Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Chủ Nhật, 22 tháng 5, 2022

NGƯỜI THỢ SĂN VÔ DANH CỦA VUA BẢO ĐẠI *Phan Ni Tấn

 

Thời đó Ban Mê Thuột là chốn ma thiêng nước độc nên dân cư còn thưa thớt, đa số là đồng bào Thượng sống trong các buôn làng xa xăm...
NGƯỜI THỢ SĂN VÔ DANH CỦA VUA BẢO ĐẠI
*Phan Ni Tấn
Ban Mê Thuột không phải chỉ để sống hay để nhớ. Ban Mê Thuột với nắng gắt, mưa lầy, ngửi thấy mùi vị của đất, của cỏ cây và núi rừng. Ban Mê Thuột của những cơn bụi đỏ và huyền thoại, của chiến tranh và hiện đại. Nhìn chung, Ban Mê Thuột là nơi khi ngươì ta đi xa, dù ít nhiều kỷ niệm cũng ray rứt nhớ về. Riêng tôi khi nhớ núi rừng thỉnh thoảng tôi lại nhớ tới những ngưòi thợ săn của vị vua cuối cùng của 13 triều nhà Nguyễn: vua Bảo Đại.
Từ trước thế kỷ 19, thị trấn Ban Mê Thuột trên cao nguyên Daklak thuộc lãnh thổ Việt Nam. Nhưng mãi đến năm 1923, Ban Mê Thuột mới được thành lập dưới quyền bảo hộ của thực dân Pháp. Thời đó Ban Mê Thuột là chốn ma thiêng nước độc nên dân cư còn thưa thớt, đa số là đồng bào Thượng sống trong các buôn làng xa xăm.
Khoảng giữa thập niên 1950, ở cây số 5 ngay ngã ba quốc lộ 14 đi Pleiku và quốc lộ 21đi Ninh Hòa vẫn còn rừng, chưa có bến xe đò. Ban ngày hươu nai chạy ngờ ngờ; nhất là công rừng đậu từng bầy trên cây..
Mùa hè là mùa săn bắn. Thợ săn ở Ban Mê Thuột không nhiều cũng không ít. Nhưng nhà nghề vẫn là ông Ba Lô, là tay thiện xạ khét tiếng.
Đi săn, thợ săn thường dùng súng mousqueton, một loại súng trường ngắn như carbine. Xe thời đó, ngoài xe Land Rover, còn có xe Dodge Quatre của người Pháp tiện cho việc chuyên chở những vật nặng, cồng kềnh. Hồi nhỏ, con nít tụi tôi thường gọi chiếc Dodge Quatre là "xe cách cách" (quatre-quatre), một loại xe tải nhẹ 4 bánh, giàn sắc-si (châssis) thấp, thùng xe hơi vuông vức, có mui phủ bằng tấm bạt nhà binh.
Rừng Ban Mê Thuột có những khu vực săn bắn lý tưởng như buôn Dur, buôn Đông (Bandon), Draysap, Dak Mil nằm sâu trong những cánh rừng rậm rạp ở phía Tây Nam quốc lộ 14 đi Bù Đăng, Bù Đốp. Cũng trên quốc lộ 14 ngược về hướng Bắc Pleiku, khu vực Bra thuộc Buôn Hô cũng có nhiều dã thú. Rừng Lạc Thiện phía quốc lộ 21 kép đi Lak, ngoài thú dữ, còn có rừng mai vào những ngày Tết nở vàng cả núi rừng.
Đó là giang sơn của những động vật hoang dã. Từ chim chóc, hươu, nai, chồn, cáo, khỉ, vượn, nhím, kỳ đà cho tới mãng xà, gấu, voi rừng, trâu rừng, lợn lòi, tê giác, cọp, beo...
Ngoài ra, Dốc Láng, ở phía Đông Bắc quận Khánh Dương cũng có nhiều thú và... ma. Nhiều thợ săn kể lại mỗi lần xe vừa quẹo cua đổ xuống Dốc Láng họ đều thấy lờ mờ một cô gái mặc áo voan trắng bết đất, tóc dài chấm gót đứng bên lề đường đón xe. Dĩ nhiên khi xe tới gần thì cô gái ma biến mất.
Động vật thường hoạt động vào ban đêm nên hàng tuần, trời vừa chạng vạng tối là nhóm thợ săn với hai, ba xe Dodge lên đường đi săn suốt đêm tới tờ mờ sáng mới về. Có khi họ săn ba bốn ngày. Không bao giờ họ bắn nai con hoặc nai đang lớn. Chiến lợi phẩm là những con hươu khổng lồ hoặc nai chà cao 1.20m tới 1.60m, nặng chừng 150kg đến 200kg. Ve hút máu trong kẽ chân nai, con nào con nấy to bằng đầu ngón tay cái, lớp da chai nhầy, trắng ởn.
Mỗi lần đi săn về, ông Ba Lô, trưởng toán chia đều phần thịt cho bạn đồng hành nhưng ông ưu tiên lấy sừng. Nếu hạ nhầm nai có chửa thì mổ bụng tại chỗ lấy thai nai con về ngâm rượu hàm nàm. Ai đã từng ghé qua nhà ông Ba trên đường Tôn Thất Thuyết sẽ ngợp vì thấy trong phòng khách nhà ông treo toàn gạc nai đủ loại, đủ cỡ như hươu, nai chà, sơn dương. Đây là bộ sưu tập nghệ thuật về bộ sừng vĩ đại, hiếm có của người thợ săn nổi tiếng nhất vùng, đặc biệt là sừng trâu rừng, tức con Min, là một loại mãnh thú to lớn, dềnh dàng, đen xì, vô cùng dũng mãnh. Con Min nặng cả tấn, cặp sừng, bề ngang dài cả sải tay, rắn chắc, bóng lưỡng, nhọn hoắc, là thứ vũ khí cực kỳ nguy hiểm. Gặp cọp, con Min chỉ khịt một tiếng là cọp cong đưôi chạy mất đất.
Nhớ có lần ông Ba Lô săn được một con cọp ngoại khổ, đuôi dài cả thước, nanh, vuốt dài ngoằn, nhọn hoắc. Con nít tụi tôi nghịch ngợm nhổ râu cọp chơi bị bà nội rầy. Thì ra người Thượng dùng râu cọp trộn với một loại lá rừng đựng trong hũ lâu ngày biến thành một loài sâu rọm lông lá xanh lè. Họ lấy sâu giã nhuyễn dùng làm thuốc độc tẩm trên đầu mũi tên để săn thú rừng.
Vị vua cuối cùng của triều nhà Nguyễn là vua Bảo Đại nổi tiếng là ông vua tân thời, phóng khoáng và phong độ. Được biết nhà vua rất hâm mộ các môn thể thao quí phái, thời thượng như bơi thuyền, cưỡi ngựa, đánh goft, chơi tennis. Nhưng có thể nói săn bắn là môn "thể thao đường rừng" ông ưa chuộng nhất. Mỗi lần đi kinh lý trên Ban Mê Thuột, vua thường tổ chức đi săn. Nhớ lại tháng 5/1950, nhân dịp Bảo Đại lên Daklak thăm viếng đồng bào Thượng Êđê, vua sai cận thần triệu ông Ba Lô đi săn cọp với vua. Thời trước, ông Ama Kông, vua săn voi cũng từng đi săn với Bảo Đại. Đi săn với vua chúa là niềm vinh dự hiếm có.
Ông Ba Lô kể lại: "Đi săn, vua Bảo Đại chỉ thích săn cọp, beo để lấy da bọc bộ salon. Ngoài salon, còn có một bộ da cọp nguyên vẹn được thuộc rất khéo léo và công phu đem trải trên sàn phòng khách biệt điện (bungalow) của Bảo Đại".
Về kinh nghiệm săn bắn, ông Ba nói:"Săn ban đêm rọi đèn gặp cặp mắt đỏ chạch thì biết đó là nai; còn đụng phải cặp mắt sáng quắc, xanh biếc, một thứ màu lạnh buốt, rợn óc, lia qua lia lại thì phải hết sức thận trọng. vì đó là mắt cọp".
Ngoài ông Ba Lô, còn có các thợ săn khác như ông Lucien Rostan, tonton Sang, cậu Minh, chú Mười Kèn, chú Năm Bé, chú Đinh, chú Hiếu, chú Hích, chú Sĩ...
Nghề săn bắn cũng có nhiều thứ cấm kỵ và lắm sự rủi ro. Có người trong nhóm chú Năm Bé đi săn bị sụp lỗ chân trâu, súng cướp cò, đạn xuyên qua cổ lên đầu, phọt óc chết. Đoàn thợ săn của cậu Minh đi săn voi, năm người đi chung một chiếc xe cán phải mìn, không ai toàn mạng.
Dam Rông ở phía Đông quận Lạc Thiện rừng rậm um tùm có nhiều vách núi cheo leo. Trời vừa sụp tối, nhóm của cậu Minh vừa đổ bộ vào cánh rừng đã đụng phải con voi một ngà, hiếm khi gặp được. Không có gì hồi hộp hơn một cuộc săn bắn mạo hiểm. Thấy con voi quá lớn, nặng gần chục tấn, ngà dài cả thước, mọi người đều nín thở. Cậu Minh bình tĩnh nâng súng nhắm ngay giữa trán, voi rừng dù mạnh cách mấy chỉ cần một phát đạn cũng gục ngay tại chỗ. Ngà đem về chưng trong phòng khách nhà ông Lucien Rostan. Riêng ống chân voi lớn đến nỗi người lớn có thể ngồi lọt thỏm trong đó..
Thợ săn đại kỵ giết voi một ngà. Kinh nghiệm cho biết sớm muộn gì họ cũng gặp phải thảm cảnh. Đoàn thợ săn của cậu Minh cán phải mìn là một điển hình.
Dù sao, những người thợ săn khét tiếng một thời ở Ban Mê Thuột từ thập niên 1940 đến 1975, có thể nói họ như một loại huyền thoại, một biểu tượng sống động của thị trấn miền cao. Nhưng nhìn lại, họ vẫn là những thợ săn vô danh, mãi mãi vô danh, dù có người đã từng đi săn với vua Bảo Đại. Thật ra, trong sử sách, không ai biết mà cũng không cần thiết nhắc đến tên tuổi của họ, trừ vua săn voi Ama Kông, dân tộc M'Nông, một thợ săn ngoại hạng của núi rừng đại ngàn vào thế kỷ trước.
Vậy đó. Săn bắn tài tình như vậy. Thiện xạ như vậy. Nức tiếng như vậy.Vậy mà một sớm một chiều ông Ba Lô bất ngờ buông súng để bước vào cửa Phật. Ông quy y tam bảo, trở thành một vị cư sĩ ăn chay, niệm Phật, tụng kinh rất thuần thành. Người ta nói tiếng chuông mõ là tiếng nói của đức Phật, đánh thức hạnh từ bi vốn có trong mỗi con người. Có lẽ hàng đêm nhờ tiếng tụng kinh đều đặn của người mẹ già, lâu dần như một phép lạ thấm vào lòng người thợ săn ác liệt này.
Nhìn ông ngồi thẳng lưng trong chiếc áo tràng lam trước bàn thờ Phật thành kính gõ mõ tụng kinh, không ai ngờ trong quá khứ ông Ba Lô từng là một tay thợ săn thiện nghệ.
Ông Ba Lô còn có một năng khiếu đặc biệt nữa mà ít người biết. Ông là một nghệ sĩ kỳ tài, kéo vĩ cầm mùi tận mạng. Mỗi độ trăng tròn, ông thường đem vĩ cầm ra kéo những bản vọng cổ mùi rệu.
Dưới ánh trăng rằm, hình bóng và cây vĩ cầm của ông nổi bật như một bức tranh sống động. Cái đẹp của bức tranh trong thời khắc đó nổi lên âm thanh của điệu Nam Xuân, Nam Ai mùi mẫn, tài tình. Mấy ngón tay ông thuần thục như múa lướt trên bốn dây đàn. Không gian như say như đắm trong tiếng nhạc Ánh trăng vằng vặc trên vòm trời nạm ngọc như chìm trong yên tĩnh. Những đêm trăng lắng nghe tiếng đàn mùi rệu vang lên trong làng xóm tôi có cảm tưởng rằng âm nhạc có khả năng lấn át cả tiếng súng săn năm nào.
Tôi có thử đàn vài lần nhưng lần nào cũng kéo ra những tiếng ò è ọt ẹt như nghẹt mũi, như ai bóp cổ, chẳng ra hồn. Vĩ cầm không có phím như dương cầm hay tây ban cầm nên người đàn phải nhớ chính xác vị trí các nốt trên cần đàn. Vĩ cầm là loại nhạc cụ vừa bình dân vùa quí phái, tuy nhỏ nhắn, gọn nhẹ nhưng âm thanh thì cao vút từng mây. Tôi rất ngưỡng mộ người chế ra loại nhạc cụ này cũng như rất phục tài chơi đàn của ông Ba Lô. Cuộc đời khá ngắn ngủi nhưng kỳ lạ của ông như được kết hợp bởi bốn loại hình: quân nhân, thợ săn, nghệ sĩ và nhà tu.
Nhưng rồi cái gì cũng chỉ một thời, rằng thế gian này mọi vật đều vô thường. Những tiếng súng ác liệt của những người thợ săn năm xưa cũng đã chìm trong tịch lặng khi tất cả đã đi vào thiên cổ. Ông Ba Lô cũng vậy. Ông mất năm 1983 tại Ban Mê Thuột.
Ông Ba Lô là ba của tôi.
PHAN NI TẤN
Có thể là hình ảnh về 8 người, mọi người đang đứng, ngoài trời và văn bản
Ly Trinh, Nguyên Lê và 180 người khác
75 bình luận
14 lượt chia sẻ
Thích
Bình luận
Chia sẻ

75 bình luận

Phù hợp nhất

  • Lê Thị San
    Mình biết Ông Ba Lô ,ba của Thanh.Nhà đường Tôn Thất Thuyết ngay góc hẻm thông qua Nguyễn Thái Học.Trong nhà trưng bày đủ các loại sừng,gạc...thú rừng.
    4
    • Yêu thích
    • Phản hồi
    • 1 tuần
    • Đã chỉnh sửa
  • Cũng Chẳngsao
    bài hay quá anh
  • Phạm Mai
    Mình rất thích bài năm mới của PNT
  • Minh Vy
    Truyện xưa bây giờ kể
  • Mặc Phong Trần
    Buôn Dur ở đâu vậy chú ?
    2
  • Mẫn Phong Sơn
    Cám ơn anh đã chia sẻ
  • Nguyễn Văn Bộ
    Buông bỏ cung tên...sớm hôm kinh kệ của Ông theo nếp thiền môn là bài học quý , rất quý cho những ai còn mang tên săn bắn , bài hay 🌹
    2
  • Hoan Pham
    Bài viết hay quá ! Nó nhắc lại một thời Banme còn hoang sơ lắm thú rừng, nhớ những năm 65,66 ba em còn nằm trong bộ chỉ huy quân sự của quận Lạc Thiện cứ mỗi tuần đến thứ bảy là đi xe đò xuống thăm ba, hồi ấy quận Lạc Thiện còn hoang vu lắm, đi đường g… 
    Xem thêm
    6
    • Yêu thích
    • Phản hồi
    • 1 tuần
    • Đã chỉnh sửa
    • Kim Liên Phạm
      Hoan Pham cô Sĩ giờ vẫn còn ở trong xóm em, cô ở với mấy cậu con trai trong căn nhà ngày xưa
      2
    • Hoan Pham
      Cô Sĩ giờ này chắc cũng trên 80 tuổi rồi em nhỉ ? Con trai cô Sĩ thì anh chỉ biết Hiệp thôi nhưng nghe nói đã chết, còn những người em của Hiệp tụi nó hồi đó nhỏ quá nên anh kg nhớ .
      2
    • Kim Liên Phạm
      Hoan Pham dạ đúng rồi anh, chị Dung nhà em đã 80 thì chắc cô khoảng 85t hơn, a Hiệp mất lâu rồi, còn 2 cậu em nhỏ ở với cô, hồi đó toàn gọi tên ở nhà ☺️
    • Hoan Pham
      Gọi tên ở nhà giống như Xí, Mụi đó hả em ?
    • Kim Liên Phạm
      Hoan Pham vậy là anh còn nhớ ha 🤩😆
      Cô cũng ko nhớ tên em. Hễ gặp mà chào cô là phải xưng con mèo cô mới nhớ 😇
      • Thích
      • Phản hồi
      • 1 tuần
      • Đã chỉnh sửa
    • Hoan Pham
      Những kỷ niệm anh thường nhớ dai lắm ! Họ nói những người nhớ dai thường hay khổ ! Chắc cũng đúng đó em ạ .
    • Kim Liên Phạm
      Hoan Pham không nhớ chuyện mới mà chỉ nhớ chiện cũ là muốn già anh nha 😄😄
    • Hoan Pham
      Thì già rùi mờ ! U 70 rùiiii….
    • Thi Niệm
      Hoan Pham Em cũng biết A Báu cánh Thợ săn với A Việt 54 . Thú săn được đưa về nhà A Việt 54 ,cuối đường Y JUT rồi phân bổ các nơi ( Em biết rõ vì ở gần nhà).
    • Hoan Pham
      Cám ơn em ! Báu là người bạn thân của anh khi anh còn ở xóm Đạo Bmt ! Sau khi gia đình di chuyển đi nơi khác và về sg sinh sống kg gặp lại Báu một lần nào và cách đây khoảng 7,8 năm nghe tin Báu đã mất.
  • Lương Đình Đức
    Hay, hay lắm
  • Ngocchau Nguyen
    Nghe tiếng Ông Ba lô đã lâu,nay mới biết anh Phan Ni Tấn là con của Ông-thật tự hào.
    3
  • Hien Nguyen
    Còn một vị thợ săn , bác Ngũ mạnh Thập , nhà bác treo hình bác cầm súng săn chân đạp lên con cọp cái. Đọc đoạn văn của Tấn nhớ quá Banme” nơi đất củ đãi người mới
    3
  • Vo Thi Nguyen
    Tuyet voi qua.
    Doc cau cuoi, bat ngo va cang nguong mo.
    2
    • Yêu thích
    • Phản hồi
    • 1 tuần
    • Đã chỉnh sửa
  • Vy Xuan
    Sau ngày giải phóng BMT vào tháng 4/1975 mấy anh em vào dinh Bảo Đại chơi đến đàng sau nhà gác có một gian phòng khá rộng trên tường treo toàn sừng trâu, bò và da thú các loại đầy kín gian phòng, đây chính là nơi trưng bày các bộ sừng và da thú của vua Bảo Đại trong các cuộc săn bắn ở cao nguyên.
    4
    • Thích
    • Phản hồi
    • 1 tuần
    • Đã chỉnh sửa
    • Lý Mai Ly
      Vy Xuan , e cũng nhớ từng được vào căn phòng này. Thậm chí từng lên căn biệt thự ở Hồ Lak cũng còn nguyên bồn tắm, phòng gỗ lò sưởi và rất nhiều sừng cũng như da thú.
      Sau này chúng vào tay ai mà tan hoang hết chẳng còn chút gì 😞
      2
    • Vy Xuan
      Lý Mai Ly những ngày sau giải phóng loạn lạc, kg ai để ý mấy thứ đó, thời gian sau thì dân chúng vào thấy hay hay họ mang về chơi cho vui thôi, lúc đó đồ vật kg có giá trị gì, đồ dùng của mấy xưởng Mỹ đầy ra đó mà...
      2
      • Thích
      • Phản hồi
      • 1 tuần
      • Đã chỉnh sửa
  • Nhãn dán Thích Love, hand holding heart
  • Phu Nguyen
    Tôi có may mắn được đôi lần theo chân bác Ba Lô, chú Mười Kèn (đường Hoàng Diệu), chú Sỹ, anh Năm Anh (cổng số 1) trong những chuyến đi săn đầu thập niên 1980. Trên xe Jeep đường xa, nghe bác Ba Lô - ba của anh Ngoan Lão Phan Ni Tấn - kể nhiều chuyện đường rừng sơn cước. Độc đáo nhất là chuyện săn cọp : Năm 1967, được lệnh của Tỉnh trưởng Darlac phải có bằng được một bộ da cọp nguyên vẹn, dành biếu Tổng thống Thiệu khi ông kinh lý BMT. Bác Ba cùng nhóm thợ săn chuyên nghiệp nhất lên đường đến khu rừng trảng tranh Khánh Dương, thuộc tỉnh Khánh Hòa, nơi vang danh "Cọp Khánh Hòa, ma Bình Định". Ông kể lại "Khó nhất là phải bắn từ mắt này xuyên qua mắt kia, để bộ da không bị rách. Khi thấy hai mắt cọp thì không được bắn". Kết quả sau một tháng lặn lội rừng hoang, họ cũng bắn được một con như vậy, sau gần 30 con không vừa ý. Ghê thiệt !!
    15
    • Yêu thích
    • Phản hồi
    • 1 tuần
    • Đã chỉnh sửa
  • Trần Thị Nguyệt
    Bài viết hay và nhiều tư liệu về săn thú rừng ở BMT bây giờ mới biết !
    2
  • Tommy Nguyen
    Tui biết Ông Ba Lô, chú mười Kèn, theo lời truyền (miệng) mỗi lần đi bắn về, người làm chia thịt, nhìn vết đạn ở đâu là biết của người nào bắn không cần phải hỏi.
    2
  • Ly Trinh
    Tư liệu tuyệt vời a. Xứ Thượng
    • Yêu thích
    • Phản hồi
    • 1 tuần
    • Đã chỉnh sửa
  • Hai Dangngoc
    Mới đọc phần đầu đã cảm nhận văn phong của anh Ngoan Lão , nhưng đến câu kết và tên tác giả Phan Ni Tấn cũng thấy bất ngờ.😋😛😍
    4
  • Nhãn dán Không hối tiếc An image in the traditional American tattoo style. It depicts a hand with long red nails holding a red rose.
  • Nhãn dán Không hối tiếc An image in the traditional American tattoo style. It depicts a hand with long red nails holding a red rose.
  • Kim Thịnh Dancer
    Bài viết giá trị quá...e là dân Buônmathuot đây mà đọc còn thấy lạ luôn á
  • Nguyen Thai Hai
    TH biết vk bác Ba Lô nay vẩn còn ở CaNaĐa củng hơn 90 rồi ,, chị của Bích Kim cf Bang Khuâng👍
    2
    • Thương thương
    • Phản hồi
    • 1 tuần
    • Đã chỉnh sửa
  • Phi Toan
    Tuyet vời!
  • Nga Banh
    Câu chuyện quá hay.
    Ước gì được đọc mấy bài về voi một ngà . 😃😃😃
  • Uyen Lan
    Hay lắm ạ ! Có chuyện giờ mới biết !
  • Nguyễn Thái
    Bài viết rất hay , em cảm ơn anh Đạt và tác giả nhé !
    2
  • Ngà Tô
    Hay quá!
  • Dung Ho Van
    Bài viết hay !
  • Thi Niệm
    Cảm ơn A Xứ Thượng nhiều, bài viết này Em nhớ một thời ở gần nhà, Cánh Thợ săn nên được hưởng xái hơi nhiều 😀😀😀
  • Bình Nguyễn
    Truyện "Thú rừng Tây Nguyên" của nhà văn Thiên Lương là 1 tác phẩm rất sinh động của tuổi thơ. Nhà ông ở Phan Chu Trinh, ông là chú của Hữu Ước thì phải....
  • Hoàng Oanh Vũ
    Hay quá !
  • Phan Ni Tan
    Cám ơn Đạt.
    2
  • Hồ Thị Bích Kim
    Vì voi một ngà mà Bích Kim mất đi một người anh quá dễ thương : Hồ Tống Minh , anh tôi cùng ông sanh ở Sài gòn lên BM , anh Mười Kèn , anh Sĩ anh Minh bắn ngay đầu con voi ngã.lăn ra chết voi rất to trên một tấn thế là từ đó anh tôi đi săn tiếp . Nghiệp tới đỡ không kịp . Anh tôi bị mìn chết luôn tại chỗ .
    3
  • Hồ Thị Bích Kim
    Mạ tôi biết nghiệp cấm hoai mà không được .
    2
  • Le Ngoc Hoa
    Bài viết cực kỳ sống động, gợi lại hình ảnh thuở hồng hoang Ban Mê Thuột .Ba tôi cũng rất thích săn bắn , cứ mỗi chiều thứ 7 mỗi tuần là cụ tụ tập bạn bè cùng sở thích đi vào rừng.Đêm chủ nhật đem về lủ khủ sản phẩm và thường các cụ nấu nướng ở nhà bá… 
    Xem thêm
    5
    • Đỗ Minh Hương
      Le Ngoc Hoa em nhớ ngày xưa lắm trong nhà Cô có con beo nhồi bông rất đẹp do bác Nghĩa săn được!
    • Le Ngoc Hoa
      Đỗ Minh Hương Ừ! Nhớ xưa 2 nhà mình thán thiết lắm, đi chơi đâu cũng bố chị lái 1 xe, bố em lái 1 xe...nhất là cuối năm bố em và bố chị vào thác Drayling chặt mai về chơi tết cho cả xóm.
      2
    • Đỗ Minh Hương
      Le Ngoc Hoa bây giờ vẫn là hàng xóm nằm gần nhau … mỗi lần em đi thăm mộ đều thắp hương cho cả hai nhà luôn đó Cô 💞💞💞 tình cảm quí báu của 2 nhà nhớ mãi không quên!
    • Le Ngoc Hoa
      Đỗ Minh Hương Cô cũng vậy! Ra đó là bao giờ cũng thắp nhang cho các cụ gia đình em.
      2
  • Đỗ Minh Hương
    Bài viết rất hay cảm ơn Anh Xứ Xứ Thượng và anh Phan Ni Tan 👍👍👍
  • Nguyen Hang
    Bài viết hay anh ơi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét