Hồ Lăk - khu vực lưu dấu chân Vua Bảo Đại cùng thứ phi Mộng Điệp ngày nào... còn được ví là “hồ thủy quái” vì cá sấu khổng lồ nhung nhúc hiện diện ở khắp nơi!
HỒ THỦY QUÁI
*N.Thành Dũng
...
... Để hàm thụ được những tinh túy của “hồ thủy quái” năm nào, khi đến Lắk, chúng tôi đã đi sâu vào các buôn làng của người M'nông Rlăm, sống quanh hồ như buôn Jun, buôn M'liêng và được nhiều người già khoản đãi những chuyện kỳ thú thuở hồng hoang. Trong trí nhớ của mình, già làng Ama Nhăm, 67 tuổi, mô tả thuở còn nhỏ đã thấy bao quanh hồ Lắk là rừng rậm ngút ngàn, cây đại thụ hằng mấy người ôm trải dài tít tắp, muông thú nhiều vô kể với tầng tầng lớp lớp. Trên cao nào là đại bàng, chim ưng, hồng hoàng bay kín trời. Thấp hơn là khỉ, voọc các loại, thấp hơn nữa thì là cọp, beo, heo rừng, trăn, rắn…
"Vào những đêm trăng sáng, rất dễ thấy thú rừng ra mép hồ uống nước nhiều lắm. Thú nhỏ rình thú lớn, thợ săn thì săn thú bằng cách phóng lao, bắn ná có tên tẩm thuốc độc, muốn săn con gì là có con nấy" - già Nhăm hào hứng.
Tôi hỏi già Nhăm và một số người già khác ở buôn M'liêng và buôn Jun chuyện về những tháng ngày Vua Bảo Đại cùng thứ phi Mộng Điệp bám khu vực rừng Mê Vạn nói chung, hồ Lắk nói riêng săn thú ngắm "thủy quái", hầu như chẳng ai biết gì. Những người già chỉ biết rằng ngày trước, dưới lòng hồ Lắk sấu nhiều vô kể. Đã vậy, sấu dữ, sấu to khỏe mặc sức vật bò bắt trâu, có khi còn quần nhau với mãnh hổ khi chúa sơn lâm ra bờ hồ uống nước".
Các già làng kể rằng do sấu bản tính hoang dã, tinh quái, cọp còn chẳng sợ nên chẳng ai dám mạo hiểm tắm lội mặc sức như bây giờ. Ngay cả voi cũng chẳng dám lội hồ bởi sợ cặp hàm sắc bén như dao cạo của loài cá nước ngọt khỏe mạnh, hung dữ như mãnh hổ chốn rừng xanh. Và cũng nhờ có nhiều sấu dữ như vậy, chẳng ai dám quấy quá, săn bắt bừa bãi nên hồ Lắk một thuở tôm cá nhiều vô kể.
Chiều ở hồ Lắk gió thổi lồng lộng. Hai ngày ở Lắk, 2 ngày hết cưỡi voi rồi cưỡi thuyền độc mộc ở cái "hồ thủy quái" ngày nào, bên cạnh những hình ảnh của một thời quá vãng rừng nhiều thú - hồ lắm cá và “thủy quái” như lá rừng, chạnh lòng khi được nghe những cư dân bản địa thổ lộ những tâm sự buồn trước thực trạng hồ Lắk ngày càng bị xâm hại, tàn phá thê thảm với nạn ô nhiễm, nạn phá rừng, nạn đánh bắt thủy hải sản bằng các biện pháp diệt chủng… ngày một leo thang.
Anh Vũ Minh - hướng dẫn viên Công ty lữ hành Tây Nguyên Xanh có trụ sở ở TP HCM khi đưa khách đến Lắk tham quan, cho biết qua những tư liệu xưa, rất nhiều khách háo hức muốn đến "hồ thủy quái" nơi từng lưu dấu bước chân quân vương và thưởng thức những sản vật nơi đây một lần cho biết nhưng hỡi ơi, dẫu dân dắt tour như anh cố gắng thiết kế hành trình sao cho thật ấn tượng nhưng khi về du khách ai nấy đều chán chường bởi “hồ thủy quái” nay chẳng có con “thủy quái” nào: "Và rất nhiều người tỏ ra thất vọng khi nghe tôi thú thật rằng cá thác lác từng là đặc sản ở hồ nước ngọt lớn nhất Việt Nam này nhưng do hồ ô nhiễm, do nạn đánh bắt tận diệt nên chúng nay gần như tuyệt chủng. Chả cá thác lác mà du khách ăn là cá nhập đến từ nơi khác!".
Mặt hồ Lắk bị băm nát bởi đăng, đó mà người dân cắm bắt cá dày đặc. Lắm đoạn người dân đổ đất lấn chiếm xây nhà lập vườn sinh hoạt chen chúc, xô bồ làm mất đi vẻ thơ mộng vốn có của hồ. Trước đây quanh hồ Lắk có đến gần 14.000ha nhưng nay chỉ còn khoảng 10.000ha nhưng chất lượng rừng kém và con số này ngày càng có dấu hiệu bị sụt thê thảm…, đó là một phần những gì mà một số cơ quan truyền thông đang gào thét cho "hồ thủy quái" ở Tây Nguyên.
Giữa màn mây xám ấy, câu chuyện về loài cá sấu Xiêm vì thịt ngon, da có giá trị trong việc sản xuất hàng xa xỉ phẩm có giá trị thương mại cao như ví, thắt lưng đã bị người ta truy sát để rồi số lượng ngoài tự nhiên giảm tới mức cạn kiệt, trên 90%, khiến những ai quan tâm đến câu chuyện "báu vật sống" ở "hồ thủy quái" trĩu lòng, nhất là khi hay tin chúng biến mất gần như hoàn toàn ở những nơi người ta từng ghi nhận sự hiện diện đông đúc của họ nhà chúng như Bầu Sấu ở Vườn Quốc gia Cát Tiên (Lâm Đồng), hồ Ea Lâm ở huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên… và hồ Lắk!
Nếu được sống, được trở lại thăm vùng đất thần tiên với muông thú nhiều vô kể, “thủy quái” nhiều vô kể từng lưu dấu bước chân mình để rồi chứng kiến những đổi thay đáng sợ này, chợt nghĩ chắc Vua Bảo Đại và thứ phi Mộng Điệp hẳn là sẽ buồn lắm!
N.Thành Dũng (thanhdung_pv@yahoo.com)
*Trích đoạn trong bài "Hẩm hiu số phận “hồ thủy quái” của N. Thành Dũng đăng trên https://antg.cand.com.vn/.../Ham-hiu-so-phan-ho-thuy.../
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét