Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Thứ Sáu, 9 tháng 6, 2023

CHIM CÔNG TRONG VĂN HÓA TỘC NGƯỜI *Tấn Vịnh

 

 
Đã chia sẻ với Công khai
Công khai
Ngày xưa ở vùng Buôn Trấp dọc theo hai dòng sông Krông Ana, Krông Knô.. có rất nhiều loài chim công này...
CHIM CÔNG TRONG VĂN HÓA TỘC NGƯỜI
*Tấn Vịnh
Công hay còn gọi là chim khổng tước (có tên khoa học là Pavo Muticus), là một trong số các loài thuộc nhóm chim trĩ, có kích thước lớn.
Công thích sống ở các vùng rừng thưa, đặc biệt là rừng khộp (rừng cây họ dầu, phân bố nhiều ở Lào, Campuchia, Việt Nam), vùng cửa rừng và các khu vực nương rẫy ven sông suối, nguồn nước. Chúng thường thích tới những nơi trống trải, những bãi cỏ nằm xen kẽ trong rừng hoặc ven rừng để kiếm ăn theo từng cặp hoặc theo bầy đàn 5 - 7 con. Ở nước ta từ xưa, chim công phân bố khắp cả nước. Vùng rừng khộp còn lại ở nhiều khu vực thuộc Tây Nguyên và núi rừng Trường Sơn là nơi sinh sống lý tưởng của chim công. Từ xa xưa, loài chim này đã đi vào đời sống tín ngưỡng, tâm linh, văn hóa, nghệ thuật của nhiều tộc người.
Công được xem là loài chim quý bởi sở hữu bộ lông đuôi sặc sỡ nên trước đây các bậc quan vương quyền quý thường nuôi công để thưởng ngoạn và làm đồ trang sức. Lông đuôi chim công trở thành vật trang trí nơi thờ cúng, cài trên các vương miện đầy vẻ uy quyền. Thời phong kiến, chỉ có quan ngũ phẩm trở lên mới được dùng mũ cắm lông chim công, vì thế nhiều người cho rằng lông chim công cũng là biểu tượng của quyền lực, tiền tài, danh vọng. Hoa văn trên lông của chim công giống như những đồng tiền cổ nối liền nhau, màu sắc chủ yếu là vàng óng lộng lẫy. Nhiều người quan niệm rằng lông chim công có thể hút năng lượng từ trời đất nên để dùng điều hòa âm dương trong nhà, cơ quan, văn phòng, cửa hàng kinh doanh. Từ xa xưa, chim muông là đề tài trang trí hoa văn mà người Lạc Việt tập trung thể hiện trên các vật dụng như trống đồng, thạp đồng. Trên tang trống đồng Ngọc Lũ và trống đồng Hiếu Môn có hoa văn mô tả một loài chim chân cao, mỏ ngắn, đuôi dài, trên đầu có hai mào lông khá lớn và hai mào tròn dưới mỏ. Đây chính là hình ảnh của loài chim công và chim lạc mà người xưa rất ưa thích đưa vào nghệ thuật trang trí.
Với vẻ đẹp quyến rũ của mình, chim công được coi là con chim thiêng trong đời sống tâm linh của đồng bào các dân tộc miền núi. Đồng bào xem lông chim công như tài sản quý, chúng được cắm trong chiếc ché lớn để dành, mỗi dịp lễ hội mới mang ra trưng bày để trang trí làm đẹp cho ngôi nhà của chủ lễ. Người Cơ Tu lấy lông chim công, chim trĩ gắn trên đầu như là một thứ trang sức lạ và đẹp mắt. Họ còn vẽ nhiều bức tranh màu về chim công trên các tấm ván thưng, xà ngang trong nhà gươl - ngôi nhà làng truyền thống. Dân tộc Cor cũng rất yêu thích loài chim này. Nó là loại chim quý thường xuất hiện ở vùng người Cor sinh sống. Về mùa bắp, công thường đến rẫy ăn bắp, lại xòe đuôi múa trên mặt đất. Người ta thường dùng bẫy dập để bắt công, đem về làm thịt chế biến nhiều món ăn rất ngon. Sau khi ăn thịt, người ta có thể giữ lại lông, đuôi để trang trí. Chính quyền thực dân phong kiến khi xưa bắt xâu nộp thuế cũng buộc người Cor nộp cả “đuôi công, lông trĩ”.
Người M’nông ở Tây Nguyên là tộc người rất giỏi về điêu khắc tượng trang trí ở nhà mồ. Tượng chim công đậu trên ngà voi, trên nồi đồng mà ta thường thấy nơi nhà mồ của các gru săn voi tượng trưng cho sự cao quý, giàu sang. Ngày nay, đến thăm khu nhà mồ Buôn Đôn, du khách được ngắm nhìn rừng tượng chim công, ngà voi, nồi đồng, tượng người...; qua đó có thể khám phá một thế giới nghệ thuật sơ khai, hồn nhiên của người M’nông - những người săn bắt và thuần dưỡng voi rừng nổi tiếng ở Tây Nguyên. Dân tộc Êđê, M’nông lấy đuôi chim công cắm dưới mái nhà để trang trí và cầu may mắn. Trong các lễ hội, đồng bào thường trang trí lông công làm đẹp cho cảnh quan của ngôi nhà. Trong Lễ thổi tai của người Êđê, bộ lông đuôi chim công thường đặt bên cạnh em bé để cầu may mắn, phúc lành cho em bé và các thành viên trong gia đình. Chim công cũng đi vào đời sống nghệ thuật các tộc người khác ở vùng Đông Nam Á: Người Khmer có điệu múa chim công nổi tiếng; thổ dân Indonesia có bộ trang phục truyền thống giống như “bộ cánh” của chim công; các chàng trai Thái Lan lấy lông đuôi chim công làm đạo cụ thể hiện các điệu múa mạnh mẽ, sôi động trên đường phố trong các dịp lễ hội…
Chim công là loài vật gắn bó với đời sống tâm linh, văn hóa, nghệ thuật các tộc người ở vùng Trường Sơn - Tây Nguyên. Hiện nay, công đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng bởi chúng trở thành đối tượng săn bắt của các thợ săn; đặc biệt là nạn phá rừng, đốt nương làm rẫy khiến loài chim này bị mất nơi cư trú. Vì vậy, cần có những việc làm thiết thực nhằm bảo vệ loài chim quý này để chúng tiếp tục sinh sôi, phát triển, làm đẹp cho núi rừng, buôn làng và làm giàu có di sản văn hóa của các tộc người..
Tấn Vịnh
Tất cả cảm xúc:
Hung Kieu, Phi Toan và 87 người khác
14 bình luận
1 lượt chia sẻ
Thích
Bình luận
Chia sẻ
Xem thêm bình luận
Lê Thị San
Sau 75 nhà mình đi kinh tế mới Hòa Khánh,Má mình phá dọn được hơn 1 hecta đất có dòng suối nhỏ uốn quanh,có rừng trúc xanh đẹp ơi là đẹp,chim muông nhiều vô kể.Và cũng ở nơi này bọn mình đã được nhìn thấy chim công múa,tuyệt vời lắm...❤❤❤
7

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét