra phía sau … Bọn trẻ luôn náo nhiệt, phá phách. Cụ lại chẳng đánh đòn bao giờ, chỉ giơ cây cù ngoéo lên là mọi thứ trở lại vòng trật tự tức thì. Hơn sáu mươi năm sau, khi dạy toán cho trẻ em ở Stemhouse, trong mấy bài toán mùa Giáng Sinh có hình Christmas candies, tôi lại chợt nhớ đến cây ba-toong cù ngoéo của cụ. Thỉnh thoảng phát hiện các bé ngồi dán sát mắt vào trang vở, tôi chỉ nhẹ nhàng đẩy trán của bé lên, mặc dù sau đó phải lập lại động tác vài lần. Tôi không có ba-toong cù ngoéo. Tất cả chỉ còn là hình bóng.

Không hiểu vì sợ cụ hay do nội dung cùng hình vẽ trong sách vỡ lòng hấp dẫn mà tôi thuộc rất nhiều bài học thuộc lòng. Cứ mỗi lần đi học về lại đọc vang rân, inh ỏi.
Quyển sách vỡ lòng vỏn vẹn có vài chục trang, mỏng dính. Tôi còn nhớ thứ tự như sau, bắt đầu từ bài thứ nhất:
Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.
Đứa học trò ngồi cạnh tôi nói rằng phải đọc là “đào con”, tức là đào hố chôn con. Tôi nghe rồi bị ám ảnh, sợ câu cuối này lắm. Mỗi lần đọc đến đây lại khựng lại.
***
Hai anh em
Anh là Đào
Tóc húi cao
Da hồng hào
Dáng khỏe mạnh
Em là Hạnh
Má phinh phính
Mắt đen tròn
Miệng cười luôn.
***
Em múc nước
Đổ vào thau
Lấy khăn mặt
Bắt đầu lau
Em lau mặt
Rồi lau tay
Nước mát rượi
Em tỉnh ngay.
***
Con chó đảm đang
Thích mặc cho sang
Soi gương chải tóc
Học hát ầm vang
Nhưng chó chăm làm
Nó quét nhà cửa
Lau bàn ghế tựa
Đun nước lò than.
Qua đến bài này thì mỗi câu được minh họa bằng một hay nhiều tranh vẽ bên trên.
***
Bà cả Sơ
Và cô Kế
Ở xa về
Có hũ kê.
***
Chú mèo câu cá
Mồi thả xuống hồ
Giật được cá rô
Mèo vồ ngay lấy
Bỏ giỏ xách về
Lấy dao mổ cá
Rán lên thơm quá
Ngồi chén no nê.
***
Thằng Tô nghịch láo
Buộc pháo đuôi dê
Nó đốt rồi về
Khiến dê hoảng chạy
Dê nhảy tung tăng
Húc trẻ xô hàng
Trẻ sang mách mẹ
Chú bé phải quỳ.
Tôi thích bức hình ở cuối bài mô tả cảnh thằng Tô bị quỳ gối, đầu để tóc trái đào hai bên, trên đỉnh đầu có chỏm tóc lơ thơ.
***
Kỳ nghỉ hè
Ta về quê
Nhà ta ở
Mé bờ đê
Ở nhà có
Mẹ cha ta
Cô và bà
Quý ta quá
Mẹ đi chợ
Cha ra ga
Bà ở nhà
Để giữ bé
Khi thư thả
Ta ra đê
Để thả bê
Nghĩ mà thú.
Còn thêm vài bài nữa nhưng tôi đã quên phéng, như bài bầy chuột rước đèn, … Trẻ con mẫu giáo chỉ cần được khai tâm, và nếu nhớ được càng tốt, chừng ấy cũng đã đủ văn hóa rồi.

Học trò sợ cụ Phán một phép, nhưng không phải là không có đứa rắn mắt.
Trước cửa vào lớp học _ gồm mấy gian nhà thông nhau không có vách với biết bao nhiêu là bàn và ghế dài _ có kê một cái lu nước nhỏ. Trên miệng lu là một cái gáo bằng sọ dừa, cán bằng tre mảnh. Học trò chơi đùa giờ ra chơi, mồ hôi mướt mát, cứ ra đây làm một gáo là mát cả ruột. Một cái gáo mà cả chục cái miệng kê vào đó, hồi đó không làm cho bất cứ đứa học trò nào cảm thấy “ghê”. Phía sau nhà, đâu lưng với đền Lạc Thiện bên dưới, là một cái giếng. Có lẽ nước trong lu có nguồn từ cái giếng này. Thời đó hệ thống nước máy chỉ cung cấp cho một số nhà trên đường phố trung tâm, còn ra xa một chút, ví dụ đường Phan Bội Châu, đều sử dụng nước giếng cả. Nước giếng và suối hồi đó rất trong và tinh khiết. Xóm tôi hồi đó nổi tiếng với “Bà Bảy Gánh Nước Thuê”, người miền Nam nhỏ thó, hàng ngày gánh nước bán cho các gia đình trên phố dùng.
Trở về chuyện cái gáo nước. Một hôm một đứa học trò trạc tuổi tôi lần khân đứng trước lu, ngó trước ngó sau không thấy ai để ý, thế là nó vạch quần ra … tè ngay vào gáo. Tôi chứng kiến đầy đủ kịch bản này. Bà cụ Phán ngồi bán hàng ngay đó, có lẽ bà cụ người nhỏ thó nên nó không thấy, la lên:
- A, thằng này! Ai cho mày đái vào gáo thế?
Thằng nhỏ bị một trận đòn nhớ đời.
Thằng này chắc sau này bán trời không mời thiên lôi! Gan đến thế là cùng.

Sau này khi lên đại học, mỗi lần về tết thỉnh thoảng tôi vẫn đến thăm thầy.
Hai mươi năm sau khi tôi cưới vợ, thầy lại làm chủ hôn. Lúc này thầy đã già lắm rồi. May mắn tôi còn lưu được tấm ảnh.
Năm sau nữa thầy cùng gia đình và hai mươi người cháu nội ngoại định cư ở Pháp rồi thầy mất tại đây cùng năm.
Lại hai mươi năm sau nữa tôi mới có dịp đến Montpellier viếng mộ thầy.
Ở Pháp, có lần gặp một phụ nữ “dân” Ban Mê Thuột hơn tôi chục tuổi, nói rằng ngày xưa chị cũng học ở trường Rạng Đông.
Lúc này con, cháu, chắt của cụ đông lắm, không đếm và nhớ hết.
Tôi được lên chức “ông trẻ”.
Hồi còn đi học tôi không có ý tưởng rằng sau này làm nghề dạy học. Ngả rẽ cuộc đời đưa tôi đến một hướng khác và rồi biến cố cuộc đời đưa tôi trở lại nghề nghiệp mà tôi không có ý tưởng. Đó là định mệnh khiến tôi nhớ đến thầy giáo mẫu giáo của tôi hơn.
Kỷ niệm về những ngày học mẫu giáo là một “pho” truyện cổ tích mà tôi chỉ truyền lại cho hai anh em học trò mà tôi tutor từ khi hai đứa còn học lớp hai trường quốc tế ABCIS. Năm nay hai đứa đã vào đại học rồi. Cô bé út chán môn toán như cơm nếp nên tìm cách câu giờ với điều kiện là đầu giờ học tôi phải kể một “funny story”, sau đó mới chịu học toán. Pho cổ tích của tôi bị vét sạch sau mấy năm dạy hai đứa trẻ! Đôi lần vô tình kể lại một mẩu chuyện do không nhớ đã kể rồi, cô bé thản nhiên kể tiếp một đoạn rồi nói: “Thầy kể tiếp đi!” rồi chăm chú lắng nghe.
Nay tôi lại đang tutor một bé trai tiểu học. Đôi lần tôi hỏi cậu bé có gì vui ở trường hôm nay không.
– Nothing!
Tôi nhớ có lần nói với một đồng nghiệp người Pháp rằng trẻ con Việt Nam thường không có tuổi thơ vì học hành suốt ngày.
Không có tuổi thơ là không có … lịch sử.
Một mẩu bánh mì phết chút bơ là cả một lịch sử!
Sài Gòn, 16/11/2020
PHÙNG NGỌC CỬU
Có thể là hình ảnh đen trắng về 1 người và đang đứng
San Lê Thị, Bạch Yến và 145 người khác
50 bình luận
7 lượt chia sẻ
Thích
Bình luận
Chia sẻ

50 bình luận

Phù hợp nhất

  • Đinh Thị Thơ
    Cảm ơn Tác Giả..và anh Xứ Thượng Xứ .. kỷ niệm tuổi thơ....
    3
  • Thu Trang Phan
    Đọc bài viết của anh, em thấy nhớ cả một trời kỷ niệm. Ngày xưa em cũng học ở trường mẫu giáo Rạng Đông. Em chỉ nhớ có thầy giáo lớn tuổi mà em không biết tên, có thầy Đình mái tóc quăn. Cám ơn tác giả đã cho em nhớ lại một thời bé bỏng.
  • Nhãn dán Không hối tiếc An image in the traditional American tattoo style. It depicts a hand with long red nails holding a red rose.
    • Thương thương
    • Phản hồi
    • 6 ngày
  • Hoan Pham
    Bài viết hay quá ! nó đưa mình về thời mẫu giáo, tiểu học với những bài vè rất vần dễ thuộc ! Một trời ký ức tuổi học trò kéo về theo những dòng chữ của tác giả, khiến lòng bồi hồi với vô vàn cảm xúc
    • Yêu thích
    • Phản hồi
    • 6 ngày
    • Đã chỉnh sửa
  • Chaihu Hai
    Sách vở lòng ngày xưa ai thời ấy cũng nhớ ..Có bài ..thằng Còm nữa .Mẹ Chaihu bắt phải học thuộc những bài này ..
  • San Lê Thị
    Trường Rạng Đông của Thầy giáo Phán...
    2
  • Nguyên Lê
    Một thời để nhớ .Em nhớ Thầy Đình là con Thầy giáo Phán đúng không anh Cửu.
  • Phi Toan
    Bài viết hay quá!
    3
  • Hanna Palm
    Minh cung hoc mau giao Rang dong do. Hay chay qua ben den de coi len dong va xin do an 😀😇🥰
    2
  • Kim Thịnh Dancer
    Bài viết hay quá ..
  • Ngoc Hai Banme
    Vô lớp phải bỏ dép ngoài cửa nghe …
  • Ngoc Hai Banme
    Bên cây cầu phía đường LVD nối dài là nhà Thu Hiệp & Bích Toàn Bích Tuyền ..Bên đây cầu gỗ là nhà bạn Lâm & trường Rạng Đông của Thầy .
    Thầy nghiêm có tiếng …
    • Trần Bắc Tiến
      Ngoc Hai Banme còn mình thì nhớ thầy cứ nói bắc tiến sao chưa tiến và nhớ hồi đó thầy già rồi mà còn tập tạ và cây ba toong của thầy nữa
  • Quách Bằng
    Giờ mới biết a Cửu viết bài hay thế !
  • Ông Bà Nội
    XT ơi,Anh là người gợi lại kí ức...
  • Chaihu Hai
    Ngày ấy ,trên đường Hàm Nghi cũng có một trường mẫu giáo ..Chaihu quên tên gòi ..có ai còn nhớ hong ..phía sau là trường Song Hồng đó ..
    2
    • Ly Trinh
      Gần nhà Chaihu Hai thì phải
    • Chaihu Hai
      Đúng rồi ..cách khoảng 10m .Năm1967 gd mới chuyển đến Lý thường Kiệt ,gần nhà cô hiệu trưởng Trang ,mình quen gọi là bà Giáp ..
      2
    • Ly Trinh
      L biết nhà H mà
      Nhà L cũng ở Hàm nghi, gần Hai B Trưng
      2
  • Hien Nguyen
    Mỗi làm đi học tôi hay đi ngang qua trường RĐ, tôi không biết về thầy cô của trường RĐ vì năm đó tôi đang học lớp đệ lục trung học NTruong Tộ và hội chợ nông nghiệp BMT tổ chức trong khuôn viên trường YJut và Nguyển Du , khi Ngô TT đang cắt băng khánh … 
    Xem thêm
    4
  • Thanh Phan
    Bạn em là Đỗ thị Hoàng Ân cháu nội cụ Phán, hồi đó cả nhà mấy bố con đều dạy học, mỗi lần em đến chơi đi con đường luồn sát các lớp học thẳng xuống phía sau là nhà ở rất mát
    3
  • Ngocchau Nguyen
    Còn ai nhớ trường Đức trí đường Phan bội Châu(gần nhà sách Tinh hoa),trước trường có cây trứng cá khá lớn?
    3
  • Nguyễn Thái
    Em cảm ơn anh Đạt và tác giả thật nhiều hen....
  • Ly Trinh
    Lâu lắm kg gặp a Cửu
    2
  • Thế Diên Nguyễn
    Cửu bây giờ ở đâu ?
    2
  • Tri Manh
    Tôi nhớ mang máng có bài " Hai người giả chết " :
    Hai người đốn củi
    Bỗng gặp con gấu… 
    Xem thêm
  • Nhãn dán Thay lời muốn nói An animated yellow left hand with thumb up.
  • Tommy Nguyen
    Tui chỉ còn nhớ được vài bài như Thằng Tô đốt pháo với Kỳ nghỉ hè. Lúc nhỏ không biết 'ta ra đê' là gì mới hỏi chú tui, chú tui nói ra đê chắc là người thượng.
    Sau này lớn tí mới biết vợ đẻ với vỡ đê ' vo de' chẳng liên quan gì nhau.
  • Ngoc Diep Hoang
    Tác giả bài viết hay quá! Anh lại có trí nhớ thật tuyệt vời, đọc lại mấy bài học vần thuở nhỏ thấy lòng nao nao.
  • Ngoc Diep Hoang
    trong số các người cháu của Thầy Phán có một người tên Đỗ tiến Định học cùng lớp với em, chắc là bạn ấy cũng định cư ở Pháp rồi, từ 1795 tới giờ không thấy ai về thăm lại ngôi trường rạng đông nhỉ? Trường Rạng Đông bây giờ vẫn còn nguyên nhưng xuống… 
    Xem thêm
    2
  • Bạch Yến
    Trời ơi , mấy bài học thuộc lòng đọc nghe thương gì đâu á anh xứ thượng.
    • Yêu thích
    • Phản hồi
    • 4 ngày
    • Đã chỉnh sửa
  • Nguyễn Thị Tuyết Nga
    Còn bài này nữa anh Cửu nè
    Hai bác đô
    Khỏe như bò
    Trên bãi rộng
    Cố giằng co
    Bỗng một bác
    Bị vật thua
    Người xem hội
    Đều hoan hô
    6
    • Thích
    • Phản hồi
    • 4 ngày
    • Đã chỉnh sửa
  • Phan Ni Tan
    Trí nhớ tuyệt vời!
  • Nga Doanthi
    Những bài học thuộc lòng nhớ quá tuổi thơ.
  • Hoài Vân Nguyễn
    Cậu Phùng Ngọc Cửu là bạn rất thân với cậu em trai tôi ! 2 cậu cùng học chung 1 lớp thời Trung học . Và vẫn quấn quít , qui mến nhau đến khi cả 2 Cậu đều có gia đình và con cái !
    Ngôi trường Rạng Đông ngày xưa của cụ giáo , nằm cách nhà tôi hiện giờ khoảng 100m . Tôi cũng có cô cháu gái được " khai tâm " ở trường học của Cụ .
    Nhà cậu Cửu thì đi xuống thêm 1 quãng ngắn nữa (gần đền ). Cậu Cửu và gia đình đã chuyển về SaiGon ở cũng lâu lắm rồi . Nhắc lại chuyện xưa sao mà nhớ quá !
    2
    • Yêu thích
    • Phản hồi
    • 3 ngày
    • Đã chỉnh sửa
  • Chàm Lê Văn
    Tôi như sống lại tuổi thơ học trò. Các vị thầy của tôi ở trường Rạng đông ngày xưa. Thầy Đình, thầy Chiều, thầy Chi….Chữ viết ngòi bút lá tre, bầu , lọ mực tím…. Những bài toán chia nhiều con số…. Những phần thưởng cuối năm chiếc cặp da sách vở…. Những… 
    Xem thêm
  • Đỗ Kim Dung
    Cụ là Bà Con với nhà E.. E xin phép share nha Anh Đạt .😍
  • Nguyễn Kiều Nga
    Ôi bái phục tác giả! Nhà tôi ở đầu dốc, tôi học trường này . Ăn lát bánh mì v lát phô mai có phủ tương ớt . Tôi nhớ cả việc con dâu thầy đi lao động bị sốt rét ác tính v qua đời. Nhớ cả bà bảy gánh nước còm cõi thân thương. Cảm ơn tác giả nhiều lắm, đọc bài v xúc động .
    3
  • Dung Lê
    Vô tình đọc được bài viết nhớ thật nhiều kỷ niệm ngày còn bé ❤️. Mình cũng thành viên xóm suối Đốc học ( cháu thầy Liên). Cám ơn tg 👍👍
    Góp 1bài hjjj
    Bàn tay ta
    Có năm ngón
    Dài hay nhọn
    Chẳng đều nhau
    Ngón giữa cao
    Ngón út thấp
    Ngón cái mập
    Ngón trỏ dài
    Xinh hơn người
    Ngón đeo nhẫn
    (Bài 2 sau bài Hai anh em )😊

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét