Nhớ về Banmê xưa... nhìn lại hình ảnh trường Vinh Sơn, trường La San, trường Sư Phạm Cao Nguyên...
BẠN CÒN NHỚ HAY ĐÃ QUÊN ?
*Hoàng Đình Phú
Có nhiều chuyện xảy ra quá lâu rồi. Chẳng hạn gần năm mươi năm về trước. Bạn có nhớ chắc chắn về một sự kiện gì đó trong cuộc đời mình không? Có thể bạn nhớ mang máng hoặc quên khuấy đi mất chăng. Chẳng hạn hồi đó mới bắt đầu đi học . Tôi nhớ mình đã học trường Tiểu học Vinh Sơn , ngay Ngã Sáu Ban Mê do các Ma Sơ giảng dạy. Tôi nhớ chắc chắn như vậy. Vì tôi còn nhớ rõ tại trường Vinh Sơn ngày đó. Mỗi buổi sáng lúc ra chơi . Mỗi học sinh đều được phát một ổ bánh mì có kèm theo sữa bột miễn phí tại nhà lục giác kế sân trường. Vậy mà khi kể chuyện này với các bạn nữ lớp chúng ta. Có bạn lúc trước có học trường nữ Vinh Sơn. Có bạn nói với tôi “ Làm sao hồi đó Vinh Sơn có học sinh nam được. Chắc hồi đó bạn đi học phải mặc váy quá”. Nhưng mà chuyện học hành làm sao tôi có thể nhớ sai được. Sau khi học thời gian ngắn tại trường Vinh Sơn . Tôi đã chuyển qua học học Tiểu học La San Lam Sơn. Chắc lúc đó có thể học cùng một số bạn bè sau này lên La San đồi Ban Mê. Nhưng hồi đó còn bé quá . Nên chắc chẳng có ai nhớ được ai đâu. Khi năm 1964 Trường La San đồi bắt đầu khai giảng những lớp đầu tiên. Thì tôi chuyển về học tại La San đồi cho gần nhà.
Thực sự nhà của tôi từ trước tới nay là trong hẻm ngay đầu cầu La San. Khu dân cư gần cầu, ngày trước gọi là khu “ Cổng số 2”. Còn trong xóm nhỏ đầu cầu gọi là xóm “ Bà Thà”. Bà Thà là mẹ của bạn Nguyễn Hữu Phước học La San đồi cùng lớp với tụi mình. Bạn Phước có một kỷ niệm khó quên và khó kể lại với cô Hương dạy Toán hồi lớp 6. Bạn đã mất sau 1975. Bà Thà có một dãy nhà gần cầu ngay đầu xóm. Nên xóm tôi được mang tên của bà ta. Khu nhà của bà Thà hiện nay đã bán hết cho người khác. Mọi người trong gia đình không còn ở tại đây và đã chuyển đi nơi khác. Tại sao tôi ở “ Cổng số 2” mà lại lên phố học tại trường Vinh Sơn và La San Lam Sơn. Để tôi kể rõ cho các bạn. Đó là vào khoảng năm 1963, ở cuối xóm tôi người ta cho đắp một con đập lớn, chặn dòng suối chảy qua cầu La San để làm đập thủy điện. Nên khi nước dâng lên ruộng vườn nhà tôi và trong xóm ngập hết. Ba tôi lo xa nên mua một căn nhà gần nhà Thầy Luyện, gần trường Tiểu học La San Lam Sơn. Nhưng kế hoạch đập thủy điện chỉ là ảo tưởng. Chỉ sau một cơn mưa lớn, nước suối dâng lên. Đập bằng đất chịu đựng không nổi vỡ tan tành. Khi đập bị vỡ , nước rút nhanh, cá theo dòng không kịp, vướng lại trong vườn rẫy rất nhiều.. Do đó dân trong xóm tôi được một ngày bắt cá thoải mái. Khi đập bị vỡ gia đình tôi lại chuyển về chỗ ở cũ.
Hồi trước 1975, đoạn đường từ cầu La San di xuôi xuống Duy Hòa cách khoảng hai cây số, rất vắng vẻ , lâu lâu mới có một chiếc xe di chuyển qua lại. Hai bên đường là khu dân cư thưa thớt, hoặc là vườn rẫy của người dân. Tôi xin được kể lại những địa điểm hồi trước 1975 trên đoạn đường này có thể có kỷ niệm với ai đó. Nhưng gần 40 năm đã qua. Với sự phát triển của đô thị. Những địa điểm đó giờ không còn nữa. Nếu có chỉ trong ký ức của mỗi chúng ta.
Ngay cổng trường La San xuống là hồi trước là khu Ba Toa ( Hiểu nghĩa tiếng Việt là lò mổ) . Do ông Tổng Luyện làm chủ. Tôi nhớ ông Tổng Luyện có lẽ là một người Tây học. Có lần tôi nghe ông phát biểu tại một đám cười. Khi nói ông ta hay chêm nhiều câu tiếng Tây . Tôi còn nhớ ông Tổng Luyện có một người con tên là Bình, học La San đồi dưới chúng ta một lớp.
Kế khu Ba Toa là bến xe Lam. Khi đó phương tiện đi lại đâu có nhiều như bây giờ. Nên muốn từ khu “ cổng số 2” lên phố cách khoảng hơn 2 cây số người dân thường đi xe Lam.
Đi xuôi xuống một chút là Buôn ALê B. Lúc trước đơn thuần chỉ là một buôn làng của đồng bào dân tộc. Đi trên đường ta thấy hình ảnh những nhà rông dài và sinh hoạt của đồng bào dân tộc tại đây. Hiện nay mặt đường của của buôn này đã hình thành chợ Ea Tam. Sinh hoạt buôn bán khá tấp nập và giá đất ở mặt đường đoạn này rất cao. Đối diện với buôn ALê B. Ngay ngã ba vào Ea Kao bây giờ hồi trước có một xưởng cưa gỗ rất lớn tên là “ Lợi Quyền”. Hồi nhỏ chúng tôi thường vào các xưởng cưa này mót gỗ, vỏ cây hoặc mạt cưa để về làm nguyên đun nấu. Chủ xưởng cưa là một người đàn ông rất dữ, thường hay xua đuổi khi chúng tôi vào trong xưởng. Khu xưởng cưa này bây giờ đã trở thành khu dân cư và hoa viên.
Xuôi xuống nữa là trường Sư Phạm Cao Nguyên ( Hiện giờ là trường Đại học Tây Nguyên). Trường Sư Phạm Cao Nguyên được người Hà Lan tài trợ xây dựng xong vào khoảng năm 1972. Với khuôn viên nho nhỏ, với những mái nhà dốc đứng theo phong cách mái nhà dài của đồng bào dân tộc rất đẹp và dễ thương. Bây giờ trường Đại Học Tây Nguyên đã sửa chữa và xây dựng thêm rất nhiều. Nên không còn nhìn thấy dáng dấp của Trường Sư Phạm Cao Nguyên ngày trước. Hiệu trưởng đầu tiên của trường Sư Phạm Cao Nguyên là ba của bạn Vương Quang Thái ( Trong hình chụp lớp 8 bạn Thái đứng cạnh bạn Chí Lâm). Bây giờ không biết bạn Thái đang ở phương trời nào.
Đối diện Trường Sư Phạm Cao Nguyên là xưởng cưa Châu Khen của một người Tầu. Trong xưởng hồi đó có một vườn thú nho nhỏ của xưởng. Nuôi nhưng con thú nhỏ như : Chồn , cáo, công, chim,…Còn nhớ hồi đó trong vườn thú đó có một con gà ba chân. Chúng tôi rủ nhau tới xem mãi. Khu đất rộng của xưởng bây giờ chia năm xẻ bảy. Một phần làm cơ quan nhà nước, một phần làm nhà sách Tây Nguyên, một phần phân lo bán thổ cư.
Một địa điểm lúc trước chúng ta hay tổ chức đi picnic trên đường này là “ Cốc Lâm Tuyền” . Hồi đó khu này chỉ có một cái chùa nhỏ và dòng suối ở đây rất trong xanh. Hai bên bờ suối cây cối mọc xanh tốt , mát mẻ. Chùa này có một thời gian bạn Đậu Đình Phú lớp chúng ta, lúc trước ở Duy Hòa I mua lại làm nhà ở, sau bán lại cho người khác. Khu “ Cốc Lâm Tuyền” giờ trở thành khu dân cư . Dòng suối trong xanh ngày trước giờ đã cạn nhiều. Cây cối hai bên bờ không còn nữa. Nếu có chỉ còn là trong ký ức mỗi chúng ta mà thôi.
Một chút hoài niệm về những địa điểm ngày xưa cũ. Giờ nếu bạn có trở lại nơi đây cũng không hình dung ra được...
Hoàng Đình Phú
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét