Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Thứ Hai, 17 tháng 1, 2022

THU VỀ CHO TÔI NHỚ *Hoàng Thị Tố Lang

 

12 tháng 1 lúc 14:06 
Đã chia sẻ với Công khai
Công khai
Đến rừng khộp mùa này, là đang bước vào mùa đẹp nhất trong năm. Nhìn một mùa thay lá nữa lại về... làm nhớ đến những mùa thu trong sách vở ngày xưa...
THU VỀ CHO TÔI NHỚ
*Hoàng Thị Tố Lang
Kính dâng hương hồn cô Dương thị Hồng Diễm - Vị Thầy mà tôi hằng thương mến.
HTTL
Đêm qua dễ chừng đến 2 giờ tôi mới chợp mắt được, vậy mà 6 giờ sáng tôi đã thức giấc. Tung chăn dậy. Tôi khép nhẹ cửa phòng bước ra ngoài. Không thể ngủ thêm nữa nhất là buổi sáng chủ nhật. Cái thói quen đã từ bao năm nay là như thế. Một buổi sáng chủ nhật cho riêng mình. Tôi thích một mình như thế nầy trong sáng nay. Bên tách cà phê. Hớp từng ngụm nhỏ tôi đưa mắt nhìn qua song cửa. Thành phố tôi ở gió nhiều quá. Đêm qua gió ơi là gió. Không ngủ được, tôi nghe cả tiếng gió lùa qua khe cửa. Lá vàng sáng nay rụng nhiều quá, phủ đầy sân. Trải vàng khắp lối đi. Mùa thu đã về tự bao giờ.
Tôi đến thành phố nầy cũng một buổi chiều thu của 30 năm về trước. Lạc lỏng. Bơ vơ. Chiếc áo khoác của cơ quan từ thiện cho không đủ ấm. Từng cơn gió lướt qua cho lá vàng bay, cho tôi co ro, cho tôi bậm môi, buồn tủi. Một chút ngậm ngùi nào đó cho tôi nghe mằn mặn bờ môi. Lá vàng cả thành phố. Lá bay trong gió. Tôi ngất ngây trước cái đẹp não nùng của mùa Thu xứ người mà lần đầu tiên tôi nhìn thấy trong đời.
Rạch Giá quê tôi hai mùa mưa nắng, cho tôi say mê mùa Thu qua sách vở, qua bài Giảng văn đầu tiên của năm xưa mới bước vào ngưỡng cửa Trung Học "Hàng năm cứ vào cuối Thu lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc. Lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường... Buổi mai hôm ậy. Một buổi mai đầy sương thu và gió lanh. Mẹ tôi âu yếm nắm lấy tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường nầy tôi đã quen đi lại lắm lần nhưng lần nầy tự nhiên tôi thấy lạ Cảnh vật chung quanh đều thay đổi vì chính lòng tôi hình như có sự thay đổi lớn. Hôm nay tôi đi học". Cái áng văn mượt mà ấy đã theo tôi suốt chặng đường học sinh cho mãi đến ngày hôm nay và hình ảnh cô giáo sư trẻ tuổi với vóc dáng nhỏ nhắn, xinh xinh và với bài Giảng văn đầu tiên đã ướp hình ảnh mùa thu vào tâm hồn tôi từ thuở ấý và suốt 3 năm liên tiếp của bậc Trung học tôi đã được nghe từ cô, say mê nhừng mùa thu tuyệt vời của bao thi nhân mà Cô đem vào lớp học như:
"Trận gió thu phong rụng lá vàng .
Lá bay hàng xóm lá bay sang
Vàng bay mấy lá năm già nữa.
Hờ hững ai xuôi thiếp phụ chàng "(Tản Đà)
Ngày đó trong những bài thơ mùa Thu tôi yêu nhứt ngày ấy là Tiếng Thu của Lưu Trọng Lư. Chỉ một bài thơ thật ngắn mà lãng đãng cả một trời thơ mộng.
"Em nghe chăng mùa Thu.
Dưới trăng mờ thổn thức.
Em nghe chăng rạo rực
Hình ảnh kẻ chinh phu.
Trong lòng người cô phụ
Em nghe chăng rừng thu
Lá thu kêu xào xạc
Con nai vàng ngơ ngác.
Đạp trên lá vàng khô.
Rồi từ Tiếng Thu Cô dẫn học trò đi vào thế giới của Chinh phụ ngâm
Hồn tử sĩ gió ù ù thổi.
Mặt chinh phu trăng dõi dõi dòi soi.
Chinh phu tử sĩ mấy người.
Nào ai mạc mặt nào ai gọi hồn"...
Tôi bồi hồi xao xuyến với cả một trời kỷ niệm đi về...Hay buồn hơn Thu về, se sắt cõi lòng ly biệt của Tản Đà
Từ vào thu đến nay
Gió thu hiu hắt
Trăng thu đẹp
Sương thu lạnh, khói thu xây thành
Lá thu rơi rụng đầu ghành
Song thu đưa lá bao lần biệt ly...
Mùa thu về! Cho sáng nay tôi nhớ Cô vô chừng là nhớ. Nhớ từng câu thơ cô đọc. Nhớ cô với gió thụ. Nhớ cô với bàng bạc trăng thu. Nhớ cô với đôi mắt tròn xoe, xinh như búp bê. Nhớ Cô với những dòng thơ đa cảm đa tình. Không biết cô ngày áy có tâm sự gì không mà sao những vần thơ cô đọc sao mà tha thiết quá
"Em là gái bên song cửa.
Anh là mây bốn phương trời" (LTL)
hay não nùng hơn với:
"Đưa người sao không đưa qua sông.
Sao có tiếng sóng ở trong lòng. Bóng chiều không thắm không vàng vọt.
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong... (Thâm Tâm)
hoặc Mõi Mòn của Thanh Tịnh mà hai câu cuối của bài thơ giọng cô chùn xuống, hụt hẩng nào nề...
Ngựa hồng đã tới bên hiên.
Chị ơi trên ngựa chiếc yên vắng người.
Dươi ánh mắt của con bé học trò lớp Đệ Thất thôi mà từ ngày ấy tôi đã xem cô như một thần tượng. Cho tôi dệt ước mơ. Cho có lần tan học về nhà tôi thỏ thẻ với Má "Má ơi sau nầy lớn lên con sẽ làm Cô Giáo nghe Má". Rồi bao năm trôi qua. Ươc nguyện ngày còn thơ đã thành tựu.Tôi đã trở lại trường xưa làm cô giáo như Cô. Tôi đứng trên bục giảng như cô ngày nào và tôi say sưa đọc biết bao lần bài giảng văn của Thanh Tịnh năm xưa cho học sinh của tôi mỗi khi niên học mới bắt đầu.
Sau 1975, đắt nước đổi thay. Tôi và Cô còn ở lại. Cô trò tôi vẫn đến trường đi dạy như xưa. Nhưng bài giảng văn năm xưa tôi không còn có lần đọc cho học trò nghe ở buổi tựu trường nữa. Cuộc sống hiện tại là đầu tắt mặt tối, là vật lộn với miếng cơm manh áo, là chắt chiu từng giỏ đồ đi thăm nuôi, là những chuyến tàu ra khơi đi tìm một nơi chốn dung thân ở một vùng trời lạ xa khác. Những chiếc áo dài xinh đẹp một thời của Cô của tôi đâu rồi. Còn đâu hình ảnh con nai vàng ngơ ngác năm xưa. Cho đến năm 1978 lúc đó phòng Giáo Dục Tỉnh triệu tập một buổi gặp gỡ tất cả thầy cô giáo với nhà thơ Lưu Trọng Lư. Buổi chiều đó nơi tầng dưới của trường NTT cũ lần đầu tiên tôi diện kiến tác giả của Tiếng Thu. Bằng tất cả niềm tự tin nhà thơ giới thiệu mình bằng sự nhắc nhở bài Tiếng thu năm xưa với mọi người .Tôi còn nhớ ông bảo "Có lẽ trong tất cả các bạn có mặt trong hội trường hôm nay tôi nghĩ không ai là không có lần nghe qua tiếng Thu của Lưu Trọng Lư". Hội trường vỗ tay như một lời chào mừng nhà thi sĩ mà lân đầu tiên mọi người gặp mặt. Tác giả đọc lại bài thơ xưa mà từng câu, từng chữ như ru hồn người về một bến bờ mộng mơ năm nào mà giờ đây đã như xa xôi lắm rồi. Ôi mùa Thu ngày ấy đã xa. Chỉ còn chăng chút dư hương ngày tháng cũ. Tác giả bảo đó là bài Tiếng Thu 1 được sáng tác năm 1939 trước Cách Mạng mùa thu. Thời gian sau tác giả ý thức được về hình ảnh của người thanh niên trong chế độ mới ông đã sáng tác một bài cũng là Tiếng Thu. Đó là Tiếng thu 2. Tôi còn nhớ bài thơ như sau
Mắt bàng hoàng
khóc trước mảnh gương soi
Xa chưa... Xa chưa
cánh bèo trôi dập dờn sóng nước
Hết rồi những đau buồn đêm trước
Lá vàng không rụng nữa
lá vàng ơi
Và con nai vàng
không còn ngơ ngác nữa em ơi.
Cả hội trường im phăng phắc. Tác giả đọc lại từng câu và và nhấn mạnh đến tai sao "con nai vàng không còn ngơ ngác nữa". Tác giả nói nhiều lắm. Cái phân tích. Cái lập luận sắc bén nhuốm màu sắc chính tri, đứng trên lập trường của XHCN làm mọi người hụt hẩng. Tôi tự hỏi “Bài thơ một phần nào có phải chăng là nỗi lòng của tác giả. Ngay câu mở đầu của bài đà cho ta thấy ngay cái khắc khoải, niềm đau của chính mình khi nhìn lại mình trước mảnh gương soi...Tôi không muốn nhắc lại. Tôi chỉ thấy thương cảm. Một chút tội nghiệp nào đó cho thân phận con người trong một chế độ. Cái bẽ bàng của người cầm bút. Phải bẻ gãy ngòi bút để sinh tồn. Có người nghe xong bài thơ trên bảo nhỏ với nhau rằng tiếng thu đã chết. Tác giả của con nai vàng ngơ ngác năm xưa thật sự đã chết rồi. Còn đâu Lưu Trọng Lư của
Vầng trăng lên mái tóc mây
Một hồn thu tạnh, mơ say hương nồng.
Mắt em là một dòng sông
Thuyền ta bơi lặng trong dòng mắt em. (Trăng lên, LTL)
Cô tôi cũng có mặt trong buổi chiều hôm ấy. Tôi không hiểu Cô nghĩ sao về bài thơ ấy. Riêng tôi con nai vàng ngơ ngác ngày xưa mãi mãi vẫn còn. Tiếng thu xưa và những sáng tác của Lưu Trọng Lư thời tiền chiến vẫn sống mãi trong lòng mọi người vì tôi nghĩ rằng chế độ phi nhân bản hiện tại không thể nào tạo được một LTL với những áng thơ tuyệt vời như thế, bằng chứng bài thơ Tiếng Thu 2 của ông hình như không có lần được nhắc nhở đến. Có thể theo cách diễn giải của người dân miền Nam bài thơ như một lời oán trách chế độ từ 2 câu mở đầu của bài thơ chăng và như nói lên tâm sự và nỗi lòng của người dân Việt Nam sau cuộc đổi đời của đất nước. Tôi chỉ suy luân như thế và có thể vì như thế bài thơ không được phổ biến rộng rãi và dường như không mấy ai biết đến và đã chìm vào lãng quên của mọi người.
Từ đó đến nay cũng hơn 30 năm. Chẳng biết các Thầy cô hiện diện trong buổi nghe thơ Lưu Trọng Lư có còn nhớ chăng bài thơ ấy. Riêng tôi, tôi xem buổi hôm xưa đó như là một kỷ niệm cho môt lần được gặp nhà thơ mà mình hằng mến mộ. Thế thôi. Tôi chỉ biết và đọc thơ ông, yêu thơ ông của ngày tháng cũ. Tôi không cần biết và không cần tìm hiểu các sáng tác sau nầy của ông.
36 năm qua. Dòng đời biết bao thay đổi. Tôi lưu lạc xứ người đã bao năm. Sáng nay nghe thu về tôi chạnh lòng nhớ chuyện xa xưa. Tôi nhớ cô. Mấy năm trước lúc cô còn sinh tiền, có lần tôi nghe kể lại có người học trò Rạch Giá xưa về quê thăm nhà có ghé thăm Cô. Cô không nhớ anh học trò đó là ai nhưng Cô lại hỏi "Ở Canada mà em có biết Tố Lang không? TL cùng ở bên ấy". Tôi nghe người bạn thuật lại mà nghe lòng rưng rưng và tự hỏi. Không biết Cô còn nhớ bài luận văn đầu tiên của tôi ở năm Đệ Thất mà Cô cho điểm cao nhất và Cô đọc cho cả lớp nghe không? Bây giờ Cô tôi đã ra người thiên cổ. Ngày cô ra đi tôi không có ở bên nhà để thắp cho cô nén hương đưa tiễn sau cùng, nhưng cô ơi bài Giảng văn của Cô ngày nào vẫn còn đó. Mùa thu và những dòng thơ văn lãng mạn cô gieo vào tâm hồn em ngày thơ vẫn còn đó, dù em đi tận chân trời góc biển nào. Em vẫn nhớ. Cô ơi...
Đất khách Mùa thu 2010
Hoàng Thị Tố Lang
Có thể là hình ảnh về cây, bầu trời và thiên nhiên
San Lê Thị, Mai Le và 119 người khác
39 bình luận
Thích
Bình luận
Chia sẻ

39 bình luận

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét