Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Thứ Bảy, 15 tháng 1, 2022

CÓ MỘT DÒNG SÔNG *Nguyễn Thủy Nam

 

10 tháng 1 lúc 15:35 
Đã chia sẻ với Công khai
Công khai
Thầy giáo Nguyễn Giõng dạy chúng tôi môn Việt Văn, vào những năm lớp 10B1, 11B1 ngày xưa...
Bài viết về dòng sông tuổi thơ của Thầy ở quê ngoại Quảng Trị, với bút danh là Nguyễn Thủy Nam.
CÓ MỘT DÒNG SÔNG
*Nguyễn Thủy Nam
Trong cuốn biên khảo “Nguồn gốc Mã Lai của Dân tộc Việt Nam” Bình Nguyên Lộc cho biết rằng: tên xưa cũ của sông Thạch Hãn là Hằng giang. Người dân giả Quảng Trị thì gọi đó là con sông Hàn:
“Chẳng thơm cũng thể hương đàn,
Chẳng trong cũng nước nguồn Hàn chảy ra”
(Ca dao)
Cho dù tên gọi là gì gì đi nữa thì con sông nho nhỏ, có đoạn không đầy một trăm mét bề ngang, và chỉ dài hơn trăm rưởi km đó, vẫn lấp lánh trong lòng tôi những xôn xao, những rung động, những
âm vang rào rạt của bốn bề sóng vỗ; những đêm tràn ngập ánh trăng vàng; những ngày nắng hạ khô khốc với nắng, với gió lào thổi giật từng cơn, đem cái nóng dữ dội của núi rừng Trường Sơn huyền bí, âm u về thị xã.
Từ thế kỷ 19, nhiều lần qua lại sông Thạch Hãn, Tam Nguyên Yên Đỗ đã ghi tả cảnh đẹp“sơn minh thủy tú” của dòng Thạch Hãn trong ráng chiều và những ngọn gió Lào, chỉ có ở Quảng Trị, thường đem cát bụi về, làm vẩn đục cả dòng sông:
Thạch Hãn giang
Thạch Hãn giang lưu nhất trạo hoành,
Tịch hà yểm ái viễn sơn minh.
Tây phong hà xứ xuy trần khởi,
Bất dĩ niên tiền triệt để thanh.
(Nguyễn Khuyến)
Sông Thạch Hãn
Qua sông Thạch Hãn một tay chèo,
Rực ánh non xa quyện ráng chiều.
Trận gió tây về bay cát bụi,
Còn đâu năm trước nước trong veo.
(Nguyễn Thủy Nam dịch)
Bảng nhãn Võ Duy Thanh còn so sánh cái trong veo ấy của dòng Thạch Hãn với tâm hồn trong sáng, liêm khiết của những người làm quan thanh cao, luôn một lòng lo cho dân cho nước, đúng với quan niệm “tiên ưu - hậu lạc” của nhà nho:
Bụi hồng rong ruổi tới Trường An,
Nghe nói đâu đây suối Bạch Đàn.
Ấy cảnh tự nhiên ai khéo vẽ,
Mà kho vô tận lúc nào khan.
Bên đường xe ngựa nên dừng bước,
Mượn thú non sông cũng tạm nhàn.
Đây phải Liêm Tuyền chăng đó tá,
Muốn đem rửa ruột khách quan san.
(Cảm tác qua sông Thạch Hãn - Võ Duy Thanh)
Quê ngoại của tôi đó: Quảng Trị xứ “nắng lửa mưa dầu”, nơi người ta mệnh danh là xứ “đất nghèo cày lên sỏi đá”, với dòng sông mà tên gọi mang một ý nghĩa vô cùng độc đáo: Thạch Hãn “Mồ hôi của đá!”. Tên gọi đó như là một tiên tri, một định mệnh, một thông điệp định hình cho một xứ sở từ quá khứ đã có quá nhiều tang tóc, đổ nát, đau thương. Cũng theo Bình nguyên Lộc, dòng sông này đã có lần là biên giới thiên nhiên giữa Chiêm Thành và Đại Việt, dưới triều đại nhà Lý, sau khi người Chiêm cắt đất dâng Đại Việt ba châu Địa Lý, Ma Linh và Bố Chính để chuộc tội cho vua Chiêm Chế Củ (VNSL Trần Trọng Kim, trang 107, nxb Văn Hóa Thông Tin VN 1999). Ma Linh được biết nay là Gio Linh và Vĩnh Linh, Bố Chính là đất Quảng Bình - Đồng Hới, nơi mà địa danh này (Bắc Bố Chính, Nam Bố Chính) vẫn thường được nhắc nhở trong sách sử thời kỳ Trịnh - Nguyễn phân tranh. Vậy châu Địa Lý của Chiêm Thành xưa phải chăng nay là một phần đất Quảng Trị, đoạn từ phía nam Gio Linh đến bờ bắc sông Thạch Hãn? Về sau, vào đầu thế kỷ 14, dưới đời Trần, Quảng Trị được mở rộng thêm phần đất Châu Ô của Chiêm Thành, từ bờ nam sông Thạch Hãn đến tận sông Ô Lâu. Sông Ô Lâu này cũng nổi tiếng không kém gì sông Thạch Hãn vì đã đi vào thế giới tình tự ca dao qua bốn câu hò quen thuộc mà những người “dân mắm ruốc“ không ai không từng nghe qua:
“Trăm năm nhiều nỗi hẹn hò
Cây đa bến cộ con đò khác đưa.
Cây đa bến cộ còn lưa,
Con đò đã thác năm xưa kia rồi!“
Mạ tôi thì thường hò ru em là: “Con đò đã thác”, nhưng có người lại hò là “Con đò đã khác”. Theo tôi, cả hai từ “thác” và “khác” đều muốn diễn tả, nhấn mạnh đến ý nghĩa đổi thay. Nhưng tôi thích
nghe mạ tôi hò hơn! Vì chữ “thác” diễn tả ý nghĩa thay đổi quyết liệt, dữ dội hơn, phũ phàng, cay nghiệt và chua chát hơn: thay đổi bao hàm ý nghĩa tuyệt vọng: “tử biệt”; trong khi chữ “khác” gợi lên
ý nghĩa thay đổi nhẹ nhàng, an phận hơn, dễ thông cảm và chấp nhận hơn: “sinh ly”!
Và, bấy giờ, biên giới giữa Đại Việt và Chiêm Quốc được đẩy lùi đến tận đèo Hải Vân, qua sư kiện nàng công nương khuê các Huyền Trân đã hy sinh nhan sắc và cuộc tình riêng để đổi lấy hai châu Ô & Rí:
Hai châu Ô - Lý vuông ngàn dặm,
Một gái Huyền Trân của mấy mươi?
(Vịnh Huyền Trân công chúa - Thái Xuyên Hoàng Cao Khải)
Theo tôi, con đường đẹp nhất ở quê ngoại tôi là đường Gia Long, uốn mình nằm dọc theo bờ nam sông Thạch Hãn, từ cầu Vườn Bông đến trước chùa Tỉnh Hội; và điều kỳ lạ là ngôi chùa lớn nhất thị xã mà không có tên gọi riêng như những ngôi chùa khác trên đất nước Việt Nam: ví như chùa Ái Tử thì có môt cái tên rất kêu và rất quý tộc: “Sắc Tứ Tịnh Quang Tự” (do Chúa Võ Vương, Nguyễn Phúc Khoát xây dựng vào giữa thế kỷ 18), còn ngôi chùa lớn nhất tỉnh, đứng trên một dải đất cao, nhìn ra khoảng mênh mông bờ bãi cát vàng và thênh thang sông nước thì chỉ được gọi khiêm tốn là chùa Tỉnh Hội mà thôi! Tôi thường đi dạo với mấy đứa em, mấy bà chị hoặc với vài người bạn thân thương như Viên, Hương, Hằng, Thái, Dực, Tiết, Liên, Quang... trên con đường Gia Long đó. Chúng tôi thường thơ thẩn rong chơi dọc theo bờ sông, hoặc từ bến Lê Dương xuôi về tận Cổ Thành để ghé thăm nhà ngoại, hoặc đi ngược từ chùa Tỉnh Hội lên tới Vườn Bông, ngước mặt đón ngọn gió Nam mát mẻ như đã được ướp hương vị ngọt ngào của dòng Thạch Hãn, thổi rì rào qua hàng cây phượng vĩ, qua mấy bờ dương liễu, bao giờ cũng đứng mơ màng bên sông ngập nắng chiều. Con đường này cũng được các cô giáo trong Huế ra dạy học ở quê tôi đặt tên là “Đại lộ Hoàng Hôn”. Mà đúng như thế: con đường Gia Long chỉ đẹp vào buổi chiều tà, khi mặt trời ửng một mầu đỏ thắm, từ dãy núi Trường Sơn ở phía tây, ánh chiều hắt lên từ dòng sông, lấp lánh dát mầu vàng son lên cây cỏ, lên những hàng phượng vĩ nở đầy bông thắm, những rặng liễu già cỗi, nghiêng mình uốn éo những cành lá thanh mảnh và vi vu khúc nhạc hoàng hôn nghìn đời theo gió chiều...
Vào những đêm trăng, khung cảnh càng thêm tuyệt vời và quyến rũ: con đường Gia Long như một dải lụa đen, nằm e ấp cạnh dòng sông lóng lánh ánh trăng, sóng nước nhẹ khua làm gợn lăn tăn những đợt sóng vàng, sóng bạc, lô nhô, xô đuổi nhau, trôi tận về chợ Sãi, mờ mờ sương bay khói phủ cuối trời xa...
Những ngày hè nắng chói chang, sờ vào đâu cũng như phỏng lửa: hiên nhà, tường vách, mặt đường cho đến bàn ghế, giường chiếu, sách vở... chúng tôi thường rủ nhau nhào xuống bến Chợ tắm
bất kể giờ giấc: sáng - trưa - chiều - tối... hình như được đầm mình lặn hụp, bơi lội, đuổi bắt nhau trên dòng sông mát là một thú vui tuyệt vời không thể thiếu của tuổi thơ Quảng Trị. Nhưng nếu muốn
nhào lộn chúi đầu xuống nước thì phải rủ nhau lên bến Lê Dương, là bến khá sâu với cái cầu tàu cũ kỹ, de ra khá xa bờ. Tắm ở đó phải là những anh hùng sông nước, lặn lội như rái cá, có thể bơi một mạch qua phía làng Nhan Biều bên kia sông để bẻ trộm bắp non, đào trộm khoai và dưa hấu người ta trồng trên bãi cát pha, đem ra giữa sông, lấy đá đập vỡ dưa, vội vàng chia nhau ăn rồi cũng vội vàng bơi về phố để tránh bị dân làng ùa ra la mắng, đuổi bắt...
Những đêm mùa hè trời đất là một lò lửa thiêu đốt cả thị trấn như thế, không thể ngủ nghê gì được, mặc dù người hàng phố, dọc theo đường Gia Long, từ bến Chợ đến bến Sica, khoảng trước nhà
L.T.Viên, đã đua nhau đem giường chõng ra bờ sông rồi giăng mùng nằm ngủ một cách tự nhiên... như ở trong nhà mình! Cậu Mạ tôi thường thuê luôn cả một chiếc đò thật rộng và đem hết cả gia đình lớn nhỏ xuống ngủ đò (xin đừng lầm lẫn với cái thú đã hơn một lần bị ô nhiễm, hạ thấp: “ngủ đò ở Huế“).
Những lần được ngủ đò như thế với tôi là những kỷ niệm đẹp không thể nào quên: chủ đò chèo thuyền ra khá xa bờ, thường thì họ cắm sào giữa sông, không có thuyền xuôi ngược rao bán các thức quà đêm như trên sông Hương, nhưng dòng sông quê ngoại tôi chan hòa ánh trăng mát rượi, thênh thang gió về từ những khóm tre trúc, từ những bụi chuối bờ cau bên kia làng Nhan Biều, và đâu đây vang vọng mơ hồ những câu hò mộc mạc, âm thanh trôi lơ lửng trên sóng nước, giữa sương khói gió trăng, làm chuyển hóa huyền ảo và kỳ diệu những khung cảnh ban ngày tầm thường, quê mùa, thô tháp... thành những cảnh đẹp mông lung tuyệt vời ở chốn non Bồng nước Nhược xa xôi cổ tích, chỉ có trong chuyện thần tiên. Một lần được ngủ đò như thế, hồi tôi mới tám, chín tuổi, học lớp ba Trường Nam Tiểu Học Quảng Trị - thuở đó tôi còn chưa biết bơi - một đêm đò chèo ra giữa sông như thường lệ, mấy anh em tôi cứ nghịch ngợm bám vào mui thuyền, lần theo nẹp tre hai bên cạnh đò để đi. Mạ tôi la mắng mãi chúng tôi vẫn không chịu vào ngủ, chợt tôi sẩy tay rơi tòm xuống sông, chỗ đó chắc cũng phải sâu đến hơn hai thước... Cả nhà la toáng lên, các chị em tôi và mạ tôi kêu khóc rầm rĩ - dĩ nhiên tôi biết chi tiết này là nhờ sau này nghe kể lại - may mắn tôi bám được vào cây cọc tre neo chống đò, một tay bịt mũi thật chặt, vì ngây thơ tưởng rằng bịt mũi, ngậm miệng thì mình sẽ không bị uống nước và khỏi bị chết trôi. Tôi bỗng nghe một tiếng ùm thật lớn, tôi hoảng sợ, tưởng có thêm một đứa em bị rớt xuống nữa, bỗng một bàn tay đen ngòm chụp lấy tôi. Tôi hả miệng la toáng lên vì tưởng mình bị ma rà lôi đi, và lập tức, tôi bị uống nước sặc sụa... Khi được kéo lên, Ông Xạ Bị, người cứu tôi, hỏi: “Còn đứa mô dưới nớ khôn?”. Tôi trả lời tỉnh queo: “Dạ, chỉ có một mình tui thôi!”, làm cả nhà và mọi người phá
lên cười ầm ĩ, mặc dù ai nấy đang còn nhòe nhoẹt nước mắt, nước mũi... Sáng hôm sau, Mạ tôi dẫn tôi ra bờ sông, ngồi trên mấy tấm cầu ván của vạn đò, Mạ tôi lấy nón múc nước sông lên, bảo tôi uống bảy ngụm, theo đúng luật “nam thất nữ cửu”, vì người tin rằng nhờ uống nước sông hồn tôi sẽ nhập lại vào mình, nếu không, sau này tôi sẽ bị ngẩn ngơ, ngây dại suốt đời. Ôi! Lòng nguời mẹ thương con lúc nào cũng đằm thắm và tuyệt vời biết bao! Sau đó, mỗi lần ông Xạ Bị đến nhà tôi chơi, không đợi Cậu tôi sai bảo, tôi đã lanh chanh đi rót cho ông ta một ly rượu thuốc đầy tràn. Có lẽ bây giờ ông Xạ Bị đã qua đời từ lâu, nhưng mỗi lần nghĩ đến chuyện xưa, tôi như thấy lại thật rõ ràng khuôn mặt rỗ hoa, đỏ bầm, nồng nặc hơi rượu và đồng thời, cũng thấy được tấm lòng tử tế quý hoá của một người dân lam lũ, quê mùa ở vùng đất nghèo khó, khô cằn nhưng thắm đượm tình người. Về sau, ông nhiều lần kể lại: ông đã phóng mình bay qua hai chiếc đò, lao xuống vùng nước tối đen, kịp thời kéo tôi lên khỏi dòng sông định mệnh; vì vậy, chiếc đồng hồ ông đeo trên tay bị ngấm nước chết luôn... Ông vừa kể vừa cười hề hề, nhại lại câu trả lời tỉnh queo của tôi, mà không nhắc nhở gì đến cái đồng hồ, vì cứu tôi, ông phải tốn tiền chữa đi chữa lại nhiều lần.
Lòng sông Thạch Hãn thường rất cạn, nhất là vào mùa hè: chúng tôi có thể lội bộ qua sông, khoảng chỗ Bến Chợ hoặc khoảng chỗ trước Miếu Đôi, trước chùa Tỉnh Hội, băng xéo qua bãi cát làng Nhan Biều bên kia sông. Nhưng có ba chỗ thật sâu: đoạn sông chỗ Cầu Ga, Bến Hộ và trước Toà Sứ. Người lớn chỉ dám tắm và bơi lội ở Bến Sứ chứ không ai dám tắm ở Bến Hộ, nơi nổi tiếng nhiều ma! Đến nỗi, trong ngôn ngữ hằng ngày, người Quảng Trị có thành ngữ “Ma Bến Hộ“ đủ nói lên điều đó. Thuở nhỏ chúng tôi không bao giờ dám la cà rong chơi ở Bến Hộ. Nơi đó, lùm bụi um tùm như rừng: những khóm dứa dại cao quá đầu người lớn, chơm chởm đầy gai sắc, vươn lên như những bàn chân của những chú bọ ngựa khổng lồ, những bụi duối xanh um, rậm rạp, nhiều bụi môn hoang, táy dại mọc chen lẫn với vô số bụi mắc cở, cỏ tranh và cỏ may... với vô số cây đa, cây đề. cây gội, cây long não... cổ thụ làm không khí toàn vùng thêm ghê rợn, đe dọa những người yếu bóng vía hoặc những chú bé phường phố ưa nghịch ngợm, lang thang như chúng tôi... Mặc dầu hạt duối chín vàng trông tựa như hạt bắp, ăn khá ngọt nhưng bọn trẻ chúng tôi không có đứa nào dám vào Bến Hộ hái ăn. Lòng sông vùng Bến Hộ đầy những vực đá, nước chảy xiết, rất nguy hiểm cho thuyền bè qua lại trên khúc sông này. Nơi đó, đôi khi dân chài đánh bắt được những con cá Vược rất lớn, lớn bằng cả những đứa bé chín, mười tuổi!
Tôi vẫn nhớ in một kỷ niệm khó quên về giai thoại “Ma Bến Hộ”.
Đâu vào khoảng 1955, 1956 khi cuộc chiến Việt Pháp vừa chấm dứt, Cậu tôi và một số thân hào nhân sĩ Phường Đệ Nhất, tỉnh Quảng Trị, gom góp tiền bạc thuê người tìm đào những hài cốt vô thừa nhận của những tù binh Việt bị bọn Tây giết hại, vùi dập sơ sài, hoang tàn, lạnh lẽo... ở Vườn Bông và Bến Hộ. Cậu tôi phải bỏ hết công việc nhà hơn một tháng trời, dầm mưa dãi nắng, chỉ huy nhóm phu đào tìm được mấy chục bộ hài cốt, đem bỏ vào quan quách bằng gỗ có lót giấy hồng điều, mời thầy tụng kinh siêu độ và cải táng họ ở nghĩa địa La Vang. Vào ngày cuối cùng cuộc tìm đào, buổi chiều trước khi thu xếp thuổng, cuốc ra về, một người phu bỗng nhiên lên kinh phong, ngất xỉu. Sau khi được cứu tỉnh, anh ngơ ngác một hồi lâu, rồi đột nhiên kêu khóc và chạy đến quỳ lạy cậu tôi như tế sao:
“Lạy chú, còn sót một mình tui, xin chú đem tui đi cùng với bạn bè, kẻo một mình tui nằm ở đây lạnh lẽo tội nghiệp lắm!”. Cậu tôi kể rằng: mọi người ai nghe cũng bùi ngùi thương cảm và thấy gai gai lạnh ở sống lưng. Cậu tôi bình tĩnh ôn tồn hỏi: “Chú nằm ở mô thì chỉ cho chúng tôi biết, tôi mới đem chú đi được”. Người phu thắp một nén nhang, hoa hoa múa trên tay, đi như một người mộng du, vào khu vực giữa Vườn Bông và Bến Hộ, rồi cắm thẻ nhang vào mô đất sát kề một bụi dứa dại. Mọi người lại hì hục đào xới trong bóng chiều tà. Khi hố đào sâu khoảng hơn mét thì một bộ hài cốt gần như còn nguyên vẹn hiện ra. Thế là người bất hạnh cuối cùng rồi cũng được di chuyển về địa chỉ mới cùng với bạn bè, những anh hùng vô danh...
Bến Sứ, sở dĩ có tên gọi như thế là vì bến ở ngay trước Toà Công Sứ, sau này là Tòa Tỉnh Trưởng tỉnh Quảng Trị, bến được xây bằng những bậc thang đá ong đen, nước sông rất sâu, trong và xanh thẳm. Những người bơi lội giỏi, chiều chiều thường hay ra tắm ở đó. Bờ sông chỗ nầy khá cao và phủ đầy cỏ xanh. Dọc theo bờ sông trồng đầy dương liễu và phượng vĩ. Trước thành rào tòa Tỉnh là một đường cống gạch, tráng xi măng, rộng độ hơn một thước, sâu khoảng độ gần hai thước. Mùa hè năm 1956 hay 1957, một con min (bò rừng) có lẽ vì động rừng, từ núi rừng Trường sơn chạy về làng Nhan Biều, sau khi đánh chết con trâu cò dữ nhất làng, nó bơi qua sông và đuổi húc người lính gác trước cổng Tòa Tỉnh. Ông lính hoảng hồn vội vã leo qua hàng rào chạy trốn. Con Min nhảy qua theo, bị rơi xuống lòng cống và kẹt cứng ở đó, không thể cựa quậy gì được, nó kêu rống lên từng hồi tuyệt vọng! Toán lính kéo ra thật đông, nổ súng bắn chết con thú lạc rừng. Nghe đâu hai cái sừng cong cong, mầu trắng như ngà, dài đến cả nửa thước, được cưa ra, một cái dâng Tổng Thống họ Ngô, còn một cái thì ông Tỉnh Trưởng giữ làm kỷ niệm!
Vào mùa mưa lũ, chỉ trong một buổi, nước sông dâng lên rất mau. Dòng nước đục ngầu, nhuộm đỏ đầy bùn đất, phù sa, phình ra to gấp đôi, gấp ba lúc bình thường, chảy cuồn cuộn, cuốn trôi băng băng vô số cành khô, củi mục và lau sậy... từ rừng núi Trường Sơn đổ về. Dân vạn chài phải đưa thuyền đò chạy lụt vào tận khu chợ; họ cũng dùng thuyền tam bản không mui, mạo hiểm chèo chống đi vớt cây mục, củi khô... đang trôi dạt phăng phăng trên dòng nước lũ hung hăng, điên cuồng, gào thét, ào ào tuôn đổ về biển Đông. Vào những ngày mưa dầm lụt lội như thế, Mạ tôi thuờng mua từng mớ cá vụn như cá cấn, cá bầu, cá mại... cá nhỏ bằng ngón tay út, đủ loại, con nào con nấy no nóc cả một bụng trứng, Mạ tôi đem kho khô với tiêu, đường, nước mắm... ăn với cơm nóng rất ngon! Những ngày lụt lớn chúng tôi thường được nghỉ học vì có khi mưa gió, nước lũ đã cuốn bay mất mái tranh, tường phên bằng tre nứa hay bằng gỗ của lớp học. Khi lụt rút bớt, bọn nhóc chúng tôi thường rủ nhau đi lội nưóc lụt tràn xâm xấp dọc theo đường Gia Long, đi kiếm những cây sậy có dáng đẹp hoặc đi tìm những cây phượng vĩ hoặc cây bàng bị gió bão xô ngã, hái trái ăn. Hạt phượng tươi ăn rất ngọt, rất bùi... nhưng nếu gặp những trái phượng khô thì phải luộc hạt lên mới có thể nhấm nháp được vì vỏ hạt phượng khô rất cứng, nhai vào là gẫy răng như chơi! Trái bàng chín có mùi thơm đặc biệt, nhưng những trái ngon nhất, chín no tròn, căng cả phần da bóng loáng mầu vàng mỡ gà, thế nào cũng bị lũ dơi khới hoặc lũ chim mổ nham nhở, lấy đá hoặc búa ghè vỡ phần ruột cứng, cái lõi ở trong mầu trắng ăn thật bùi, thật béo, thật thơm...
Rồi đến mùa sim tháng sáu, tháng bảy âm lịch (Tháng sáu con cháu về ăn - Tục ngữ Quảng Trị) những trái sim tím thẫm, lớn bằng đầu ngón tay mà nắng hè đã nung chín trĩu cành, đầy trên những ngọn
đồi La Vang, Phước Môn, Tích Tường, Như Lệ... những trái sim chín, no tròn, mùi vị thơm ngọt, đậm đà xen lẫn một chút mặn mà khó tả; cắn ngập răng vào một trái sim chín mọng, tôi nghe như đang cắn vào cả một trời hè đầy nắng gió quê nghèo. Đó là những thứ quà quê mùa, phổ biến và rẻ tiền thời ấu thơ miền quê ngoại, mà sau này, trôi dạt hơn mấy chục năm trời nhiều nơi, ở Việt Nam cũng như ở hải ngoại, không bao giờ tôi còn được thấy và được thưởng thức nữa. Nhưng bây gìờ, giá có được ăn lại những hạt phượng, những trái bàng, những vốc sim chín... chắc chắn tôi cũng không thể nào tìm lại được cái mùi vị thơm ngon, đầy quyến rũ, đầy thích thú, đầy hớn hở... như trong thời quá khứ!
Từ năm 1970 đến nay đã hơn 36 năm qua, tôi chưa một lần về thăm quê ngoại. Sau mùa hè 1972, chiến tranh đã xua đuổi người dân quê tôi tan tác,trôi dạt đi khắp bốn phương trời: Huế, Đà Nẵng, Qui Nhơn, Nha Trang, Đà Lạt, Phan Thiết, Bình Tuy, Sài Gòn, Vũng Tàu, Bà Rịa... hoặc xa hơn tận chân trời góc biển: Cần Thơ, Cà Mau, Hà Tiên, Rạch Giá và, dĩ nhiên, ... có người còn phiêu bạt lưu vong nơi hải ngoại nghìn trùng... Ngôi nhà thân yêu của gia đình tôi ngày xưa số 9 đường Phan Bội Châu, bị bom đạn cày nát từ năm 1972, nay nghe đâu người khác đã xây lầu 2, 3 tầng! Vật đổi sao dời là điều khó tránh giữa thời chiến loạn, nhưng sao tôi vẫn thường bồi hồi nhớ lại thời hoang dại đầy thơ và đầy mộng nơi khung trời quê ngoại cũ, nhớ về những ngày tháng thơ ngây, sống hiền lành như củ khoai, củ sắn, như bông dại, ngọn cỏ hay cây trái trong vườn quê; mãi vô tư, hồn nhiên học hành, rong chơi, ca hát, nô đùa trong vòng tay êm ấm của gia đình, thầy cô, bạn bè, trường lớp thân thương.
Nhiều đêm tôi vẫn thường có những giấc mơ về chân trời cũ, mái nhà xưa: những hình ảnh hắt hiu buồn bã của một vùng quê hương nghèo khó; khí hậu, thời tiết khắc nghiệt, mưa dầm nắng lửa, lụt bão triền miên, ruộng đồng nhỏ hẹp, núi không cao, sông không sâu, lại thêm xơ xác hoang tàn vì bom đạn, loạn ly... nhưng tôi vẫn yêu mến, vẫn nhớ thương và gắn bó tha thiết suốt đời mình. Thường thì sau mỗi lần nằm mơ như thế, tôi chợt thức giấc, ngồi ngẩn ngơ, buồn bã và ngậm ngùi tưởng tiếc... không thể nào dỗ giấc trở lại được nữa, đành phải thức luôn cho tới sáng!
Đã đành tuổi thơ ngây của mình trôi đi biền biệt theo thời gian, không bao giờ trở lại. Nhưng sâu thẳm trong tôi, dòng sông thơ ấu ngày xưa vẫn rì rào tuôn chảy đâu đó qua trái tim mình và những bãi bờ, những bến nước, những thuyền đò xuôi ngược trên sông, những đêm trăng vàng, những ngày gió rét, những vồng khoai, bãi sắn, những ruộng lúa, nương dâu; những câu hò da diết và cả cái giọng nói chân phương, mộc mạc, quê mùa... tất cả đều đã âm thầm trở thành một phần hơi thở, một phần máu thịt của tôi không biết tự bao giờ và có lẽ sẽ còn mãi hoài vang vọng trong lòng mình.
Đâu đây tôi nghe văng vẳng, mơ hồ như có tiếng ai ngâm mấy câu thơ, một chút tâm tình tha thiết, hoài vọng về khung trời quá khứ, thật hắt hiu buồn mà cũng quá đỗi xa xôi:
“Quảng Trị ơi! Hãn giang dài uốn khúc
Góc phố buồn chết lặng những chiều hôm...”
(Quảng Trị ơi - thơ Đức Minh)
Nguyễn Thủy Nam
(Viết xong tại S.A,
giữa mùa xuân Nam Bán Cầu,
12 tháng 10 2006 - nhuận sắc tháng 7 năm 2014)
*Nguyễn Thủy Nam tên thật là Nguyễn Giõng, sinh năm 1943, tại quê ngoại Quảng Trị, nhưng nguyên quán làng Ngọc Anh, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên-Huế.
Thuở nhỏ học ở trường Nguyễn Hoàng, Quảng Trị (1956 -1960), trường Quốc Học- Huế, ban văn chương sinh ngữ (1960 - 1963).
Sau đó tiếp tục học Ðại Học Văn Khoa và Ðại Học Sư Phạm-Huế, và tốt nghiệp năm 1968.
Tác phẩm gồm có “Những Người Cùng Ði” (Tập thơ, in chung, Quốc Học-Huế 1960), “Những Ngón Tay Trần” (kịch, 1966), và nhiều tác phẩm khác.
Có thể là hình ảnh về 7 người, thiên nhiên và hồ
Cúc Hoa Nguyễn Thị, San Lê Thị và 120 người khác
71 bình luận
7 lượt chia sẻ
Thích
Bình luận
Chia sẻ

71 bình luận

  • Phi Toan
    Oh! Thầy Dõng viết hay quá! Tuổi thơ luôn theo ta suốt cuộc đời!
    5
    • Yêu thích
    • Phản hồi
    • 4 ngày
  • Hoan Pham
    Bài viết hay quá !
    1
    • Thích
    • Phản hồi
    • 4 ngày
    • Xứ Thượng
      Hoan Pham Anh muốn ra Quảng Trị thăm dòng sông Thạch Hãn này rồi!
      2
      • Thích
      • Phản hồi
      • 4 ngày
    • Hoan Pham
      Thôi anh ! Ở nhà ngắm dòng Sêrêpôk được rồi anh !
      1
      • Haha
      • Phản hồi
      • 4 ngày
    • Hung Kieu
      Ai ra Thạch Hãn thì ra…
      Nghe nè!
      “Ngó quanh quất với một chút phân vân, tôi thả bước xuống dốc cầu bước vào một quán cà phê xoàng xoàng đang vắng khách. Gọi một ly cà phê uống cho tỉnh táo để tính chuyện tiếp theo. Cậu bé phục vụ với mái tóc nhuộm màu khói có vẻ lanh lợi và vui vẻ, tôi níu lại hỏi chuyện về cây cầu, về dòng sông trước mặt, nó trả lời:
      - Sau nì, người ta hốt cát dưới sông còn chộ nhiều đầu lâu và xương người lắm Ôn nờ!
      Thảng thốt, tôi buột miệng buông ra một câu hỏi ngây ngô:
      - Của ai vậy?
      - Nỏ biết! Nhưng có nhiều. Người ta cứ gom chôn lại chung một chỗ rồi mần tiếp thôi Ôn ơi!
      Tôi hơi lặng người. Chỉ là một dòng sông nhỏ, nhưng ở đó đã xảy ra biết bao nhiêu trận đánh làm máu nhuộm đỏ cả nước sông. Những xác người chìm xuống rồi nổi lên trôi lặng lờ theo con nước, lại phân huỷ để xương tàn lại chìm xuống đáy sông. Hồn phách những người đã chết ở đó liệu có siêu sinh không? Thân nhân họ có biết không? Tổ quốc nào đã ghi ơn họ? Hay đêm đêm những giọng hát bi ai lạc loài vẫn trải dài trên hơi sông lạnh, lướt ngang qua ngọn sóng mà khóc thương cho số phận hẩm hiu không nơi nương tựa mà hưởng chút khói hương…”
      (trích Tháng tư về nghe tiếng gọi đi - Hùng Bi)
      1
      • Yêu thích
      • Phản hồi
      • 3 ngày
  • Nhãn dán Mugsy đang yêu Mugsy, a french bull dog, proudly raises a giant bouquet of colorful roses with one arm as he waggles his eyebrows. He is wearing a blue bow tie.
    1
    • Thích
    • Phản hồi
    • 4 ngày
  • Phi Toan
    Mời mọi người nghe bài hát này! https://www.youtube.com/watch?v=LS_Z59mIwgw...
    Quê hương điêu tàn - con đường buồn hiu - Quảng trị
    YOUTUBE.COM
    Quê hương điêu tàn - con đường buồn hiu - Quảng trị
    Quê hương điêu tàn - con đường buồn hiu - Quảng trị
    5
    • Yêu thích
    • Phản hồi
    • 4 ngày
  • Ly Trinh
    Nay em mới được đọc bài này của thầy Giõng đó a. Xứ Thượng
    2
    • Thích
    • Phản hồi
    • 4 ngày
  • Trần Thị Nhẫn
    Lôi cuốn từ đầu đến cuối bài ! Thầy viết hay quá .
    2
    • Thích
    • Phản hồi
    • 4 ngày
  • Ngọc Lan
    Bài viết rất tuyệt
    1
    • Yêu thích
    • Phản hồi
    • 4 ngày
  • Hung Kieu
    Qua khỏi Huế, tôi ước chừng xe đang chạy trên đoạn đường mà năm bảy hai người ta đặt cho nó cái tên Đại lộ kinh hoàng vì thấy tấm bảng ghi tên Cầu Dài 1 bên vệ đường xuất hiện thoáng qua rất nhanh trong tầm mắt cắm ở đầu một cây cầu ngắn.
    Hết Cầu Dài 1 đến Cầu Dài 2 rồi Cầu Trắng. Khung cảnh hai bên đường đã thay đổi hoàn toàn, nhà cửa mọc lên san sát chứng tỏ sức sống đã hồi sinh trù phú từ rất lâu và người dân đã quên hẳn cái quá khứ đau buồn to lớn cũ...Duy chỉ có tên những địa danh, những cây cầu vẫn giữ nguyên giúp ký ức tôi sống lại.
    Rồi tên cầu Thạch Hãn xuất hiện trong tầm nhìn. Tôi xuống xe ở bên kia đầu cầu lúc đồng hồ đeo tay chỉ 2:30 chiều sau hơn 30 tiếng đồng hồ chịu dằn xóc và thiếu ngủ.
    Bây giờ người ta đã làm thêm một cây cầu đúc song hành với cây cầu cũ dành cho xe các loại chạy, còn cây cầu sắt vẫn còn trơ gan cùng tuế nguyệt dành riêng cho tàu hoả có hai con đường nhựa nhỏ cặp hai bên làm con đường dân sinh dành cho xe gắn máy nhưng cũng đã bị chắn một đường phía thượng nguồn. Tôi đoán con đường ấy chắc đã bị yếu, sợ gây nguy hiểm cho người đi qua…
    Tôi đứng ở đầu cầu Thạch Hãn và nhớ tới chuyện ngày xưa.
    Hiệp định Paris năm bảy ba ngưng bắn ký kết giữa các bên và ai đang ở đâu cứ giữ nguyên vị trí ở đó.
    Niềm trông đợi nhất của những người lính là gì? Không còn súng nổ đạn bay, không còn lửa cháy người chết, không còn những cuộc hành quân đầy nguy hiểm và gian khổ là mừng lắm rồi! Nàng Hoà bình còn bay lượn ở đâu xa, hiện tại ta cứ tận hưởng những ngày yên bình dù mong manh cũng mừng, bởi vì những người lính ở cả hai bên đã nằm lại trên mảnh đất nầy nhiều vô kể.
    Rồi những chuyến trao trả tù binh giữa hai bên ở địa điểm bờ bắc sông Thạch Hãn. Niềm vui của những con chim bị giam cầm nay được trả tự do cộng gộp với niềm vui không còn gánh lấy sự hiểm nguy hàng ngày khiến không khí nhuốm vẻ tưng bừng hơn. Tuy ai cũng biết đó là cái thanh bình giả tạo và ngắn ngủi, nhưng trước mắt cứ vui mừng cái đã…
    (trích Tháng Tư về nghe gió gọi đi-Hùng Bi)
    Có thể là hình ảnh về 1 người, đang đứng và đường sắt
    9
    • Yêu thích
    • Phản hồi
    • 4 ngày
  • Văn Phước Tiết
    Thầy viết hay quá em cũng có tuổi thơ gần giống thầy
    1
    • Yêu thích
    • Phản hồi
    • 4 ngày
  • Kim Chi Nguyen
    Bài viết của thầy hay quá .cám ơn anh XT
    1
    • Yêu thích
    • Phản hồi
    • 4 ngày
  • Hung Kieu
    TRÊN DA THƠM
    “Người con gái Việt Nam da vàng… 
    Xem thêm
    8
    • Yêu thích
    • Phản hồi
    • 4 ngày
  • San Lê Thị
    Bài Thầy viết rất hay.Cũng rất vui là mình đã được đến sông Thạch Hãn và chuyện ngủ đò Thầy kể cũng không lạ gì ở quê mình bởi mùa hè quê mình nóng ghê gớm,ngủ ngoài sân chịu cũng không nổi nên mọi người hay chèo thuyền ra giữa dòng sông để ngủ .Lần đầu thấy sợ nhưng quen dần và thích vô cùng.
    1
    • Thích
    • Phản hồi
    • 4 ngày
  • Thanh Lộc Nguyễn
    Một dòng sông thắm máu tuổi thanh xuân của cả hai miền,một cuộc chiến tương tàn của những người anh em cùng máu đỏ da vàng ở lứa tuổi thơ ngây,gãy đổ với bao mộng ước còn dang dỡ và mãi còn đó ánh mắt khắc khoải của những bà mẹ già của cả hai miền nam bắc cho đến lúc từ giã cuộc đời vẫn vô vọng lẽ loi chờ đợi bóng hình con !
    Lần đầu tôi nghe được 4 câu thơ này từ miệng của một người lính già thuỷ quân lục chiến thốt ra để cho thấy còn đó những ký ức không thể nào quên của cuộc chiến không là của bên này hay bên kia mà là của người trong cuộc : đáy sông còn đó bạn tôi nằm 😢❗️
    Có thể là hình ảnh về văn bản
    6
    • Thích
    • Phản hồi
    • 4 ngày
    • Xứ Thượng
      Thanh Lộc Nguyễn Bài thơ "Lời gọi bên sông" của Lê Bá Dương. Ông hiện là nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh thuộc Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, phóng viên thường trú của báo Văn hóa tại Nha Trang.
      2
      • Thích
      • Phản hồi
      • 4 ngày
  • Ngocnha Vuong
    Thầy Giõng mình còn nhớ vì thầy rất dễ chịu cũng có tâm hồn văn nghệ lắm,nay thầy ra sao rồi?xin gửi đến thầy lời thăm hỏi nhé!
    1
    • Thích
    • Phản hồi
    • 4 ngày
  • Uyen Lan
    Chúng em luôn nhớ công ơn Thầy Nguyễn Giõng và tất cả quí Thầy cô đã dạy chúng em khi còn học tại trường THTH Bmt. Bài Thầy viết hay lắm ạ ! Cảm ơn anh Xứ Thượng đã đăng bài ! Kính chúc Thầy luôn an vui mạnh khoẻ ! Mến chúc anh Xứ Thượng vui khoẻ, hạnh… 
    Xem thêm
    1
    • Yêu thích
    • Phản hồi
    • 4 ngày
  • Kim Hoàng Lê Thi
    Hay quá anh
    Nhãn dán Không hối tiếc An image in the traditional American tattoo style. It depicts a hand with long red nails holding a red rose.
    2
    • Yêu thích
    • Phản hồi
    • 4 ngày
    • Xứ Thượng
      Kim Hoàng Lê Thi Những đoạn văn này có thể đưa vào sách Giáo Khoa... "Đã đành tuổi thơ ngây của mình trôi đi biền biệt theo thời gian, không bao giờ trở lại. Nhưng sâu thẳm trong tôi, dòng sông thơ ấu ngày xưa vẫn rì rào tuôn chảy đâu đó qua trái tim mình và những bãi bờ, những bến nước, những thuyền đò xuôi ngược trên sông, những đêm trăng vàng, những ngày gió rét, những vồng khoai, bãi sắn, những ruộng lúa, nương dâu; những câu hò da diết và cả cái giọng nói chân phương, mộc mạc, quê mùa... tất cả đều đã âm thầm trở thành một phần hơi thở, một phần máu thịt của tôi không biết tự bao giờ và có lẽ sẽ còn mãi hoài vang vọng trong lòng mình."
      5
      • Thích
      • Phản hồi
      • 4 ngày
    • Có thể là hình ảnh về 1 người, hoa hồng và văn bản cho biết 'Chúc Bình an Nhiều Sức khỏe'
      2
      • Thích
      • Phản hồi
      • 4 ngày
    • Có thể là hình ảnh về 1 người và văn bản cho biết 'Thầy giáo Nguyễn Giõng dạy chúng tôi môn Việt Văn, vào những năm|... Xứ Thượng 00:32 Cảm ơn XT và tất cả các em, những học trò cũ thân thương của thầy... Bài bút ký này đã được đưa vào "Tuyển Tập Viêt Luận", in và phát hành tai Sydney, năm 2009!'
      1
      • Yêu thích
      • Phản hồi
      • 4 ngày
  • Ngoc Hai Banme
    Thầy dạy Văn cho bọn mình suốt thời trung học …
    Kính chúc Thầy luôn dồi dào sức khoẻ . Mong qua cơn đại dịch để năm nào đó , Thầy trò sẽ gặp lại nhau .. dành nhau lì xì của Thầy …
    1
    • Yêu thích
    • Phản hồi
    • 4 ngày
  • San Lê Thị
    Thầy ơi,nhớ Thầy.Nhớ món bánh canh Hà Huy Tập Thầy đãi chúng em.
    1
    • Yêu thích
    • Phản hồi
    • 4 ngày
  • Có thể là hình ảnh về 6 người, mọi người đang ngồi, mọi người đang đứng và trong nhà
    4
    • Thích
    • Phản hồi
    • 4 ngày
  • Kim Tuyet
    Bài viết hay, tuy dài chưa đọc hết nhưng đọc vài đoạn là biết. Sẽ đọc lại kỹ nữa. Con sông mang tên Thạch Hãn được nhắc tới nhiều từ 1972. Là dân miền Tây sông nước chưa lần ra phía Vùng ngoài nên lúc đó vẫn cứ nghĩ con sông đó cũng lớn. Đến năm 95 trong một lần ra Bắc bằng xe ô tô KT mới được tận mắt thấy các con sông miền Trung và Bắc Trung bộ. Đi qua cầu Thạch Hãn thấy con sông nhỏ, nước cạn nhưng chảy mạnh không như sông Hậu, sông Tiền hay nhũng con sông liên tỉnh ở quê. Càng đi càng thấy yêu mến đất nước mình thật đó anh Đạt !
    2
    • Yêu thích
    • Phản hồi
    • 4 ngày
    • Xứ Thượng
      Kim Tuyet Thật tuyệt vời khi yêu quê hương đất nước mình qua những con suối, dòng sông... luôn ẩn chứa hay hiện hữu trong cuộc sống hằng ngày của gia đình dân Việt... trong những giấc mơ của thời thơ ấu của chúng ta. Cám ơn em với tâm hồn thấu hiểu!
      1
      • Thích
      • Phản hồi
      • 3 ngày
  • Mai Le
    Bài viết của Thầy là cả một thời thơ ấu rất đẹp và có lẽ vẫn luôn khắc ghi mãi trong ký ức của Thầy, đọc bài Thầy mình biết được thêm nhiều điều thú vị từ ngủ đò vào những ngày nắng nóng của quê hương lại tình cờ biết được Thầy lại là người cùng quê ngoại của mình “ làng Ngọc Anh “ . Thầy ơi em kính chúc Thầy thật nhiều sức khoẻ nghe Thầy , Thầy vẫn là người Thầy luôn chia sẽ niềm vui và nổi buồn cho tất cả học sinh của trường THBMT nên chúng em rất ngưỡng mộ Thầy ạ !
    1
    • Yêu thích
    • Phản hồi
    • 4 ngày
  • Hien Nguyen
    Cám ơn XT đã post lên mạng bài này xin phép được share . Năm 1963 tôi đậu tt1 vì Th/ BMT không có đệ nhất nên được chuyển lên Th/THĐạo ĐàLat ,tôi lại hồi cố hương về học lớp đệ nhất đầu tiên cũa trường Nguyễn Hoàng và thấm thía với kỹ niệm xưa: sông Thạch Hãn một thời tắm mát, Nơi mối tình đầu tôi đã đánh rơi....”
    2
    • Yêu thích
    • Phản hồi
    • 4 ngày
    • Ngọc Lan
      Hien Nguyen
      Sông Thạch Hãn muôn đời vẫn chảy
      Nên suối nguồn nào cũng về với biển Đông
      2
      • Yêu thích
      • Phản hồi
      • 3 ngày
      • Đã chỉnh sửa
  • H'Sonca Lasan
    Cám ơn Xứ Thượng đã chia sẻ bài viết quá hay của Thầy Giong Nguyen của chúng ta!. Xin phép share lại và lưu vào bộ sưu tập của gia đình để con cháu nhớ về lịch sử, cội nguồn...và nhất là nhớ đến các bậc Thầy Cô và đồng hương Banmê thân yêu! Thanks!❤
    1
    • Yêu thích
    • Phản hồi
    • 4 ngày
  • Phuong Giang
    Cách đây khoảng 5 năm về trước thầy Giõng có ghé thăm bà con và cô suối kiết ở Canada bao nhiêu năm có duyên gặp lại thấy thầy khỏe mạnh vẫn giọng nói của ngày xưa lúc thầy dạy ở trường THBMT
    Cảm ơn các thầy cô đã dạy dỗ thương yêu trao truyền những kinh nghiệm cuộc sống cho học sinh chúng em lúc chập chững bước vào đời
    Chúng em kính chúc thầy cô luôn được nhiều sức khỏe và an vui
    Cảm ơn anh Xứ Thượng đăng bài viết của thầy
    2
    • Yêu thích
    • Phản hồi
    • 3 ngày
  • Bạch Yến
    Bài viết của Thầy quá hay ,học trò Thầy mà hùi nào giờ em cũng chưa đọc luôn đó anh Đạt , cám ơn Thầy đã ghi lại như một chứng nhân của lịch sử, cám ơn anh Đạt đã chia sẻ, những người xưa cũ như Thầy như anh em mình rồi cũng qua đi , mười hai mươi năm nữa kỷ niệm cũ cũng trôi theo người cũ . Bây giờ ở dòng sông đó bao nhiêu đổi thay. Hồi học Thầy dạy điển tích " bể dâu". Lớn lên rồi mới thấy đời bao dâu bể .
    3
    • Yêu thích
    • Phản hồi
    • 2 ngày
    • Đã chỉnh sửa
  • Nguyen Xuan
    Thầy Dõng ngày trước cũng dạy tụi em ở HĐ đó a.
    Bài viết của Thấy hay lắm. Thầy dạy Văn mà a Thượng Xứ.
    1
    • Yêu thích
    • Phản hồi
    • 2 ngày
  • Quang Lexuan
    Xin cám ơn tác giả đã cho em nhớ lại tuổi thơ với dòng sông Thạch Hãn. Nhà em rất thân với tác giả đấy. Xin được phép chia xẻ bài này để đồng hương Quảng Trị được xem.
    1
    • Yêu thích
    • Phản hồi
    • 2 ngày
  • Huyền Thanh Hà
    Quê ngoại của Thầy kính yêu cũng là quê ngoại của học trò… bài viết của Thầy gợi lại cho trò biết bao kỷ niệm phần đời ấu thơ ở đó và nhờ Thầy em mới biết tên mẹ em đã được đặt theo tên dân dã của giòng sông Thạch Hãn … Hàn … Tuệ Hàn
    Lâu ni em vẫn nhầm là do ôn ngoại làm quan ở Quảng nam nên đặt tên me theo con sông Hàn ở đó … nhưng nhờ bài viết của Thầy mà em mới nghĩ ra… do me em được sinh ra ở
    QT …
    Quê mẹ nghèo nhưng biết bao kỷ niệm biết bao ân tình… Thầy ơi!
    Em xin cám ơn Thầy đã đưa học trò trở về quê cũ mến yêu !
    2
    • Yêu thích
    • Phản hồi
    • 1 ngày

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét