Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Thứ Sáu, 1 tháng 12, 2023

TÔ NƯỚC CƠM QUÊ NHÀ *Thu Cúc

 

 
Đã chia sẻ với Công khai
Công khai
Dù đi muôn nơi, được thưởng thức bao nhiêu món ngon và hấp dẫn, nhưng có những món giản dị mang đầy hương vị tuổi thơ mà chẳng thể nào quên được...
TÔ NƯỚC CƠM QUÊ NHÀ
*Thu Cúc
Chiều đi làm về trễ, vừa bước vào phòng trọ đã nghe mùi nấu nướng nghi ngút và không khỏi ngạc nhiên khi thấy thằng em đang hì hụi chuẩn bị cơm chiều. “Chuyện lạ gì đây?” – tôi hỏi, thằng em quay ra cười lỏn lẻn: “Uống nước cơm không, chừa chị Năm nửa chén kìa”.
Mấy hôm trước, trong bữa cơm, thằng em cứ cằn nhằn gạo gì đâu mà lạt nhách. Tôi giải thích là gạo bây giờ người ta chà kỹ lại còn đánh bóng nên lớp cám bên ngoài bong hết, vo gạo nước trong veo, không lạt mới lạ. Đột nhiên, nó ngẩn ra: “Bao lâu rồi mình không uống nước cơm chị Năm hén?”.
Cuối tuần, nó về quê tải xuống một bao gạo, nói gọn: “Gạo chà lứt lắm, ăn cho có chất”. Nhưng hình như cho có chất chỉ là lý do phụ, cái chính là cu cậu thèm nước cơm.
Lần cuối cùng tôi uống nước cơm tôi cũng không nhớ rõ, có khi 10 năm, 15 năm hay 20 năm rồi cũng nên.
Hồi thằng em mới sanh, tôi lên 5. Thiếu sữa nên ngày 3 bữa, má chắt nước cơm rồi pha đường cho thằng nó uống thêm.
Nhà có 5 anh chị em. Năm tôi lên 8, thằng em lên 3 thì hai đứa được giao giữ nhà, chơi với nhau và kiêm nhiệm vụ nấu cơm. Lần nào cũng vậy, tôi cố ý đổ nước nhiều một chút. Khi nồi cơm sôi kêu lục bục; nắp nồi nhấc lên, sập xuống xập xình là thời điểm vàng để chắt nước cơm.
Bếp thì cao, tôi thì thấp bé nên mỗi lần chắt nước cơm là mỗi lần khổ. Nhón chân, rướn cổ đã mệt mà còn phải làm cho thật nhanh để còn đậy vung lại, nếu không cơm không đủ nhiệt sẽ sống. Nồi cơm to, khói nóng bốc nghi ngút như muốn luộc chính bàn tay nhỏ xíu của tôi. Sau một hồi quần thảo cũng được chén nước cơm trắng đục, sền sệt.
Thằng em tự lúc nào đã thò lò mũi xanh cầm muỗng chờ sẵn ở bàn. Tôi lấy cục đường tán, dùng dao cạo nhè nhẹ cho đường rơi vào chén nước cơm rồi quậy lên đưa cho cu cậu. Uống nước cơm chứ có sang cả gì đâu mà nhìn thằng em ngồi chờ trịnh trọng, thương quá là thương!
Nhiều hôm canh không đúng lúc, cơm sôi quá già, chắt ra chỉ được độ vài muỗng là đến khổ. Phần vì một lát cơm nhão sẽ bị má la, phần vì thương thằng em cứ mếu máo vì nước cơm quá ít. Mỗi lần như vậy, tôi chỉ biết chữa cháy bằng cách nấu một ít nước nóng pha vào chén nước cơm cho loãng ra.
Những trưa chủ nhật không đi học, tôi chắt nhiều nước cơm hơn thường lệ rồi rang thêm một mớ đậu phộng. Sau khi nấu cơm xong, hai chị em ra hiên nhà bày tiệc. Đơn giản thôi, đậu phộng vò bỏ lụa, cho vào chén nước cơm đã pha đường. Cứ một muỗng nước cơm thì kèm theo chừng 4-5 hột đậu phộng. Đậu phộng giòn, thơm béo ngậy quyện với nước cơm ngọt mát ngon ơi là ngon.
Rồi thằng em lớn dần không còn quẩn theo chân chị mà cả ngày lê la với đám bạn hàng xóm. Dù vậy tới giờ tôi nấu cơm cũng không quên chạy về mè nheo.
Tôi không nhớ rõ lần cuối cùng mình chắt nước cơm là khi nào. Chắc là khi nhà đã khá giả hơn, khi mà giỏ xách đi chợ của má đã có thêm mấy trái xoài, bịch kẹo; khi trưa trưa nghe tiếng leng keng của người bán cà rem thì cho hai đứa vài trăm đồng;…
Nhà tôi cũng hơn chục năm rồi không còn làm lúa nữa. Ba má già, con cái có công ăn việc làm ổn định nên ruộng cho mướn hết. Hôm rồi về nhà nghe má than gạo ở quê giờ cũng giống gạo Sài Gòn, người ta chà trắng quá ăn không ngon. Má nói vụ lúa này lên sẽ mua vài giạ để dành chà lứt lứt ăn cho thơm. Vậy là có cái để thằng em tôi về quê tải.
Giữa đất Sài Gòn chật hẹp, ồn ào, tôi ngồi nhấp từng ngụm nước cơm ấm nóng của thằng em để dành mà cảm giác như đang ngồi trên bờ ruộng vào mùa gặt với mùi thơm ngọt ngào của rơm rạ, mùi ngai ngái của khói đốt đồng và cả cái mùi sình non thum thủm vây quanh.
THU CÚC
*Ảnh của Thanh Nhã
Tất cả cảm xúc:
Hân Lê Thị Ngọc, Xuân Luong và 84 người khác
39
1
Thích
Bình luận
Chia sẻ
Xem thêm bình luận
Han Cao Ngoc
Nhớ món nước cơm ngày xưa rất ngon,béo thơm mùi gạo.hồi xưa chỉ có nước cơm để chan vô mà ăn.
  • Thương thương
  • Phản hồi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét