Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Thứ Hai, 10 tháng 2, 2025

MẶT NƯỚC NHỚ THUYỀN *Nguyễn Hàng Tình

 

Người sơn nguyên gọi thuyền độc mộc là plung, m'ran.. Mới hôm nào, cứ chỗ nào còn nhìn thấy plung là chỗ đấy êm ả. Chỗ nào còn nhìn thấy plung là nơi đó còn có màu xanh nguyên bản, rừng chung sống với người và ngược lại..
MẶT NƯỚC NHỚ THUYỀN
*Nguyễn Hàng Tình
...
Dăm ba bến hồ, bến sông ở vùng Ayun Pa của người J’rai, vùng Kon Tum của người Banarh, vùng hạ lưu sông Sêrêpôk ở Ea Súp, Buôn Đôn của người Ê Đê - Lào - M’Nông đỏ mắt tìm kiếm mới thấy thấy vật vờ đôi ba con Plung/M’ran. Nhưng con nào cũng tàn tạ lắm rồi, như các “cụ Plung”, tuổi năm - sáu - bảy mươi năm cả. Hình ảnh rực rỡ hấp hối duy nhất của Plung chỉ còn có thể chứng kiến ở vùng của người M’Nông Gar, quanh hồ Lăk, xứ Lăk. Nơi này người M’Nông Gar thuần sơn nguyên, bòn (làng) của họ còn dày đặc, và họ sinh sống ngàn đời với nước (Lăk là nước, ở đây có cả vị Yàng Lăk cho xứ sở thần Nước), với nghề trồng lúa nước và đánh bắt thủy sinh. Hàng ngày những người phụ nữ ở bòn Jun, bòn Lê vẫn băng hồ bằng Plung để đi rẫy ở núi bên xa kia. Và những người phụ nữ ở bòn M’Liêng, Triết, Trấp… vẫn ra chợ thị trấn huyện lỵ bằng Plung. Vì hồ tự nhiên Lăk quá đẹp, bản sắc văn hóa M’Nông Gar còn quá đặc sắc, nên khách du lịch tìm đến đây nhiều. Và nhiều nhà M’Nông Gar cũng biết lấy những con Plung để chở khách đi chơi, kiếm chút tiền. Với tôi, Lăk đây đang là “Bảo tàng sống” cuối cùng về thuyền độc mộc trên miền sơn nguyên Tây Nguyên. Dù bà H’Duôi ở bòn Jun sát mép hồ nói rằng, cũng hai mươi lăm năm rồi, không thấy có chiếc Plung nào mới đưa xuống hồ cả. Số thuyền độ hai chục chiếc còn lại quanh đây là những chiếc ông cha để lại từ những năm 1960, 70, 80, 90 của thế kỷ trước. Không phải mỗi nhà ít có nhất một chiếc như xưa nữa, trong khi các bòn làng quanh đây số gia đình người M’Nông có đến số ngàn. Song con nào giờ nhìn thân thể cũng như tấm áo của những kẻ cơ hàn, đã dày đặc chỗ vá to, nhỏ, vá bằng tôn, bằng nhôm, bằng nhựa, từ bụng đến thân, từ đầu đến đuôi. H’Ánh, cô gái trẻ hơn bà H’ Duôi cả mấy chục tuổi, bên bến hồ ấy tâm tư với tôi là giờ có xe cày, xe máy, nhưng cực chẳng đã phải dùng xe động cơ này và chỉ ở mùa khô - khi hệ thống sông - suối - hồ ở xứ Lăk co lại vì thủy điện đó đây trên lưu vực. Chứ với cô, mùa mưa vẫn thích dùng Plung để sinh hoạt, đi lại, dù chiếc thuyền độc mộc cuối cùng của nhà cô vì mấy cái rẫy ở bên kia núi chứ không vì du lịch bên hông nhà. Trong lòng bà H’Duôi cũng như cô H’Ánh, Plung mà làm du lịch là Plung đang “diễn”, đang “kỹ nghệ du lịch” chứ không phải Plung đang sống cuộc đời sông hồ - rừng núi - nắng mưa - rẫy nương - thủy/lâm thổ sản - nước mắt - mồ hôi - buồn vui của nó với bà con. Với tôi, thì Plung còn làm du lịch cũng là may, vì ít nhất tôi còn nhìn thấy vóc dáng, xác phàm của nó. Với ông Y Bhun ở bòn Lê, quanh đây không ai còn dám lên rừng để lấy cây Dhi Grier nữa. “Xứ Lăk cũng đã hết sạch cây cối (rừng) rồi. Nơi còn rừng, nó ở xa lắm, mà nhà nước quản lý hết, có chủ cả!”. Pháp luật chuẩn, lề lối, tử tế đến thấu lòng dân gian. Pháp luật bảo vệ rừng chẳng nhẽ lại có cơ chế riêng, điều khoản riêng cho mi được sao hả Plung?!
Lòng vòng quanh xứ sở của thuyền độc mộc Lăk này với ta, người đàn ông cũng hay suy tư về mi, ông Y Bhun, chợt ông dừng lại chốt hạ dự báo: “Plung sẽ không bao giờ còn tồn tại nữa!”. Ta nhớ ánh mắt già ngây (chứ không phải thơ ngây!) của ông Bhun khi đưa tay chỉ ra nơi người M’Nông mình bao đời đậu Plung: “Ồ, mấy chiếc đó hỏng lụi ít năm nữa là xong, chấm hết thôi!”.
Ta mặc kệ thiên hạ khắp nơi, trên núi, dưới xuôi, phố xá kéo nhau đi sưu tầm mi. Ta chỉ thích mi trong cuộc đời thật của mi, hiện thực ở không gian sinh học, không gian văn hóa của mi. Mà giờ Dà Dơng, Tơnau, Croh, Tơnau vó, Kềng, Nhrùh, Sére… còn tơi bời hoa lá, không hình thù dáng ngợm nữa, huống chi đến “Bến thuyền”, và mi. Không ai cứu được mi cả đâu. Mi chỉ là kỷ niệm của nhân loại vào một thời xã hội loài người là xã hội thảo mộc, xã hội nông nghiệp, chứ không phải xã hội công nghiệp, xã hội điện tử, xã hội tiên tiến, xã hội thông minh, dù thời còn mi xã hội con người giản dị, dễ hiểu hơn bây giờ. Mi là câu chuyện về buổi ban đầu của loài người. Cái buổi ban đầu là thời lộng lẫy sát thực, ít hiểm ác, tranh chấp và tham lam; còn buổi hiện đại sao cứ diêm dúa, ảo tưởng, rối tưng, trừng phạt. Mà loài người có một thứ bệnh trầm kha như số mệnh giống loài là càng già, càng tối tân, càng kỹ thuật số, càng hung hăng là càng ưa nhìn về quá khứ, nguồn cội. Nên còn lâu họ mới quên mi, dù tới ngày mi không còn bóng dáng nữa như ông Y Bhun nói. Rồi họ sẽ đào sâu ký ức về mi, điều nghiên về mi, khảo cứu về mi, kể chuyện huyên thuyên về mi. Hành trình có mặt trên đời của mi như thể cũng vẻ vang rồi. Khép mắt đi. Hoặc tham tồn tại như loài người, đòi hỏi nhiều như loài người, nhu cầu hưởng thụ bất tận như loài người, thì mi hãy đầu thai vào kiếp xe hơi, máy bay, tàu lửa cao tốc đi. Riêng ta, ta cúi đầu đăng ký làm người đầu tiên nhớ về mi, dù thuở mi chưa khép mắt và lúc mi hấp hối nhất ta vẫn không hề cứu mi. Ta nhỏ lệ cho mi, mà như đang nhỏ lệ cho giống loài mình, con người, cho chính ta.
Bút ký: NGUYỄN HÀNG TÌNH
Có thể là hình ảnh về 3 người và thuyền
Tất cả cảm xúc:
Ngọc Lan, Thanh Phan và 54 người khác
11
Thích
Bình luận
Chia sẻ
Xem thêm bình luận
Trần Bình
Xưa khi cánh đồng buôn Trấp ngập nước, mình đã đi thuyền này thả dọi đo sâu để khảo sát địa hình. Dĩ nhiên nhờ dân chèo chứ mình chèo là....lật.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét