Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Thứ Sáu, 3 tháng 8, 2018

KINH ĐÔ ĐỒ BÀN CỦA VƯƠNG QUỐC CHÀM XƯA

Người xưa đâu?
Mà tháp thiêng cao đứng như buồn rầu... (Hận Đồ Bàn- Xuân Tiên)
KINH ĐÔ ĐỒ BÀN CỦA VƯƠNG QUỐC CHÀM XƯA
* Ghi chép của Phạm Xuân Khuyến
Thành Đồ Bàn còn gọi là thành cổ Chà Bàn nằm ở phía bắc huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định, tọa lạc trên đất các thôn Nam Tân, Bắc Thuận và Bá Canh của xã Nhơn Hậu thuộc huyện An Nhơn và cách thành phố Quy Nhơn 27 km về hướng bắc. Thành Đồ Bàn được xây dựng năm 982 do Chiêm vương Ngô Nhật Hoan, kiến trúc thật kiên cố.
Bên trong có dựng tháp Bảo chướng, bên ngoài có dãy đồi Kim Sơn án ngữ mặt tây, có núi Long Cốt làm tiền án và gò Thập Tháp yểm hậu. Theo sách “Đồ Bàn Ký” của Nguyễn Văn Hiển thì: “Thành hình vuông xây bằng gạch, mở bốn cửa, chu vi hơn mười dặm”...
Thành cổ Đồ Bàn là kinh đô cuối cùng của vương quốc Chiêm Thành vốn tên là Vijaya từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 15. Năm 1471, vua Lê Thánh Tông đem một đoàn thủy, lục quân hùng mạnh đánh Chiêm Thành . Sau khi chiếm được, Lê Thánh Tông ra lệnh phá hủy thành Đồ Bàn đổi thành phủ Hoài Nhơn trực thuộc Quảng Nam thừa tuyên...
Thành Đồ bàn cũng thôi không nức nở
Trong sương mờ huyền ảo lắng tai nghe
Từ một làng xa xôi bao tiếng mõ
Tan dần trong yên lặng của đồng quê…
(Điêu Tàn-Chế lan Viên)
...
Đến năm 1778, thành Đồ Bàn được đổi tên là thành Hoàng đế và giữ vai trò Đại bản doanh của Bộ chỉ huy quân đội Tây Sơn cho đến năm 1786.
...
Năm 1793, Nguyễn Nhạc mất, thành Hoàng đế đổi tên là thành Quy Nhơn, lệ thuộc vào kinh đô Phú Xuân.
...
Năm 1799, sau khi đánh bại quân Tây Sơn, Nguyễn Ánh đổi tên là thành Bình Định.
...
Thành cổ Đồ Bàn hay thành Bình Định từ ấy đến nay chỉ còn trơ một dãy gò sỏi đá cùng ngọn tháp Chàm Cánh Tiên ngạo nghễ với nắng mưa. Theo nhà khảo cổ Parmentrir, thì đó là trung tâm thành Đồ Bàn thuở xa xưa. Đó đây lác đác vài cây cổ thụ dáng dấp mệt mỏi u buồn cùng những bụi cây gai xương xẩu. Những ao nước như Ao Liệt, Bàu Vệ, Bàu Nóc… là những nét chấm phá, điểm tô cho toàn cảnh bức tranh Đồ Bàn ngày nay.
Bài sưu tầm của Phạm xuân Khuyến
(Trích đoạn từ nguồn http://www.vanhoaviet.info/Binhdinh.htm)
---oOo---
“ Rừng hoang vu – Vùi lấp bao nhiêu uất căm hận thù
Ngàn gió ru – Muôn tiếng vang trong tối tăm mịt mù “
Qua: “ Người xưa đâu? Mà tháp nghiêng cao đứng như buồn rầu
Lầu các đâu? Nay thấy chăng rừng xanh xanh một màu “
Đó là đoạn mở đầu ca khúc “ Hận Đồ Bàn “ của nhạc sỹ Xuân Tiên. Bài hát này đã vẽ cho ta hình ảnh, dấu tích của thành Đồ Bàn ngày nay trong bóng chiều tàn tạ. Từng ngôi tháp Chăm cổ điêu tàn, hiu quạnh theo dòng thời gian. Rồi cũng cùng một nhịp điệu, đoạn thứ hai của bài hát gợi lại sự rực rỡ, sống động của dân tộc Chăm, của thành Đồ Bàn thời hoàng kim trong ký ức:
“ Về kinh đô – Ngàn thớt voi uy hiếp quân giặc thù
Triền sóng xô – Muôn lớp quân Chiêm tiến như tràn bờ
Đến: “ Tiệc liên hoan – Nhạc tấu vang trên xứ thiêng Đồ Bàn
Dạ yến ban – Cung nữ dâng lên khúc ca về Chàm “
Để rồi thì: “ Tháng năm buồn ngân, âm thầm bài hận vong quốc ca “ và “ Mộng kia dẫu tan, cuốn theo thời gian, nhưng hồn ngàn đời còn theo nước non “ - Số phận dân Chăm: Chỉ còn hai cộng đồng nhân chủng, khoảng trên bốn trăm ngàn người xuất thân từ dân tộc Champa thời trước, bên cạnh di tích của những tháp Chăm còn sót lại, rải rác từ Quảng Nam tới Phan Rang, Phan Thiết, trong nhiều thế kỷ là nơi để những thế hệ người Chăm tìm về bái vọng tổ tiên, không khỏi khơi trong lòng ta những ngậm ngùi.
Những nỗi niềm ngậm ngùi, cảm xúc, u hoài về sự vong quốc của nước Chăm, qua hình ảnh những tháp Chăm cô độc, câm nín, đặc biệt trong thi ca Việt Nam, được thể hiện qua tập thơ “ Điêu tàn “ của thi sỹ Chế Lan Viên, sáng tác lúc tác giả mười sáu tuổi, một người Việt trăm phần trăm, nhưng lớn lên giữa cảnh điêu tàn, tang thương của những phế tích ở Bình Định, mà tâm hồn nhạy cảm của ông đã xúc động, cất lên thành vần điệu:
Quả đất chuyển đây lòng tôi rung động
Nỗi sầu tư nhuần thấm cõi hư vô
Tháng ngày qua gạch Chàm đua nhau rụng
Tháp Chàm đua nhau đổ dưới trăng mờ - (Những sợi tơ lòng)
...
Người Chăm là bậc thầy trong nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc. Tháp Chăm được xây dựng bằng những viên gạch sấy khô, chạm khắc rồi nung đỏ, còn giữ nguyên màu qua thời gian, chồng lên nhau, xếp khít vào nhau, mà không có dấu tích gì của vôi vữa, hay vật liệu nào tương tự để kết dính vào nhau như kỹ thuật xây cất ngày nay.
Hoàng hôn tím
Tháp Chàm lặng lẽ
Gạch đá âm thầm
Trầm mặc kiếp đa đoan
Bao tâm sự
Xói mòn theo mưa nắng
Bao ưu tư
Phai nhạt với thời gian
Bóng chiều nghiêng
Loang lổ muộn phiền – Mai Thanh Hải
Ta có thể kể từ tháp Đôi / tháp Hưng Thạnh, tháp Bình Lâm, tháp Bánh Ít / tháp Bạc / tháp Tri Thiện / tháp Thiện Mẫu/ tháp Thổ sơn thuộc quận Trung Phước; Qua tháp Thủ Thiện / tháp Đất, tháp Dương Long / tháp Ngà / tháp Vân Thường / tháp An Chánh / tháp Ba Chia thuộc quận Bình Khê; Đến tháp Phúc Lộc / tháp Phốc Lốc / tháp Vàng và tháp Cánh Tiên / tháp Đồng thuộc quận An Nhơn.
Tháp Cánh Tiên, cao gần 20m, được xây vào đầu thế kỷ XII, còn gọi là tháp Ô Tiên hay Tiên Dực, vì ở bốn góc là hình của những đôi cánh tiên, là một ngôi tháp còn tương đối nguyên vẹn của một khu vực gồm nhiều tháp cổ, thuộc khu kinh thành cũ Vijaya, nay thuộc địa phận hai thôn Nam Tân và Bắc Thuận, xã Nhơn Hậu và thôn Bả Canh, thị trấn Đập Đá, quận An Nhơn, gần sát quốc lộ 1, cách thành phố Quy Nhơn chừng 27 km về phía Tây Bắc.
Ta lại về thăm tháp Cánh Tiên
Long lanh nắng xuống, bóng sương chìm
Cánh chim nào động trời hoang dã
Mà chiều Bình Định gió như im – Thanh Trắc Nguyễn Văn
XUÂN PHƯƠNG (Văn Nghệ Biển Khơi)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét