Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Thứ Năm, 16 tháng 10, 2014

Ngược dòng Krông Ana...
Cây lúa ma
Thuở hoang sơ, lưu vực sông Krong Ana được ví như Đồng Tháp Mười trên cao nguyên, có rất nhiều bầu, láng...nước ngập quanh năm. Người dân khai phá những nơi có thể làm ruộng được. Thường đợi lũ về nước dâng, mới chặt từng mảng cỏ cho rời ra, rồi đẩy trôi theo dòng nước. Trong đám cỏ đó có lẫn những cây lúa trời, mà nhiều người vẫn gọi là lúa ma ! Để hiểu thêm về cây lúa này, mình phải quay về miền Tây Nam Bộ...
Nhìn chúng ẻo lả theo con nước không ít người lầm tưởng chúng là cỏ hoang gây hại chứ đâu ngờ đó là hạt gạo thuần khiết ngon lành. Lúa ma thân dài khoảng 2,5m nhưng lũ lớn chúng có thể kéo lóng cho thân dài hơn 5m. Chúng có đặc điểm kỳ lạ, lũ lên nhanh lóng lúa sẽ co bóp lại cho thân dài thêm, lúc này lóng lúa lẹp kép, còn khi lũ nhỏ hay nước lên chậm lóng lúa ngắn và co lại có hình tròn. Dựa vào lóng lúa ma người ta biết nước lũ lên nhanh hay chậm. Hiện nay diện tích lúa ma còn lại rất ít, chỉ có Tràm chim Tam Nông ở tỉnh Đồng Tháp là còn nhiều lúa ma. So với các giống lúa ma vùng lũ ĐBSCL và thậm chí các cây lúa ma ở Bắc Thái Lan, Miến Điện lúa ma Tràm Chim có đặc điểm nổi trội hơn các cây lúa ma vùng khác là nước lũ cao đến đâu thân lúa cao vượt nước đến đó. Do ưu điểm này mà lúa ma được chọn làm nguồn gien quý tạo giống mới cho bà con trồng trong mùa nước nổi. (Theo Thanh Dũng trong bài "Thuần khiết lúa ma" đăng trên báo Thanh Niên)
"Lúa ma", cơm thật
“Ai ơi về miệt Tháp Mười
Cá tôm sẵn bắt, lúa trời sẵn ăn…”.
Cây lúa trời trong câu thơ trên còn được gọi là "lúa ma". Cho tới nay không ai biết vì sao lúa ma lại hiện lên để dân đồng ngập nước có cái ăn. Huyền ảo tới độ, cứ nước lên là lúa vượt nước ngoi lên đón ánh mặt trời. Hằng năm từ tháng 8 đến 12 âm lịch là mùa thu hoạch. Cơm lúa ma có vị béo, bùi, hơi cứng cơm, nhưng của trời cho, bạn đừng phàn nàn. Ông Nguyễn Văn Hùng, Phó giám đốc Vườn quốc gia Tràm Chim cho biết, hiện nay lúa ma vẫn được bảo tồn với diện tích gần 1.000 ha, được coi là tài sản thiên nhiên vô giá, một bằng chứng về lịch sử của một vùng đất ngập nước có thần nông.(Theo trang TTĐT Khu BTTN Lung Ngọc Hoàng)
Còn gọi là lúa ma vì loại lúa này rất kỳ lạ., rất... sợ mặt trời. Lúa chín tới, nếu không có người đập thì khi mặt trời lên chúng cũng tự nhiên rụng…Thu hoạch lúa ma cũng không gặt, cắt như các loại lúa khác mà phải dùng cây để đập. Vì lúa mọc giữa đồng cỏ âm u, lại chín ngay mùa nước lên nên con người không tài nào lội vào khu vực lúa ma để thu hoạch mà phải vào đây bằng xuồng. Khi đập lúa ma người ta cũng ngồi trên xuồng. (Trích đoạn "Lúa trời" của Đinh thị Mỹ Lan)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét