Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Thứ Bảy, 17 tháng 6, 2023

MẶT NƯỚC NHỚ THUYỀN *Nguyễn Hàng Tình

 

 
Đã chia sẻ với Công khai
Công khai
“Thuyền ơi có nhớ bến chăng,
Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền ”(Ca dao)
MẶT NƯỚC NHỚ THUYỀN
*Nguyễn Hàng Tình
Sang dlông (căn nhà sàn dài) nơi mặt đất là thuộc về giống đực cực dương so với giống cái cực âm là cái Plung dính vào mặt nước sông hồ tự nhiên miền cao nguyên này. Giống như rẫy nương và núi non là hiển thị tính nam (đực) so với sông hồ và thủy vật thuộc tính nữ (cái). Người sơn nguyên xem đực - cái, dương - âm là sự sống, sinh sôi, sinh hoạt, tất yếu, nó cao cả vì nó gần gũi, như máu chảy trong người và nước chảy dưới đất, mà không cần lý thuyết hay triết thuyết, văn bản hóa. Tính cái - đực, âm - dương, sinh thực khí dân gian dân dã đã được hiểu tự nhiên, tưng bừng, rạng rỡ, tinh tế, vì vậy mà thường xuất hiện ngay cả khi con người ta chết đi, nên cảnh giao hợp của con người, và cả chiếc Plung nữa, mới hay được điêu khắc lên gỗ, tôn cảm nhiều trong các nghĩa địa miền sơn nguyên. Cái Plung là phần âm nguồn mạch, sinh sôi đáng yêu, nặng tình, keo thủy, keo sơn.
Giao hòa
Mới hôm nào, cứ chỗ nào còn nhìn thấy Plung là chỗ đấy êm ả. Chỗ nào còn nhìn thấy Plung là nơi đó còn có màu xanh nguyên bản, rừng chung sống với người và ngược lại. Chỗ nào người còn cưỡi Plung lướt đi trong mặt nước bên dưới, nắng mây bên trên, cơ cầu trong thực tại thuần nông chân chính là con người chỗ đấy còn mộc mạc, sống bằng tình thay cho lý trí, trao gửi thay cho toan tính, cố tham. Trên thế gian này, trong mối quan hệ với thiên nhiên hẳn khó có hình ảnh nào sức sống, gần gũi, sâu nặng và diễm lệ hơn con người với con thuyền độc mộc trôi trong không gian thật của cuộc sống. Quái lạ thật, cái Plung - con thuyền độc mộc - nó có phép màu gì lạ thế!?. Cảnh sống bình thường này với ta nó đã phơi ra ở những khúc sông trên nguồn Dà Dơng, Sê San, Pôkô, Dak Bla, rồi nơi những hồ nước mà người S’tiêng sống gần đấy ở Cát Tiên, là những cù lao nằm giữa dòng Sêrêpốk của người Ê Đê, Lào, là những cánh đồng mỡ màu bên hạ lưu sông Krông Ana, hay các dải ruộng núi nằm dưới các rặng sơn lâm ở hạ lưu dãy Chư Yang Sin, Kon Ka Kinh, Bidoup, rồi cả nơi những bàu nước sình lầy um tùm lau lách ta đã sống qua, và rộng khắp nữa là mọi ngóc ngách, xó núi, xó rừng. Bá tánh người bản địa hay đưa ta đi lại trên những chiếc Plung thế này - giống như khi ở phố người ta cho ta quá giang xe máy vậy. Sông hồ tách biệt, núi non cách trở thì dùng gì đây nếu không là Plung chứ, để đi lại, nhất là mùa mưa, và chuyên chở người, thổ sản. Sống gần (*)Dà Dơng, Tơnau, Croh, Tơnau vó, Kềng, Nhrùh, Sére, Tô dà… thế này bòn, plei, buôn, làng nào lại không có con Plung. Nhà nào biết làm ăn mà chẳng có Plung. Nên mới có câu thành ngữ, “Nhà (gia đình), thì phải có cái plung”. Cái Plung nó không có phép lạ, mà không gian sinh nở ra nó tạo ra những tầng giá trị, ý nghĩa.
Những mùa mưa, khô ấy ngồi trên Plung, ta cảm nhận đầy ắp sự thanh khiết mà không thấy chút tội lỗi “công nghiệp”, “khoáng sản” nào với thiên nhiên. Có lẽ vì cái thân cây gỗ nổi trên nước thì nó cộng hưởng được mọi nguyên lý vật chất ở chiều khí động học lẫn những điều sâu kín của tự nhiên, thủy-mộc giao hòa. Nó lướt đi nhanh, nhưng đằm lắm, trôi nổi tỉnh bơ, cứ len theo con sóng, nương vào sóng, con nước, khó lật úp, và cũng không chút đối kháng nào với sông sóng, gió nắng, mưa bão. Dĩ nhiên các sắc dân nhóm Môn-Khmer gọi nó là Plung, còn các sắc dân nhóm Malaiyo-Polynesién gọi nó là M’ran. Đơn giản nó chỉ là nguyên thân cây đục lõm xuống để rỗng ra, nổi được trên mặt nước và chứa chở được người, vật đi đó đây. Rừng núi đầy ra đấy, sông hồ, suối bàu nằm ngay bên rừng, vớ lấy một cái cây đục cho tử tế vào là có một vật dụng tuyệt vời để đi, sinh hoạt. Độc mộc, nghĩa là không lắp ghép. Thế thôi. Thì hải thuyền, tàu bè nào, đóng bằng sắt thép, nhôm, composite, hay chất liệu tổng hợp gì đi nữa cũng chỉ nhằm một mục đích chung là vận tải, phục vụ con người. Tùy mức độ, nhu cầu, không gian khác nhau mà vật thả xuống nước có nhiệm vụ nổi trôi di chuyển đó khác nhau về thiết kế, hình thù, và cách sử dụng thôi. Nó phù hợp với không gian sống, không gian văn hóa, không gian tâm hồn người sơn nguyên, mà đời xui ruổi cho ta được dự phần, cái không gian mà mọi thứ gắn chặt vào thảo mộc…
Dhi Grier trong dấu chim rừng
Ở Tây Nguyên, trong các gia đình sắc dân bản địa, người phụ nữ gánh vác, làm mọi thứ, ngoại trừ con Plung này. Plung đúng là thứ duy nhất mà đàn bà không phải đụng tay vào. Toàn bộ quá trình ra đời của Plung đều do đàn ông. Họ lên rừng tìm chọn cho được cây Dhi Grier. Chỉ cây rừng này, vì chúng chịu được nắng và nước, khó mục và cũng không bị nứt nẻ trong môi trưởng ẩm nóng. Và chặt đúng một cây, mang về, không được chặt quá. Khi đi tìm cây Dhi Grier (cây sao xanh, tiếng phổ thông) này trong rừng, nếu phía trước nghe có tiếng chim kêu là đi tiếp, tốt. Nhưng nếu tiếng kêu của chim ở đàng sau lưng thì không tốt, phải quay về ngay. Có lẽ khi gia chủ tính chuyện làm một con Plung đã được núi rừng nghe thấy, ứng cho biết là “được” hay “chưa” thông qua loài chim rừng bất kỳ nào đó là sứ giả. Trước khi đốn cây Dhi Grier phải làm lễ cúng xin rừng (Yàng) cho phép hạ lấy. Mười hai mét, mười mét, tám mét, hay sáu mét, bốn mét chiều dài cho một con Plung là phụ thuộc ở nhu cầu gia chủ chở người, chở thổ sản, hay đi chăn bò, chở con đi học, đánh bắt cá. Nhưng lòng của con Plung rộng bốn mươi, sáu mươi, hay tám mươi phân là phụ thuộc vào bề ngang cây gỗ kiếm được. Nghĩ ra nó là một sự thông minh, tinh tế đến tối giản, cực khoa học. Sự xuất hiện của nó hợp lẽ đất trời. Một thực thể, vật dụng bản nguyên; một sản phẩm của xã hội nguyên bản, vô nhiễm hoàn toàn với “công nghiệp”, “kỹ nghệ” và phá hủy. Công nghiệp là tiện ích, là văn minh, mà cũng là bạo tàn; là cấp cao mà cũng là cấp thấp, là đức hạnh mà cũng là tội lỗi. Chưa chắc công nghiệp “ở trên” mà cũng chưa chắc nông nghiệp là “ở dưới”, cũng như tên lửa thông minh (và văn minh) hơn hoa hồng. Ví như vũ khí tên lửa đạn đạo của người Nga, người Mỹ với hoa Tulip của người Hà Lan, hoa hồng của người Bulgaria... Với con Plung, người Tây Nguyên ở Việt Nam đục cây gỗ xong, tri ân trời đất (cúng) để Yàng chứng kiến. Khi đưa thuyền ra chạm xuống mặt nước, cúng để Yàng thấy cây đã hóa kiếp thành thuyền - từ đây cuộc đời trên đất đã sang cuộc đời dưới nước. Chưa nói trước đó, khi hạ và đục lấy cây Dhi Grier phải để một quả trứng gà lên đấy, nếu trứng không lăn thì thuyền ra đời mới ngon, tốt, sẽ không lật. Plung, một thực thể sống tất yếu với người sơn nguyên, nó thân thiết và máu thịt như chiếc gùi hay cái xà gạt vậy mà.
Nhưng làm hoàn thành chiếc thuyền thì việc sử dụng nó được trao ngay cho phụ nữ, và người phụ nữ cũng là chủ thể sở hữu lấy nó. Mẫu hệ mà! Vì vậy nên chỉ thấy hình ảnh người phụ nữ hàng ngày trên con thuyền độc mộc; và luôn chèo, bơi giỏi hơn đàn ông. Đàn ông nếu dùng đến chỉ là đi bắt cá, chở con đi chơi, chứ còn đưa thuyền đi bờ này sang bờ kia, lên rẫy, vào núi, vận chuyển hàng hóa, bán mua là trong tay người đàn bà tất - số phận họ như “dính” với chiếc thuyền độc mộc.
Ký ức giữa thực tại
Rồi mới đó, độ hai lăm năm nay, những (*) Dà Dơng, Tơnau, Croh, Tơnau vó, Kềng, Nhrùh, Sére, Tô dà… không đâu còn thấy bóng hình của Plung mi tung hoành nữa. Mi biến mất gọn như David Copperfield làm ảo thuật về cuộc đời mi. Dù ảo thuật là trò đánh lừa thị giác người xem trong phút chốc, giải trí cho vui, còn Plung nó là cuộc sống thật của con người, một phần của cuộc đời này.
Những người S’tiêng ở sóc Bù Khiêu, Bù Run vùng Cát Tiên đã đi xuồng vỏ thép trên sông Đồng Nai rồi. Những người Ê Đê, Lào đã không dùng mi chở ta trên sông Sérepôk. Thì cũng như người Banahr ở Kon Tum cũng đâu cho ta qua sông Dak Bla bằng Plung vào mùa khô năm nay như hai mươi ba năm trước. Xe cày, xe máy, xe hơi dĩ nhiên chỉ đi trên đường đất.
Đó là khi đi quanh mà không thấy thuyền độc mộc ở các bòn buôn vùng sâu vùng xa thì ta chỉ còn biết về nhìn phiên bản nó trong Bảo tàng tổng hợp tỉnh Đắk Lắk. Bảo tàng này nhanh tay, tậu được một chiếc từ không gian của các bòn người M’Nông bên hồ Lăk cách tỉnh lỵ Buôn Ma Thuột gần năm chục cây số. Thì cũng như nàng H’Len Nie, lúc cố mở một quán cà phê thật bản sắc truyền thống Ê Đê ở giữa TP Buôn Ma Thuột, nhưng không tìm đâu còn nữa chiếc M’ran - tiếng Ê Đê chỉ thuyền độc mộc của sắc dân Ê Đê mình, H’Len bèn về vùng Lăk để mua một chiếc của sắc dân M’Nông đưa lên. Mà làn sóng đi sưu tầm Plung mi để bán buôn, chơi, trang trí nhà, vườn, quán xá giờ thì đang lan tràn khắp Tây Nguyên rồi, say sưa nhất là người Kinh ta.
Plung, hình như mi đã làm xong nhiệm vụ lịch sử của mi. Nhiệm vụ lịch sử ở chỗ, mi chỉ có thể tồn tại khi con người nương tựa vào thiên nhiên để sống, hòa thuận với tự nhiên, dè sẻn với thiên nhiên, rón rén với thiên nhiên, và kỹ nghệ, cơ khí máy móc, ở đây là máy móc dùng cho thủy giao chưa phát triển và dễ phổ biến như giờ đây. Những con sông, giờ đây vì bị đoạn ra làm nhiều khúc để làm thủy điện kia, đành phải nói lời vĩnh biệt với người bạn sắt son đi từ ban sơ của nó là mi. Những vùng Tơ nau vó (bàu nước hoang - nơi tụ muôn loài thủy sinh, và chỗ để các loài thú tìm về uống nước, lấy khoáng chất vi lượng) đã bị đẩy ra chơi vơi khi xung quanh không còn rừng, thì mi cũng lạc loài, vô duyên, mà thực ra cũng chẳng loài nào ở đó nữa để mà có mi. Mi thấy không, có Tơ nau vó nào giờ không ngập bước chân người, kể cả trong rừng đặc dụng, khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia. Mi chỉ đi, cánh rừng nào là của Yàng, của chung cộng đồng, sử dụng và gìn giữ tự nhiên của những tổ người sống xung quanh nó như xa xưa. Thiết chế về của cải trong trời đất đã khác rồi, và cơ hội cũng như quyền sử dụng nó. Kiểu như vùng đầm hồ nào xinh đẹp người ta cũng đều nhắm chọn để làm khu nghỉ dưỡng, nhà hàng, lập dự án thì mi lấy lý lẽ gì để bơi trên đó.
Dù biết rằng, cái gì càng xa hoa thì càng bòn rút mọi thứ trong thiên nhiên nhiều mà thành. Nhưng nếu không là lớp người thượng đẳng thì phàm những kẻ có lương tâm há lại chẳng sòng phẳng cảm thấy mắc nợ thiên nhiên khi thụ hưởng những xa xỉ nó đưa lại. Là ví như khi di chuyển trên xe máy lạnh, tàu lửa cao tốc, máy bay, hay du thuyền xa hoa, nếu ích kỷ ta cứ dửng dưng và kiêu hãnh thụ hưởng, xem là “thành đạt”, “thành tựu”, “văn minh” nhưng với tư cách một sinh vật bé mọn bình đẳng cùng các loài trong vũ trụ mênh mông, giống loài có ý thức cùng tâm hồn và biết đặt mình trong lẽ trời đất, ta có thể sẽ chạnh lòng nghĩ đến thuở trên thuyền độc mộc sống không xa xỉ nhưng no đủ, thanh cảnh, vui tươi; không nhiều độc hại, bệnh tật hiểm hóc. Có thể ai đó cho đó là cái thuở mà ta mông muội, lạc hậu, đơn sơ, nhưng nên nhớ có một sự thật này, rằng thuở đấy thế gian không nhiều biến loạn, hận thù và lòng người không biến động, hoang man, và lòng tham cùng các thứ sân si, tranh chấp, đòi hỏi của con người không vô lương, vô độ.
Mi nhắc nhớ con người về buổi còn gần gũi với thiên nhiên, xài đủ sống, không thu vén, dự trữ, đoạt cướp, tranh đua mà nhà này đứng trên nhà kia, người này đứng trên người nọ, nhất là về sự khéo léo hòa thuận của con người trước trời đất, và sự giới hạn của lòng tham. Mi là một thứ ký ức, bộ hồi ức về buổi ban đầu, buổi con người còn đơn sơ, tử tế, thuần khiết.
“Bảo tàng sống” Thuyền độc mộc
Dăm ba bến hồ, bến sông ở vùng Ayun Pa của người J’rai, vùng Kon Tum của người Banarh, vùng hạ lưu sông Sêrêpôk ở Ea Súp, Buôn Đôn của người Ê Đê - Lào - M’Nông đỏ mắt tìm kiếm mới thấy thấy vật vờ đôi ba con Plung/M’ran. Nhưng con nào cũng tàn tạ lắm rồi, như các “cụ Plung”, tuổi năm - sáu - bảy mươi năm cả. Hình ảnh rực rỡ hấp hối duy nhất của Plung chỉ còn có thể chứng kiến ở vùng của người M’Nông Gar, quanh hồ Lăk, xứ Lăk. Nơi này người M’Nông Gar thuần sơn nguyên, bòn (làng) của họ còn dày đặc, và họ sinh sống ngàn đời với nước (Lăk là nước, ở đây có cả vị Yàng Lăk cho xứ sở thần Nước), với nghề trồng lúa nước và đánh bắt thủy sinh. Hàng ngày những người phụ nữ ở bòn Jun, bòn Lê vẫn băng hồ bằng Plung để đi rẫy ở núi bên xa kia. Và những người phụ nữ ở bòn M’Liêng, Triết, Trấp… vẫn ra chợ thị trấn huyện lỵ bằng Plung. Vì hồ tự nhiên Lăk quá đẹp, bản sắc văn hóa M’Nông Gar còn quá đặc sắc, nên khách du lịch tìm đến đây nhiều. Và nhiều nhà M’Nông Gar cũng biết lấy những con Plung để chở khách đi chơi, kiếm chút tiền. Với tôi, Lăk đây đang là “Bảo tàng sống” cuối cùng về thuyền độc mộc trên miền sơn nguyên Tây Nguyên. Dù bà H’Duôi ở bòn Jun sát mép hồ nói rằng, cũng hai mươi lăm năm rồi, không thấy có chiếc Plung nào mới đưa xuống hồ cả. Số thuyền độ hai chục chiếc còn lại quanh đây là những chiếc ông cha để lại từ những năm 1960, 70, 80, 90 của thế kỷ trước. Không phải mỗi nhà ít có nhất một chiếc như xưa nữa, trong khi các bòn làng quanh đây số gia đình người M’Nông có đến số ngàn. Song con nào giờ nhìn thân thể cũng như tấm áo của những kẻ cơ hàn, đã dày đặc chỗ vá to, nhỏ, vá bằng tôn, bằng nhôm, bằng nhựa, từ bụng đến thân, từ đầu đến đuôi. H’Ánh, cô gái trẻ hơn bà H’ Duôi cả mấy chục tuổi, bên bến hồ ấy tâm tư với tôi là giờ có xe cày, xe máy, nhưng cực chẳng đã phải dùng xe động cơ này và chỉ ở mùa khô - khi hệ thống sông - suối - hồ ở xứ Lăk co lại vì thủy điện đó đây trên lưu vực. Chứ với cô, mùa mưa vẫn thích dùng Plung để sinh hoạt, đi lại, dù chiếc thuyền độc mộc cuối cùng của nhà cô vì mấy cái rẫy ở bên kia núi chứ không vì du lịch bên hông nhà. Trong lòng bà H’Duôi cũng như cô H’Ánh, Plung mà làm du lịch là Plung đang “diễn”, đang “kỹ nghệ du lịch” chứ không phải Plung đang sống cuộc đời sông hồ - rừng núi - nắng mưa - rẫy nương - thủy/lâm thổ sản - nước mắt - mồ hôi - buồn vui của nó với bà con. Với tôi, thì Plung còn làm du lịch cũng là may, vì ít nhất tôi còn nhìn thấy vóc dáng, xác phàm của nó. Với ông Y Bhun ở bòn Lê, quanh đây không ai còn dám lên rừng để lấy cây Dhi Grier nữa. “Xứ Lăk cũng đã hết sạch cây cối (rừng) rồi. Nơi còn rừng, nó ở xa lắm, mà nhà nước quản lý hết, có chủ cả!”. Pháp luật chuẩn, lề lối, tử tế đến thấu lòng dân gian. Pháp luật bảo vệ rừng chẳng nhẽ lại có cơ chế riêng, điều khoản riêng cho mi được sao hả Plung?!
Lòng vòng quanh xứ sở của thuyền độc mộc Lăk này với ta, người đàn ông cũng hay suy tư về mi, ông Y Bhun, chợt ông dừng lại chốt hạ dự báo: “Plung sẽ không bao giờ còn tồn tại nữa!”. Ta nhớ ánh mắt già ngây (chứ không phải thơ ngây!) của ông Bhun khi đưa tay chỉ ra nơi người M’Nông mình bao đời đậu Plung: “Ồ, mấy chiếc đó hỏng lụi ít năm nữa là xong, chấm hết thôi!”.
Ta mặc kệ thiên hạ khắp nơi, trên núi, dưới xuôi, phố xá kéo nhau đi sưu tầm mi. Ta chỉ thích mi trong cuộc đời thật của mi, hiện thực ở không gian sinh học, không gian văn hóa của mi. Mà giờ Dà Dơng, Tơnau, Croh, Tơnau vó, Kềng, Nhrùh, Sére… còn tơi bời hoa lá, không hình thù dáng ngợm nữa, huống chi đến “Bến thuyền”, và mi. Không ai cứu được mi cả đâu. Mi chỉ là kỷ niệm của nhân loại vào một thời xã hội loài người là xã hội thảo mộc, xã hội nông nghiệp, chứ không phải xã hội công nghiệp, xã hội điện tử, xã hội tiên tiến, xã hội thông minh, dù thời còn mi xã hội con người giản dị, dễ hiểu hơn bây giờ. Mi là câu chuyện về buổi ban đầu của loài người. Cái buổi ban đầu là thời lộng lẫy sát thực, ít hiểm ác, tranh chấp và tham lam; còn buổi hiện đại sao cứ diêm dúa, ảo tưởng, rối tưng, trừng phạt. Mà loài người có một thứ bệnh trầm kha như số mệnh giống loài là càng già, càng tối tân, càng kỹ thuật số, càng hung hăng là càng ưa nhìn về quá khứ, nguồn cội. Nên còn lâu họ mới quên mi, dù tới ngày mi không còn bóng dáng nữa như ông Y Bhun nói. Rồi họ sẽ đào sâu ký ức về mi, điều nghiên về mi, khảo cứu về mi, kể chuyện huyên thuyên về mi. Hành trình có mặt trên đời của mi như thể cũng vẻ vang rồi. Khép mắt đi. Hoặc tham tồn tại như loài người, đòi hỏi nhiều như loài người, nhu cầu hưởng thụ bất tận như loài người, thì mi hãy đầu thai vào kiếp xe hơi, máy bay, tàu lửa cao tốc đi. Riêng ta, ta cúi đầu đăng ký làm người đầu tiên nhớ về mi, dù thuở mi chưa khép mắt và lúc mi hấp hối nhất ta vẫn không hề cứu mi. Ta nhỏ lệ cho mi, mà như đang nhỏ lệ cho giống loài mình, con người, cho chính ta.
(*) Tiếng K’Ho, Mạ, M’nông, S’tiêng chỉ: Sông, suối, hồ, đầm, bàu nước, bến bờ, thác, ruộng đồng, nguồn nước…
Bút ký: NGUYỄN HÀNG TÌNH
Tất cả cảm xúc:
Ly Trinh, Kim Thịnh Dancer và 84 người khác
13 bình luận
3 lượt chia sẻ
Thích
Bình luận
Chia sẻ
Xem thêm bình luận
Kim Tuyet
Đọc bài mà buồn ở đoạn cuối quá anh. Sáng nay đọc tin Sông Đà, sông Đáy càng thấy buồn hơn, nước ơi ! Chảy đi sông ơi!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét