Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Thứ Năm, 2 tháng 8, 2018

NHỮNG CON ĐƯỜNG QUY NHƠN *Hoàng Uyên

Tôi sẽ đi thăm... Ai đã đến Quy Nhơn dù chỉ một lần đều nhớ biển xanh, sóng vỗ, nhớ những con đường phố hẹp thân thương...
NHỮNG CON ĐƯỜNG QUY NHƠN
*Hoàng Uyên
Những người đặt chân đến Quy Nhơn vào những năm đầu tiên sau 1954 thì sẽ thấy những con đường ở Quy Nhơn lúc đó là những con đường đất phần nhiều cây cỏ mọc hoang. Có những con đường một vài lô cốt nằm nghiêng ngã, những ụ đất lởm chởm đá. Một con đường sắt nằm trơ ra không còn hoạt động…chứng tích của chiến tranh còn sót lại.
Đất nước tạm yên bình, mọi người đến đây sinh sống, định cư. Cuộc sống khiến tất cả phải làm lại từ những đống đổ nát. Họ khai hoang, dỡ đất, xây nhà, trồng trọt, đánh cá, chăn nuôi, mở đường…nhu cầu nối tiếp nhu cầu. Người dân, lúc đầu mới đến đây chỉ là từng nhóm nhỏ, dần dần nhiều lên, mở rộng ra từng xóm, rồi từng vùng…hàng ngày, tiếp xúc qua lại với nhau. Sau đó, có người mua, kẻ bán nên họ tăng gia sản xuất để trao đổi hàng hóa…Vì vậy, các con đường bắt đầu được mở ra để tiện việc giao thông.
...
Đường Gia Long (Nay là Trần Hưng Đạo)
Trong nhiều bài hát nói về Bình Định, Quy Nhơn tôi thích nhất là bài Bình Định Quê Hương Tôi của một người con Bình Định – Nhạc sĩ Xuân Điềm – do Khánh Ly hát:
“…Thương nhớ về Bình Định
Nón lá Gò Găng năm nào
Cùng người em Tăng Bạt Hổ
Chiều hè dạo phố Gia Long…”
Đến Quy Nhơn mà không một lần dạo chơi trên con đường Gia Long quả là thiếu sót vì đây là con đường phố chính ở Quy Nhơn.
Con đường Gia Long nay đổi tên là đường Trần Hưng Đạo, là một phần của quốc lộ 19 chạy từ ngả ba Phú Tài xuống Bến Tàu (Hải Cảng Thị Nại – Khu 1). Trong ký ức của tôi, những năm đầu thập niên 60, đây là một con phố buôn bán nhộn nhịp của Qui Nhơn. Nơi đây, tập trung rất nhiều cửa tiệm mua bán, nói chung là mặt hàng nào cũng có. Do đó, mỗi lần cần mua gì, mọi người thường đến các cửa tiệm ở đây để mua. Hàng hóa trưng bày rất đẹp! Từ sách, vở, báo chí, dụng cụ học sinh cho đến đồ dùng gia dụng, đồ dùng nông, ngư nghiệp…ngoài ra còn có tiệm bánh kẹo, trái cây…Những người dân trong thị xã thường đến đây, khi thì mua báo, sách vở…khi thì mua những chiếc áo mưa…có lúc ghé đến tiệm trà, rượu…nếu cần mua đồ sính lễ trong việc cưới hỏi hay để biếu…vào tiệm trái cây mua một trái lê, một trái táo (nhập từ Pháp) về nhà ăn cho biết…dừng lại tiệm bánh kẹo mua hộp bánh biscuit, hộp kẹo…thường mua nhất là vào những ngày lễ, Tết.
...
Do sự sầm uất cho nên không ai ở Qui Nhơn trước 75 mà không biết phố Gia Long. Nhất là từ năm 1962, trường Sư Phạm Quy Nhơn được thành lập thì chiều chiều đường phố lại càng đông đúc bởi sự xuất hiện những giáo sinh Sư Phạm. Nhiều người trong số họ gắn bó với con đường này bởi vì những chiều thứ bảy, những chiều cuối tuần dạo phố. Thời gian đó, ra phố dạo quanh các quán xá, mua sách, báo, nhạc…là một cái “mốt”. Do đó, con đường luôn dập dìu tài tử giai nhân, nam thanh nữ tú…nhiều đôi tay trong tay dìu nhau đi trên phố. Người đơn lẻ thì liếc mắt tìm kiếm…cũng không ít trường hợp có người ngẩn ngơ hay luyến lưu với “…tà áo dài ai bay trong chiều lộng gió”, rồi đi theo… về đến tận nhà…
Đường Nguyễn Huệ
Con đường thường được người dân nơi đây cọi là con đường biển vì con đường này chạy dọc, ôm sát theo bờ biển từ khu một cho đến Ghềnh Ráng. Nếu cùng nhau đi dạo trên con đường này thì sẽ nghe tiếng vi vu của hàng dương, tiếng xào xạc của hàng dừa hòa với tiếng sóng biển vỗ ầm ì vào bãi cát…Ở đây, đêm xuống có thể ngắm trăng lên trên biển…ngắm ánh đèn lấp lánh thuyền chài xa xa…và bầu trời thì có muôn vàn vì sao lấp lánh…thật là huyền diệu! Đường Nguyễn Huệ có các Khu quân sự, có Ty Công Chánh, Ty Y Tế, Trường Nữ Trung Học Qui Nhơn, Trường Mẫu Giáo, Sau năm 1972 có trường Tăng Bạt Hổ (Bồng Sơn). Có Lăng Ông, Khu Hai. Đến ngã ba Cường Để có Tòa Án, Dinh Tỉnh Trưởng, bệnh viện…Nhà Thờ Hòa Ninh…Eo Nín Thở, Sân bay…Trường Vi Nhân, Trường Sư Phạm Qui Nhơn, Trường Kỹ Thuật, Quân Y Viện…Rất nhiều học sinh gắn bó với con đường này! Riêng tôi thì có quá nhiều kỷ niệm của khoảng thời gian học mẫu giáo, thời gian học trung học và hai năm học ở sư phạm…
Đường Lê Lợi
Bắt đầu từ ngã ba Bạch Đằng chạy đến ngã ba Nguyễn Huệ (đường biển). Nhộn nhịp nhất là từ góc đường Gia Long đến Hai Bà Trưng. Nơi đây có rạp chiếu bóng Lê Lợi, tiệm ăn và tiệm nước mắm Thanh Hương nổi tiếng thơm ngon…Đối diện bên kia đường là tiệm may Hoài Xuân, tiệm may áo dài Cát Long, tiệm vàng Đồng Thạnh, quán giải khát Thanh Thanh (nhà của Vinh) khá đông nam thanh nữ tú trú mưa hay ghé chân nơi này trước và sau mỗi xuất chiếu phim, tiệm vàng Mỹ Phụng.
Ngay góc đường Lê Lợi-Hai Bà Trưng có quán café Văn, trang trí khá tao nhã…chủ nhân là đôi vợ chồng trẻ rất mê nhạc nên khách đến đây thường được thưởng thức những tuyệt phẩm tiền chiến lẫn đương thời. Đôi vợ chồng trẻ hiện nay là chủ quán Sông Trăng nổi tiếng ở Bình Quới- Sài Gòn.
Đường Lê Thánh Tôn
Đây là con đường khá rộng, từ trước mặt Nhà Thờ Nhọn cho đến đường Nguyễn Huệ. Hằng ngày, người dân nơi đây, cứ sáng sớm hoặc xế chiều mặc đồ tắm vai mang víc-xi đi bộ xuống tắm biển.
Trước năm 1975 có Ngân Hàng Phát Triển Nông Nghiệp, sau lưng là khu định cư của những giáo dân Thiên Chúa và Khu Gia Binh.Góc đường Tăng Bạt Hổ – Lê Thánh Tôn – Nguyễn Du có biệt thự màu hồng mà mọi người xung quanh gọi là “Biệt Thự Một triệu”, có biệt danh như thế là vì năm 1960, khi trúng vé số Kiến Thiết Quốc Gia một triệu đồng, chủ nhân đã mua và xây ngôi nhà này. Đối diện biệt thự là Trại Truyền Tin rồi đến Chùa Huệ Quang Tự.
...
Bây giờ thì Thành Phố Quy Nhơn được mở rộng ra và có rất nhiều con đường mới với nhiều cây xanh, nhiều hoa…đêm đến lại rực rỡ bao ánh đèn. Một thành phố biển mang một bộ mặt hiện đại thích hợp với xu thế mới! Thế nhưng trong ký ức của tôi, một người đã sống ở đây vào thập niên 60-70, thành phố này vẫn là thành phố nhỏ, êm đềm, hiền hòa, và thơ mộng. Tôi xin cám ơn Thành Phố với những con đường bình dị, thân thương. Những con đường đã in dấu bao buồn vui của thời cắp sách, những con đường đã từng chứng kiến những cuộc tình ngây ngô của tuổi học trò…Bây giờ, cũng chính những con đường này, thỉnh thoảng lại đón bước chân, mỗi khi tôi trở về…
Hoàng Uyên
(Trích đoạn trong bài "Những Con Đường Quy Nhơn" của Hoàng Uyên đăng trên https://hiquynhon.com/nhung-con-duong-quy-nhon)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét