Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Thứ Sáu, 19 tháng 2, 2016

CƠM ĐỒ, NHÀ GÁC, NƯỚC VÁC, LỢN THUI ...

Nghe chuyện xứ Mường...
CƠM ĐỒ, NHÀ GÁC, NƯỚC VÁC, LỢN THUI ...
- Cơm đồ, nhà gác, nước vác, lợn thui, ngày lui, tháng tới - câu tục ngữ của người Mường có thể nói đã tóm tắt toàn bộ cuộc sống của sắc tộc này, sắc tộc được coi là cội nguồn của người Việt. Cùng với thời gian, trong lối sống ấy nhiều thứ đã mai một.
* Đối với người Mường, đồ không chỉ dùng cho việc nấu cơm mà là cách nấu đặc trưng, nấu rau, cá người ta đều cho vào chõ gỗ đồ cả, thậm chí phía dưới đồ gạo nương, phía trên đồ rau, và được ngăn bởi một vách tre đan không ảnh hưởng gì cả. Tức là tất cả các thực phẩm đều có thể nấu chín bằng đồ hấp hơi và đó là một phong cách ẩm thực của người Mường cho đến tận ngày nay.
* Trên cơ sở của một hình mẫu nhà sàn chung, nhà sàn của bốn giai tầng trong xã hội Mường khác nhau chút ít. Rộng nhất và bề thế nhất, cũng như làm bằng gỗ tốt là nhà Lang và Ậu, giai tầng thứ nhất và thứ hai. Nhà dân thường là nhà Nóc, thấp bé hơn chút ít, còn nhà Nóc trọi của tầng lớp bần cùng đáy xã hội thì dường như chỉ làm bằng tre nứa và nhỏ như cái chòi. Hệ thống vì kèo nhà người Mường cơ bản không dùng mộng đục mà kết nối thuần túy bằng cách gác lên nhau, và chồng đè. Cách thức này giúp cho ngôi nhà nếu bị lũ lụt, lở đất thì chỉ xê dịch chứ không đổ gãy hoàn toàn khung vì kèo, và lại dễ dàng phục hồi.
* Mặc dù có hệ thống dẫn nước bằng máng và lấy nước bằng các guồng nước lớn, nhưng người Mường vẫn chỉ dùng nước đó để tưới tiêu, giã gạo (cối giã gạo nước), chứ nước ăn uống người ta lấy riêng từ một mó (nguồn, mỏ) nước sạch và dường như không bao giờ cạn. Mó nước này được bảo vệ chặt chẽ vì nó cung cấp nước sạch có thể uống được ngay cho cả bản làng. Và người ta chỉ có thể lấy nước đó bằng các đồ đựng như ống bương lớn hay ống tre nhỏ ... Hình ảnh người phụ nữ vác ống bương nước dài rất điển hình trong sinh hoạt bản làng Mường xưa.
* Lợn thui là một kiểu chế biến thực phẩm nguyên thủy, tất cả con vật bắt được đều thui và nướng. Nếu như người Kinh dùng nước sôi cạo lông lợn khi làm thịt, rồi mới luộc hay xào nấu, thì người Mường thui lợn, rồi dùng lá chuối bánh tẻ, không quá non hay già, nướng qua đi rồi gói thịt lợn thái từng lát cho vào chõ gỗ hấp (đồ), chứ không luộc, bên cạnh đó tất nhiên là món nướng...
(Trích đoạn "Cơm đồ, nhà gác, nước vác, lợn thui, ngày lui, tháng tới" của Phan Cẩm THượng và Vũ Hiếu đăng trên báo Thethaovanhoa.vn)





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét