Nguồn gốc tên con suối tuổi thơ chúng tôi ở Ban mê, vẫn quen gọi nhầm là suối Bu-ri... bây giờ vẫn chảy ngang qua quán cà phê Rainny, cổng số 1.
SUỐI MU-RI
*Phan Ni Tấn
Bài viết này nhằm nhắc nhớ về kỷ niệm tên một con suối tại Ban Mê Thuột mà tôi được biết qua e-mail của một số cựu học sinh Trung học BMT và Lasan đã vô tình gọi sai tên suối là “BU-RI, BU-GI hoặc MOURI” thay vì “MAURY”, (tạm đọc là MU-RI), đã có từ thập niên 1930.
Tôi viết bài này ngoài kỷ niệm sâu đậm với con suối, còn tạm coi như là một “tham khảo ngắn” nhằm dẫn chứng và trình bày dựa trên các tài liệu thâu thập từ sách vở cũng như nói chuyện trực tiếp với các nhân chứng liên quan tới lịch sử con suối mang tên MU-RI.
Tựa đề tuy ngắn gọn, lạ tai, có chút trừu trượng, lãng mạn nhưng mang tính nhân bản nhằm nhắc nhớ, gợi lại, kêu gọi mọi người, không vì chính kiến hay không vì một ai, riêng ai, hãy vì một địa danh, một tên suối trong lòng thị trấn Ban Mê Thuột của chúng ta đã có gần 85 năm tuổi mà “xin gọi đúng tên người”.
Bài viết có thể rất tầm thường đối với bậc thức giả, nhưng vì muốn tìm cách “nói lại cho đúng” tên suối của một người đã khuất nên nếu có gì sơ sót mong quí vị lượng thứ và chỉ bảo giùm để tôi có dịp trau dồi thêm tri thức.
KỶ NIỆM
Ban Mê Thuột là chốn của núi cao, rừng rậm, sông sâu, hồ rộng, thác ghềnh và suối. Đặc biệt là những con suối. Giữa thập niên 40-50, anh em chúng tôi lớn lên theo từng con suối chảy qua thị xã này. Nước suối muôn đời vẫn trôi đi, nhưng những kỷ niệm với suối thì ở lại, đọng lại trong tâm trí chẳng hề phôi phai. Khi hai anh em xếp bút nghiên bước vào đời cầm súng đánh giặc thì ông anh yểu mệnh đã hy sinh ngoài mặt trận vào mùa hè đỏ lửa 1972; còn lại tôi, sau ngày mất nước, đã âm thầm mang theo hồn những con suối không bao giờ quên tên mà lưu lạc nơi xứ lạ quê người. Ban Mê Thuột có bao nhiêu con suối, anh em tôi và mấy thằng bạn cùng lớp tiểu học và những ngày tháng đầu bậc trung học hầu hết đều… nhúng chân xuống hoặc đã lội qua.
Gần nhất là suối Bác Su Tấn trên đường Quang Trung đổ dốc dẫn xuống am bà Roger mà chúng tôi hay gọi là bà Oré. Gọi là suối Bác Su Tấn vì nhà ở ngay đầu suối. Từ đó lội về hướng Tây Nam trường Y Ut, hoặc từ trên đầu dốc nhà ông bà Tôn Thất Hối, ngó chéo qua bungalow (dinh Bảo Đại), thả lài xuống là gặp suối Đốc Học. Suối Đốc Học nhiều phen chúng tôi câu được vài ba con cá rô, cá lóc, cá tràu bông mà con lớn nhất chỉ bằng hai ngón cái chụm lại. Cũng con suối đầy kỷ niệm này, những buổi trưa hè, chúng tôi thường tung tăng bơi lội.
Ngoài ra, chúng tôi cũng từng in dấu chân dưới suối Bà Sành, gần bệnh viện thị, nối liền suối Bà Hoàng và suối Xanh phía Đông Bắc đền Bắc Lệ. Gọi là suối Xanh vì rong và những cánh bèo li ti phủ xanh rờn trên mặt nước. Còn một con suối nữa khó mà quên là suối Nhà Đèn. Ngay từ đập Nhà Đèn thác nước đổ dài xuống dọc theo các ghềnh đá non cây số là gặp một trũng nước sâu. Trên ghềnh đá sức nước ngày đêm không ngừng đổ xuống tạo thành tiếng ì ầm làm quang cảnh rừng rú lúc đó càng thêm hoang dã. Chính cái Thác Nhà Đèn này những thân hình nhỏ bé chúng tôi đã chí cha chí chát lao xuống tung tăng bơi lội mà chẳng hề biết nguy hiểm là gì. Cho tới ngày thằng “Tý khùng” ham vui nhập bọn đi tắm chẳng may chết đuối ba ngày sau vớt xác lên thì cá rỉa mất hai con mắt. Từ đó chúng tôi không ai rủ ai tự động rút lui không trở lại một lần nào nữa.
Cuối cùng là suối Maury mà hồi xưa cả hai bên nội ngoại nhóc tì chúng tôi đều quen miệng gọi là suối Mu-ri. So với những con suối kể trên thì năm 1935 suối Mu-ri có danh xưng đầu tiên trong lịch sử khẩn hoang miền Thượng Cao Nguyên Daklak. Giống như Thác Nhà Đèn, suối Mu-ri cũng có chỗ sâu ngập đầu; mùa mưa nước dâng cao, chảy xiết, ngầu đục. Nhưng dù mưa hay nắng, con suối này vẫn ít khi vắng mặt lũ trẻ chúng tôi.
Nếu so với những con suối chảy qua thị xã thì suối Mu-ri gần buôn Alê A phải nói là ngập ngụa những dấu tích và những tiếng cười đùa vang dội trong không gian một thời của lũ trẻ con ưa nghịch ngợm, phá phách và mạo hiểm là chúng tôi. Một điều thật thú vị là sau khi tắm xong chúng tôi có tật hay chui vô bụi rậm ngồi… ỉa giấc. Cái câu “Thứ nhất là đỗ Thủ khoa. Thứ nhì vợ đẹp, thứ ba ỉa đồng” thật chí lý. Sau đó trên đường về ngang qua đồn điền cà phê Maury chúng tôi hay hái trộm trái cà phê chín cây mọc sát hàng rào chùi sơ sịa là ăn ngon lành. Cạnh đó có trại bò (và trâu) ông Maury nuôi lấy sữa. Tôi nhớ có lần chơi nghịch ngồi trên lưng trâu thình lình bị thằng chăn trâu vỗ mạnh vào mông khiến con vật giựt mình phóng tới làm tôi bật ngửa té lăn cù mèo. Nghe đồn hồi xưa Ban Mê Thuột nổi tiếng có nhiều ma, như ma xó, ma da, ma đuốc, ma Tây mang giày săn đá đi “ba-trui, ắt ơ (un, deux)” cả đêm, nhưng nhất là ma lai rút ruột. Ban ngày ma là Mán, Nùng, Mèo gì đó, khác với người thường là cần cổ có ba ngấn dấu kín phía sau ót. Ban đêm tự mình rút ruột ra bay là là trên mặt đất đi kiếm phân người để ăn. Người nào bị chúng ăn trúng phân thì người đó bị thúi ruột mà chết. Nhưng ma lai rất sợ bị sóc ruột chết hồn không thể trở về nhập vào xác mình trước khi gà gáy sáng. Ông già bà cả kể tiếng hú của nó nghe mà rởn tóc gáy. Vì vậy mà lũ trẻ chúng tôi ị bậy xong hay lấy lá cây phủ lên rồi cắm cây que xuyên qua hoặc bẻ hai cây que sắp thành hình chữ X để trên mặt lá là phơi phới ra về, yên tâm khỏi bị ma lai rút ruột.
THAM KHẢO
Dưới đây là những dẫn chứng và trình bày căn cứ trên các tài liệu thâu thập qua sách vở cũng như dựa theo lời kể của các nhân chứng liên quan đến nhân vật mang tên Jean Maury (sanh năm 1892 tại Pháp). Các nhân chứng không ai khác ngoài em vợ, em rể và các con ruột của ông bà hiện sống tại hải ngoại. Tuy nhiên để bài viết có tinh thần độc lập, vô tư, người viết mạn phép lượt bỏ các chi tiết không cần thiết và những phần không tiện viết xuống, đúc kết thành một bài có đặc tính tham khảo.
Theo sách Sử Địa từ trước thế kỷ XIX tỉnh lỵ Banmêthuột đã thuộc lãnh thổ Việt Nam, nhưng chưa được triều đình nhà Nguyễn thực tâm để ý, vì vậy chưa có nền hành chánh tại đây.
Sau khi người Pháp đô hộ Việt Nam, đến năm 1923 tỉnh Daklak (người Pháp gọi là Darlac) mới được thành lập. Viên công sứ đầu tiên của tỉnh là Sabatier (1). Ngay sau khi nhậm chức, viên công sứ này đã có ý đồ “làm vua một cõi” nên cấm không cho người Kinh lên tỉnh lập nghiệp, mặt khác ngăn chận các nhà tư bản Pháp lên lập đồn điền.
Năm 1930, sau khi vận động thuyên chuyển viên công sứ Sabatier đi nơi khác, các nhà tư bản Pháp lên Ban Mê Thuột khai thác đồn điền cà phê và trồng cây cao su. Thời kỳ này, người Kinh muốn lên lập nghiệp đều gặp nhiều khó khăn về thủ tục giấy tờ.
Ngày nay, ở cây sô 25 đi Phước An đồn điền cà phê bạt ngàn dọc hai bên đường, xưa là của ông Roger. Cũng trên Quốc lộ 21 cây số 47 là đồn điền của ông Maricain (vì cụt một chân nên ông hay dùng ngựa để di chuyển). Còn ông Nicolas lại khai thác đồn điền gần suối ông Phán Lạc (tức tỉnh trưởng người Thượng tên Y Sái thuở đó) nay gần hồ Piscine dưới khu Trần Hưng Đạo. Riêng ông Jean Maury, sau khi khẩn hoang hằng trăm mẫu đất ở Buôn Tur; riêng ở đầu dốc cây số 1, ông cho cất một dinh thự bề thế (kiểu nhà sàn bằng gỗ, hai đầu nhà đều có cầu thang đi lên) xong ông kinh doanh nhà hàng, mở phòng ngủ, phát triển đồn điền cà phê và trại chăn nuôi gia súc. Các cơ sở này đều mang cùng một tên Maury. Trong vùng đất ông Maury khai phá, phía dưới lũng hướng Đông Nam có một con suối, người Thượng làm công cho ông đã lấy tên ông đặt tên cho con suối, tức là suối Maury.
Năm 1936, ông Hồ Tống Hàm ngoài Huế vô lên Ban Mê Thuột làm bồi bếp cho nhà hàng Maury. Sau đó ông trở về Huế chịu tang ông anh Hồ Tống Huy, quan thất phẩm dưới triều vua Khải Định, bị bệnh qua đời. Lúc trở lại Ban Mê Thuột ông dẫn theo cháu gái Hồ Thị Thơm (2) lên làm ăn sinh sống, sau này giới thiệu người cháu cho ông Maury. Năm 1940 họ trở thành vợ chồng sanh được 3 trai, 1 gái (3). Năm 55 – 62, ba người con trai lần lượt sang Pháp ăn học cho tới ngày nay.
Năm 1945, có nhiều cuộc chính biến từ phía Cộng sản Bắc Việt, thời thế thay đổi gây bất lợi cho người Pháp, ông Jean Maury trở về cố quốc, nhưng vẫn đi về giữa hai nước. Năm 59 – 60, ông bỏ đồn điền 450 mẫu ở Buôn Tur vì tình hình an ninh. Sau đêm Noel 1959 ông Maury bị bệnh ngồi xe lăn trở về Pháp cho tới ngày ông qua đời. Tất cả sản nghiệp của ông đều giao lại cho ông Hồ Tống Hàm nhưng ông này từ chối vì bận khai thác nhà thầu thực phẩm ở Pleiku nên ông bà Võ Ngọc Huấn tiếp nhận và cai quản cho tới ngày biến cố tháng Tư 1975 (4) . Ngày 01-09-1965, ông Jean Maury qua đời tại nguyên quán Talant, gần Dijon, nước Pháp.
Tôi bỏ nước ra đi tới nay gần 40 năm chưa lần nào trở về nơi sinh quán nên không biết đích thực cơ ngơi của ông Jean Maury mất còn ra sao (5). Riêng ngôi nhà từ đường của giòng họ Hồ ở làng Hương Cần, Huế do ông bỏ tiền ra xây cất đến nay vẫn tồn tại như một loại di tích. Đời tôi chưa từng bước chân ra tới Huế, chẳng biết gì về quê ngoại, nhưng có nhìn thấy ngôi từ đường rêu phong cổ kính này trong băng video của Má tôi về thăm làng năm 2002 không lâu.
Ông Jean Maury tuy qua đời đã gần 57 năm nay, và nước mất gần 40 năm rồi, nhưng suối Maury muôn đời vẫn còn đó, vẫn âm thầm chảy qua thị trấn và chảy mãi trong lòng những ai từng sống chết một thời với thị trấn mang biệt danh bất hủ: Bụi Mù Trời, Buồn Muôn Thuở.
CHÚ THÍCH:
(1). Hồi nhỏ tôi có đọc cuốn “Truyện Tập Đọc” bằng tranh mà tôi còn nhớ ngoài bìa màu gạch nung, chữ đen, trang trong mỗi bài đều có tranh hí họa tương ứng với nội dung bài viết. Như bài “Bịt Mắt Bắt Dê, Rồng Rắn, Cột Pháo Đuôi Dê v.v…”. Nhất là bài “Thằng Còm” mà đã gần 70 năm rồi tôi vẫn còn thuộc nằm lòng, vì hồi đó tôi cũng còm nhom còm nhách.
“Thằng Còm. Còm thất thểu. Bên vệ đường. Gầy trơ xương. Như que củi. Trông thằng Còm. Thật thảm hại. Ai Đi Qua. Cũng ái ngại.”
Song song với việc học tiếng Việt tôi còn học thêm một mớ Pháp văn. Tối ngày cứ oang oang cái giọng trẻ con: Un, deux, trois… Rồi Le livre là cuốn sách; Le cahier là cuốn tập; Cartable là cái cặp táp; Lire là đọc; La vache qui ris là con bò cười hề hề; dễ nhớ nhất là chữ Le “Sabatier” là trái sabôchê (như ông chú tôi hồi đó học trường Sabatier dạy thêm cho) v.v…
Rồi hình như gần gần cuối năm lớp nhất trường Nguyễn Công Trứ tự nhiên con mắt tôi… sớm nhìn thấy các anh các chị áo trắng áo xanh cắp sách lên trường Trung học Nguyễn Trường Tộ (NTT) như Ba tôi cho biết làm tôi thèm quá xá quà xa. Thấy thằng con nít sớm biết mơ màng, cái ông chú “xà bát” của tôi cười cười thì thào rằng tên trường trước đó là Sabatier (ý chọc tức là trái sabôchê) làm thằng nhỏ cứ ấm ách hoài. Bộ hết tên hay sao lại lấy trái cây ra mà đặt tên trường? Nhưng rồi cái tên thơm tho ngọt bùi đó cũng chìm sâu trong trí tưởng của tôi tự hồi nào.
Năm 1960 ngồi nhấp nhỏm trong lớp Đệ thất trường Trung học BMT trong đầu tôi vẫn cứ tưởng tên trường là NTT. Học trò chúng tôi lúc đó có học thì chỉ học sử Việt chớ ai đâu mà tìm hiểu lịch sử nhà trường bao giờ. Nhưng học hành tài tử văn dốt vũ nát như tôi, sử Việt tôi còn mù trất nói chi tiểu sử trường mình.
Cũng năm đầu trung học đệ nhất cấp tôi bỏ Tây theo học chương trình Anh ngữ. Tới giờ thì trình độ Pháp văn của tôi chỉ còn nhớ độc nhất một từ Sabatier là… trái sabôchê mà thôi.
Năm 1998 ở Canada tôi có đọc tờ Diễn Đàn (?) bên Pháp trong đó có một bài viết về lịch sử trường Trung học BMT, kèm theo sơ đồ lịch sử nhà trường, nét vẽ rất đơn giản. Tôi có vẽ lại sơ đồ này trong cuốn sổ tay mà tôi biết chắc là nó còn lẩn quẩn đâu đó trong phòng sách hơn ba ngàn cuốn của tôi. Đại khái trên đầu là Trung Học Sanatier (1946-1955). Ở dưới bên trái là Trung học NTT (1955-…) Bên phải là Trung học Y Ut (1955?-…) xuống nữa là Trung học BMT…
Khi viết một bài về Suối nguồn được chị NTN e-mail cho biết là tôi đã nhầm lẫn về cái tên khởi thủy của trường Trung học BMT làm tôi như mở cờ trong bụng. Tôi mừng thầm té ra tên đầu tiên của nhà trường không phải là tên “một thứ trái cây thực dân” mà là tên của một nhà ái quốc là Nguyễn Trường Tộ. Nhưng mà hình như chọn đúng tên người có đầu óc canh tân nên trường ta cứ theo thời gian mà đổi tên liền xì bốc!? Nhưng mà (lại nhưng) dẫu có đổi tên gì chăng nữa thì Trường vẫn mang danh của một trong những vị anh hùng nước Việt mà thôi.
(2) Tức Dì Ba Thơm, (sanh năm 1924), nguyên Nghị viên thành phố tỉnh Pleiku năm 1971-1972. Năm 1975, tôi đi học tập cải tạo thì dì trốn về Sài Gòn. Năm 1979 tôi vượt biên ra hải ngoại được tin dì mắc bệnh tim về BMT dưỡng bệnh. Lúc dì Thơm qua đời ngày 19.3.1981, một tay Má tôi an táng Dì tại Nghĩa địa làng, gần Pháo Binh. Dì Ba Thơm là chị ruột của Má tôi.
(3) - Jean Maurice sanh năm 1942 tại Saint Martin Sépert, Pháp, qua VN sống với gia đình năm 1935, trở về Pháp năm 1962. Võ sư Võ Tự Do VN năm 1963 trước khi võ Kick Boxing và võ Thái Lan Boxinh du nhập VN năm 1975 và 1976. Hiện sống tại thành phố Pau, miền Nam nước Pháp.
- Jannne Maurce sanh năm 1944 tại Sài Gòn. Hiện ở tại Riom, cách Clairmont Ferrand 20 km, chồng 1 con.
- Jacques Maurice sanh năm 1947 tại Sài Gòn, giáo sư đại học, hiện ở Toulouse, vợ 1 con.
- Roger Maurice,sang năm 1949 tại Sài Gòn. Hiện là Bác sĩ ở Pau, vợ 2 con.
(4)- Năm 1981 bà Huấn qua đời tại VN. Năm sau gia đình ông Huấn được con cái ông Delors (người hùn vốn khai thác đồn điền với ông Maury) bảo lãnh sang Pháp. Cuối năm 1996 ông mất. Ông bà VNH có tất cả 12 người con. Hiện 6 người ở Pháp và Thụy Sĩ, 4 người ở Mỹ. Không kể VNN đã tử nạn ở VN trước 75.
(5) -Anh Nguyễn Trung Chính, tức nhà thơ Chinh Nguyên e-mail cho người viết biết: “Nhà tôi ở gần nhà ông Huấn nên rất gần suối Maury mà trước đây tôi vẫn gọi là suối Bury! Nhà ông Maury xưa (ông Huấn) và vườn cà phê 15 mẫu chung quanh nhà đã bị phá hết để mọc lên những nóc nhà mới hỗn tạp, không trật tự tràn lan trong khu này! Tôi về năm 1990 đã kinh ngạc vì con đường phượng xưa từ đầu kho bạc qua ngôi nhà Nicolas giữa hai bên vườn cà phê để tới nhà ông Huấn và về nhà tôi đã thực sự biến mất…! và tôi đã bị ngỡ ngàng và lạc lối!”
- Còn anh Y Nuh Ktla (đạ mất) ở North Carolina cho biết: “Vườn cà phê sau nay thành Trung Học Hưng Đức và Nhà Thờ Quân Đội”.
Về suối Maury anh nói:”Ea Tam phát nguồn từ buôn Ko Tam (tức cái đầu nguồn của buôn Tam), nằm trên đường số 10, Quốc lộ 21 đi Nha Trang. Sau đó chảy xuống Thác Nhà Đèn rồi tới buôn A Lê A. Tại đây con suối được mang tên Mouri (M). M là tên một người Tây có đồn điền cà phê, ngay phía trái chợ A Lê A. Từ đó tiếp tục chảy xuống cầu Ea Tam (tức cầu Cổng Số 2, nay gọi là Cầu Trắng) rồi lần lượt chảy qua Ea Knir, sông Krong Ana, sông Mêkông, sông Cửu Long ra biển”.
Có điều, anh Y Nuh Ktla không biết ông Mu-ri (tức ông Jean Maury) là ông chồng Tây của dì tôi.
PHAN NI TẤN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét