Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Chủ Nhật, 5 tháng 8, 2018

XỨ NẪU *Phan Thanh Bình

Bẻ bông mà cắm lục bình,
Nẫu có xa mược nẫu, đôi đứa mình không xa.(ca dao)
XỨ NẪU
*Phan Thanh Bình
...
Năm 1578, chúa Nguyễn Hoàng cử Phù nghĩa hầu Lương Văn Chánh làm Trấn biên quan có bổn phận đưa lưu dân nghèo không sản nghiệp khai khẩn vùng đất mới từ nam đèo Cù Mông đến đèo Cả (tỉnh Phú yên bây giờ). Sau 33 năm khai phá vùng đất mới, hình thành làng mạc, năm 1611 chúa Nguyễn Hoàng thành lập phủ Phú Yên gồm hai huyện Đồng Xuân và Tuy Hòa. Năm 1629, chúa Nguyễn Phúc Nguyên nâng cấp phủ Phú Yên thành dinh Trấn Biên . Do đặc điểm của vùng đất mới còn hoang hóa, dân cư thưa thớt nên các đơn vị hành chính của vùng biên viễn có những nét đặc thù. Dưới cấp huyện có cấp Thuộc, dưới Thuộc là các đơn vị hành chính nhỏ hơn như Phường, Nậu, Man.
Phường là các làng nghề có quy mô như phường Lụa, phường Sông Nhiễu. Nậu là tổ chức quản lý một nhóm nhỏ cùng làm một nghề, người đứng đầu gọi là đầu Nậu.
Ví dụ: “Nậu nguồn” chỉ nhóm người khai thác rừng, “Nậu nại” chỉ nhóm người làm muối, “Nậu rổi” chỉ nhóm người bán cá, “Nậu rớ” chỉ nhóm người đánh cá bằng rớ vùng nước lợ, “Nậu cấy” chỉ nhóm người đi cấy mướn, “Nậu vựa” chỉ nhóm người làm mắm...
Do sự phát triển của xã hội Đàng Trong, năm 1726, chúa Nguyễn Phúc Chú (1697-1738) cử Đại ký lục chính danh Nguyễn Đăng Đệ quy định phạm vi, chức năng của các đơn vị hành chính. Các đơn vị hành chính như “Thuộc”, “Nậu” bị xóa bỏ.
Khái niệm thành tố chung cấp hành chính “Nậu” được biến nghĩa dùng để gọi người đứng đầu trong đám người nào đó và sau này dùng để gọi đại từ nhân xưng ngôi thứ ba.
Từ “Nậu” không xuất hiện độc lập mà chỉ có mặt trong các tổ hợp danh ngữ:
Ví dụ:
- Ai về nhắn với nậu nguồn
Mít non gởi xuống cá chuồn gởi lên.
Từ chữ “Nậu” ban đầu, phương ngữ Phú Yên-Bình Định tỉnh lược đại từ danh xưng ngôi thứ ba (cả số ít và số nhiều) bằng cách thay từ gốc thanh hỏi. Ví dụ: Ông ấy, bà ấy được thay bằng: “ổng”, “bả”. Anh ấy, chị ấy được thay bằng: “ảnh”, “chỉ”.
Và thế là “Nậu” được thay bằng “Nẩu”.
Nẫu đã đi vào ca dao Bình Định, Phú Yên khá mượt mà, chân chất:
Ai về sông núi Phú Yên
Cho nẫu nhắn gởi nỗi niềm nhớ quê
Phương ngữ Thuận Quảng (Thuận Hóa - Quảng Nam) với “mô, tề, răng, rứa, chừ”, vượt qua đèo Bình Đê (ranh giới Bình Định - Quảng Ngãi) được đổi thành “đâu, kia, sao, vậy, giờ”.
Và đặc trưng ngữ âm của vùng Nam Trung bộ (Bình Định - Phú Yên) không phân biệt rạch ròi cách phát âm dấu hỏi và dấu ngã. Đặc biệt, bà con vùng biển từ Hoài Nhơn (Bình Định) đến Gành Đỏ (Sông Cầu-Phú Yên), các âm dấu ngã đều phát âm thành dấu hỏi.
Riêng đồng bằng Tuy Hòa, khi phát âm không phân biệt được dấu hỏi và dấu ngã. Bởi vậy, “Nẩu” hay được phát âm là “Nẫu”.
Đồng bằng Tuy Hòa trù phú, nhiều nhà giàu trong vùng cho con cái đi học chữ phương xa. Các vị có chữ nghĩa viết chữ “Nẩu” theo phát âm quen miệng thành chữ “Nẫu”.
Nói nôm na, tiếng Nẫu là tiếng địa phương của vùng Bình Định và Phú Yên có nghĩa là họ, hay người ta, vì là "đại từ nhân xưng" nó nằm ở vị trí ngôi thứ ba vừa số ít mà cũng vừa số nhiều. Ví dụ thay vì hỏi „Hôm nay người ta đi đâu mà nhiều vậy? „ thì người dân Bình Định và Phú Yên hỏi là „Hôm nay nẫu đi đâu mà nhiều dậy?“ hay „Cái nhà này là của họ“ thì dân Nẫu sẽ nói là „Cái nhà nhà này là của nẫu“.
Chính vì vậy mà khi hòa cùng tất cả tiếng nói của mọi miền đất nước thì tiếng nẫu sẽ không lạc vào đâu được, thậm chí còn dùng những từ hoàn toàn khác với những từ thông dụng, ví dụ thay vì nói „Vào tận trong đó“ thì nói là „Dô tuốt trỏng“ hay hỏi "vậy hả?" thì hỏi là „dẫy na?“, "dẫy ngheng" (vậy nghen hay thế nhé), "dẫy á" (vậy đó), "chu cha wơi" (trời đất ơi) v.v...
Cũng vậy, nếu có một chàng trai xứ khác nào đó có quan hệ tình cảm với một cô gái người xứ Nẫu nhưng tình của chàng này còn lấn cấn theo kiểu „Mặt trong thì đã mặt ngoài còn e“ hay vẫn còn „ú ớ việt gian“ thì cũng có thể sẽ nhận được câu nói chân chất với khí phách, ngang tàng, dám nói mà cũng dám làm sau đây từ phía người đẹp. Yêu không yêu thì thâu, cứ dứt phát đi (Ý nói yêu không yêu thì thôi, cứ nói dứt khoát đi).
...
Xứ nẫu quê tôi có hòn núi Nhạn, có Núi Đá Bia, có đèo Cả, Cù Mông, có Vũng Rô, có đập Đồng Cam, có đồng lúa mênh mông cò bay thẳng cánh“. Xứ Nẫu quê tôi còn có sông Ba, hòn Chùa, có đầm Ô Loan, vịnh Xuân Đài, có những rừng dừa xanh nằm trên bãi biển cát vàng, tạo nên những phong cảnh thiên nhiên hài hòa và hùng vỹ. Nói chung nó chẳng khác nào như một nước Việt Nam thu nhỏ vì nó có tất cả, từ vịnh, gành, đầm, vũng đến biển, đảo, núi rừng cùng với cả một vùng đồng bằng được mệnh danh là vựa lúa miền Trung. Nó còn có cả vùng trung du, vùng, cao nguyên với núi cao rừng thẳm và cũng bắt nguồn từ đó nó đã đi vào ca dao, dân ca, thi ca, văn học nuôi dưỡng tâm hồn người dân tôi qua nhiều thế hệ.
...
Phan Thanh Bình

1 nhận xét: